Hồ Tấn Q phạm hai tội
Sau khi nghiên cứu bài viết “Hành vi chiếm đoạt cùng một tài sản của bị hại hai lần ở hai địa điểm thì phạm một hay hai tội?” của tác giả Th.s Phan Thành Nhân, đăng ngày 21/3/2024, tôi đồng ý với quan điểm ba trong bài viết.
Để xác định đúng tội danh cần làm rõ về hành vi khách quan và thời điểm được coi là tội phạm hoàn thành trong cấu thành tội phạm đối với tội trộm cắp tài sản và tội cướp tài sản cụ thể như sau:
- Về hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản tội phạm thực hiện một cách lén lút, bí mật. Việc lén lút, bí mật nhằm để che giấu hành vi phạm tội để chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không biết có việc chiếm đoạt tài sản của họ. Còn đối với hành vi khách quan của tội cướp tài sản người phạm tội dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.
- Về thời điểm được coi là tội phạm hoàn thành, tội trộm cắp tài sản tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội di chuyển tài sản ra khỏi vị trí ban đầu. Thời điểm tội phạm được coi là hoàn thành đối với tội cướp tài sản được xác định từ lúc người phạm tội thực hiện một trong các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Hậu quả có lấy được tài sản hay không thì không ảnh hưởng đến việc xác định tội phạm này đã hoàn thành hay chưa.
Trở lại nội dụng vụ án, hành vi của Hồ Tấn Q lén lút lấy trộm chiếc xe mô tô biển số 66H5-3438 của chị Hồ Thị Bé B đã hoàn thành vào thời điểm Q di chuyển chiếc xe này ra khỏi sân nhà của ông Trần Văn H và có hành vi lừa dối đánh mất chìa khóa xe, thời điểm tội phạm hoàn thành từ khi tài sản chiếc xe mô tô đã bị di chuyển ra khỏi khu vực thuộc quyền quản lý của chủ sở hữu cho nên hành vi của Q đã thỏa mãn dấu hiệu của tội “Trộm cắp tài sản” . Còn đối hành vi dùng vũ lực nhằm để chiếm đoạt tài sản “Q dùng tay phải đánh một cái trúng vào gò má bên trái rồi dùng chân đạp vào đùi và chân của chị B làm cho chị B lùi lại phía sau…” đã thỏa mãn dấu hiệu hành vi khách quan của tội “Cướp tài sản”.
Như vậy, từ những phân tích trên hành vi của Hồ Tấn Q đã thỏa mãn dấu hiệu của tội “Trộm cắp tài sản’ và tội “Cướp tài sản”.
Trên đây là quan điểm trao đổi về vụ án, kính mong các độc giả và quý đồng nghiệp đóng góp ý kiến!
Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xét xử hai bị cáo bị truy tố về tội Cướp tài sản - Ảnh: Trang Bùi
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận