Hoàn thiện các quy định về Tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Điều 335 BLHS năm 2015
Điều 335 Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS) quy định về tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, đây là quy định có ý nghĩa góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc cần kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung.
1. Khó khăn, vướng mắc
So với Điều 262 BLHS năm 1999 thì quy định tại Điều 335 BLHS hiện hành không có thay đổi gì về hành vi khách quan, về cấu thành tội phạm cũng như về hình phạt, cụ thể:
“Điều 335. Tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự
1. Người nào cố ý cản trở việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc trong thời chiến, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm”.
Thực tiễn áp dụng pháp luật, tác giả nhận thấy vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc nhất định cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung.
Một là, kết cấu tên điều luật và phần quy định hành vi chưa thống nhất, đầy đủ
Điều 335 BLHS với kết cấu tên điều luật là: "Tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự", nhưng tại phần quy định hành vi lại liệt kê: "1. Người nào cố ý cản trở việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện,…". Việc liệt kê như trên là chưa thống nhất với tên điều luật và chưa phản ánh hết tất cả hành vi nguy hiểm cho xã hội đối với vấn đề thực hiện nghĩa vụ quân sự. Bởi hiện nay, quy trình thực hiện nghĩa vụ quân sự rất chặt chẽ, thực hiện nhiều khâu, giai đoạn khác nhau. Trong bối cảnh thực hiện "ba gặp, bốn biết" và thực hiện "tròn khâu" trong công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, thì thanh niên khi đủ 17 tuổi phải thực hiện việc đăng ký nghĩa vụ quân sự (đăng ký tuổi 17) tại Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện; trên cơ sở đó, thông qua Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp xã và cấp huyện để xét duyệt chính trị, tuyển chọn những công dân có đủ phẩm chất chính trị; sau khi lựa chọn những công dân có đủ phẩm chất chính trị phải thực hiện việc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự và quyết định gọi công dân nhập ngũ phục vụ trong Quân đội.
Một quy trình đi qua nhiều khâu, nhiều cấp, nhưng hiện nay các quy phạm pháp luật trong Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 chưa phản ánh đầy đủ các quy trình ấy, đặc biệt là việc gọi nhập ngũ. Do đó, đã gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật trên thực tiễn đối với một số hành vi như: Cản trở, không tạo điều kiện thuận lợi trong việc xét duyệt chính trị đối với công dân đến độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Ví dụ: Ngày 21/10/2021, trên cơ sở danh sách đăng ký tuổi 17, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự xã A tiến hành thu thập một số thông tin về lai lịch chính trị, gặp gỡ công dân B, nhưng C (là bố B) vì không muốn con thực hiện nghĩa vụ quân sự nên đã nhiều lần có hành vi đóng cửa nhà không tiếp xúc với Hội đồng Nghĩa vụ quân sự xã A và xúi giục B bỏ trốn vào Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hành vi phản ánh đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội, nhưng chưa quy định cụ thể trong BLHS, dẫn đến rất khó áp dụng pháp luật để xử lý hình sự đối với C, các cơ quan có thẩm quyền phải vận dụng rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau để xử lý hành vi của C, tạo tính trừng trị, răn đe.
Hai là, có sự quy định không rõ ràng giữa khoản 2 Điều 335 và khoản 1 Điều 334 BLHS
Khoản 2 Điều 335 BLHS quy định: "…phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn…" đối với hành vi cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Như vậy, lợi dụng chức vụ, quyền hạn là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với hành vi cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tác giả cho rằng có sự không rõ ràng với quy định tại khoản 1 Điều 334 BLHS: "1. Người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái quy định…". Bởi lẽ trên thực tế, có nhiều hành vi khó phân định rạch ròi giữa việc "làm trái quy định" và hành vi "cản trở"; trong khi đó, quy định hình phạt tại khoản 2 Điều 335 cao hơn so với khoản 1 Điều 334, dẫn đến khi có hành vi phạm tội xảy ra, rất khó áp dụng pháp luật.
Ví dụ: Bản án 21/2020/HSST ngày 08/5/2020 của Tòa án nhân huyện V, tỉnh N tuyên các bị cáo: Nguyễn Quốc T, Đặng Mạnh C về tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. T là bác sỹ, biết rõ quy trình khám sức khỏe tuyển chọn công dân nhập ngũ, thông qua C, T đã cho A sử dụng thuốc Efferalgan Codein trước khi khám sức khỏe, khi Hội đồng khám tuyển nghĩa vụ quân sự xét nghiệm nước tiểu của A bằng cách Test que thử và cho kết quả dương tính với chất ma túy, nhằm làm cho A không đủ điều kiện sức khỏe, không trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, T và C đã nhận lợi một lợi ích vật chất từ A. Như vậy, hành vi của T và C đủ yếu tố cấu thành tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, giả sử rằng T (bác sỹ) là thành viên của Hội đồng khám tuyển nghĩa vụ quân sự, trực tiếp khám tuyển cho A, trên cơ sở kết quả Test que thử, T kết luận A không điều kiện về sức khỏe để nhập ngũ thì hành vi của T đủ yếu tố cấu thành tội "Cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự" quy định tại khoản 2 Điều 335 và cũng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội "Làm trái quy định về thực hiện nghĩa vụ quân sự".
2. Đề xuất, kiến nghị
Để áp dụng pháp luật một cách thống nhất và hiệu quả, tác giả đề xuất thời gian tới Hội đồng Thẩm phán TANDTC có hướng dẫn cụ thể khi áp dụng Điều 335 BLHS vào thực tiễn.
Bên cạnh đó, tác giả kiến nghị nên sửa đổi quy định tại Điều 335 BLHS theo hướng không liệt kê hành vi và bỏ tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "lợi dụng chức vụ, quyền hạn" ra khỏi điều luật, bởi nếu một chủ thể lợi dụng chức vụ quyền hạn, sử dụng ảnh hưởng của mình đối người khác để trục lợi, tùy theo trường hợp, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 334 hoặc Điều 358, 366 BLHS, cụ thể:
"Điều 335. Tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự
1. Người nào cố ý cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội trong thời chiến, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm."
Tòa án Quân sự Quân khu 7 xử sơ thẩm vụ án hình sự - Ảnh: Di Lâm
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Bàn về quy định buộc xin lỗi, cải chính công khai khi bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín trên mạng xã hội
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Bất thường ở huyện nghèo Krông Búk –Đắk Lắk: Thanh niên mới 20 tuổi đã đứng tên nhà đất trị giá nhiều tỷ đồng
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận