Hành vi của Vũ Văn Q là hành vi vi phạm hành chính
Sau khi nghiên cứu bài "Vũ Văn Q có phạm tội không?" của Vũ Đức Tùng, đăng ngày 13/8/2024, tôi cho rằng hành vi của Vũ Văn Q là hành vi vi phạm hành chính.
Theo dữ liệu bài viết tác giả đưa ra thì: T có hành vi trộm cắp lõi đồng dây điện trị giá 954.000 đồng và bán lại cho Q với giá 240.000 đồng (Q biết lõi đồng là của T thực hiện hành vi trộm cắp mà có nhưng vẫn mua lại và bán cho bên thứ 3 với giá 270.000 đồng để kiếm lời 30.000 đồng). Sau đó, T bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Trộm cắp tài sản” (Do giá trị tài sản mà T trộm cắp chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm).
Như vậy, hành vi mua lại tài sản mà T đã trộm cắp được không được xem là hành vi phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 323 BLHS.
Thứ nhất, Điều 373 BLHS quy định hành vi tiêu thụ khi biết rõ là do người khác phạm tội mà có được hiểu rằng, chủ thể thực hiện hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có phải được thực hiện dựa trên một hành vi phạm tội khác để có được tài sản một cách bất hợp pháp tức là tài sản phải có nguồn gốc từ một tội phạm khác thì người tiêu thụ tài sản mới phạm tội tiêu thụ.
Còn khi nguồn gốc của tài sản xuất phát thì hành vi vi phạm thì người tiêu thụ đó cũng không phải là tội phạm mà là thực hiện hành vi vi phạm và sẽ bị xử phạt vi phạm theo điểm d khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (Nghị định 144).
Như vậy, theo dữ liệu bài viết, hành vi trộm cắp của T chỉ là vi phạm chưa đủ cơ sở để cấu thành tội phạm (do đó T chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính), mặc dù, Q có ý thức chủ quan biết rõ tài sản mà mình tiêu thụ là do T trộm cắp mà có, tuy nhiên hành vi của T là vi phạm hành chính không cấu thành tội phạm, vì vậy hành vi của Q cũng là hành vi vi phạm hành chính và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 144 mà thôi.
Thứ hai, đối tượng của tội phạm quy định tại Điều 323 BLHS là tài sản có được từ bất cứ tội phạm nào (không chỉ riêng đối với các tội xâm phạm sở hữu) và định lượng trị giá tài sản trong cấu thành mỗi tội là khác nhau (trong đó có những tội không quy định về định lượng) do đó, không phải khi điều luật không quy định định lượng giá trị tài sản trong cấu thành cơ bản thì có nghĩa là chỉ cần có hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, không cần căn cứ vào giá trị tài sản là đương nhiên đủ cơ sở cấu thành tội phạm theo Điều 323 BLHS mà cần thiết phải căn cứ vào hành vi của người có được tài sản có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không mới có cơ sở để xem xét người tiêu thụ tài sản đó có phạm tội hay không.
Thứ ba, theo quan điểm tác giả đưa ra (Quan điểm 1) khẳng định: T đã bị khởi tố và xét xử về tội “Trộm cắp tài sản” theo điểm a khoản 1 Điều 173 BLHS là không có dữ liệu, không có căn cứ và không có cơ sở. Vì vậy, quan điểm này không đủ thuyết phục đối với người đọc.
Như vậy, mặc dù Q biết rõ tài sản mình mua của T là do hành vi của T trộm cắp mà có tuy nhiên, do hành vi của T không đủ các yếu tố cấu thành tội phạm mà chỉ là hành vi vi phạm nên Q không phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” mà hành vi của Q chỉ là hành vi vi phạm và bị xử lý theo Nghị định 144.
Trên đây là ý kiến của tác giả mong nhận được những đóng góp từ các độc giả khác.
TAND tỉnh Quảng Trị xét xử vụ án hình sự- Ảnh: TH
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng, tăng phụ cấp cho hội thẩm lên 900.000 đồng/ngày
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận