Hoàn tất kết luận điều tra vụ kit tét Việt Á, đề nghị truy tố 38 bị can
Cơ quan điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án kit test Việt Á, chuyển hồ sơ sang VKSNDTC đề nghị truy tố 38 bị can, trong đó có hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh.
Chi hoa hồng gần 800 tỷ đồng
Trong vụ án, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra căng thẳng, Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) đã móc nối với giám đốc CDC một số địa phương để nâng khống giá bộ xét nghiệm Covid-19, cùng chia nhau số tiền nâng khống.
Kết quả điều tra xác định Phan Quốc Việt với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%, số tiền Công ty Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỷ đồng. Theo lời khai của Việt, số tiền chi hoa hồng cho các đối tác là gần 800 tỷ đồng.
Trong số 38 bị can, có 3 người từng là Ủy viên Trung ương Đảng gồm: ông Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ), ông Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) và ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế).
Theo đó, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhận 2,5 triệu USD trong vụ này. Khi đương nhiệm Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Long đã ký công văn đề xuất không hiệp thương giá mà đề nghị Bộ Tài chính thực hiện hiệp thương với sinh phẩm chẩn đoán Covid-19 theo nguyên tắc: Giá sản xuất cộng Thuế và cộng lãi. Bộ Y tế còn đề xuất mua 200.000 test của Công ty Việt Á với giá 470.000 đồng/test.
Ông Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc đã can thiệp, tác động và chỉ đạo giúp Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm Covid-19; hiệp thương giá và kiểm tra hiệp thương sai quy định. Do vậy Việt Á đã được tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm, thu lời bất chính.
Quá trình này, Phan Quốc Việt nhiều lần đưa tiền cho ông Long. Lần đầu vào tháng 12/2020, thông qua Nguyễn Huỳnh, thư ký của ông Long, Việt đưa 200.000 USD. Một tháng sau, Phan Quốc Việt tiếp tục đưa 2 tỷ đồng và 1 triệu USD cho Nguyễn Huỳnh. Huỳnh chuyển lại 1 triệu USD cho ông Long, còn giữ lại 2 tỷ đồng. Tháng 6/2021, Phan Quốc Việt gặp Bộ trưởng Long tại trụ sở Bộ Y tế, đưa cho ông Long thêm 50.000 USD. Sau đó, Việt còn hối lộ thêm một lần nữa.
Tổng cộng, bị can Việt đã 4 lần hối lộ Nguyễn Thanh Long, tổng số 2,25 triệu USD (tương đương 51,1 tỷ đồng). Bị can Nguyễn Huỳnh cũng nhận hối lộ 2 lần, tổng số 4 tỷ đồng của Việt.
Cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và các thuộc cấp do vậy bị đề nghị truy tố về tội "Nhận hối lộ" theo khoản 4, Điều 354 BLHS.
Một bị can khác tại Bộ Y tế, Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình cũng được nhận hối lộ 300.000 USD từ Phan Quốc Việt.
Theo kết luận điều tra bị can Phan Quốc Việt đã gặp ông Chu Ngọc Anh, khi đó là Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ tại trụ sở của Bộ. Tại cuộc gặp này, Phan Quốc Việt đưa cho ông Chu Ngọc Anh một túi quà màu xanh có in hotline của Công ty Việt Á. Theo Việt khai, bên trong túi có 200.000 USD cùng vài bộ khẩu trang và chai nước rửa tay khô dạng xịt do Công ty Việt Á sản xuất.
Khi đó, Việt nói: "Tụi em mới có được ít thanh toán, ghé cám ơn anh đã ủng hộ tụi em tham gia đề tài và hỗ trợ tụi em rất nhiệt tình. Nếu tình hình tốt, sắp tới em sẽ ghé thăm anh tiếp". Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã nói: "Tớ cám ơn Việt" rồi đồng ý nhận chiếc túi màu xanh.
Giai đoạn điều tra, ông Ngọc Anh khai đề tài nghiên cứu test do Học viện Quân y chủ trì còn quyền sở hữu, sử dụng thuộc về Nhà nước do Bộ Khoa học Công nghệ quản lý.
Tháng 9/2020, ông Ngọc Anh được bầu Chủ tịch UBND Hà Nội và lúc này, Bộ Khoa học và Công nghệ chưa bàn giao, xử lý đề tài nghiên cứu test của Công ty Việt Á và Học viện Quân y.
Do vậy, việc Công ty Việt Á đưa vào sản xuất thương mại test là vi phạm quy định, xâm hại quyền quản lý của Nhà nước. Ông Ngọc Anh cũng thừa nhận đã cầm 200.000 USD của Phan Quốc Việt.
Cơ quan điều tra hiện đề nghị Viện kiểm sát truy tố ông Chu Ngọc Anh về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Ngoài các bị can trên đây, có 21 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; 2 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”; 6 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ”. Cơ quan điều tra đã phong tỏa, kê biên, chặn giao dịch, sổ tiết kiệm… tạm giữ tổng cộng khoảng 1.700 tỷ đồng trong vụ án này.
Quá trình mở rộng điều tra, cơ quan tố tụng thuộc Bộ Quốc phòng đã khởi tố một số sĩ quan quân đội để giải quyết theo thẩm quyền.
Các đối tượng thứ yếu, không vụ lợi không bị xử lý hình sự
Tại buổi cung cấp thông tin về kết quả Phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương đã nói về vụ án Việt Á.
Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, vụ án xảy ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và bất cứ ai cũng không mong muốn. Ban chỉ đạo đã kịp thời chỉ đạo với 8 yêu cầu nội dung rất cụ thể, và 8/8 yêu cầu của Ban Chỉ đạo đã được các cơ quan điều tra của Trung ương, địa phương, các cơ quan liên quan làm rõ.
Đến thời điểm hiện nay đã khởi tố 33 vụ án/111 bị can với 6 tội danh. Các vụ án đã đến giai đoạn có thể kết thúc điều tra được, phấn đấu từ nay đến cuối năm cố gắng kết thúc điều tra truy tố xét xử cả chùm án Việt Á này. Trong chùm án này có tới 33 vụ án, có những vụ án địa phương đã thụ lý giải quyết và nhiều vụ án đã được đưa ra xét xử chứ không phải chỉ có một vụ án duy nhất ở Quảng Ninh.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết thêm, vì bối cảnh chống dịch đặc biệt, nên cũng có nhiều vi phạm, sai phạm vì mục tiêu chống dịch, liên quan tới rất nhiều con người, từ các bộ, ngành trung ương xuống địa phương, rồi các đơn vị doanh nghiệp khối ngoài Nhà nước, công tư đều có cả.
Do đó, Ban Chỉ đạo đã có chủ trương, chỉ đạo phân loại xử lý đối tượng đầy khoa học, rất nhân văn, nhân ái, nhân tình nhưng cũng rất nghiêm khắc như lời Tổng Bí thư nói. Trong đó, thống nhất chỉ nghiêm trị người có chức vụ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định của Đảng, Nhà nước, đem lại lợi ích bất hợp pháp cho Công ty Việt Á.
Thứ nữa là người chủ mưu, cầm đầu, người vì động cơ vụ lợi, chiếm số tiền lớn cũng sẽ bị xử lý nghiêm khắc hết khung, hết khoản. Nhóm này liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, tội rất nặng và đến nay đã được làm rõ.
Còn các nhóm khác phân hóa ra, có chính sách miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với nhóm thứ yếu, phụ thuộc, phải thực hiện theo mệnh lệnh.
Điều quan trọng nhất trong nhóm đối tượng có vai trò thứ yếu, phụ thuộc, đó là họ không có động cơ vụ lợi, không được hưởng lợi và ở tuyến đầu chống dịch, vi phạm chủ yếu trong hoạt động đấu thầu nên Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương không xử lý.
Với vụ án xảy ra ở CDC Quảng Ninh vừa được xét xử cũng được vận dụng cơ chế này để xử lý. Với việc phân hóa này cũng để đội ngũ y bác sĩ không may đã và đang bị xử lý trong vụ án Việt Á mà không có yếu tố vụ lợi có thể an tâm.
Hai bị can Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long
Bài liên quan
-
Cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh đã nộp đủ tiền thi hành án
-
Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt
-
Ông Nguyễn Thanh Long bị cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế
-
Sai phạm của các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Xác định mức tiền phạt vi phạm hành chính - Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
-
Kiến nghị hoàn thiện quy định “đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu”
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Kiến trúc Hà Nội thời bao cấp: Một di sản bị quên lãng
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận