Hà Nội đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh

Sống xanh, tiêu dùng xanh... đang dần trở thành xu thế của thời đại. Để bắt kịp và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang chú trọng sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn và thân thiện với môi trường.

Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến như: GAP, HACCP, ISO,… quy trình quản lý giám sát truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm, ứng dụng nông nghiệp thông minh, bảo đảm cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Trang trại chăn nuôi gà vi sinh của chị Nguyễn Thị Thu Thoan (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội)

Trên địa bàn thành phố đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng KHKT vào sản xuất và nói “không” với thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật. Việc này không chỉ thay đổi phương thức canh tác, nuôi trồng, bảo vệ môi trường mà còn hướng đến một nền nông nghiệp an toàn với nhiều sản phẩm chất lượng cao để cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô.

Được tiếp cận với phương thức canh tác hữu cơ từ năm 2012, từ dự án Pamci do Trường đại học Tokyo Nhật Bản hỗ trợ cho nhóm nông dân thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ. Đến nay, họ vẫn luôn tự hào đã sản xuất gạo vì sức khỏe cộng đồng. Từ diện tích gần 5 ha sản xuất lúa hữu cơ khi dự án kết thúc vào năm 2014, phương thức canh tác này đã lan tỏa và được nhân rộng theo từng năm, đến năm 2023, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) đã triển khai sản xuất hữu cơ trên diện tích 65 ha/vụ. Quá trình canh tác không có sự tham gia của chất hóa học hay bất kỳ một loại phân hóa học nào ngoài phân chuồng ủ hoai mục. Không những thế đất đai, nguồn nước hoàn toàn không bị ô nhiễm. Toàn bộ quá trình sản xuất được ghi chép đầy đủ và được giám sát qua hệ thống camera đồng ruộng.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, các mô hình chăn nuôi “xanh” cũng đang ngày càng được nhân rộng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mới. Việc tận dụng tối đa nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp để phát triển kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi hữu cơ được coi là xu thế tất yếu để phát triển ngành bền vững.

Trang trại chăn nuôi gà và lợn rừng của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Thoan, (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) là một trong những mô hình tuần hoàn, đem lại hiệu quả cao. Trang trại sử dụng đệm lót sinh học làm từ nguồn phế phẩm chăn nuôi giúp đàn vật nuôi ít bị bệnh, khu vực chuồng trại giảm thiểu mùi hôi. Sau đó, đệm lót sinh học được tận dụng cùng với nguồn chất thải để làm phân bón hữu cơ. Thức ăn của gà là thực vật trộn men vi sinh, không sử dụng kháng sinh, chất tăng trọng… Năm 2021, sản phẩm gà vi sinh Thu Thoan đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Trang trại cũng đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ.

Muốn nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính, bắt buộc phải làm nông nghiệp xanh. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp xanh trong giai đoạn hiện nay cần gắn chặt với ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, cần xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất, trong đó, phân định rõ vai trò từng thành tố, tiến tới chuyên môn hóa, hệ thống hóa. Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao nhận thức cho người sản xuất về kinh tế tuần hoàn, bởi lẽ có nhận thức đúng thì mới có thể hành động đúng.

Hà Nội đang phấn đấu đến năm 2025 có diện tích canh tác hữu cơ trồng trọt đạt 1,5 - 2% tổng diện tích đất trồng trọt; tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1,0 - 2,0% tổng sản phẩm chăn nuôi; diện tích nuôi thủy sản hữu cơ có chứng nhận đạt 10 ha, diện tích nuôi thủy sản chuyển đổi theo hướng hữu cơ đạt 150 ha. Ngành nông nghiệp Hà Nội đang thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn xây dựng nông thôn mới; đồng thời xoay quanh ba trụ cột gồm nông nghiệp sinh thái; nông thôn hiện đại; nông dân văn minh. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng xác định yêu cầu chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, hướng tới những giá trị xanh được tạo nên từ chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh.

QC