Hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự về biện pháp đặt tiền để bảo đảm
Trên cơ sở phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về biện pháp đặt tiền để bảo đảm, bài viết đưa ra những vướng mắc, bất cập, nguyên nhân và một số kiến nghị để hoàn thiện những quy định của BLTTHS năm 2015 về biện pháp này.
1. Quy định của pháp luật
1.1. Đối tượng và điều kiện áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm
Trước đây, theo quy định tại Điều 93 BLTTHS năm 2003, đối tượng của biện pháp ngăn chặn này là “Tiền và tài sản có giá trị” và chỉ cho phép bị can, bị cáo đặt tiền để bảo đảm thì nay BLTTHS năm 2015 chỉ quy định đặt tiền (không quy định tài sản có giá trị) và đồng thời cho phép cả người thân thích[1] của bị can, bị cáo cũng có quyền này.
Quy định này đã tháo gỡ được các vướng mắc dẫn đến việc chậm giải quyết vụ án trước đây như vấn đề về định giá tài sản, bảo quản tài sản, xác định tài sản có giá trị, việc chứng minh tài sản hợp pháp của bị can, bị cáo… Bên cạnh đó cũng mở rộng đối tượng được đặt tiền để bảo đảm tạo điều kiện cho bị can, bị cáo có cơ hội được tại ngoại dễ dàng hơn. Thực tế trong khi bị can, bị cáo bị tạm giam, họ gặp rất nhiều khó khăn để có thể thực hiện các thủ tục đặt tiền để bảo đảm cho mình. Do đó, đây là một sự bổ sung phù hợp với thực tiễn pháp lý, tạo điều kiện cho bị can, bị cáo được bảo đảm các quyền lợi chính đáng của mình. Đồng thời cũng tạo sự linh hoạt cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc quyết định chấp nhận đề nghị đặt tiền để bảo đảm, tăng khả năng áp dụng biện pháp này trong thực tiễn.
Tiền đặt để bảo đảm là Việt Nam đồng, thuộc sở hữu hợp pháp của bị can, bị cáo, người thân thích của bị can, bị cáo hoặc người đại diện của bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất[2].
Mức tiền để bảo đảm do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định nhưng không dưới: 30 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 100 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng; 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 300 triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Có thể quyết định mức tiền đặt để bảo đảm thấp hơn nhưng không dưới ½ mức tương ứng quy định trên đối với bị can, bị cáo là các đối tượng được ưu tiên theo quy định[3].
Để áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm, theo quy định những người có thẩm quyền phải xem xét tính toàn diện như tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; phạm tội nhiều lần hay lần đầu; tình trạng tài sản; nhân thân; nơi cư trú rõ ràng của bị can, bị cáo…[4].
1.2. Thẩm quyền áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm
Pháp luật tố tụng hình sự quy định chỉ có những người đứng đầu trong các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cấp phó được cấp trưởng ủy quyền mới có thẩm quyền quyết định việc áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm. Họ không được ủy quyền việc quyết định này cho cấp dưới (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán) thực hiện. Ngoài ra, trong trường hợp trước khi mở phiên tòa thì Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa hoặc trong trường hợp tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử cũng có thẩm quyền áp dụng biện pháp này[5].
1.3. Hủy bỏ việc áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm
Thực hiện trong các trường hợp sau đây: Khi có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án; đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can; Bị can, bị cáo bị bắt về tội đã phạm trước khi áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm hoặc tiếp tục phạm tội; Bị can, bị cáo chết…[6]
Việc hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm cũng như các trường hợp tịch thu, nộp ngân sách nhà nước tiền đã đặt để bảo đảm thì thực hiện như việc tịch thu sung công quỹ nhà nước đối với vật chứng vụ án theo quy định của pháp luật[7].
1.4. Thời hạn áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm
Thời hạn đặt tiền được tính theo thời hạn điều tra, truy tố, xét xử. Thời hạn đặt tiền đối với người bị kết án phạt tù được tính đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù. Trong trường hợp gia hạn điều tra, truy tố, xét xử, hoãn thi hành án phạt tù thì thời hạn đặt tiền để bảo đảm được tính theo thời gian gia hạn điều tra, truy tố, xét xử, hoãn thi hành án phạt tù[8].
Mặc dù pháp luật tố tụng hình sự không quy định cụ thể về thời hạn đặt tiền trong trường hợp bị can, bị cáo đã bị tạm giam trước khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm, tuy nhiên trong trường hợp này thời hạn đặt tiền vẫn được tính từ khi ra quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền và không quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử cũng như thời hạn gia hạn điều tra, truy tố, xét xử, hoãn thi hành án phạt tù. Quy định mới này làm rõ các vướng mắc về thời hạn áp dụng biện pháp này mà trước đây được cho là mang tính chung chung, khó hiểu, khó áp dụng.
2. Đánh giá về biện pháp đặt tiền để bảo đảm từ phương diện lý luận và thực tiễn
2.1. Ưu điểm
- Các quy định về biện pháp đặt tiền để bảo đảm trong BLTTHS năm 2015 đã kế thừa tinh thần của BLTTHS năm 2003 và phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, đồng thời cũng cụ thể hóa nhiều nội dung giúp cho các quy định dễ áp dụng vào thực tiễn. Đây là quy định mang tính chất nhân văn, đảm bảo quyền con người, phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp, phù hợp với xu hướng pháp luật tiên tiến trên thế giới.
- Quy định về biện pháp đặt tiền để bảo đảm cũng đồng nghĩa với việc biện pháp tạm giam sẽ từng bước được hạn chế ở mức thấp nhất vì trên thực tế, việc tạm giam bị can, bị cáo cũng đem lại những hạn chế nhất định. Các hệ lụy kéo theo khi áp dụng biện pháp tạm giam là ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của bị can, bị cáo, thậm chí tính mạng có thể bị xâm phạm. Mặt khác, khi bị tạm giam, bị can, bị cáo còn bị ảnh hưởng nặng nề đến cả công việc, thu nhập trong trường hợp cá nhân họ và cả những người sống phụ thuộc vào thu nhập của họ. Điều này đồng nghĩa với việc, nền kinh tế, xã hội cũng một phần chịu tác động theo nếu bị can, bị cáo đó nắm vai trò ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh trong xã hội. Từ những hệ lụy của biện pháp tạm giam như vậy, thì việc áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam sẽ là một giải pháp phù hợp, đem lại hiệu quả tốt cho xã hội và cần phải được áp dụng tối đa trong điều kiện cho phép.
- Việc áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm sẽ giảm áp lực trong công tác quản lý tại các cơ sở giam giữ. Các vấn đề khác có liên quan như cơ sở vật chất, đội ngũ phục vụ, thậm chí cả các chi phí ăn uống, sinh hoạt … cũng giảm bớt.
- Mức tiền đặt không cao, phù hợp với khả năng của bị can, bị cáo; người thân thích của bị can, bị cáo.
- Trình tự, thủ tục quy định cụ thể trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án, Kho bạc nhà nước, cơ quan tài chính trong Quân đội và người nộp tiền. Thủ tục khá đơn giản, dễ thực hiện.
2.2. Những hạn chế, bất cập và nguyên nhân
Mặc dù biện pháp đặt tiền để bảo đảm đã được quy định trong BLTTHS năm 2003, được kế thừa và hoàn chỉnh trong BLTTHS năm 2015 nhưng cho đến nay, quy định này trên thực tiễn rất ít được áp dụng. Vấn đề đặt ra là do đâu?
Thứ nhất, từ khi Thông tư liên tịch 06/2018 có hiệu lực thi hành, đến nay, VKSND TP. Hồ Chí Minh cũng như các quận/huyện tại TP. HCM chưa áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm thay thế tạm giam cho vụ án nào. Lý giải vấn đề này rằng, trong vụ án hình sự cứ liên quan đến tiền mà cơ quan tiến hành tố tụng quyết định áp dụng là rất nhạy cảm[9].
Thứ hai, trong quá trình áp dụng biện pháp ngăn chặn nhẹ hơn tạm giam, người có thẩm quyền trong cơ quan tiến hành tố tụng có cân nhắc, lựa chọn để có phương án áp dụng “hay hơn”. Chẳng hạn, trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông nghiêm trọng ở khu vực Hàng Xanh (TP. HCM). Khuya ngày 21/10/2018, bà Nguyễn Thị Nga (47 tuổi, ngụ tại TP. HCM) điều khiển xe ô tô chạy trên đường Điện Biên Phủ với tốc độ cao. Đến ngã tư Hàng Xanh, xe của bà Nga tông vào nhiều xe máy đang dừng đèn đỏ và một taxi làm một người tử vong và nhiều người khác bị thương… Cơ quan CSĐT Công an Quận Bình Thạnh đã khởi tố vụ án “Vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ”, khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Nga để phục vụ điều tra. Bị can cùng gia đình có đề nghị đặt tiền để bảo đảm cho bị can được tại ngoại; cơ quan tiến hành tố tụng liên quan có xin ý kiến cấp trên, nhưng do vụ án đang được dư luận quan tâm nên các cơ quan tiến hành tố tụng… ngại áp dụng. Tháng 2/2019 cơ quan điều tra Công an Quận Bình Thạnh thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú, đồng thời có lệnh cấm xuất cảnh đối với bà Nga. Lý do bị can được tại ngoại là: “có nơi cư trú rõ ràng, được bảo lãnh của gia đình, có 7 bị hại có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự đối với bị can, đồng thời bà Nga tích cực bồi thường cho bị hại nên không nhất thiết phải tạm giam”[10].
Như vậy, cơ quan điều tra Công an Quận Bình Thạnh đã không áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm mà quyết định áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Đây là một lựa chọn không thể khác hơn vì sau khi cân nhắc kỹ, xét thấy việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú mang lại hiệu quả cao hơn, đảm bảo hơn khi có sự kết hợp giám sát bị can từ chính quyền địa phương.
Thứ ba, cuối năm 2015, ông Byron McLaughlin (61 tuổi, quốc tịch Diminicana) từng có đơn cầu cứu đến Báo Thanh niên về trường hợp thuộc cấp của mình là người Việt Nam, bị tạm giam điều tra về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Việc thuộc cấp bị tạm giam đã khiến 4 công ty của ông tại Bình Dương phải ngưng sản xuất và gần 700 công nhân tạm thời không có việc làm. Để hạn chế thiệt hại do hành trình tố tụng kéo dài, ông Byron McLaughlin tự nguyện nộp 3 tỉ đồng (tương đương với số tiền tranh chấp) vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra; đồng thời có đơn xin đặt tiền để bảo đảm thay đổi biện pháp tạm giam cho tại ngoại, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chấp nhận[11].
Việc cơ quan tiến hành tố tụng không chấp nhận trong trường hợp này có thể xuất phát từ lý do đối tượng xin đặt tiền để bảo đảm không phải bị can cũng không phải là người thân thích của bị can như quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, với điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội phát triển mạnh, ngày càng có nhiều người nước ngoài đến sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Chính vì vậy, các vấn đề phát sinh đều có thể xảy ra, có thể không đại trà nhưng không phải không có, chẳng hạn như ví dụ nêu trên. Các quy định của pháp luật luôn phải định hướng trên thực tiễn cuộc sống xã hội và dự liệu các giải pháp khi tình huống đó xảy ra. Vậy phải chăng, cần xem xét bổ sung về đối tượng đặt tiền để bảo đảm không chỉ là bị can, bị cáo hoặc người thân thích của họ, mà có thể áp dụng khi có đơn yêu cầu của bị can, bị cáo kèm theo cam đoan của thủ trưởng cấp trên của họ và khoản tiền đặt phải nhiều hơn 3 lần so với mức tiền mà pháp luật quy định.
Thứ tư, việc quy định mức tiền cụ thể như nêu trên sẽ dẫn đến sự thay đổi vì trong khoảng thời gian áp dụng chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh mức tiền đặt. Mặt khác, việc quy định cụ thể cũng không tạo ra sự chủ động, linh hoạt của cơ quan tiến hành tố tụng.
Thứ năm, việc áp dụng đặt tiền để được tại ngoại thời điểm này không phù hợp vì nhìn chung ý thức của người dân chưa cao, công tác quản lý chưa thực sự tốt, nhiều trường hợp bỏ trốn luôn. Nói chung lợi ích ít mà nguy cơ nhiều nên cơ quan chức năng không áp dụng là đúng.
Có thể nói, các quy định về biện pháp đặt tiền để bảo đảm quy định tại Điều 122 BLTTHS năm 2015 và TTLT số 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC được đánh giá là khá hoàn chỉnh về nội dung và hình thức nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn có tâm lý ngại áp dụng vì một số nguyên nhân sau đây:
- Nguyên nhân đầu tiên cần phải đề cập tới đó là sự nhận thức cũng như ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật của người dân còn hạn chế rất nhiều, chưa kể đến nhận thức và ý thức của người phạm tội. Từ tồn tại này dẫn đến việc cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải cân nhắc rất nhiều khi quyết định có áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm hay không.
- Do khó khăn từ những quy định của pháp luật tố tụng hình sự, đó là:
+ Nguyên tắc áp dụng: “Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải cân nhắc hiệu quả, tính khả thi của việc thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp đặt tiền để bảo đảm”. Vì vậy, khi cân nhắc tính hiệu quả, tính khả thi, cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ phải đắn đo, suy nghĩ rất kỹ càng trước khi quyết định có áp dụng hay không. Thực tế là cơ quan tiến hành tố tụng không chỉ cân nhắc tính hiệu quả, tính khả thi mà còn phải cân đối giữa lợi ích và nguy cơ. Và khi đưa ra quyết định, trên thực tế quyết định cuối cùng tốt nhất được lựa chọn là không áp dụng vì sẽ liên quan đến vấn đề trách nhiệm.
+ Việc bổ sung thêm đối tượng được áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng một mặt tạo điều kiện cho bị can, bị cáo nhưng mặt khác nó cũng là một hạn chế lớn bởi thật sự khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng khi quyết định áp dụng biện pháp này cho loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm.
+ Chế tài quy định trong trường hợp bị can, bị cáo vi phạm cam đoan là số tiền đã đặt sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước và bị can, bị cáo sẽ bị bắt tạm giam ngay. Chế tài này liệu đã đủ sức răn đe hay chưa trong trường hợp đối với một số hành vi gây nguy hiểm lớn cho xã hội, bị can, bị cáo có thể sẵn sàng chấp nhận mất số tiền đã đặt. Như vậy, có nên cân nhắc ngoài quy định về chế tài nêu trên còn quy định thêm việc bị can, bị cáo vi phạm cam đoan về việc thực hiện nghĩa vụ của mình cũng được xem là một tình tiết tăng nặng đối với bị can, bị cáo khi đưa vụ án ra xét xử.
- Do cơ quan tiến hành tố tụng chưa mạnh dạn áp dụng, vì các lý do:
+ Việc quy định đối tượng được áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm dựa vào nhân thân người phạm tội, trong thực tế có thể căn cứ vào nhân thân đủ điều kiện, nhưng căn cứ vào tội phạm gây ra có thể là tội phạm rất nghiêm trọng nếu cho áp dụng, một mặt tạo điều kiện cho bị can, bị cáo nhưng mặt khác nó cũng là một hạn chế lớn bởi tính nguy hiểm của hành vi phạm tội. Thật sự vô cùng khó khăn cho công tác quản lý sau này khi những tội phạm rất nghiêm trọng vi phạm cam đoan về nghĩa vụ đặt tiền (ví dụ: mất nhiều thời gian, công sức truy nã nếu bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội) .
+ Tâm lý chung của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng là e ngại các thủ tục hành chính, mất nhiều thời gian, phải làm hồ sơ tới lui, liên hệ Kho bạc, cơ quan tài chính trong Quân đội, các vấn đề về hoàn trả, tịch thu, trách nhiệm khi ký các Thông báo, quyết định, việc chứng minh tài sản hợp pháp … Thậm chí, sau này có thể còn phải giải quyết cả những vấn đề khiếu nại của bị can, bị cáo hoặc người thân thích, người đại diện của họ liên quan đến khoản tiền đặt để bảo đảm. Lợi ích thì bị can, bị cáo được hưởng, nhưng nếu xảy ra sự việc thì trách nhiệm lại thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Có rất nhiều trách nhiệm ràng buộc khi áp dụng biện pháp này trong khi họ không có nghiệp vụ để giải quyết công việc này. Mặt khác, họ muốn dành thời gian tập trung cho công tác chuyên môn để đạt mục đích hoạt động tố tụng cuối cùng là điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
+ Do công tác quản lý chưa thực sự tốt nên các cơ quan tiến hành tố tụng chưa tự tin để quyết định áp dụng. Vấn đề đặt ra ở đây chính là nghiệp vụ giải quyết cũng như tiềm lực về nhân sự chưa đủ dày để thực hiện hoạt động giám sát sau khi áp dụng biện pháp này bởi trong thời gian không tạm giam, bị can, bị cáo đi đâu, làm gì, cơ quan tiến hành tố tụng cũng khó có thể nắm bắt được. Như vậy, nên chăng cần quy định bổ sung sự kết hợp trách nhiệm của các cơ quan khác cũng như chính quyền địa phương và cam kết của gia đình trong việc thực hiện biện pháp này.
3. Một số kiến nghị nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp tiền đặt để bảo đảm
- Thứ nhất, cần khuyến khích áp dụng biện pháp ngăn chặn này đối với tội phạm ít nghiêm trọng trước bởi vì lý do tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội do loại tội phạm này gây ra ở mức thấp, không ảnh hưởng quá nhiều đến dư luận nên cũng dễ dàng hơn khi áp dụng.
- Thứ hai, trong thực tiễn, ngay ở giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra đã không áp dụng biện pháp này thì ở giai đoạn truy tố, xét xử, Viện kiểm sát và Tòa án liệu có mạnh dạn áp dụng hay không? Như vậy, ngay từ giai đoạn điều tra, Cơ quan điều tra cần cân nhắc, mạnh dạn áp dụng biện pháp này làm cơ sở cho các cơ quan tiến hành tố tụng khác thực hiện.
- Thứ ba, người thân thích quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 4 BLTTHS năm 2015 bao gồm các đối tượng trong đó có bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi. Họ là những người được đặt tiền để bảo đảm cho bị can, bị cáo. Như vậy, liệu có thiếu sót khi không đề cập đến đối tượng “con dâu, con rể” có được quyền này, trong khi đó, đối tượng “con dâu, con rể” là người trẻ, trong độ tuổi lao động, có khả năng làm việc tạo ra thu nhập để bảo đảm cho bị can, bị cáo thì lại chưa được pháp luật quy định. Do đó, cần bổ sung vào điều luật đối tượng “con dâu, con rể” là người thân thích để đảm bảo quyền lợi cho bị can, bị cáo cũng như các đối tượng khác trong việc áp dụng pháp luật.
- Thứ tư, nên bổ sung quy định mức tiền đặt được giảm đối với bị can, bị cáo thuộc diện hộ nghèo tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC để bảo đảm sự công bằng và nhân đạo bởi khi được tại ngoại, họ mới có cơ hội lao động tạo thu nhập và có điều kiện chăm sóc gia đình. Chẳng hạn, trong trường hợp bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng với mức tiền đặt đối với tội này là không dưới 30 triệu đồng thì việc giảm mức tiền đặt cũng có ý nghĩa rất lớn đối với họ.
- Thứ năm, nên bổ sung đối tượng được áp dụng này ngoài bị can, bị cáo còn có người bị kết án phạt tù. Vì theo quy định gián tiếp tại khoản 4 Điều 122 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC thì đây cũng là đối tượng được áp dụng nhưng ở khái niệm tại khoản 4 Điều 122 chưa quy định.
- Thứ sáu, bổ sung thêm đối tượng người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần vào quy định tại Điều 122 BLTTHS năm 2015 vì đây cũng là đối tượng được đặt tiền. Mặc dù Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC có khắc phục nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Đồng thời, cần bổ sung vào Điều 122 về tình trạng tài sản của người thân thích, người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo do quy định trong điều luật chỉ căn cứ vào tình trạng tài sản của bị can, bị cáo.
- Thứ bảy, tương tự như trên, cần bổ sung thời hạn áp dụng trong trường hợp gia hạn điều tra, truy tố, xét xử, hoãn thi hành án phạt tù vào Điều 122 BLTTHS năm 2015 giống như quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2018.
- Thứ tám, quy định tại BLTTHS năm 2015 và Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC không quy định trong trường hợp Cơ quan điều tra áp dụng biện pháp này nhưng Viện kiểm sát không phê chuẩn quyết định áp dụng của Cơ quan điều tra thì xử lý số tiền mà họ đã đặt như thế nào? Thủ tục hoàn trả và thời gian hoàn trả số tiền đó ra sao? Do đó, cần phải có quy định cụ thể áp dụng trong trường hợp này.
- Thứ chín, bổ sung vào điểm b, khoản 2, Điều 10 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC thẩm quyền của Phó Chánh án bên cạnh thẩm quyền của Chánh án vì Phó Chánh án cũng có quyền áp dụng biện pháp này.
- Thứ mười, Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC chưa nêu rõ nếu ở giai đoạn điều tra đã áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm thì khi chuyển hồ sơ qua Viện kiểm sát và Tòa án, các cơ quan này có tiếp tục áp dụng theo Quyết định của Cơ quan điều tra nếu có căn cứ tiếp tục cho họ tại ngoại hay sẽ phải tự mình ra Quyết định áp dụng biện pháp này. Việc duy trì quyết định của Cơ quan trước sẽ hạn chế các thủ tục như hủy quyết định áp dụng, các thủ tục trả lại tiền, rồi sau khi ra quyết định áp dụng mới, lại làm thủ tục nộp tiền lại… Như vậy thủ tục sẽ rất phức tạp, nhiêu khê. Do đó, cần xác định tính liên tục về hiệu lực của quyết định áp dụng biện pháp này trong suốt các giai đoạn tố tụng.
Kết luận: Từ những phân tích nêu trên, chúng ta luôn đặt ý nghĩa khắc phục, giáo dục cao hơn trừng trị từ biện pháp đặt tiền để bảo đảm cũng như là các biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam khác. Việc áp dụng biện pháp này vừa giảm tải cho các cơ sở giam giữ, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội trong khi vẫn đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Những người được đặt tiền để bảo đảm không bị cách ly, có cơ hội, điều kiện sinh sống và làm việc trong một môi trường bình thường, có thể tăng thêm thu nhập cho bản thân và gia đình đồng thời họ có thể khắc phục được phần nào hậu quả do mình gây ra. Điều đó cũng thể hiện mục đích nhân đạo trong chính sách ban hành pháp luật của nhà nước trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Một số trường hợp bị can có thể đặt tiền đảm bảo để được tại ngoại - Ảnh minh họa: plo.vn
[1] Xem điểm e, khoản 1, Điều 4 BLTTHS năm 2015.
[2] Điều 3, TTLT số 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC.
[3] Điều 4, TTLT số 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC.
[4] Xem khoản 2, Điều 7, TTLT số 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC.
[5] Xem khoản 3, Điều 122 BLTTHS năm 2015.
[6] Xem khoản 1 Điều 10, TTLT số 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC.
[7] Điều 13, TTLT 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC.
[8] Khoản 4, Điều 9, TTLT số 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC.
[9] Phan Thương, Đặt tiền để được tại ngoại, vì sao ít áp dụng?, https://thanhnien.vn>thời sự>pháp luật, truy cập ngày 25/02/2020.
[10] Phan Thương, Đặt tiền để được tại ngoại, vì sao ít áp dụng?, https://thanhnien.vn>thời sự>pháp luật, truy cập ngày 25/02/2020.
[11] Phan Thương, Đặt tiền để được tại ngoại, vì sao ít áp dụng?, https://thanhnien.vn>thời sự>pháp luật, truy cập ngày 25/02/2020.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận