Gói thầu tiết kiệm thấp của Bệnh viện mắt Hà Nội: Nhiều trường hợp cần xem xét lại, tránh khuất tất

Công ty Tâm An đã tham gia 13 gói thầu do Bệnh viện Mắt Hà Nội làm chủ đầu tư, trong đó trúng 12/13 gói thầu bằng hình thức độc lập và liên danh, 01 gói trượt, tỉ lệ giá trúng thầu với giá dự toán 99.39%. Tuy nhiên, một điều đặc biệt dẫu “bách phát bách trúng” là vậy nhưng ở nhiều gói thầu Công ty Tâm An lại không tiết kiệm được một đồng nào cho ngân sách nhà nước?.

Tỉ lệ tiết kiệm "tượng trưng cho tới 0 đồng"

Công ty TNHH Thiết bị Y khoa Tâm An (viết tắt: Công ty Tâm An) thành lập ngày 10/09/2014 có mã số thuế 0312920901. Trụ sở chính: 338/27 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 04, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh, người đại diện pháp luật: Lê Thanh Giang – chức vụ: Giám đốc.

Theo tra cứu tại phần mềm đấu thầu Quốc gia cho thấy, Công ty Tâm An là một doanh nghiệp có tiếng khi trúng liên tiếp nhiều dự án lớn tại các tỉnh thành trong cả nước và Bệnh viện Mắt Hà Nội cũng không nằm ngoài danh sách mà đơn vị này tham gia dự thầu.

Cụ thể, ngày 29/03/2023, ông Nguyễn Xuân Tịnh – Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội ký Quyết định số 264/QĐ-BVM phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 06: Mua Thủy tinh thể đặc biệt đơn tiêu kéo dài dải tiêu cự năm 2023 thuộc Dự toán: Mua sắm thủy tinh thể nhân tạo năm 2023 với giá gói thầu là 8.990.000.000 VND. Liên danh Tâm An – Bách Quang trúng thầu với giá 8.990.000.000 VND. Tiết kiệm được 0 đồng cho ngân sách nhà nước.

Ngày 17/03/2023, ông Nguyễn Xuân Tịnh ký Quyết định 233/QĐ-BVM phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 05: Mua Thủy tinh thể mềm, đa tiêu cự năm 2023 thuộc Dự toán: Mua sắm thủy tinh thể nhân tạo năm 2023 cho liên danh Tâm An – Hùng Vĩ với giá 2.979.000.000 VND. Thật trùng khớp khi giá gói thầu này cũng là 2.979.000.000 VND. Tiết kiệm 0 đồng.

 02 Gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm “0 đồng” của Công ty Tâm An.

Ngoài ra, Công ty Tâm An còn trúng các gói thầu như: Gói thầu số 13: Mua vật tư y tế cho khám, phẫu thuật chuyên khoa Mắt cuối năm 2022; Gói thầu: Mua sắm Thiết bị Y tế nguồn Ngân sách Nhà nước năm 2022; Gói thầu số 15: Mua Thủy tinh thể mềm, đa tiêu cự; Mua sắm Trang thiết bị y tế nguồn Ngân sách Nhà nước năm 2021...có tổng giá trị cả chục tỷ đồng tuy nhiên tỉ lệ tiết kiệm hầu như không đáng kể.

Ba gói thầu thuộc dự toán: mua sắm Vật tư phục vụ công tác khám chữa bệnh cuối năm 2021 cho Bệnh viện Mắt Hà Nội đều có tỉ lệ tiết kiệm bằng 0.

Điều đáng ngạc nhiên, kịch bản “tiết kiệm 0 đồng” được lặp lại nhiều lần trong cùng một ngày, cả ba gói thầu thuộc dự toán: mua sắm Vật tư phục vụ công tác khám chữa bệnh cuối năm 2021 cho Bệnh viện Mắt Hà Nội do bà Phạm Thị Hồng Lê - Phó Giám đốc Bệnh viên Mắt Hà Nội ký thay ông Nguyễn Xuân Tịnh - Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội quyết định phê duyệt nhà thầu đều có sự góp mặt của Công ty TNHH Thiết bị Y khoa Tâm An.

Ngày 06/12/2021 bà Phạm Thị Hồng Lê Phó Giám đốc Bệnh viên Mắt Hà Nội đã ký quyết định Số 1121/QĐ-BVM về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 03: Mua sắm thủy tinh thể nhân tạo mềm, đơn tiêu cự. Đơn vị trúng thầu: Liên danh Công ty TNHH Thiết bị Y khoa Tâm An – Công ty TNHH Minh Tuệ - Công ty CP Dược phẩm TBYT Việt Long – Công ty CP Thiên Trường; với giá trúng thầu 9.429.200.000 đồng (Bằng chữ: Chín tỷ, bốn trăm hai mươi chín triệu, hai trăm nghìn đồng chẵn), tiết kiệm 0%.

Cùng ngày, bà Phạm Thị Hồng Lê ký quyết định số 1127/QĐ-BVM về việc phê kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 06: Mua sắm vật tư tiêu hao chuyên khoa Mắt. Đơn vị trúng thầu: Liên danh Công ty TNHH Thiết bị Y Khoa Tâm An – Công ty CP Thiên Trường; với giá trúng thầu 7.276.056.200 đồng (Bằng chữ: Bảy tỷ, hai trăm bảy mươi sáu triệu, không trăm năm mươi sáu ngànm hai trăm đồng), tiết kiệm 0%.

Bênh cạnh đó, với tư cách nhà thầu độc lập Công ty TNHH Thiết bị Y Khoa Tâm An cũng được bà Phạm Thị Hồng Lê phê duyệt trúng thầu gói thầu số 04: Mua sắm thủy tinh thể nhân tạo mềm, đa tiêu cự tại quyết định số 1123/QĐ-BVM ký ngày 06/12/2021, với giá trúng thầu 7.690.000.000 đồng (Bằng chữ: Bảy tỷ, sáu trăm chín mươi triệu đồng chẵn), tiết kiệm 0%.

Cần xem xét lại tính minh bạch?!

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Ngô Thành Ba (Công ty Luật TNHH Niềm tin Công Lý - Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết:  “Hoạt động đấu thầu được triển khai mục đích đầu tiên là nhằm lựa chọn được nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án đạt chất lượng, và tiếp đến là chi phí thực hiện phù hợp, tiết kiệm được cho chủ đầu tư.

Do vậy, khi đưa ra các tiêu chí để lựa chọn nhà thầu thì ngoài các điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật phù hợp với yêu cầu của gói thầu thì giá chỉ là một phần tiêu chí.

Lĩnh vực y tế là một lĩnh vực được toàn bộ xã hội rất quan tâm, bởi ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo vệ sức khỏe, tài sản của người dân. Việc nhiều gói thầu trúng thầu sát giá, tỉ lệ tiết kiệm thấp tại một chủ đầu tư đặt ra mối lo về đấu thầu chưa thực sự cạnh tranh.

Đây là sự bất thường trong hoạt động đấu thầu, nếu diễn ra phổ biến, thường xuyên thì các cơ quan chức năng cần tăng cường việc giám sát, thanh tra, kiểm tra”.

Đề cập đến nguyên nhân của tình trạng những gói thầu “siêu tiết kiệm”, vị luật sư phân tích: “Nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ tiết kiệm, giảm giá của đấu thầu thấp có thể do vùng thực hiện gói thầu không thuận lợi, hiệu quả kinh tế không cao, nên không thu hút được nhà đầu tư; giá trị, quy mô gói thầu không lớn, nên ít doanh nghiệp tham gia,… Ngoài ra, nếu công tác thiết kế, lập dự toán chi phí bám sát được giá thị thường, chủ đầu tư công tâm, khách quan thì mức giá cũng không giảm được nhiều.

Tuy nhiên, trường hợp gói thầu đấu thầu rộng rãi thông thường, ít đơn vị tham gia mà tỉ lệ tiết kiệm chỉ dưới 1%, có trường hợp 0%, thì trong nhiều trường hợp, cần phải xem xét lại, tránh sự khuất tất, không khách quan, công bằng khi lựa chọn nhà thầu”.

Theo luật sư Ngô Thanh Ba, hệ lụy đặt ra trong những trường hợp này, có thể nhìn thấy là hiệu quả kinh tế không được đảm bảo cho chủ đầu tư: “Bên cạnh đó, với việc cạnh tranh không lành mạnh, những nhà thầu có kinh nghiệm, kỹ năng bị loại bỏ, giảm động lực cạnh tranh, đổi mới, phát triển của doanh nghiệp, xã hội.

Ngoài ra, tạo ra cơ chế quan liêu, nhũng nhiễu từ một số bộ phận, và đặc biệt nếu xảy ra tình trạng vi phạm đấu thầu (nếu có) làm cho giá trị hàng hóa, vật tư y tế không giảm thì vô hình trung người dân, bệnh nhân khi sử dụng dịch vụ phải chịu mức phí cao, gây thiệt hại về kinh tế vốn đã eo hẹp”.

“Cần minh bạch, công khai thông tin của hoạt động đấu thầu; chủ đầu tư khi xây dựng hồ sơ mời thầu cần khách quan, không đưa ra các tiêu chí để hạn chế nhà thầu; cơ quan chức năng, người dân, doanh nghiệp cần tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra; và xử lý thật nghiêm khắc các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu”, vị luật sư nhấn mạnh.

Từ đây có thể thấy, ngân sách nhà nước được tiết kiệm thông qua những gói thầu do Bệnh viện Mắt Hà Nội tổ chức là không nhiều, việc lặp đi lặp lại một nhà thầu trúng liên tiếp bộc lộ dấu hiệu “thông thầu”, nghi vấn hỗ trợ doanh nghiệp “quen mặt” của phía chủ đầu tư?.

Tạp chí Tòa án nhân dân đề nghị UBND thành phố Hà Nội, Sở Y tế thành phố Hà Nội cùng các đơn vị có liên quan tiến hành thanh kiểm tra, xác thực tính hiệu quả của các gói thầu do bệnh viện Mắt Hà Nội đã tổ chức cũng như có hay không tình trạng “quân xanh quân đỏ” hướng tới xử lý nghiêm những cá nhân hoặc tổ chức vi phạm (nếu có).

 

Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 của Quốc hội, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn đã quy định đầy đủ, rõ ràng từ các bước lựa chọn nhà thầu đến quy trình thẩm định giá trong gói thầu…nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch, tiết giảm tối đa cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, việc áp dụng và thực thi pháp luật còn bất cập khi nhiều gói thầu chênh lệch giá cao hơn thực tế, dẫn đến việc thời gian vừa qua, bộ Công an và Công an các tỉnh, thành liên tục điều tra, khởi tố, bắt tạm giam hàng loạt lãnh đạo Sở, giám đốc bệnh viện, giám đốc doanh nghiệp... liên quan đến vi phạm trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.

 

Quang Minh-Phương Thảo