Hoàn thiện quy định biện pháp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội dưới góc độ phân hóa trách nhiệm hình sự
Các vấn đề như: Cơ sở, nội dung và đòi hỏi của phân hóa trách nhiệm hình sự trong biện pháp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội hay quy định của BLHS 2015 cũng như quy định của dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên về các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội để qua đó làm cơ sở đưa ra những đề xuất hoàn thiện quy định về các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội đã được tập trung phân tích, đánh giá làm rõ trong bài viết dưới đây.
Bảo đảm phân hóa trách nhiệm hình sự cụ thể để đáp ứng tốt hơn cho đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm
Phân hóa trách nhiệm hình sự là một trong những nguyên tắc quan trọng của Luật hình sự, phân hóa trách nhiệm hình sự có mối quan hệ mật thiết với các nguyên tắc khác của Luật hình sự như nguyên tắc nhân đạo, nguyên tắc công bằng, nguyên tắc cá thể hóa hình phạt… hay nói cách khác việc cụ thể những tư tưởng của nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự trong việc xây dựng và áp dụng các quy định của Luật hình sự có tác động tích cực, làm tiền đề cho việc cụ thể hóa các giá trị của nguyên tắc nhân đạo, công bằng, cá thể hóa hình phạt trong thực tiễn xây dựng và áp dụng luật.[1]
Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta xuyên suốt trong những lần sửa đổi các quy định của Bộ luật hình sự là phải đảm bảo phân hóa trách nhiệm hình sự cụ thể để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Nội dung của nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự thể hiện ở chỗ tội phạm có thể được thực hiện trong những tình tiết rất khác nhau, những tình tiết đó ảnh hưởng đến tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và mức độ trách nhiệm của người phạm tội, trong trường hợp này, nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự đòi hỏi Luật hình sự phải ghi nhận các trường hợp có tính chất, mức độ nguy hiểm khác nhau đó bằng những mức độ trách nhiệm hình sự tương ứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.
Như vậy, phân hóa trách nhiệm hình sự không chỉ thể hiện trong các chế định cơ bản như tội phạm, hình phạt mà còn được thể hiện trong các biện pháp miễn, giảm trách nhiệm hình sự nói chung và miễn, giảm trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội nói riêng.
Xuất phát từ đặc thù tâm lý lứa tuổi cũng như nguyên tắc nhân đạo. Chính sách hình sự luôn quán triệt nguyên tắc việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên phạm tội. Chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Với chính sách hình sự khoan hồng trên cơ sở đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của các trường hợp phạm tội mà BLHS 2015 đã dành một chương là Chương XII để quy định trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội theo hướng khoan hồng, nhân đạo hơn so với người đã thành niên phạm tội (người từ đủ 18 tuổi phạm tội phạm tội), đặc biệt là quy định về miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên[2].
Bài viết tập trung phân tích, đánh giá và đưa ra kiến nghị hoàn thiện quy định về miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội trên cơ sở, yêu cầu của phân hóa trách nhiệm hình sự trong mối liên hệ với các nguyên tắc của Luật hình sự.
Cần phân hóa trách nhiệm hình sự đối với độ tuổi của người chưa thành niên phạm tội
Miễn trách nhiệm hình sự nói chung và miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội nói riêng với tính cách là biện pháp khoan hồng được áp dụng đối với người đã thực hiện hành vi bị coi là tội phạm nên trong quy định và áp dụng cũng phải bảo đảm yêu cầu của phân hóa trách nhiệm hình sự. Vì vậy, phân hóa trách nhiệm hình sự trong quy định các biện pháp miễn trách nhiệm đối với người chưa thành niên phạm tội cũng phải xuất phát từ cơ sở là tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và đặc điểm về nhân thân của người chưa thành niên phạm tội.
Tính nguy hiểm cho xã hội của người chưa thành niên phạm tội thể hiện ở mức tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi phạm tội có tác động đến mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.
Người chưa thành niên có những đặc điểm tâm sinh lí phát triển chưa đầy đủ nên hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Do vậy, trong khi thực hiện hành vi phạm tội trong trường hợp như nhau thì mức độ lỗi của người chưa thành niên sẽ thấp hơn người đã thành niên là điều khách quan. Mà lỗi khi thực hiện hành vi phạm tội là yếu tố góp phần tạo nên tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, mức độ lỗi khi thực hiện hành vi phạm tội có tỉ lệ thuận với mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, mức độ lỗi càng cao thì tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm càng lớn.
Phân tích nêu trên thấy rằng mức tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi phạm tội có tác động, ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Do vậy, cần phân hóa trách nhiệm hình sự đối với độ tuổi của người chưa thành niên phạm tội.
Đặc điểm về nhân thân của người chưa thành niên còn là cơ sở để quy định biện pháp miễn, giảm trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Người chưa thành là người chưa có sự phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần nên nhận thức xã hội và kinh nghiệm còn hạn chế, họ có những đặc điểm về tâm sinh lí là dễ bị kích động, lôi kéo, thích tìm hiểu, chính kiến của họ về các vấn đề trong cuộc sống chưa ổn định. Vì vậy, họ là những người rất dễ tác động, lôi kéo để phạm tội nhưng cũng rất dễ dạy giỗ, uốn nắn để sửa chữa sai trái, lỗi lầm.
Các biện pháp trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội cũng như miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội nên có sự tiếp cận dưới góc độ này để quy định đa dạng, phong phú các biện pháp phù hợp với đặc điểm nhân thân của người chưa thành niên, đây chính là yếu tố quan trọng đảm bảo tính khả thi trong việc áp dụng các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội qua đó tăng hiệu quả của các biện pháp này trong thực tiễn xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội.
Như vậy, trên cơ sở nội dung, bản chất của phân hóa trách nhiệm hình sự. Để hiện thực hóa tinh thần của phân hóa trách nhiệm hình sự trong biện pháp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội đòi hỏi BLHS, Luật tư pháp người chưa thành niên khi quy định các biện pháp này phải chứa đựng được các yêu cầu, đòi hỏi:
Thứ nhất, nội dung của các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự phải phù hợp với mức độ nguy hiểm cho xã hội và nhân thân của người chưa thành niên phạm tội.
Thứ 2, hệ thống các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội phải được có sự đa dạng, phong phú các biện pháp áp dụng trên cơ sở có sự phân hóa về mức độ khoan hồng phù hợp từng mức độ nguy hiểm của tội phạm do người chưa thành niên thực hiện và đặc điểm nhân thân của người chưa thành niên phạm tội.
Từ quy định của BLHS 2015 và dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên[3] về biện pháp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội dưới góc độ phân hóa trách nhiệm hình sự
Khoản 2 Điều 91 BLHS quy định: Người chưa thành niên phạm tội ngoài những trường hợp miễn trách nhiệm hình sự tại Điều 29 BLHS thì có thể[4] được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương XII BLHS. Như vậy, theo quy định của BLHS 2015 thì miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội bao gồm 2 loại: Miễn trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 29 BLHS và miễn trách nhiệm hình sự cho người chưa thành niên phạm tội theo Khoản 2 Điều 91 BLHS[5].
Miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội quy định tại Điều 29 BLHS
Điều 29 BLHS quy định các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự áp dụng chung cho người phạm tội mà không quy định các điều kiện riêng cho người chưa thành niên. Vì vậy, đòi hỏi của phân hóa trách nhiệm hình sự cần phải có những điều kiện riêng áp dụng các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự cho phù hợp với mức độ nguy hiểm cho xã hội của người chưa thành niên phạm tội và đặc điểm nhân thân của người chưa thành niên.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 29 BLHS quy định: “ Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” Như vậy, theo quy định của điều luật, lý do được miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp này là trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử có sự thay đổi về chính sách, pháp luật dẫn tới hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Sự thay đổi về chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa có nghĩa là sự thay đổi điều kiện xã hội so với điều kiện khi xảy ra tội phạm.
Điểm b khoản 1 Điều 29 BLHS quy định: Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có quyết định đại xá. Quyết định đại xá chỉ có hiệu lực đối với những hành vi phạm tội đã xảy ra trước khi ban hành văn bản đại xá và có hiệu lực đối với tất cả các đối tượng và trong bất kỳ giai đoạn tố tụng nào. Tuy nhiên, theo cách quy định của BLHS 2015 thì nếu đang ở trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử đại xá được áp dụng với tính cách là biện pháp miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 29 BLHS, còn đối tượng đang chấp hành hình phạt thì áp dụng với tính cách là biện pháp miễn chấp hành hình phạt theo khoản 1 Điều 62 BLHS.
Quy định về miễn trách nhiệm hình sự tại Khoản 1 Điều 29 BLHS có điểm chung là miễn bắt buộc, có nghĩa là khi có đủ điều kiện luật định thì các cơ quan có thẩm quyền phải áp dụng miễn trách nhiệm cho người phạm tội. Người chưa thành với đặc điểm về nhân thân là người chưa đủ 18 tuổi nên khi áp dụng các biện pháp này cần phải có những quy định riêng, nhất là trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 29 BLHS vì để có sự chuyển biến của tình hình làm cho hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội thì phải cần một thời gian nhất định và khi đánh giá áp dụng biện pháp này cần phải đặt trong bối cảnh của người chưa thành niên là người khi thực hiện hành vi phạm tội đang có những hạn chế về mặt thể chất và tinh thần - nhận thức xã hội và kinh nghiệm sống còn nhiều hạn chế. Vì vậy, BLHS nên có quy định mang tính định hướng tạo cơ sở pháp lý khi áp dụng các biện pháp này đối với người chưa thành niên phạm tội.
Khoản 2 Điều 29 BLHS quy định 3 trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
Thứ nhất: Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
Thứ hai: Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn tới không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa.
Thứ ba: Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận. Đây là trường hợp miễn trách nhiệm hình sự dựa trên cơ sở là người phạm tội đã có hành vi tích cực dẫn đến việc có thể không cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Để bảo đảm tính khả thi của biện pháp miễn trách nhiệm hình sự quy đinh tại Điểm c Khoản 2 Điều 29 BLHS thì nên bỏ điều kiện lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt được Nhà nước và xã hội thừa nhận khi áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội.
Các trường hợp miễn miễn trách nhiệm hình sự tại Khoản 2 Điều 29 BLHS là các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự có tính tùy nghi, có nghĩa là theo từng trường hợp cụ thể mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đánh giá, xem xét ra quyết định có thể miễn trách nhiệm hình sự hoặc không.
Quy định các căn cứ riêng mang tính định hướng đối với người chưa thành niên làm cơ sở pháp lý để áp dụng các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự tại Khoản 2 Điều 29 BLHS thực sự là việc làm cần thiết tạo thuận lợi cho thực tiễn áp dụng các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Điều này vừa đảm bảo yêu cầu của phân hóa trách nhiệm hình sự vừa tăng cường hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm đối với người chưa thành niên.
Khoản 3 Điều 29 BLHS quy định: “Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc được người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”. Như vậy, để có thể được miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp này thì người phạm tội phải thỏa mãn 2 điều kiện:
Thứ nhất, tội phạm mà người phạm tội thực hiện phải là loại tội phạm ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác.
Thứ hai; Phải được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. Khi xem xét điều kiện này, cần phải lưu ý là việc hòa giải là hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện từ phía người bị hại hoặc đại diện của người bị hại và trong nội dung hòa giải phải có đề nghị miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
Vì vậy, BLHS nên có quy định riêng về căn cứ, thủ tục áp dụng biện pháp miễn trách nhiệm hình sự tại Khoản 3 Điều 29 BLHS đối với người chưa thành niên theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng để biện pháp miễn trách nhiệm hình sự này phát huy hiệu quả hơn nữa trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm nói chung và người chưa thành niên phạm tội nói riêng.
Miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội quy định tại Khoản 2 Điều 91 BLHS[6]
Khoản 2 Điều 91 BLHS quy định: Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương XII BLHS. Tuy nhiên, để áp dụng một trong các biện pháp này thì BLHS còn quy định “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp này.” [7] Như vậy để được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp được quy định tại Mục 2 Chương XII BLHS như khiển trách; Hòa giải tại cộng đồng hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì trước hết phải thỏa mãn các căn cứ chung được quy định tại Khoản 2 Điều 91 và Điều 92 BLHS. Các điều kiện cụ thể bao gồm, thứ nhất, người phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 BLHS[8] hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của BLHS[9] hoặc người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án. Thứ 2, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp này. Hai điều kiện này là điều kiện cần, còn để áp dụng từng biện pháp cụ thể thì người chưa thành niên phải có thêm các điều kiện quy định riêng cho các biện pháp đó. Theo quy định của BLHS 2015 thì các biện pháp cụ thể có thể được áp dụng khi miễn trách nhiệm hình sự được quy định tại các Điều 93, 94, 95 BLHS.
Điều 93 BLHS quy định biện pháp Khiển trách. Theo quy định thì biện pháp này được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi có một trong những điều kiện: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng hoặc là người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án. Khiển trách được áp dụng nhằm giúp người chưa thành niên nhận thức rõ hành vi phạm tội và hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ.
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khiển trách. Việc khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi. Người bị khiển trách phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây: Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc; Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu; Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp. Tùy từng trường hợp cụ thể cơ quan có thẩm quyền ấn định thời gian thực hiện các nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều này từ 03 tháng đến 01 năm.
Điều 94 BLHS quy định về biện pháp Hòa giải tại cộng đồng. Theo quy định của BLHS thì Hòa giải tại cộng đồng được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trong những trường hợp: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng; Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định khoản 2 Điều 12 BLHS, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của BLHS. Nội dung của biện pháp Hòa giải tại cộng đồng là buộc người bị áp dụng phải chịu các nghĩa vụ pháp lý bao gồm: Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại; Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc; Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu; Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng trên cơ sở người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
Điều 95 BLHS quy định biện pháp Giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Theo quy định tại Điều 95 BLHS thì biện pháp Giáo dục tại xã, phường, thị trấn được áp dụng cho người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 BLHS hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của BLHS. Nội dung của biện pháp Giáo dục tại xã, phường, thị trấn thể hiện ở nghĩa vụ của người được áp dụng phải chấp hành quy định tại Khoản 2 Điều 95 BLHS.
Khắc phục những hạn chế, bất cập
Qua phân tích quy định của BLHS về các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội cho thấy quy định của BLHS 2015 về các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội còn tồn tại một số hạn chế, bất cập cần phải được nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc.
Thứ nhất, các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội chưa được quy định một cách thống nhất, đồng bộ. Hiện nay các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội quy định trong BLHS bao gồm các biện pháp được quy định chung tại Điều 29 và biện pháp miễn trách nhiệm hình sự được quy định tại Khoản 2 Điều 91 BLHS. Các biện pháp quy định tại Điều 29 BLHS là các biện pháp được quy định chung cho mọi đối tượng phạm tội mà không quy định điều kiện, căn cứ riêng để áp dụng cho người chưa thành niên. Vì thiếu các điều kiện cụ thể khi áp dụng đối với người chưa thành niên dẫn tới những hạn chế trở ngại nhất định cho thực tiễn áp dụng. Với tỷ lệ áp dụng thấp trong thực tiễn cho thấy các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội quy định tại Điều 29 BLHS chưa đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm[10] cần phải có những điều chỉnh phù hợp để tăng tính khả thi và hiệu quả của các biện pháp này trong thực tiễn xử lý người chưa thành niên phạm tội…
Thứ 2, các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội chưa được quy định thành một hệ thống có sự phân hóa về mức độ khoan hồng phù hợp yêu cầu của phân hóa trách nhiệm hình sự trong quy định các biện pháp miễn, giảm trách nhiệm hình sự. Nội dung của phân hóa trách nhiệm hình sự trong quy định các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm đòi hỏi các biện pháp này phải được quy định thành một hệ thống thống nhất với phong phú, đa dạng các biện pháp cụ thể trên cơ sở có sự phân hóa về phạm vi áp dụng và mức độ khoan hồng giữa các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự cụ thể với nhau và với các biện pháp miễn, giảm khác khi đặt trong tổng thể các biện pháp miễn, giảm trách nhiệm hình sự. Mặt khác, khi đặt các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội trong hệ thống các biện pháp khoan hồng thì miễn trách nhiệm hình sự cũng phải có sự phân hóa với các biện pháp khác như miễn hình phạt, miễn chấp hành hình phạt, án treo, giảm mức hình phạt đã tuyên, hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt để tạo nên một tổng thể các biện pháp khoan hồng có sự phân hóa về mức độ miễn, giảm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Với những đòi hỏi nêu trên thì rõ ràng quy định của BLHS 2015 còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu của phân hóa trách nhiệm hình sự trong quy định các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội.
Nên quy định hệ thống các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự riêng đối với người chưa thành niên phạm tội đảm bảo tính khả thi và hiệu quả
Từ những phân tích, đánh giá trên cơ sở tổng hợp những vấn đề cả về lý luận và thực tiễn về miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, Bộ luật hình sự nên quy định hệ thống các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự riêng đối với người chưa thành niên phạm tội với các căn cứ, điều kiện và nội dung cụ thể, rõ ràng trên cơ sở đòi hỏi của phân hóa trách nhiệm hình sự và các nguyên tắc khác của Luật hình sự nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong thực tiễn áp dụng. Để làm được điều này, các quy định về miễn trách nhiệm hình sự tại Điều 29 và Khoản 2 Điều 91 BLHS (Chương IV dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên) cần bổ sung một số quy định như sau:
Mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội quy định tại Điều 29 BLHS để phù hợp với đặc điểm của người chưa thành niên và tạo cơ sở tăng tần suất áp dụng các biên pháp này trong thực tiễn, cụ thể:
Giảm bớt điều kiện để áp dụng biện pháp miễn trách nhiệm được quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 29 BLHS theo hướng bỏ điều kiện “lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt được Nhà nước và xã hội thừa nhận”. Lý do đưa ra đề xuất này là việc lập công lớn được Nhà nước và xã hội thừa nhận với đặc điểm về độ tuổi rất khó để người chưa thành niên thực hiện và thực tế hiện nay để đánh giá điều kiện này chưa thực sự rõ ràng. Hơn nữa biện pháp miễn trách nhiệm hình sự này là biện pháp miễn trách nhiệm hình sự có tính tùy nghi, tùy từng trường hợp có thể xem xét miễn hoặc không. Vì vậy. Khi áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội theo Điểm c Khoản 2 Điều 29 BLHS thì BLHS quy định như sau:“Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm”.
Mở rộng phạm vi có thể áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội với cả tội rất nghiêm trọng do vô ý đối với trường hợp miễn trách nhiệm hình sự quy định tại Khoản 3 Điều 29 BLHS. Khi áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội Khoản 3 Điều 29 nên quy định như sau: “Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc được người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.
Đối với các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự quy định tại Điểm a Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 29 BLHS khi áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội cần phải bổ sung quy định mang tính định hướng áp dụng: Việc đánh giá sự chuyển biến của tình hình phải cân nhắc về tính chất và mức độ của tội phạm do người chưa thành niên thực hiện và đặc điểm nhân thân người chưa thành niên phạm tội để xem xét áp dụng các biện pháp này. Quy định như vậy tạo cơ sở pháp lý làm định hướng khi áp dụng biện pháp này đối với người chưa thành niên phạm tội.
Bổ sung một số quy định để các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội được áp dụng một cách thống nhất tạo thành một hệ thống đồng bộ đảm bảo yêu cầu của phân hóa trách nhiệm hình sự cũng như các các nguyên tắc khác của luật hình sự. Cụ thể:
Tất cả các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội đều có thể áp dụng một trong các biện pháp được quy định tại các Điều 93, 94, 95 BLHS (Chương IV dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên) khi thỏa mãn điều kiện của các biện pháp này, trong đó các biện pháp quy định tại Điều 29 BLHS áp dụng với tính chất tùy nghi còn biện pháp miễn trách nhiệm hình sự quy định tại Khoản 2 Điều 91 BLHS áp dụng mang tính bắt buộc. Quy định như vậy vừa bảo đảm tính thống nhất trong việc áp dụng các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội vừa phù hợp với chính sách xử lý người chưa thành niên phạm tội là đảm bảo tính định hướng trong quản lý, giáo dục để người chưa thành niên tự tu dưỡng trong sự giám sát của gia đình và xã hội.
Để đảm bảo hiệu quả của việc áp dụng biện pháp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội đồng thời thể hiện tinh thần của phân hoá trách nhiệm hình sự thì dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên nên có chỉ dẫn về thứ tự áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục là (1) Khiển trách, (2) Hạn chế khung giờ sinh hoạt, (3) Xin lỗi người bị hại;… (9) Giáo dục tại xã, phường, thị trấn, (10) Giáo dục tại trường giáo dưỡng. Trường hợp trong quá trình áp dụng biện pháp giám sát giáo dục mà người chưa thành niên vi phạm nghĩa vụ thì sẽ bị áp dụng biện pháp có tính “nghiêm khắc” hơn nhằm bảo đảm hiệu quả của biện pháp giáo dục giáo dục đồng thời đảm bảo yêu cầu phòng ngừa trong đối với người chưa thành niên phạm tội.
Để tăng cường hiệu quả của các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội trên cơ sở phù hợp với đòi hỏi của phân hóa trách nhiệm hình sự và các nguyên tắc khác của Luật hình sự trước hết, Bộ luật hình sự nên quy định hệ thống các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự riêng đối với người chưa thành niên phạm tội với các căn cứ, điều kiện và nội dung cụ thể, rõ ràng, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong thực tiễn áp dụng.
Đồng thời, hệ thống các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội phải được quy định trên cơ sở đòi hỏi của phân hóa trách nhiệm hình sự trong mối quan hệ với các nguyên tắc khác của Luật hình sự như nguyên tắc pháp chế, nhân đạo, công bằng, thể hiện bằng việc quy định đa dạng, phong phú các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự có sự phân hóa về mức độ khoan hồng phù hợp với tính nguy hiểm của tội phạm do người chưa thành niên thực hiện và đặc điểm nhân thân của người chưa thành niên để đáp ứng tôt hơn yêu cầu của thực tiễn.
Tài liệu tham khảo
Tài liệu khoa học:
1. Đào Trí Úc, Luật Hình Sự Việt Nam - Những Vấn Đề Chung, (Quyển 1) năm 2000, Nxb. Khoa học xã hội.
2. Trường Đại học Luật Hà Nội (2016), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam – Phần chung, Nxb. Công an Nhân dân
3. Trường Đại học Luật Hà Nội (2010), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Tập 1), Nxb. Công an Nhân dân
4. Đại Học Huế - Trung tâm Đào Tạo Từ Xa (2006), (Gs. Ts Võ Khánh Vinh chủ biên), Giáo trình Luật hình sự Việt nam – Phần chung, Nxb. Công an Nhân dân.
6. Ts. Trần Thị Quang Vinh (Chủ biên, 2019), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam – Phần chung (Tái bản lần thứ nhất, có sửa đổi, bổ sung), Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam
7. Võ Khánh Vinh, Nguyên Tắc Công Bằng Trong Luật Hình Sự Viêt Nam, Nxb Công an Nhân dân, Hà nội 1994
Văn bản pháp luật
8. Bộ luật hình sự của Việt Nam năm 1985 (sửa đổi, bổ sung năm 1989, 1991, 1992 và 1997)
9. Bộ luật hình sự của Việt Nam năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)
10. Bộ luật hình sự của Việt Nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
[1] Xem Ts. Trần Thị Quang Vinh (Chủ biên, 2019), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam – Phần chung (Tái bản lần
thứ nhất, có sửa đổi, bổ sung), Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, trang 236
[2] Nội dung này hiện nay đã được cụ thể hóa trong dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên sẽ trình Quốc hội khóa 15 thông qua trong các kỳ họp sắp tới thay thế cho toàn bộ quy định tại Chương XII BLHS 2015 .
[3] Hiện nay, trong dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên không có quy định về miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội nên tác giả sẽ không đề cập trực tiếp đến vấn đề này mà chỉ trình bày những vấn đề có liên quan để trao đổi, phân tích.
[4] Điều kiện để có thể được miễn trách nhiệm hình sự là có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả và thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c Khoản 2 Điều 91 BLHS.
[5] Trong dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên các biện pháp miễn TNHS này được đổi thành các biện pháp xử lý chuyển hướng.
[6] Nội dung này quy định tại Chương IV dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên không còn gọi là miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội mà đổi thành các biện pháp xử lý chuyển hướng.
[7] Điều 91 BLHS
[8] Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này
[9] Điều 123 (tội giết người); Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm), Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này;
[10] Tần suất áp dụng vào thực tiễn các biện pháp quy định trong BLHS là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả của biện pháp đó.
Hội thảo quốc tế Tham vấn đối với Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên: Kinh nghiệm quốc tế trong việc giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên (Ảnh: Vũ Phong)
Bài liên quan
-
Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên
-
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên: Giữ quy định giáo dục tại Trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý chuyển hướng
-
Xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên nhân văn, bảo vệ quyền, lợi ích và tạo điều kiện tốt nhất cho người chưa thành niên
-
Người chưa thành niên phạm tội cần được giam giữ riêng với những người trưởng thành
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận