Hiệu lực của BLDS năm 2015 khi giải quyết các hợp đồng vi phạm hình thức bắt buộc
Bài viết trình bày hiệu lực của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 khi giải quyết các hợp đồng vi phạm hình thức bắt buộc (HTBB), đặc biệt là các hợp đồng được xác lập trước ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực.
Trong các BLDS của Việt Nam, khái niệm về hợp đồng gần như không có sự khác biệt, tại Điều 388 BLDS năm 2005 và Điều 385 BLDS năm 2015 đều xác định “hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Với tinh thần tôn trọng ý chí của các bên chủ thể, pháp luật Việt Nam dành cho các bên được hưởng nguyên tắc dự do về hình thức của hợp đồng, theo đó các bên hoàn toàn được quyền lựa chọn hình thức hợp đồng phù hợp với mong muốn của mình mà không bị buộc phải thể hiện thoả thuận dưới một hình thức cố định nào.
Tuy nhiên, việc thừa nhận quyền tự do hợp đồng không phải là quyền tuyệt đối, không có giới hạn mà trong những trường hợp nhất định phải tuân thủ những hình thức bắt buộc (HTBB) mà pháp luật quy định. Điều 119 BLDS năm 2015 kế thừa những quy định của BLDS năm 2005 như Điều 124, Điều 401 và có sự thay đổi như sau: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”. Đồng thời, khoản 2 Điều 117 BLDS năm 2015 cũng quy định: “Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”. Như vậy, hình thức của hợp đồng chỉ là điều kiện có hiệu lực bắt buộc trong trường hợp luật có quy định, còn nếu không có một quy định cụ thể trong luật yêu cầu hình thức nhất định thì các bên chủ thể hoàn toàn có thể lựa chọn hình thức của hợp đồng bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Mặc dù vậy, trong các trường hợp làm cho hợp đồng vô hiệu thì vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức chiếm tỉ lệ rất cao. Đó cũng được coi là “lỗ hổng” của BLDS năm 2005, gây nhiều vấn đề phức tạp cần được quan tâm trong thực tiễn. Trước yêu cầu đó, BLDS năm 2015[1] có sự sửa đổi lớn về quy định này so với BLDS năm 2005 và đã góp phần giải quyết được nhiều vấn đề bất cập của BLDS năm 2005 trong lĩnh vực hợp đồng nói chung và hợp đồng vi phạm quy định về HTBB nói riêng.
Kể từ khi BLDS năm 2015 có hiệu lực, việc áp dụng Điều 129 trong thực tiễn đã giải quyết được rất nhiều những vấn đề bất cập của BLDS năm 2005 trong xử lý các hợp đồng vi phạm HTBB là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Đối với những hợp đồng được giao kết và thực hiện sau ngày 01/01/2017 (là ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực) thì những quy định của BLDS năm 2015 được áp dụng để làm căn cứ giải quyết. Tuy nhiên, đối với việc xử lý các hợp đồng được xác lập và thực hiện xong trước thời điểm này thì Toà án có thể áp dụng Điều 129 BLDS năm 2015 hay không? Thực tế cho thấy có sự thiếu thống nhất của các Toà án trong việc áp dụng Luật để giải quyết khi gặp các vụ việc như vậy. Chúng ta xem xét một số trường hợp cụ thể:
Trong một bản án, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội[2] đã nhận định: Tại giấy thỏa thuận nhượng bán quyền sử dụng đất vườn ngày 17/7/2002 (BL65) có nội dung hai bên đã bàn bạc thỏa thuận hợp đồng mua bán như sau: ông Lê Hữu có nhượng chuyển bán một lô đất giáp nhà ông T cho ông Nguyễn Ngọc, có diện tích như sau (..); giấy thỏa thuận này đều có chữ ký của ông Hữu và ông Ngọc, tại buổi hòa giải ở tòa án cấp sơ thẩm, tại phiên tòa sơ thẩm cũng như tại phiên tòa phúc thẩm ông Hữu đều thừa nhận chữ ký của ông tại giấy thỏa thuận. Sau khi nhận chuyển nhượng, ông Ngọc đã tiến hành xây dựng các công trình như tường bao quanh làm nhà kiên cố, nhà trọ, ông Hữu không có ý kiến gì, không bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính do vi phạm hay yêu cầu dừng xây dựng, ông Hữu và gia đình ông Ngọc cùng sinh sống bên cạnh nhau.
Như vậy, việc chuyển nhượng đất giữa hai bên đã hoàn thành về nghĩa vụ, bên nhận chuyển nhượng đã giao đủ tiền và bên chuyển nhượng đã giao đất nên có căn cứ xác định ông Nguyễn Ngọc nhận chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất 176,8m2 của ông Lê Hữu là ngay tình, đã sử dụng ổn định từ năm 2002, đã xây dựng nhà ở, các công trình trên đất và không có tranh chấp.
Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Lê Hữu và ông Nguyễn Ngọc mặc dù chưa đảm bảo về thủ tục pháp lý, không có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền nhưng đã thực hiện xong nghĩa vụ với nhau. Theo hướng dẫn tại điểm b, mục 2.3, khoản 2, phần II, Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/08/2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình và theo quy định tại Điều 129 BLDS năm 2015 thì trong trường hợp này Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch. Quyết định công nhận giao dịch ngày 17/7/2002 về việc “nhượng bán Quyền sử dụng đất vườn” được thỏa thuận, ký kết giữa ông Lê Hữu và ông Nguyễn Ngọc có hiệu lực pháp luật.
Ông Lê Hữu phải có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện giao dịch đã thỏa thuận, ký kết ngày 17/ 07/ 2002 với ông Nguyễn Ngọc.
Trong một bản án khác[3], Toà án cũng có hướng xử lý tương tự:
Sau khi nghiên cứu tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, ý kiến của các bên đương sự, luật sư, kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:
Năm 2006, ông Đặng Văn T và vợ chồng ông Nguyễn Văn Đ, bà Đoàn Thị Y lập giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất 1.350m2 thuộc thửa 62+63, tờ bản đồ số 20 tại thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên là hoàn toàn tự nguyện thỏa thuận và thống nhất ý chí, thể hiện tại “giấy chuyển nhượng đất” viết tay ghi ngày 03/6/2006 có chữ ký của vợ chồng bà Y và 8 người con trong hộ gia đình, bên vợ chồng bà Yến đã nhận 30 triệu đồng và giao đất cho ông T sử dụng, ông T trồng cây ăn quả và xây dựng tường rào nằm liền kề với mặt bằng của ngôi chùa do ông T làm trụ trì. Đối với hợp đồng này mặc dù chưa được công chứng, chứng thực nhưng thể hiện rõ ý chí của những người có quyền sử dụng đất, bên bán đã nhận tiền và bên mua đã nhận đất, các bên đã thực hiện trên hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch nên không nhất thiết phải công chứng, chứng thực theo khoản 2 Điều 129 BLDS”.
Tương tự, TAND huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cũng đã phán quyết trong một bản án[4]: “Xét thấy, ông P định đoạt một phần tài sản của ông trong khối tài sản chung của vợ chồng, tuy giao dịch chuyển nhượng này không tuân thủ về hình thức nhưng các bên đã thực hiện hơn 2 phần 3 nghĩa vụ trong giao dịch cho nên đủ điều kiện công nhận theo Điều 129 của BLDS năm 2015. Vì vậy, phần đất mà ông T đang quản lý, sử dụng diện tích 418,25m2 nêu trên không còn là di sản của ông P để chia thừa kế mà thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông T”.
Đặc biệt hơn, có trường hợp[5], Toà đã nhận định: Trong trường hợp thực tế này, do bị đơn không đến Tòa án để trình bày ý kiến cho nên dù Toà án có ban hành quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch thì cũng không có kết quả, và nếu căn cứ vào quy định trên để tuyên bố hợp đồng vô hiệu, xử lý hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu thì tính khả thi của các quyết định trong bản án sẽ không đảm bảo. Do vậy, Tòa án không ban hành quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch và cũng không căn cứ vào sự vi phạm về hình thức của hợp đồng mua bán nhà để tuyên bố giao dịch mua bán nhà vô hiệu.
Tham khảo quy định tại khoản 2 Điều 129 của BLDS năm 2015, Hội đồng xét xử thấy đây là giải pháp hữu hiệu để xử lý tranh chấp trong vụ án này bởi lẽ trong giao dịch mua bán nhà này, bên bán đã hoàn thành nghĩa vụ giao nhà cho bên mua nhà, bên mua nhà đã thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán cho bên bán nhà. Theo đó, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, công nhận hợp đồng mua bán nhà ngày 06/08/2007 giữa anh Dương Mạnh H và anh Nguyễn Quang Anh V. Anh Dương Mạnh H được quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thủ tục sang tên trước bạ nhà số 85/89/35.
Như vậy chúng ta thấy, mặc dù BLDS năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 nhưng đối với những hợp đồng được xác lập trước thời điểm này mà có vi phạm quy định về HTBB là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng và có yêu cầu thì Tòa án vẫn áp dụng Điều 129 BLDS năm 2015 để giải quyết. Đối với vấn đề này, cũng có quan điểm cho rằng cần xem xét cơ sở của việc Tòa án áp dụng Điều 129 BLDS năm 2015 đối với những hợp đồng diễn ra trước khi BLDS năm 2015 có hiệu lực vì liệu sự áp dụng ấy có phù hợp với quy định của Điều 689 BLDS năm 2015: “Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật này” hay không?
Theo tác giả, đối với những trường hợp này, việc Tòa án áp dụng quy định của BLDS năm 2015 là thuyết phục và hợp lý. Bởi lẽ: Theo quy định của Diều 688 BLDS năm 2015[6] và xét theo lẽ công bằng thì phán quyết của Tòa trong những trường hợp này hoàn toàn thuyết phục và nên được nhân rộng vì đã đảm bảo được sự ổn định của các hợp đồng, đồng thời cũng bảo đảm được quyền, lợi ích chính đáng của chủ thể tham gia giao dịch. Chưa kể trong những trường hợp này nếu như hợp đồng không được công nhận mà bị tuyên vô hiệu thì việc giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng sẽ rất phức tạp, ảnh hưởng đến sự ổn định trong đời sống của các bên đương sự cũng như sự quản lý của cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, qua xem xét các bản án thì cũng thấy rằng, có Toà án áp dụng thẳng quy định của BLDS năm 2015 khi xét xử, có Tòa án thì áp dụng quy định của BLDS năm 2005 và khi thấy BLDS năm 2005 không khả thi đối với trường hợp thực tế thì mới áp dụng quy định của BLDS năm 2015. Mặc dù cả hai hướng giải quyết đó đều cho đến một kết quả nhưng điều này cho thấy chưa có sự thống nhất trong việc áp dụng quy định trong BLDS năm 2015.
Một đường phố ở Long Xuyên, An Giang – Ảnh minh họa của Thái Vũ
[1] Bộ Luật dân sự năm 2015 được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2015 và có hiệu lực vào ngày 01/01/2017.
[2] Bản án số 281/2017/SD-PT, ngày 26/09/2017 về “V/y Yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng”của Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
[3] Bản án số 2007/DS-PT ngày 04/05/2017 về “V/v Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”của Toà án nhân dân tỉnh Phú Yên.
[4] Bản án số 87/2017/DS-ST ngày 12/12/2017 về “V/v Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất” của Toà án nhân dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
[5] Bản án số 622/2017/DS-ST ngày 19/09/2017 về “V/v Tranh chấp hợp đồng dân sự mua bán nhà” của Toà án nhân dân quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh.
[6] “Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau: 1.Giao dịch dân sự chưa được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì chủ thể giao dịch tiếp tục thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11, trừ trường hợp các bên của giao dịch dân sự có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung nội dung, hình thức của giao dịch để phù hợp với Bộ luật này và để áp dụng quy định của Bộ luật này”.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận