Hoài Đức (Hà Nội): Dân kêu cứu vì Tòa đang thụ lý giải quyết, chính quyền đã tổ chức cưỡng chế

Ngày 19/10/2020, Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức ra thông báo thụ lý vụ án Hành chính số 04/2020/HCST về việc “yêu cầu hủy quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai”. Tuy nhiên trong khi chưa có phán xét của Tòa thì xã đã tổ chức cưỡng chế .

Việc cắm mốc giới khiến dân bức xúc

Theo đơn kêu cứu của 21 hộ dân đang sinh sống và sử dụng đất hợp pháp tại khu Sáo (thôn An Hạ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức), họ được giao và sử dụng đất ổn định, liên tục từ trước ngày 15/10/1993. Cho đến cuối năm 2019, việc sử dụng đất của các hộ dân diễn ra bình thường, không tranh chấp với ai, không nhận được bất kỳ ý kiến, văn bản nào xác định đất của họ nằm một phần trong Dự án Dự án KĐT Nam An Khánh (phần mở rộng về phía Nam).

 

Sự việc chỉ bắt đầu khi ngày 20/11/2019 UBND xã An Thượng ra Thông báo yêu cầu các hộ dân tháo dỡ, di chuyển toàn bộ tài sản, công trình kiến trúc, cây cối hoa mầu… ra khỏi Dự án KĐT Nam An Khánh mở rộng. Theo các hộ dân, đây là yêu cầu vô lý bởi vì: “Từ năm 2008 khi UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có quyết định giao hơn 513 nghìn m2 đất để xây dựng KĐT Nam An Khánh mở rộng, các cơ quan chức năng liên quan đã lập hồ sơ đền bù, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất bàn giao cho Công ty Sudico”.

Trước sự phản đối của người dân, ngày 9/12/2019 UBND xã An Thượng gửi giấy mời các hộ dân ở tại nhà vào sáng ngày hôm sau để “xác định mốc giới” đất giữa các hộ dân và Dự án KĐT Nam An Khánh mở rộng đạt kết quả. Thế nhưng vào sáng hôm sau (ngày 10/12/2019) việc cắm mối giới của chính quyền xã cho Dự án đã được tiến hành. Một người dân cho biết: “Đoàn công tác xuống cắm mốc không làm việc với dân, không giới thiệu thành phần, tự tiện vẽ sơn đánh dấu mốc giới lên tường nhà của chúng tôi”.

 

Đơn kiến nghị của các hộ dân

 

Ngay việc xác định mốc bất thường của chính quyền xã An Thượng, ngày 16/12/2019, 21 hộ dân đã có đơn kiến nghị gửi UBND xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Công ty Sudico, đề nghị làm rõ các nội dung: Căn cứ pháp lý của việc đo đạc, cắm mốc. Dựa trên cơ sở nào để cắm mốc giới của Dự án vào nhà đất các hộ dân đang sử dụng… Người dân cũng yêu cầu chính quyền cung cấp các hồ sơ, tài liệu để minh bạch việc thực hiện Dự án như: Quyết định số 2705/QĐ-UBND ngày 23/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) về việc giao 513.852,5 m2 tại xã An Khánh và An Thượng cho Công ty Sudico; Biên bản bàn giao mốc giới giữa Sở TN&MT Hà Tây, UBND huyện Hoài Đức, UBND xã An Thượng với Chủ đầu tư Sudico; Hồ sơ bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với Dự án KĐT Nam An Khánh mở rộng…  Điều lạ lùng là yêu cầu chính đáng này của các hộ dân đã không được các cấp chính quyền đáp ứng?!.

Xã cưỡng chế khi chưa có phán quyết của Tòa

Tại Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 08/01/2020 UBND xã An Thượng ra Quyết định cưỡng chế, khi nhận được Quyết định cưỡng chế, bà Nguyễn Thị Bích Phượng đã có đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức. Ngày 19/10/2020, Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức đã ra thông báo thụ lý vụ án Hành chính số 04/2020/HCST về việc “yêu cầu hủy quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai” theo đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị Bích Phượng. Thời gian này cũng trùng thời điểm Hà Nội thực hiện các chỉ thị về phòng, chống dịch covid.

Ngày 01/10/2021, khi Hà Nội vừa nới lỏng quy định giãn cách phòng chống dịch Covid-19, thì bất ngờ chính quyền xã An Thượng và người của Công ty Sudico đã tiến hành cưỡng chế phá hủy tài sản của hộ bà Nguyễn Thị Bích Phượng (một trong 21 hộ dân đang khiếu nại việc xác định mốc giới với Dự án KĐT Nam An Khánh mở rộng).

 

Quyết định cưỡng chế của UBND xã An Thượng

Theo trình bày của bà Phượng, toàn bộ vườn cây của nhà bà giáp với Dự án đã bị phá hủy với thiệt hại trên 65 triệu đồng. Việc cưỡng chế của chính quyền đã được gia đình bà lập vi bằng và khởi kiện ra tòa.

Theo Biên bản hội nghị họp ngày 3/12/2019 giữa gia đình bà Phượng và đại diện chính quyền huyện Hoài Đức, xã An Thượng, chủ đầu tư Công ty Sudico thể hiện các bên thống nhất tiến hành xác định mốc giới trước ngày 10/12/2019. Phụ lục, về chi phí gần 260 triệu đồng để tổ chức cưỡng chế.

Bà Phượng cho biết, thay vì xác định mốc giới một cách công khai, minh bạch, đúng pháp luật thì chính quyền xã An Thượng lại cưỡng chế phá hủy tài sản của gia đình bà. Hiện gia đình bà Phượng đã có đơn tố cáo việc bị hủy hoại tài sản gia đình bà của Công ty Sudico và khởi kiện quyết định cưỡng chế của UBND xã An Thượng ra Tòa. Theo bà Phượng, khi chưa có phán quyết của Tòa án nhưng chính quyền xã đã tự cưỡng chế đất là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước khi phải bỏ ra gần 260 triệu đồng để tổ chức cưỡng chế và ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi của bà.

PV