Đổi mới tổ chức bộ máy, thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn tư pháp, nâng cao chất lượng và uy tín để Tòa án thực sự là hiện thân của lẽ phải và công lý
Chiều 15/2, tại trụ sở TANDTC, PGS TS Nguyễn Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Chánh án TANDTC đã trực tiếp dự, chỉ đạo và giới thiệu chuyên đề “Đề án Cải cách tư pháp tại TAND đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.
Tham dự tại điểm cầu trung tâm có các Phó Chánh án TANDTC: Nguyễn Trí Tuệ, Nguyễn Văn Tiến, Phạm Quốc Hưng. Phó Chánh án TANDTC Dương Văn Thăng - Chánh án TAQSTW dự tại điểm cầu TAQSTW.
Tại điểm cầu trung tâm còn có các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC, lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC, Thẩm tra viên, Thư ký viên thuộc TANDTC. Cùng hơn 800 điểm cầu TAND, TAQS trên cả nước.
PGS. TS Nguyễn Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Chánh án TANDTC cho biết nước ta đã trải qua một lộ trình cải cách tư pháp từ năm 2008 đến nay theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, đến nay được nâng cấp lên trở thành Nghị quyết Trung ương đó là Nghị quyết số 27-NQ/TW về Xây dựng và đổi mới Nhà nước pháp quyền của Ban Chấp hành TW. Cải cách tư pháp là một phần trong NQ xây dựng Nhà nước pháp quyền, chiến lược cải cách tư pháp mới được mở ra từ nay đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045.
Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 BCHTWĐ khóa XIII xác định quan điểm cải cách tư pháp bao gồm: Tuân thủ nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực; do Đảng lãnh đạo, tăng cường quyền uy tư pháp; Dựa trên yêu cầu phát triển KT-XH, lấy Nhân dân làm trung tâm; tiến hành đồng bộ với cải cách lập pháp, hành pháp; Xác định cơ quan tư pháp là Tòa án, chỉ có Tòa án được Hiến pháp giao thực hiện quyền tư pháp; Tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc pháp quyền XHCN và các nguyên tắc tư pháp cơ bản; Kế thừa truyền thống, thành quả CCTP đã đạt được; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế; Tiến hành CCTP với quyết tâm chính trị cao, khẩn trương, đồng bộ: xác định rõ những nội dung trọng tâm, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân.
PGS TS Nguyễn Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Chánh án TANDTC phát biểu tại Hội nghị
Nghị quyết số 27-NQ/TW xác định mục tiêu cải cách tư pháp tổng quát là xây dựng nền tư pháp độc lập, chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, phụng sự Tố quốc, phục vụ Nhân dân để Tòa án hoàn thành sứ mệnh được Đảng và Nhân dân giao phó. Trong đó mục tiêu cụ thể bao gồm Xây dựng nền tư pháp độc lập, chuyên nghiệp, hiện đại, nghiêm minh. Tòa án có đủ thẩm quyền và năng lực để xử lý các vi phạm pháp luật, giải quyết các tranh chấp, bảo đảm quyền tài phán quốc gia. Xây dựng nhân lực của Tòa án trong sạch, liêm chính, vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và nhân ái; Đổi mới và cơ cấu lại các chức danh tư pháp. Đổi mới tổ chức bộ máy, thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn tư pháp; nâng cao chất lượng và uy tín để Tòa án thực sự là hiện thân của lẽ phải và công lý; Từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất của Tòa án, xây dựng Tòa án điện tử.
Nghị quyết số 27-NQ/TW đặt ra 09 nhiệm vụ, giải pháp cải cách tư pháp gồm: Xây dựng nền tư pháp vì Nhân dân, bảo vệ quyền uy tư pháp. Xác định nội hàm, đặc trưng, chủ thể thực hiện quyền tư pháp. Hoàn thiện nhiệm vụ, thẩm quyền và tổ chức bộ máy CQTP. Đổi mới hoạt động của cơ quan tư pháp. Nâng cao chất lượng nhân lực của Tòa án. Tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm nguồn lực. Xây dựng Tòa án điện tử. 8) Tăng cường hợp tác quốc tế. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.
Về hoàn thiện, đổi mới nhiệm vụ, thẩm quyền và tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp nhằm xây dựng cơ quan tư pháp thực sự vì nhân dân, phục vụ nhân dân. Trong đó bao gồm: Hoàn thiện nhiệm vụ của từng cấp xét xử; Bỏ thủ tục xem xét lại quyết định của HĐTP TANDTC; Hoàn thiện thẩm quyền, thủ tục giải quyết yêu cầu liên quan đến quyền con người (VD: Yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời...); Bổ sung thẩm quyền: Giải thích pháp luật thông qua xét xử; tuyên bố văn bản QPPL trái với Hiến pháp, Luật; xử phạt vi phạm hành chính; quyết định việc hạn chế các quyền con người của đương sự trong tố tụng; Đổi mới nhiệm vụ ban hành án lệ; tăng cường bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; Bỏ một số nhiệm vụ của Tòa án (vốn thuộc chức năng của công tố), như khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung...; Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự là của bên buộc tội và gỡ tội, không phải của Tòa án; và trong vụ án dân sự, hành chính là của các đương sự nên cần hạn chế trách nhiệm của Tòa án trong thu thập chứng cứ; Nghiên cứu chế định bảo vệ Hiến pháp bằng Tòa án.
Đổi mới tổ chức bộ máy của Tòa án theo nguyên tắc tổ chức: Tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Theo thẩm quyền xét xử, không theo đơn vị hành chính; Tăng cường tính độc lập giữa Tòa án các cấp; Vụ án đặc thù phải được xét xử bằng Tòa án chuyên biệt; Quy mô phải phù hợp với khối lượng, tính chất công việc.
Các đại biểu tại đầu cầu trung tâm
Về vấn đề nâng cao chất lượng nhân lực của Toà án, đảm bảo số lượng cần thiết tối thiếu, có cơ cấu các chức danh tư pháp hợp lý, chế độ chính sách đặc thù có 3 nội dung quan trọng: Nâng cao chất lượng nhân lực của Tòa án chuyên nghiệp và trí tuệ, bản lĩnh và nhân ái, tận tụy và công tâm; Đảm bảo số lượng biên chế và có cơ cấu hợp lý; Đảm bảo chế độ chính sách phù hợp.
Về vấn đề nâng cao chất lượng nhân lực của Tòa án chuyên nghiệp và trí tuệ, bản lĩnh và nhân ái, tận tụy và công tâm: Đổi mới cơ cấu chức danh tư pháp: Đổi mới cơ cấu ngạch, bậc Thẩm phán, gồm Thẩm phán tối cao, Thẩm phán và Thẩm phán dự bị. Thẩm phán các ngạch, bậc cần được bố trí ở tất cả Tòa án.
Tiếp tục hoàn thiện chế định Thẩm phán (Thực hiện chế độ trách nhiệm tư pháp trọn đời; Nâng tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán; Nâng cao đạo đức Thẩm phán; Tách cấp bậc Thẩm phán và cấp bậc hành chính. Hoàn thiện cơ chế xử lý vi phạm, giám sát Thẩm phán; Cải cách chế độ hoạt động của Ủy ban Thẩm phán; Có cơ chế kiểm soát bắt buộc đối với một số loại án cụ thể).
Đổi mới và tăng cường công tác tuyển chọn, bổ nhiệm: Mở rộng nguồn bổ nhiệm; mở rộng nhiệm kỳ... Đổi mới và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng: Chú trọng đào tạo Thẩm phán chuyên sâu về sở hữu trí tuệ, phá sản, môi trường, kỹ năng điều hành tranh tụng, trình độ ngoại ngữ.
Cần có cơ chế bảo vệ Thẩm phán: Thẩm phán đã thực thi tổ tụng đúng quy định thì không bị xử lý; Quy định cơ chế miễn trừ trách nhiệm để đảm bảo Thẩm phán làm theo chức năng luật định không bị truy cứu và được miễn trừ trong một số trường hợp cụ thể; Bổ sung chính sách người có công đối với Thẩm phán bị tổn hại sức khỏe, tính mạng vì lý do thực hiện công vụ; Kiện toàn cơ chế thông báo, giải thích, xử lý đối với những vu cáo nhằm vào Thẩm phán.
Tiếp tục xây dựng Toà án điện tử, nhằm nâng cao năng lực quản trị Tòa án trên nền tảng số, cung cấp các dịch vụ tư pháp công để phục vụ người dân tốt hơn. Hỗ trợ Thẩm phán nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động, triển khai các hoạt động tố tụng trực tuyến, góp phần tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động Tòa án.
Về hợp tác quốc tế, cần đổi mới, tăng cường đào tạo kiến thức quốc tế, ngoại ngữ. Kiện toàn hệ thống pháp luật về hợp tác quốc tế; Đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu hội nhập; Tăng cường trao đổi, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực tư pháp; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong xây dựng Tòa án điện tử; Nâng cao vai trò của Tòa án trong việc thực hiện các Điều ước quốc tế.
Về lộ trình thực hiện từ nay đến 2030 tiêp tục hoàn thiện, bổ sung hệ thống pháp luật về tư pháp, tổ chức Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân... Hoàn thiện nhiệm vụ, thẩm quyền và tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp. Đổi mới nhiệm vụ ban hành án lệ, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật Xây dựng chế độ xét xử công khai, minh bạch. Nâng cao chất lượng nhân lực, đặc biệt là Thẩm phán; đảm bảo số lượng cần thiết tối thiểu, cơ cấu phù hợp. Đảm bảo cơ sở vật chất, nguồn lực để xây dựng Tòa án hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng Tòa án điện tử, bước đầu hình thành phương thức tố tụng điện tử. Tăng cường hợp tác quốc tế.
Sau năm 2030 tiếp tục hoàn thiện thể chế phù hợp với tình hình mới như nghiên cứu thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia và chế định bảo vệ Hiến pháp bằng Tòa án; Tăng cường năng lực, cơ sở vật chất cho hoạt động của Tòa án; Nâng cao chất lượng Tòa án điện tử và hoàn thiện phương thức tố tụng điện tử.
Bài liên quan
-
Một số vấn đề và kiến nghị hoàn thiện trong việc tích hợp thông tin cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
-
Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự và tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 - Những vấn đề lý luận, thực tiễn và giải pháp hoàn thiện
-
Phiên họp thứ 10 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ
-
Vướng mắc từ thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản và một số kiến nghị hoàn thiện
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
-
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn đại biểu kiều bào tham dự Chương trình "Xuân Quê hương 2025"
-
Tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
Bình luận