Hà Nội: Chuẩn bị các điều kiện cần, sẵn sàng cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện

Công an TP Hà Nội ban hành văn bản số 6445 /CAHN-VTTHCY về chuẩn bị các điều kiện cần, sẵn sàng phối hợp với CATP trong triển khai phần mềm “Cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện" gửi UBND các quận, huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn.

Cụ thể, được sự đồng ý của UBND thành phố Hà Nội, hiện nay, Công an thành phố Hà Nội đã hoàn thành và từng bước triển khai phần mềm cấp và kiểm tra Giấy đi đường có nhận diện cho đối tượng đủ điểu kiện tham gia giao thông qua mã QR Code trên địa bàn thành phố Hà Nội (sau đây gọi tắt là phần mềm “Cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện"). Để đảm bảo triển khai phần mềm kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Công an Thành phố đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tập trung nguồn lực, phối hợp với Công an Thành phố triển khai một số nội dung sau:

1. Chủ động chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng, trang thiết bị, cơ sở vật chất để triển khai phần mềm “Cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện", cụ thể: 

1.1. Chuẩn bị 02 bộ bàn ghế; 02 bộ máy tính (kèm màn hình) có cấu hình phần cứng tối thiểu (CPU: Core i3; RAM: 4GB; Ô cứng: 500GB), phần mềm cài đặt (Hệ điều hành Windows7/10; có cài đặt sẵn Microsoft Office 2010 trở lên; trình đọc file PDF; cài đặt sẵn .net Framework 4.5; phần mềm diệt virus); 02 máy in tốc độ cao; đồng thời, 02 máy tính trên phải đảm bảo có kết nối Internet. (để đảm bảo yêu cầu về tiến độ triển khai thực hiện, đề nghị các đơn vị chủ động chuẩn bị 01 máy dự phòng sẵn sàng trong trường hợp 02 máy tính trên có sự cổ không khắc phục được) 

1.2. Tạo lập 03 địa chỉ Gmail phục vụ việc tiếp nhận email đăng ký cấp giấy đi đường của tổ chức/doanh nghiệp/cá nhân (theo nhóm đối tượng được Thành phố cấp phép; cụ thể sẽ được thông báo sau khi có danh sách phê duyệt); đồng thời, để gửi/ nhận mã khóa xác thực cài đặt phần mềm từ bộ phận quản trị hệ thống. Ví dụ, đối với UBND phường Trần Hưng Đạo thuộc quận Hoàn Kiếm, tạo lập địa chi Gmail theo mẫu sau

(1)grca.hk.thd1@gmail.com (2)qrca.hk.thd2@gmail.com (3)grca.hk.thd3@gmail.com.

(Mẫu địa chỉ: grca. quận/huyện/thị xã. xã/phường/thị trấn 1/2/3 @gmail.com)

Đề nghị các đơn vị phối hợp hoàn thành tạo lập 03 địa chỉ Gmail phục vụ triển khai phần mềm trong ngày 03/9/2021; sau khi hoàn thành tạo lập, các đơn vị sử dụng 03 địa chỉ Gmail trên để gửi xác nhận với noi dung "UBND xã/phường/thị trấn đã hoàn thành tạo lập địa chỉ mail" về địa chỉ email: grcode.cahn.capkey1@gmail.com cho bộ phận quản trị để xác nhận, gửi đường dẫn tải tập tin cài đặt và hướng dẫn sử dụng phần mềm “Cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện".

2. Cử cán bộ, chuyên viên (làm công tác Tư pháp và công tác CNTT) của đơn vị tham gia Hội nghị tập huấn, sử dụng phần mềm "Cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện" qua hình thức trực tuyến (dự kiến tổ chức vào 13h00 ngày 03/9/2021) để nghe phổ biến, quán triệt về tổ chức triển khai, sử dụng phần mềm phục vụ công tác tiếp nhận, xét duyệt và cấp Giấy đi đường có nhận diện trong thời gian giãn cách tiếp theo.

2.1. Tóm tắt nội dung quy trình tiếp nhận, xét duyệt và cấp Giấy đi đường có nhận diện, cụ thể:

(1) Quy trình cấp với tổ chức/doanh nghiệp: 

Tổ chức/doanh nghiệp đăng ký thông tin qua cảnh sát khu vực (CSKV). Cán bộ xã/phường/thị trấn tiếp nhận thông tin được thẩm định từ CSKV và nhập đăng ký của tổ chức/doanh nghiệp.

Hệ thống gửi mail xác nhận trả về tổ chức/ doanh nghiệp.

Tổ chức/doanh nghiệp gửi mail danh sách cán bộ/công nhân viên và đính kèm tài liệu liên quan theo quy định;

Cán bộ xã/phường/thị trấn duyệt hoặc từ chối duyệt danh sách (trường hợp không được duyệt hệ thống sẽ gửi mail thông báo lại cho tổ chức/doanh nghiệp); sau đó, cán bộ xã/phường/thị trấn gửi lại Giấy đi đường được duyệt cho Công an xã/phường/thị trấn đóng dấu xác nhận.

CSKV sẽ gửi lại Giấy đi đường đã được duyệt, đóng dấu cho tổ chức/doanh nghiệp cấp, phát cho cán bộ/công nhân viên.

(2) Quy trình cấp với cá nhân:

Cá nhân đăng ký với CSKV của xã/phường/thị trấn nơi cư trú.

CSKV tiếp nhận, thẩm định lại thông tin và gửi danh sách cho cán bộ xã/phường/thị trấn để xét duyệt hoặc từ chối duyệt.

- Cán bộ xã/phường/thị trấn gửi lại Giấy đi đường được duyệt cho Công an xã/phường/thị trấn đóng dấu xác nhận. 

CSKV sẽ gửi lại Giấy đi đường đã được duyệt, đóng dấu cho cá nhân theo địa bàn quản lý.

(3) Quy trình cấp Thẻ đi chợ/siêu thị:

CSKV lập danh sách các hộ gia đình theo địa bàn xã/phường/thị trấn quản lý;

CSKV gửi danh sách cho cán bộ xã/phường/thị trấn để xét duyệt hoặc từ chối duyệt.

Cán bộ xã/phường/thị trấn gửi lại Thẻ đi chợ/ siêu thị được duyệt cho Công an xã/phường/thị trấn đóng dấu xác nhận.

- CSKV sẽ gửi lại Thẻ đi chợ/ siêu thị đã được duyệt, đóng dấu cho đại diện hộ gia đình theo địa bàn quản lý.

2.2. Các nội dung hướng dẫn chi tiết việc tải, cài đặt, sử dụng phần mềm

"Cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện" sẽ được cung cấp qua Gmail của các đơn vị sau khi tổ chức triển khai, bao gồm: (1) Tài liệu hướng dẫn cài đặt, sử dụng phần mềm; (2) Video hướng dẫn cài đặt, sử dụng phần mềm. Thông tin liên hệ: đội Công nghệ thông tin thuộc phòng Viễn thông, Tin học và Cơ yếu CATP Hà Nội (chi tiết có phân công cán bộ hỗ trợ địa bàn kèm theo).

Để kịp thời tổ chức triển khai phần mềm “Cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện" đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố; Công an thành phố Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã quan tâm chi đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với Công an Thành phố trong quá trình triển khai thực hiện.

 

10 quận, huyện tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 từ 6/9 đến 21/9 

Sơ đồ phương án phân vùng phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội thực hiện từ ngày 6-9 đến ngày 21-9.

Theo UBND TP. Hà Nội, từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9, Thành phố sẽ phân vùng 1,2,3 trên cơ sở tận dụng lợi thế địa lý, các con sông, kênh nước để tăng cường công tác phòng chống dịch; bảo đảm sản xuất, sinh hoạt; hình thành các lớp để ngăn chặn lây lan và tập trung nhân lực, vật lực để phòng, chống dịch ở khu vực nguy cơ cao; tập trung có trọng tâm xử lý những đối tượng, khu vực có nguy cơ cao. Cụ thể:

Phân vùng 1: Là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Hiện là "vùng đỏ", nhiều đối tượng nguy cơ cao.

Gồm 15 đơn vị hành chính: Toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/ huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai;

Một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.

Đối với phân vùng 1, TP. Hà Nội sẽ áp dụng thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn với nguyên tắc "ai ở đâu, ở đó", "người ở vùng nào, ở vùng đó" để khoanh vùng, xử lý, dập dịch triệt để tại khu vực "vùng đỏ" và "vùng cam".

Phân vùng 2: Phân cách bởi hệ thống sông Hồng, sông Đuống với Vùng 1.

Toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.

Đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn, có thể chia thành phân khu trong phân vùng để tổ chức thực hiện đảm bảo "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" trong Vùng 2 cho các khu công nghiệp lớn vận hành thuận lợi.

Tại khu vực nguy cơ cao "vùng vàng" và nguy cơ thấp hơn "vùng xanh", điều chỉnh theo nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng cho phù hợp với cơ chế vận hành các khu vực đô thị, sản xuất công nghiệp theo mô hình, mỗi cơ sở sản xuất là một pháo đài chống dịch, hỗ trợ khu vực Vùng 1, bảo đảm khoa học và kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương.

Phân vùng 3: Vùng sản xuất nông nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp.

Chủ yếu được chia bởi sông Nhuệ, sông Đáy, toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện/thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 5 quận/huyện của Phân vùng 1: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.

Theo đặc điểm từng phân khu về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp, áp dụng theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ khu vực Vùng 1, bảo đảm khoa học và kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương.

Ngoài ra, người dân Hà Nội có thể kiểm tra thông tin dịch tễ bằng cách truy cập Bản đồ thông tin dịch tễ Hà Nội tại https://covidmaps.hanoi.gov.vn/

Ảnh: Công an nhân dân

Tài liệu đính kèm

PV