Hải Phòng đứng đầu chỉ số PCI

Tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024, TP. Hải Phòng đứng đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số uy tín về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đây là lần đầu tiên thành phố Hải Phòng được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá là địa phương giữ vị trí thứ nhất các tỉnh, thành phố về Chỉ số PCI, sau 07 năm xếp hạng trong Top 10 cả nước. Với kết quả này, năm 2024, Hải Phòng vinh dự đứng đầu bảng xếp hạng 03 chỉ số uy tín về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gồm: (i) Chỉ số Cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024 (PCI); (ii) Chỉ số Cải cách hành chính 2024 (PAR Index); (iii) Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2024.

Theo Lãnh đạo TP. Hải Phòng, Chỉ số PCI đã trở thành công cụ quan trọng giúp Hải Phòng đổi mới tư duy điều hành, nâng cao hiệu quả quản trị, lan tỏa các bài học cải cách, xây dựng thương hiệu địa phương, và đặc biệt là công cụ giám sát hữu hiệu, phản ánh “tiếng nói” doanh nghiệp đối với chính quyền, qua đó giúp đánh giá, điều chỉnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Thành phố.

TP. Hải Phòng hướng tới trở thành một trong những Trung tâm hành chính - công nghiệp - logistics hiện đại nhất của cả nước

Nỗ lực cải cách nhằm nâng cao thứ hạng Chỉ số PCI và các chỉ số cải cách hành chính đã giúp Hải Phòng vươn lên Top 5 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước vào năm 2024 và duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP hai con số liên tục 10 năm qua. Thu ngân sách nhà nước lần đầu vượt mốc 100.000 tỷ đồng vào năm 2022 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao đến nay. Trong 4 năm gần đây (2021-2024), thành phố luôn thuộc Top 5 địa phương thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất cả nước.

Phát biểu tại buổi Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết: Thành phố ý thức sâu sắc vai trò và trọng trách của mình trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, Hải Phòng đang nỗ lực phấn đấu để phát triển ngang tầm các thành phố tiêu biểu châu Á; là thành phố Cảng quốc tế hiện đại, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một trung tâm quốc tế về kinh tế, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi chính quyền thành phố không ngừng đổi mới, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn nữa. Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng Hải Phòng tự nhận thấy còn nhiều điểm cần cầu thị học hỏi, nỗ lực hoàn thiện, khắc phục để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, nhất là nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng 

Để đạt được những mục tiêu này, TP. Hải Phong sẽ tập trung vào 7 định hướng chiến lược sau: Thứ nhất, Tăng tốc và bứt phá trong xây dựng chính quyền số bảo đảm quá trình tái cấu trúc hệ thống bộ máy hành chính sau khi hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện, sắp xếp, thành lập các phường, xã, đặc khu không làm gián đoạn quá trình thực hiện thủ tục hành chính của Nhân dân và doanh nghiệp; quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là 12,5%, hướng đến mục tiêu tăng trưởng 15-16% giai đoạn 2026 - 2030.

Thứ hai, chủ động quy hoạch, tái cấu trúc không gian phát triển theo mô hình đô thị đa cực - công nghiệp - dịch vụ tích hợp, tạo động lực mới từ cả nội đô lẫn vùng ven, với các trung tâm hành chính - công nghiệp - logistics hiện đại sau khi hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, tạo dư địa tăng trưởng dài hạn, bảo đảm phát triển hài hòa, bền vững.

Thứ ba, phát triển đồng bộ hạ tầng chiến lược với tinh thần “hạ tầng đi trước – tăng trưởng theo sau”, tập trung vào hoàn thành các bến còn lại của Cảng Lạch Huyện; phát triển cảng biển thế hệ mới Nam Đồ Sơn, sân bay quốc tế Tiên Lãng, đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, mạng lưới logistics và hạ tầng số phủ kín đến cấp xã, làm nền tảng cho kinh tế số.

Thứ tư, kiến tạo thể chế phát triển hiện đại, thông thoáng, cởi mở. Hải Phòng quyết tâm tiên phong đề xuất cái mới, làm cái khó, từ đó mở đường thể chế cho cả nước.

Thành phố đang tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương để trình Quốc hội tại kỳ họp lần này Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35, ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, với các chính sách tập trung tăng cường phân quyền, phân cấp, cải cách thủ tục hành chính để phát triển các ngành công nghiệp, cảng biển, logistics; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện, khoa học công nghệ là yếu tố nòng cốt tăng trưởng kinh tế mới của Thành phố. Đặc biệt, Thành phố cũng đề xuất thành lập Khu thương mại tự do thế hệ mới trong năm 2025, với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội được thiết lập theo mô hình “một khai báo, một kiểm tra và một phê duyệt” theo chuẩn mực quốc tế.

Thứ năm, Thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, với trọng tâm chiến lược là phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng theo định hướng thông minh, sinh thái với các khu công nghiệp, đô thị, cảng biển chuyển đổi số toàn diện (Hiện nay, các Khu công nghiệp thành lập mới của Hải Phòng đều được phát triển theo mô hình sinh thái, thu hút công nghệ cao). Hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, phát triển cộng đồng doanh nghiệp của Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung lớn mạnh, đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ sáu, đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân lực chất lượng cao, với hệ sinh thái giáo dục – y tế – dịch vụ – nhà ở đồng bộ, môi trường sống hấp dẫn để chuyên gia, trí thức, người lao động giỏi “đến Hải Phòng là ở lại, gắn bó và cống hiến”. Cùng với đó, thành phố sẽ phát triển đô thị có bản sắc riêng; vừa văn minh, hiện đại, vừa dậm đà bản sắc văn hóa “Thành phố Cảng”, “Thành phố hoa phượng đỏ” và “Thành phố Anh hùng”.

Thứ bảy, đổi mới, nâng cao chất lượng quản trị và điều hành, xây dựng chính quyền số và nâng cao chất lượng Chỉ số PCI. Tiếp tục triển khai việc triển khai Bộ chỉ số đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) giúp lan tỏa tinh thần cải cách tới tất cả các sở, ngành, địa phương, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả phục vụ. 

 

PV