Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2024

Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 xuất bản ngày 25 tháng 12 năm 2024.

Trong bài giới thiệu này, chúng tôi xin gửi tới độc giả một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập trong 08 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2024, cụ thể như sau:

Với bài viết Hệ thống Tòa án nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII”, tác giả Đỗ Đức Hồng Hà và Lê Thị Hương Giang nêu nhận định: “Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới khẳng định trọng tâm đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.” Bài viết làm rõ thêm kết quả giải quyết, xét xử các loại vụ, việc của hệ thống Tòa án nhân dân năm 2024; từ đó nêu và phân tích các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 và đề xuất, kiến nghị.

Bài viết Hoàn thiện quy định của bộ luật hình sự về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự” của tác giả Nguyễn Văn Lam và Trần Thị Thủy Tiên nêu và phân tích khái quát một số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định chưa phù hợp và chưa được điều chỉnh trong Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trên cơ sở phân tích về các vấn đề bất cập và xác định sự cần thiết phải điều chỉnh trong Bộ luật Hình sự, tác giả đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm hoàn thiện quy định về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Bài viết “Biện pháp nhận biết giọng nói trong tố tụng hình sự Việt Nam - những vấn đề lý luận và thực tiễn của tác giả Phạm Long Hải phân tích về nhận biết giọng nói trong tố tụng hình sự Việt Nam, thực tiễn áp dụng biện pháp nhận biết giọng nói và đề xuất một số kiến nghị có liên quan để nâng cao hiệu quả triển khai áp dụng biện pháp này trong thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự.

Trong bài viết Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục tố tụng dân sự”, tác giả Trần Phương Thảo nêu nhận định: “Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục tố tụng dân sự sẽ kịp thời ngăn chặn được việc tẩu tán tài sản tranh chấp, hủy hoại chứng cứ, trốn tránh thi hành án dân sự.” Bài viết tập trung nghiên cứu việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong giải quyết tranh chấp đất đai trên cơ sở các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đưa ra một số vấn đề cần phải hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp đất đai trong thực tiễn.

Với bài viết “Truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với vi phạm pháp luật về quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân”, tác giả Phạm Thị Phương Thảo trình bày: “Dữ liệu cá nhân là yếu tố liên quan chặt chẽ tới phạm trù quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực an ninh mạng, an ninh dữ liệu...” Trong phạm vi bài viết, tác giả đề cập và phân tích đến một số khái niệm pháp lý được quy định trong Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, hướng đến hai mục tiêu chính là nhận diện thống nhất nội hàm thuật ngữ và nhận diện các dạng trách nhiệm pháp lý đối với các vi phạm phổ biến hiện nay về quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Tác giả Trương Tư Phước nêu nhận định trong bài Sự tương đồng và khác biệt giữa biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng và liên hệ với biện pháp xử lý chuyển hướng giáo dục tại trường giáo dưỡng”: “Đưa vào trường giáo dưỡng và giáo dục tại trường giáo dưỡng là hai biện pháp trách nhiệm pháp lý có tính hạn chế quyền tự do, buộc người chưa thành niên phải học tập, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý của trường giáo dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp cưỡng chế hành chính đặc biệt, trong khi đó, giáo dục tại trường giáo dưỡng là biện pháp tư pháp thay thế cho hình phạt trong trách nhiệm hình sự.” Bài viết phân tích những điểm tương đồng, khác biệt giữa biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, đồng thời, liên hệ với biện pháp xử lý chuyển hướng giáo dục tại trường giáo dưỡng trong Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Bài viết “Pháp luật bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo tại phiên tòa hình sự sơ thẩm và kiến nghị hoàn thiện”của tác giả Hoàng Đình Thanh tập trung phân tích pháp luật về quyền bào chữa của bị cáo tại phiên tòa hình sự sơ thẩm, đánh giá một số vướng mắc trong thực tiễn, từ đó, đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Tác giả Nguyễn Thị Minh Phượng và Ngô Huỳnh Đức nêu nhận định trong bài viết Một số nhầm lẫn trong thực tiễn về định tội danh tội cướp giật tài sản và kiến nghị”: Cướp giật tài sản là tội phạm xảy ra rất phổ biến trên thực tế. Việc áp dụng pháp luật để xử lý tội phạm này cũng theo đó mà diễn ra thường xuyên hơn, chính vì vậy, áp dụng pháp luật hình sự một cách đúng đắn để giải quyết vụ án là một đòi hỏi tất yếu. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tiễn, nhóm tác giả nhận thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng còn có một số nhầm lẫn hoặc lúng túng trong việc định tội danh tội cướp giật tài sản, nhất là nhầm lẫn với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp tài sản dẫn đến việc xác định không đúng tội danh và giải quyết vụ án chưa chính xác. Do đó, thông qua một số vụ án cụ thể, bài viết phân biệt một số trường hợp có thể gây nhầm lẫn như nêu trên, để việc định tội danh đối với tội cướp giật tài sản được chính xác hơn.

Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 kỳ II tháng 12 năm 2024.

* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

BTK