
Hình phạt tử hình và tù chung thân không xét giảm án trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)
(TCTA) - Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã sửa đổi một số nội dung liên quan đến hình phạt tử hình, bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tìm hiểu về hình phạt tử hình và chung thân không xét giảm án trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), nêu ra các nội dung cần trao đổi và quan điểm của tác giả về các vấn đề này.
Đặt vấn đề
Dự thảo BLHS (sửa đổi) gồm 03 phần, 25 chương, 411 điều; so với BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017), đã bỏ 01 chương và 18 điều luật, giữ nguyên 180 điều luật, bổ sung 03 điều luật mới (Điều 220. Tội vi phạm quy định về xử lý chất thải thông thường và chất thải rắn sinh hoạt; Điều 242. Tội sử dung trái phép chất ma túy; Điều 40. Tù chung thân không xét giảm án), sửa đổi, bổ sung 231 điều luật, cụ thể là: sửa đổi, bổ sung về nội dung đối với 50 điều luật, trong đó 08 điều luật liên quan đến việc bỏ hình phạt tử hình, 02 điều luật để phù hợp với cơ cấu, tổ chức bộ máy mới sau khi không tổ chức Công an cấp huyện và tên gọi của các Bộ sau khi thực hiện phương án sáp nhập. Đối với các điều luật khác chỉ sửa đổi, điều chỉnh mức định lượng là tiền để làm căn cứ định khung hình phạt và hình phạt tiền lên gấp đôi để phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội.
Đáng chú ý, trong những vấn đề sửa đổi, bổ sung trong dự thảo đó là việc sửa đổi nội dung liên quan đến tử hình như: dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án tại 08/18 tội danh (44,44%) có khung hình phạt tử hình ở BLHS hiện hành.
1. Về hình phạt tử hình
Thứ nhất, bỏ hình phạt tử hình với 08/18 tội danh
Tử hình là hình phạt đặc biệt, chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do BLHS quy định[1]. BLHS hiện hành quy định 18 tội danh có mức hình phạt tử hình và dự thảo BLHS (sửa đổi) 8/18 tội danh đã bỏ hình phạt tử hình thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (chiếm 44,44%) bao gồm: Tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Tội Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh; Tội Vận chuyển trái phép chất ma tuý; Tội Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Tội gián điệp; Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ.
Lý giải cho sự thay đổi này được thể hiện ở 03 nội dung chính:
Một là, xuất phát từ thực tiến áp dụng quy định của BLHS thời gian qua cho thấy một số tội danh với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không đến mức cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình; đồng thời, thực tiễn thời gian qua Tòa án cũng không áp dụng hình phạt tử hình đối với các tội danh này, ví dụ: Tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, Tội “Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh”… hoặc ít áp dụng như: Tội “Tham ô tài sản, nhận hối lộ”… hoặc tội phạm đó rất ít xảy ra (thậm chí chưa xảy ra trong thực tế) như tội Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược2.
Hai là, với quy định hiện tại mức định lượng và loại hình phạt trong các khung có mức hình phạt cao nhất là tử hình ở một số tội danh còn tương đối rộng dẫn đến căn cứ để tuyên hình phạt tử hình còn gặp khó khăn trên thực tế. Ví dụ: các tội sản xuất trái phép chất ma túy, vận chuyển trái phép chất ma túy, mua bán trái phép chất ma túy tại khoản 4 Điều 248, Điều 250, Điều 251 BLHS đều quy định phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình nếu khối lượng ma túy từ 100 gam Heroine, Cocaine, Mathaphetamine... trở lên3.
Ba là, hiện nay, việc áp dụng khung hình phạt chung thân hoặc tử hình còn bất cập, trong nhiều trường hợp, căn cứ tính chất, mức độ và hậu quả gây ra, nếu phạt chung thân thì quá nhẹ, không đảm bảo tính răn đe, tuy nhiên, nếu phạt tử hình lại quá nặng, không phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước về hạn chế áp dụng và thi hành hình phạt tử hình trên thực tế.
Ngoài ra, vấn đề được nhiều người quan tâm và cho ý kiến đó là về phạm vi thay thế hình phạt tử hình thành tù chung thân không xét giảm án đã hợp lý chưa? Cần mở rộng hay thu hẹp với tội nào không?
Theo tác giả việc, việc thu hẹp phạm vi quy định hình phạt tử hình trong BLHS là cần thiết, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước, phù hợp với xu hướng phát triển của văn minh nhân loại. Thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình là một chủ trương lớn được ghi nhận trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và đã được thể chế hóa khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung BLHS qua các thời kỳ. BLHS đầu tiên của Nhà nước ta năm 1985 có 44 điều luật quy định hình phạt tử hình; Năm 1999 giảm còn 29 điều; Năm 2009 giảm tiếp 07 Điều còn 22 Điều; Năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) giảm còn 18 điều và trong dự thảo BLHS (sửa đổi năm 2025) còn 10 điều luật quy định hình phạt tử hình. Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm, thể hiện tính răn đe thông qua hình phạt thì việc duy trì hình phạt tử hình trong BLHS là cần thiết. Tuy nhiên, việc tiếp tục thu hẹp phạm vi quy định hình phạt tử hình là hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo tác giả, riêng đối với Tội vận chuyển trái phép chất ma túy thì không nên bỏ hình phạt tử hình thay bằng hình phạt chung thân không xét giảm án vì đây là hành vi phạm tội với tính chất đặc biệt nguy hiểm, gây ra hậu quả rất lớn, kéo dài cho xã hội, đặc điểm chung của các đối tượng phạm tội là rất manh động, dùng vũ khí chống trả quyết liệt lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm. Hiện này, dù đã quy định hình phạt tử hình đối với loại tội phạm này những các đối tượng vẫn bất chấp để thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, nếu không quy định hình phạt tử hình đối với loại tội phạm này thì tính răn đe của pháp luật sẽ giảm đi đáng kể.
Thứ hai, bổ sung quy định hoãn thi hành án tử hình trong thời hạn 02 năm đối với người bị kết án thuộc một trong 02 trường hợp sau:
- Đã tích cực khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho bị hại;
- Đã tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm;
Theo tác giả, việc bổ sung quy định này là hợp lý nhằm một mặt tạo điều kiện, khuyến khích, tạo động lực cho người bị kết án khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, thực hiện các nghĩa vụ dân sự khác. Ngoài ra, quy định này cũng hướng đến mục tiêu tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản thất thoát, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, Nhân dân (bị thiệt hại), đồng thời bảo đảm tính nhân đạo, nhân văn trong chính sách hình sự của Nhà nước, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Với quy định này, cũng thúc đẩy người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án nhằm đạt được sự khoan hồng của pháp luật.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, có nên xem xét tăng thời gian hoãn thi hành án tử hình từ 02 năm theo dự thảo lên từ 03 - 05 năm nhằm tạo động lực mạnh mẽ hơn cho người phạm tội cũng như với khoảng thời gian dài hơn thì hiệu quả của việc khắc phục hậu quả hoặc bồi thường thiệt hại cũng có điều kiện thực hiện tốt hơn. Ngoài ra, theo tác giả cũng cần định lượng rõ ràng về mức độ khắc phục hậu quả hoặc bồi thường thiệt hại để tránh việc áp dụng một cách tùy nghi, không thống nhất. Đề xuất định lượng mức độ khắc phục hậu quả hoặc bồi thường thiệt hại phải ít nhất bằng 1/2 đến 2/3 hậu quả, thiệt hại đã gây ra.
Thứ ba, bổ sung trường hợp không thi hành án tử hình đối với người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, người nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS, đang có nhiễm trùng cơ hội.
Theo tác giả, quy định này là hợp lý, bởi những phạm nhân mắc phải những căn bệnh này thì cũng như “án tử” đối với họ, do đã ở giai đoạn cuối nên thời gian duy trì đối với họ không còn nhiều nên không nhất thiết phải thi hành bản án tử hình đối với họ một mặt vừa thể hiện tính nhân đạo của pháp luật mặt khác cũng hạn chế được chi phí cho một lần thi hành án. Xoay quanh quy định này, cũng có ý kiến cho rằng nên sửa đổi thành “Người mắc bệnh hiểm nghèo, giai đoạn cuối không thể cứu chữa” để bảo đảm tính khái quát. Tuy nhiên theo tác giả, điều này là không cần thiết bởi đưa ra quy định như dự thảo là hoàn toàn hợp lý, quy định cụ thể và giới hạn đối với những loại bệnh khi đã không còn khả năng chữa trị thì được miễn thi hành án tử hình. Còn nếu chỉ quy định chung chung là “bệnh hiểm nghèo” thì khi áp dụng trong thực tiễn lại cần có văn bản hướng dẫn, giải thích bệnh hiểm nghèo bao gồm những loại bệnh nào và việc xác định căn bệnh đó có phải đang diễn biến ở giai đoạn cuối hay không cũng là một vấn đề phải xem xét.
Thứ tư, bổ sung quy định về trường hợp hết thời hiệu thi hành bản án tử hình, theo đó, sau khi hết thời hiệu thi hành bản án tử hình, người bị kết án tử hình được chuyển xuống hình phạt tù chung thân hoặc chung thân không xét giảm án.
BLHS hiện hành quy định cụ thể về thời hiệu thi hành bản án tại Điều 60, theo đó khi hết thời hạn quy định, người bị kết án không phải chấp hành về bản án đã tuyên, đối với các trường hợp xử phạt tử hình thì thời hiệu thi hành bản án là 20 năm. Nhưng Bộ luật không có quy định sau khi hết thời hiệu thi hành bản án tử hình, người bị kết án tử hình có được chuyển xuống hình phạt khác như: tù chung thân, phạt tù có thời hạn hay được trả tự do và chưa có thủ tục chuyển hình phạt. Thực tế, có 17 bị án bị giam hơn 15 năm nhưng vẫn chưa được thi hành án, gây lúng túng cho các cơ quan thực thi trong việc áp dụng quy định tại Điều 55 BLHS 1999 hay Điều 60 BLHS hiện hành, cho hay không cho các bị cáo hưởng thời hiệu.
2. Về hình phạt tù chung thân không xét giảm án
2.1. Tù chung thân không xét giảm án là gì?
Theo dự thảo, tù chung thân không xét giảm án là hình phạt tù không thời hạn và không được xem xét giảm hình phạt đã tuyên, trừ trường hợp đại xá, ân giảm hoặc Luật Đặc xá có quy định khác, được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình4.
2.2. Đối tượng, phạm vi áp dụng
- Người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình.
- Bổ sung án tù chung thân không xét giảm án cho 15 tội danh. Trong đó 08 tội sẽ dùng hình phạt này là mức án cao nhất, thay cho tử hình, gồm: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Gián điệp (Điều 110); Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194); Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Tham ô tài sản (Điều 353); Nhận hối lộ (Điều 354) và tội Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421).
Với người phạm tội Tham ô tài sản hoặc Nhận hối lộ bị phạt tù chung thân không xét giảm án, dự thảo đề xuất nếu trước, trong và sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì được giảm xuống thành tù chung thân (mức án nhẹ hơn liền kề).
07 tội danh có khung hình phạt chung thân không xét giảm, song vẫn giữ nguyên án tử hình là mức phạt nặng nhất gồm: Phản bội Tổ quốc (Điều 108); Bạo loạn (Điều 112); Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113); Giết người (Điều 123); Hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248) và tội Mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251).
- Không áp dụng hình phạt tù chung thân không xét giảm án đối với các trường hợp: Người dưới 18 tuổi khi phạm tội; phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
2.3. Tác động của việc bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án
Việc bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án là một trong 08 hình phạt chính nhận được những đánh giá tích cực, tiêu cực khác nhau của quần chúng nhân dân, như:
* Đánh giá tích cưc:
- Thứ nhất, việc bổ sung quy định hình phạt tù chung thân không xét giảm án thay thế cho hình phạt tử hình một mặt vẫn bảo đảm cách ly vĩnh viễn người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội, đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm; mặt khác vẫn góp phần thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với người phạm tội, không tước đi quyền sống của họ mà tạo cơ hội để tiếp tục được lao động, gặp gỡ người thân, đồng thời cũng tạo cơ hội khắc phục sai lầm (oan, sai) có thể xảy ra trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với người bị kết án tử hình.
- Thứ hai, phân hóa, đa dạng hóa hình phạt - linh hoạt trong áp dụng và tăng tính công bằng trong xử lý hình sự. Việc bổ sung thêm một hình phạt chính với mức hình phạt cao hơn tù chung thân thường những lại nhẹ hơn tử hình giúp hệ thống hình phạt đa dạng hơn đồng thời vẫn phân hóa được tính chất của hình phạt giúp hệ thống pháp luật có thêm lựa chọn phù hợp hơn với tính chất và mức độ từng tội phạm, bảo đảm người phạm tội nghiêm trọng vẫn bị xử lý nghiêm khắc mà không cần tức đi quyền sống của họ.
- Thứ ba, đối với tội Tham ô tài sản hoặc Nhận hối lộ bị phạt tù chung thân không xét giảm án những vẫn có thể được giảm án xuống thành tù chung thân. Quy định này có tác động tích cực trong việc thu hồi tài sản bị thất thoát, tạo động lực cho người bị buộc tội khắc phục hậu quả để nhận sự khoan hồng của pháp luật.
* Đánh giá tiêu cực:
Bên cạnh các ý kiến tán thành, đánh giá tích cực đối với quy định này, còn một số các ý kiến chưa đồng tình thể hiện ở một số đánh giá sau:
- Thứ nhất, việc giam giữ phạm nhân trong tù suốt đời với bản án không xét giảm có thể tạo gánh nặng cho hệ thống nhà tù về khối lượng tài chính và nhân lực, đòi hỏi chi phí và tài nguyên đáng kể từ nhà nước.
- Thứ hai, tạo tâm lý căng thẳng, không còn mục tiêu cải tạo tốt để được giảm án. Hình phạt chung thân không được xét giảm án có thể làm triệt tiêu động lực cải tạo của phạm nhân, họ sẽ không tiếp nhận mục đích cải tạo, giáo dục từ hình phạt vì họ biết cho dù cải tạo tốt thì họ cũng không còn cơ hội được quay về với cộng đồng, gây khó khăn cho công tác giáo dục, quản lý của trại giam.
Theo tác giả, việc quy định hình phạt chung thân không giảm án thay thế cho hình phạt tử hình hay quy định đây là hình phạt chính đối với những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình là hoàn toàn phù hợp và cần thiết. Việc thay thế hình phạt tử hình bằng chung thân không giảm án là chính sách nhân đạo rất tốt bởi thay vì bị tước đi quyền sống thì phạm nhân vẫn được cơ hội tiếp tục sống, lao động, gặp gỡ người thân bởi suy cho cùng dù là người đã thực hiện hành vi phạm tội nguy hiểm cỡ nào đi chăng nữa thì khi đứng trước danh giới giữa sự sống và cái chết thì họ vẫn lựa chọn được sống. Động lực được sống là động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy phạm nhân tiếp nhận mục đích cải tạo và giáo dục từ hình phạt này.
Về ý kiến cho rằng việc thi hành bản án chung thân không xét giảm án sẽ gây gánh nặng về chi phí cho nhà nước thì theo quan điểm của tác giả, phạm nhân có thể sử dụng chính sức lao động của mình khi tham gia các hoạt động lao động, cải tạo để tạo ra các sản phẩm và chính những giá trị họ tạo ra có thể được tái sử dụng vào phục vụ sinh hoạt của chính bản thân họ, điều này cũng làm giảm đáng kể các chi phí phát sinh.
Kết luận
Tử hình là chế tài hình sự nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt được áp dụng đối với những hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Việc duy trì hình phạt tử hình sẽ bảo đảm nguyên tắc công bằng trong BLHS, bảo đảm được mục đích răn đe và phòng ngừa tội phạm, bảo đảm chất lượng cuộc sống và an toàn xã hội. Tuy nhiên, chủ trương thu hẹp phạm vi áp dụng tử hình thể hiện sâu sắc tính nhân đạo, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Ngoài ra, việc quy định hình phạt tù chung thân không giảm án cũng mang lại tính đa dạng trong hệ thống hình phạt, hạn chế sự lúng túng trong việc lựa chọn hình phạt đối với những hành vi chưa đến mức phải tử hình nhưng nếu áp dụng hình phạt tù chung thân thường thì lại chưa tương xứng.
[1] Khoản 1 Điều 40 Dự thảo BLHS (sửa đổi).
2 Tờ trình số 155/TTr-BCA ngày 02/4/2025 của Bộ Công an về Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/to-trinh-du-thao-blhs-sua-doi.pdf, truy cập ngày 10/5/2025
3 Tờ trình số 155/TTr-BCA ngày 02/4/2025 của Bộ Công an về Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/to-trinh-du-thao-blhs-sua-doi.pdf, truy cập ngày 10/5/2025.
4 Điều 40 Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), https://moha.gov.vn/vanban/Pages/van-ban-du-thao.aspx?ItemID=575, truy cập ngày 10/5/2025.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ luật Hình sự năm (2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017).
2. Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, https://moha.gov.vn/vanban/Pages/van-ban-du-thao.aspx?ItemID=575.
3. Tờ trình số 155/TTr-BCA ngày 02/4/2025 của Bộ Công an về Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/to-trinh-du-thao-blhs-sua-doi.pdf .
Ảnh quang cảnh Kỳ họp thứ 9, Quốc hội XV họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), ngày 20/5/2025. Nguồn ảnh: Quốc hội.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào và Chủ tịch nước Lương Cường dự lễ khánh thành Bến số 3, Cảng quốc tế Lào – Việt
-
Trao đổi ý kiến về bài viết “bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc có lỗi?”
-
Định tội danh “tham ô tài sản” trong khu vực kinh tế tư nhân: Những vướng mắc từ thực tiễn xét xử và đề xuất hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường dự Lễ khánh thành bến cảng container Quốc tế số 3 & 4 Lạch Huyện – Cảng Hải Phòng
-
Thủ tướng: Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sắp xếp đơn vị hành chính 2 cấp; bố trí đủ kinh phí, chi trả cho người nghỉ việc
Bình luận