Hành vi trộm cắp của A có tính liên tục, thống nhất với nhau

Qua nghiên cứu bài viết “Xác định tình tiết phạm tội hai lần trở lên” của tác giả Đoàn Phước Hòa, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai.

Quan điểm thứ hai cho rằng: A không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội hai lần trở lên” bởi lẽ A trộm cắp được các tài sản trong túi xách của B, trong đó có thẻ ngân hàng và cuốn sổ ghi mật khẩu thẻ ngân hàng. Việc A rút được tiền tại cây ATM là do A đã khai thác những tài sản mà A đã trộm cắp được trước đó, nên có tính liên tục, thống nhất với nhau.

Hành vi lấy chiếc điện thoại, ví tiền, phong bì, một số giấy tờ cá nhân, thẻ ATM và cuốn sổ tay có ghi mật khẩu điện thoại, thẻ ngân hàng cùng các tài khoản mạng xã hội được xem là hành vi đầu làm tiền đề dẫn đến hành vi rút số tiền 15.000.000 đồng từ thẻ ATM. Các hành vi này mặc dù khác nhau về thời gian, địa điểm, cách thức thực hiện nhưng lại không độc lập về hành vi phạm tội và hậu quả bởi phải có hành vi lấy thẻ ATM và cuốn sổ tay có ghi mật khẩu thẻ ngân hàng trước đó mới có hành vi và hậu quả sau. Nếu không có hành vi trước thì hành vi sau sẽ không thể thực hiện được. Do đó, hành vi rút tiền từ thẻ ATM chỉ là một phần và thuộc cùng một hành vi phạm tội thống nhất trước đó.

Tóm tại, hành vi của A trong tình huống nêu trên là hành vi liên tục, thống nhất, không độc lập giữa các hành vi và hậu quả với nhau mà có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trước và sau. Do đó, A không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội hai lần trở lên”.

Trên đây là quan điểm của tôi đối với tình huống trên, rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của quý bạn đọc.

 

Tòa án nhân dân TP  Thái Nguyên  xét xử vụ án trộm cắp tài sản - Ảnh: Quỳnh Việt

 

NGUYỄN THỊ THANH THỦY (Viện kiểm sát quân sự khu vực 43 Quân khu 4)