Hành vi của L và M thuộc trường hợp phạm tội “đối với 2 người trở lên”
Qua nghiên cứu bài viết “Về tình tiết định khung tăng nặng “đối với 2 người trở lên” trong “Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” của tác giả Nguyễn Đình Tiến và Châu Thanh Quyền đăng ngày 29/5/2024, tôi đồng ý với quan điểm thứ hai.
Căn cứ nội dung Công văn số 20/VKSTC-V4 ngày 04/01/2023 của vụ 4 VKSNDTC phúc đáp VKSND tỉnh Nghệ An về việc áp dụng tình tiết phạm tội đối với 2 người trở lên quy định tại điểm b khoản 2 Điều 255 BLHS, hướng dẫn: Theo đó, để xác định phạm tội “đối với 2 người trở lên” thì phải xác định người phạm tội đã tổ chức cho 2 người khác (không bao gồm bản thân người phạm tội) sử dụng trái phép chất ma túy. Trường hợp có nhiều người bị truy tố về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm thì phải căn cứ xác định số người sử dụng ma túy ít nhất từ 2 người trở lên (không bao gồm bản thân người phạm tội) và 2 người trở lên sử dụng ma túy này có thể là không phạm tội hoặc đồng phạm về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì bị áp dụng tình tiết “đối với 2 người trở lên”.
Do hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn thống nhất nên dẫn đến cách xử lý khác nhau đối với các tình huống tương tự. Cá nhân tôi cho rằng quan điểm thứ hai: M và L bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy với tình tiết định khung phạm tội “đối với 2 người trở lên” theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 255 BLHS là có căn cứ.
Tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999, tiểu mục 6.1, mục 6, phần II, quy định: 6. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 197).
6.1. “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” là một trong các hành vi sau đây:
a) Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;
b) Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy.
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác thì bị coi là đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy: đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy; chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất…) nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; chuẩn bị địa điểm (thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm không thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác); chuẩn bị dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ…) nhằm sử dụng để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; tìm người sử dụng chất ma túy để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của họ.
Đồng thời, tiểu mục 2.4, mục 2, phần I của Thông tư 17 quy định:
2.4. Tình tiết “phạm tội đối với nhiều người” quy định tại khoản 2 các điều 197,198 và 200 của BLHS được hiểu là trong một lần phạm tội, người phạm tội đã thực hiện tội phạm đối với từ hai người trở lên (ví dụ: Trong một lần phạm tội tổ chức cho từ hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy…).
Tuy Thông tư 17/2007 nêu trên đã hết hiệu lực nhưng hiện nay chưa có văn bản giải thích tình tiết phạm tội “đối với 2 người trở lên” quy định tại khoản 2 Điều 255 BLHS năm 2015, nên có thể áp dụng tương tự hướng dẫn của Thông tư 17 đối với tình tiết “phạm tội đối với nhiều người” quy định tại khoản 2 Điều 197 BLHS năm 1999 để xử lý là đúng theo quy định của pháp luật.
Quay trở lại với tình huống: L là người khởi xướng việc sử dụng ma túy và đưa 400.000 đồng cho M đi mua và cùng sử dụng. M là người chuẩn bị ma túy, chuẩn bị các công cụ, địa điểm để phục vụ cho cả 3 người (L, M và N) sử dụng ma túy. Do đó, L và M cùng đồng phạm về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Theo tinh thần của Thông tư 17, việc L và M chuẩn bị ma túy, địa điểm, công cụ để đưa chất ma túy vào cơ thể của những người còn lại cụ thể: L đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể M và N; M đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của L và N là hành vi phạm tội “đối với 2 người trở lên”.
Như vậy, từ những phân tích trên tôi cho rằng hành vi của L và M phạm “tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” thuộc trường hợp “đối với 2 người trở lên” là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
Toà án nhân dân huyện Bạch Thông Bắc Kạn xét xử vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma tuý”- Ảnh: Thanh Tuyền
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận