Hà Nội: Hệ thống nhà thuốc Tuệ Minh ngang nhiên bán thuốc kê đơn không theo chỉ định cho khách hàng
Thuốc kê đơn là những loại thuốc được cấp phát, bán lẻ dựa trên đơn thuốc do bác sĩ chỉ định nhằm đạt hiệu quả trong quá trình điều trị, nếu không tuân thủ sẽ dễ gây ra nhiều biến chứng, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng người bệnh. Dẫu vậy, thời gian qua nhiều cửa hàng thuộc hệ thống nhà thuốc Tuệ Minh đã bỏ qua quy định này, bán nhiều loại thuốc kê đơn cho khách hàng chỉ bằng lời kể của người bệnh.
Vừa qua, tạp chí Tòa án nhân dân nhận được thông tin phản ánh về tình trạng bày bán các sản phẩm thuốc kê đơn điều trị các bệnh đặc thù mà không cần đơn thuốc của bác sĩ hay cơ sở y tế tại hệ thống nhà thuốc Tuệ Minh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nhà thuốc Tuệ Minh cơ sở 430 Cầu Am, Vạn Phúc, Hà Đông.
Theo tìm hiểu, nhà thuốc Tuệ Minh hiện có 05 cơ sở đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội, tập trung chủ yếu tại các quận Hà Đông, quận Thanh Xuân và quận Hoàng Mai. Trước sự việc nêu trên, phóng viên tạp chí Tòa án nhân dân đã khảo sát thực tế và xác nhận những thông tin phản ánh hoàn toàn có cơ sở.
Cụ thể, phóng viên đã đến một số của hàng thuộc nhà thuốc Tuệ Minh (CS: 430 Cầu Am, Vạn Phúc, Hà Đông; CS: TM05-CT6KĐT, Văn Khê, La Khê, Hà Đông; CS: 13 Bà Triệu, Hà Đông; CS: HH4C, Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai) và ghi nhận các cơ sở bày bán nhiều sản phẩm thuốc kê đơn cho khách hàng như thuốc tiểu đường, thuốc tim mạch huyết áp, thuốc kháng viêm, phù nề, thuốc điều trị thần kinh...và cũng không khó khăn gì khi phóng viên có thể dễ dàng mua được các loại thuốc mà theo chỉ định phải có đơn thuốc của bác sĩ hoặc cơ sở y tế.
Phóng viên dễ dàng mua được thuốc Metformin Stella 500mg tại cơ sở nhà thuốc Tuệ Minh 430 Cầu Am (phải) và thuốc Cortonyl DPC tại cơ sở 13 Bà Triệu (trái).
Tại nhà thuốc Tuệ Minh số 430 Cầu Am, Vạn Phúc, Hà Đông, phóng viên dễ dàng mua được thuốc Metformin Stella 500mg (một loại thuốc bán theo đơn, điều trị đái tháo đường).
Tại nhà thuốc Tuệ Minh số 13 Bà Triệu, Hà Đông, phóng viên nhanh chóng mua được thuốc Cortonyl DPC (thuốc bán theo đơn, chỉ định trợ tim, ngất do suy tim, mất ngủ , lao lực, an thần) và thuốc Flunarizin 5mg (thuốc bán theo đơn, điều trị và phòng ngừa đau nửa đầu).
Thuốc Chymotrypsin (phải) được phóng viên mua tại nhà thuốc Tuệ Minh cơ sở TM05-CT6KĐT, Văn Khê và thuốc Bosrontin Gabapentin 300mg (trái) tại HH4C, Linh Đàm.
Tại nhà thuốc Tuệ Minh địa chỉ TM05-CT6KĐT, Văn Khê, La Khê, Hà Đông, phóng viên dễ dàng mua được thuốc Chymotrypsin (thuốc bán theo đơn, điều trị phù nề sau chấn thương, phẫu thuật, bỏng).
Tại nhà thuốc Tuệ Minh địa chỉ HH4C, Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, phóng viên cũng có thể mua được thuốc Bosrontin Gabapentin 300mg (thuốc bán theo đơn, chỉ định trị động kinh, viêm dây thần kinh)...
Bên cạnh đó, theo ghi nhận sau khi mua hàng, các cơ sở này không xuất hóa đơn đỏ cho khách hàng, có dấu hiệu không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy chữa cháy theo quy định. Đồng thời, xuất hiện tình trạng thiếu hụt thông tin về số giấy phép, số giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược trên bảng hiệu của các cơ sở.
Nhà thuốc Tuệ Minh cơ sở HH4C, Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai.
Trước các vấn đề vi phạm nêu trên, phóng viên tạp chí Tòa án nhân dân đã liên hệ làm việc với hệ thống nhà thuốc Tuệ Minh. Qua trao đổi, ông Tô Thanh Tú – quản lý chung của hệ thống nhà thuốc Tuệ Minh Pharmacity cho biết, phía hệ thống nhà thuốc Tuệ Minh hiểu rất rõ về việc bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc là vi phạm quy định của pháp luật. Đối với một số hồ sơ cần có trong hoạt động kinh doanh bán lẻ, ông Tú tìm nhiều lý do và từ chối cung cấp.
Hành vi bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc theo chỉ định của bác sĩ là hành vi thiếu trách nhiệm của đơn vị hoạt động trong lĩnh vực y dược. Người bệnh có thể gặp nhiều nguy hiểm về sức khỏe trong quá trình sử dụng thuốc nếu không đúng liều lượng. Phải chăng hệ thống nhà thuốc Tuệ Minh vì lợi nhuận mà đánh đổi sự an toàn, tính mạng của người bệnh?
Kính đề nghị Sở Y tế thành phố Hà Nội, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội và các đơn vị có liên quan vào cuộc xác minh thông tin, làm rõ vấn đề bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc tại hệ thống nhà thuốc Tuệ Mịnh. Ngoài ra, cũng xem xét các hành vi vi phạm pháp luật khác có dấu hiệu đang diễn ra tại các cơ sở của hệ thống nhà thuốc này (nếu có).
Căn cứ Khoản 2, Điều 42, Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 06/04/2016 quy định trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược như sau:
a) Phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và chỉ được kinh doanh đúng loại hình cơ sở kinh doanh, phạm vi và địa điểm kinh doanh ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược;
b) Bảo đảm duy trì các điều kiện kinh doanh dược trong quá trình hoạt động kinh doanh theo quy định của Luật này;
…
e) Báo cáo Bộ Y tế hoặc Sở Y tế và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật trong trường hợp tạm dừng hoạt động từ 06 tháng trở lên hoặc chấm dứt hoạt động;
h) Niêm yết công khai Chứng chỉ hành nghề dược và Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược tại cơ sở kinh doanh;
i) Báo cáo hằng năm và báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý về dược có thẩm quyền;
k) Tuân thủ quy định của Bộ Y tế trong việc mua, bán thuốc thuộc Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ;
l) Niêm yết giá bán buôn, bán lẻ bằng đồng Việt Nam tại nơi giao dịch hoặc nơi bán thuốc của cơ sở kinh doanh dược để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan quản lý có thẩm quyền và tuân thủ các quy định khác về quản lý giá thuốc;
m) Lưu giữ chứng từ, tài liệu có liên quan đến từng lô thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong thời gian ít nhất là 01 năm kể từ ngày thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hạn dùng;
n) Bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo đúng điều kiện ghi trên nhãn;
o) Ghi rõ tên thuốc, hàm lượng, hạn dùng cho người sử dụng trong trường hợp bán lẻ thuốc không đựng trong bao bì ngoài của thuốc; trường hợp không có đơn thuốc đi kèm, phải ghi thêm liều dùng, số lần dùng và cách dùng;
p) Chỉ được bán thuốc kê đơn tại cơ sở bán lẻ thuốc khi có đơn thuốc.
Căn cứ Nghị định số 117/2020/NĐ-CP: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế;
Điểm đ, khoản 3, Điều 59 quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi “bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc”, đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tại điểm đ, khoản 8 điều này: “Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm đ, khoản 3 Điều này”.
Căn cứ khoản 4 và 5, Điều 315 Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định:
4. Người vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bài liên quan
-
Phạm vi trách nhiệm hình sự của hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn giao thông gây ra
-
Ban Bí thư khai trừ ra khỏi Đảng ba đảng viên suy thoái, vi phạm pháp luật
-
Xác định mức tiền phạt vi phạm hành chính - Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
-
Thực trạng và kiến nghị sửa đổi bổ sung tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Chánh án TANDTC Lê Minh Trí gặp mặt các đồng chí lãnh đạo TANDTC qua các thời kỳ
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Phạm vi trách nhiệm hình sự của hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn giao thông gây ra
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận