Hải Dương: Tài sản còn đang tranh chấp, đối tác đã tự đưa người đến chiếm giữ
Theo phản ánh, dù chưa thanh toán hết số tiền theo hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng đã ký với ông Nguyễn Hồng Nam nhưng ông Nguyễn Vĩnh Thọ đã đưa người sang chiếm giữ và có dấu hiệu phá hoại tài sản của DNTN Nam Khương?
Từ vi phạm hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng doanh nghiệp...
Nhận được đơn thư kêu cứu, phản ánh, PV xác minh thì thấy ngày 26/4/2021, ông Nguyễn Hồng Nam cùng ông Nguyễn Vĩnh Thọ ký kết Hợp đồng nguyên tắc số 26.04/2021/HĐNT, về việc chuyển nhượng Doanh nghiệp tư nhân Nam Khương (DNTN Nam Khương) do vợ chồng ông Nam là chủ sở hữu, mã số doanh nghiệp: 0800708345 tại địa chỉ Thị tứ Chợ Giải, xã Kim Đính, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương với giá trị chuyển nhượng là 28 tỷ đồng.
Tiếp đến ngày 2/8/2021, ông Nguyễn Hồng Nam và ông Nguyễn Vĩnh Thọ ký kết phụ lục Hợp đồng nguyên tắc số 03/PLHĐ (gọi tắt là “Phụ lục số 03”) để thống nhất về lộ trình thanh toán của Hợp đồng nguyên tắc ký ngày 26/4/2021.
Quá trình thực hiện hợp đồng của ông Nam theo cam kết và căn cứ Điều 1. Sửa đổi Điều 5 “Hợp đồng và “Phụ lục số 02” (Điều 5. Lộ trình triển khai) tại Phụ lục số 03 ngày 2/8/2021 quy định về lộ trình triển khai trong Đợt 3 và Đợt 4 của đợt thanh toán: “Đợt 3: Bên A (bên phía ông Nguyễn Hồng Nam - PV) có trách nhiệm hoàn tất thủ tục xóa thế chấp đối với các tài sản của doanh nghiệp trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày Bên B (bên phía ông Nguyễn Vĩnh Thọ - PV) hoàn tất nghĩa vụ thanh toán đợt 2. Bên B có trách nhiệm thanh toán cho Bên A đến 22.000.000.000 đồng (hai mươi hai tỷ đồng) sau khi đối trừ toàn bộ giá trị mua bán đã thanh toán; Thời hạn hạn thanh toán Đợt 3 được xác định ngay sau khi Bên B tiếp nhận bản gốc "giấy tờ pháp lý", "hồ sơ kế toán", con dấu doanh nghiệp từ Bên A. Cùng thời điểm Bên B thực hiện nghĩa vụ thanh toán đợt 3, Bên A ký, đóng dấu vào hồ sơ "doanh nghiệp" cho Bên B, đồng thời Bên A có trách nhiệm bàn giao đầy đủ cho Bên B hồ sơ đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp. Bộ hồ sơ này bảo đảm đầy đủ, phù hợp với hợp đồng và/ hoặc theo quy định của pháp luật.
Đợt 4: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hoàn tất thủ tục thanh toán đợt 3, Bên B thanh toán cho Bên A đến 100% giá trị hợp đồng sau khi đã đối trừ giá trị chuyển nhượng đã thanh toán, các khoản nợ phát sinh do Bên B thực hiện, thay Bên A (nếu có) trong quá trình thực hiện hợp đồng này. Ngay sau khi Bên B thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán đợt 4, Bên A thực hiện bàn giao mặt bằng khu đất, "tài sản trên đất", "máy móc, thiết bị", quyền sử dụng diện tích "đất 03" và các tài sản khác của doanh nghiệp cho Bên B và Bên B được khai thác, sử dụng và triển khai các hoạt động đầu tư thực hiện "dự án". Cùng thời điểm, Bên A có trách nhiệm phối hợp với Bên B thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến việc thay đổi chủ doanh nghiệp tại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và điều chỉnh thông tin chủ doanh nghiệp trên Quyết định chủ trương đầu tư".
DNTN Nam Khương
Hiện nay ông Nam đã bàn giao các giấy tờ pháp lý, hồ sơ kế toán, con dấu của doanh nghiệp cho ông Nguyễn Vĩnh Thọ theo đúng cam kết của các bên tại giai đoạn thanh toán đợt 3 của hợp đồng nguyên tắc. Tuy nhiên, ông Nguyễn Vĩnh Thọ vẫn chưa thực hiện thanh toán đủ số tiền mà hai bên thống nhất tại đợt thanh toán lần 3 ngày 2/8/2021 theo Phụ lục hợp đồng số 03.
Theo ông Nam cho biết, hiện nay, ông Thọ mới chuyển vào tài khoản cho ông Nam số tiền 19,8 tỷ đồng, số tiền còn lại chưa được ông Thọ chuyển cho ông Nam như cam kết tại Hợp đồng nguyên tắc số 26.04/2021/HĐNT ngày 26/4/2021 và phụ lục hợp đồng nguyên tắc số 03/PLHD ngày 2/8/2021.
Đến tự ý đưa người vào chiếm giữ, phá hoại tài sản DNTN Nam Khương?
Theo ông Nam cho biết, mặc dù, chưa thanh toán xong số tiền như đã ký trong thỏa thuận nhưng ông Nguyễn Vĩnh Thọ đã "tự soạn thảo" ra một hợp đồng mua bán doanh nghiệp khác để làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh và nộp cho Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạc và Đầu tư tỉnh Hải Dương để thay đổi người đại diện theo pháp luật từ ông Nguyễn Hồng Nam sang ông Nguyễn Vĩnh Thọ?
Cho rằng, việc ông Thọ "tự ý" thay đổi giấy đăng ký kinh doanh và thay đổi người đại diện theo pháp luật khi chưa thanh toán đầy đủ số tiền chuyển nhượng như cam kết tại hợp đồng nguyên tắc số 26.04/2021/HĐNT ngày 26/4/2021 và phụ lục hợp đồng nguyên tắc số 03/PLHD ngày 2/8/2021, ông Nam đã làm đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương.
Trong lúc đang đợi các cơ quan liên quan giải quyết tranh chấp thì vào khoảng 7 giờ sáng ngày 23/11/2021, ông Thọ đã có hành vi thuê khoảng 20 nhân viên bảo vệ và người xây dựng tự ý xông vào doanh nghiệp và khu nhà ở của gia đình ông Nam khi không có sự đồng ý của ông Nam.
Cán bộ, công nhân của DNTN Nam Khương
Trao đổi với PV Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, ông Nguyễn Hồng Nam bức xúc cho biết: Hiện ông Nguyễn Vĩnh Thọ vẫn đang chiếm giữ doanh nghiệp và một số tài sản trên đất khác thuộc quyền sở hữu của gia đình khi hai bên đang xảy ra tranh chấp liên quan đến hợp đồng nguyên tắc số 26.04/2021/HĐTN mà tôi và ông Nguyễn Vĩnh Thọ đã ký ngày 26/04/2021 nên tôi chưa có bất kỳ thỏa thuận nào về việc bàn giao tài sản của doanh nghiệp cho ông Nguyễn Vĩnh Thọ quản lý và sử dụng. Việc ông Nguyễn Vĩnh Thọ tự ý phá dỡ một số công trình trên đất, cắt và làm hư hỏng toàn bộ hệ thống camera của DNTN Nam Khương và của gia đình tôi, lập rào chắn cổng gia đình tôi khi các bên chưa có biên bản bàn giao tài sản là trái pháp luật ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của tôi. Ngay khi sư việc xảy ra, tôi cũng đã trình báo đến Công an xã Kim Đính, huyện Kim Thành (Hải Dương).
Ngoài ra, ông Nam cũng thông tin thêm, ông Thọ còn tự ký đè lên chữ ký của ông Nam và đóng dấu và các hóa đơn tiền nước giá trị gia tăng, mẫu 01GTKT/001, liên 2: giao khách hàng, ký hiệu: AA/21T từ kỳ thanh toán nước ngày 10/09/2021 đến ngày 09/10/2021.
Liên quan đến sự việc ông Thọ đưa "quân" đến chiếm DNTN Nam Khương, trao đổi với PV, ông Nguyễn Huy Hiệu - Phó trưởng Công an xã Kim Đính, huyện Kim Thành xác nhận có nhận được tin báo và ông trực tiếp xuống hiện trường, lập biên bản sự việc. Đây là việc tranh chấp cá nhân nên hai bên bên tự giải quyết hoặc gửi ra các cơ quan có thẩm quyền.
Do đó ông Nam đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương vào cuộc làm rõ sự việc trên nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên và cũng tránh khiếu kiện kéo dài gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của địa phương.
Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Bài liên quan
-
Một số ý kiến về việc giải quyết các vụ án tranh chấp có đối tượng là bất động sản theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
-
Tranh chấp giữa bà A và ông B là tranh chấp hợp đồng đặt cọc
-
Tranh chấp giữa bà A và ông B thuộc tranh chấp hợp đồng đặt cọc
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận