Hoàn thiện quy định pháp luật Về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động

Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động là tội danh mới được quy định trong BLHS năm 2015. Trên cơ sở phân tích một số bất cập, hạn chế trong quy định pháp luật, tác giả đề xuất phương hướng hoàn thiện quy định của pháp luật về tội phạm này.

Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động là tội phạm được quy định tại Điều 216 thuộc Mục 2, Chương XVIII – Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong BLHS năm 2015. Tội phạm này xâm phạm vào trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực bảo hiểm, do người có năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS) và có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động thực hiện thông qua hành vi gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định của pháp luật. Thời gian vừa qua, các hành vi nợ, trốn đóng và gian lận về BHXH, BHYT, BHTN ở nước ta đang có chiều hướng gia tăng với những diễn biến hết sức phức tạp, gây thâm hụt về quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Việc bổ sung quy định Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động trong BLHS năm 2015 đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xử lý TNHS đối với các hành vi vi phạm, phần nào đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm. Tuy nhiên, do Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mới lần đầu tiên được quy định trong BLHS năm 2015 nên quá trình áp dụng trong thực tiễn cho thấy quy định của pháp luật hình sự về tội danh này còn một số bất cập, hạn chế sau đây.

1. Những điểm bất cập, hạn chế

Thứ nhất, hành vi “gian dối” “thủ đoạn khác” chưa được luận giải và cụ thể hóa tại Điều 216 BLHS năm 2015.

Khoản 1 Điều 216 BLHS năm 2015 quy định: “Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định…” nhưng lại không nêu rõ “hành vi gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác” là những hành vi cụ thể nào, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội.

Bởi thực tế cho thấy, khi một tổ chức, cá nhân nợ BHXH, việc phân biệt có sự “gian dối” hay không (hay đơn thuần là nợ vì khó khăn khách quan) không dễ để có thể xác định. Ví dụ, nếu có người làm giả giấy tờ, hồ sơ để chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT, BHTN thì động cơ vụ lợi là vì mục đích riêng, hành vi gian dối trong trường hợp này đã rất rõ ràng. Tuy nhiên, có những trường hợp, việc dây dưa nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN có thể vì khó khăn chung và vì lợi ích chung của tổ chức, doanh nghiệp. Khi đó, ranh giới giữa gian dối hay không gian dối rất mong manh và khó xác định.

Thứ hai, về việc xác định đối tượng bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH.

Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định: “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì bị xử phạt theo hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền”.

Trong khi đó, khoản 3 Điều 2 Luật BHXH năm 2014 quy định: Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động”.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật BHXH năm 2014 và khoản 1 Điều 3 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ở trên thì có thể thấy đối với cá nhân là người đứng đầu hoặc người đại diện pháp luật của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (đơn vị sử dụng lao động) vi phạm quy định về đóng BHXH, BHYT, BHTN có thể không phải chịu sự tác động của điều luật. Trong khi đó trên thực tế các đối tượng này thường giữ vai trò quan trọng trong các đơn vị sử dụng lao động và là người đưa ra những quyết định dẫn đến việc đơn vị sử dụng lao động vi phạm quy định về đóng BHXH, BHYT, BHTN. Xuất phát từ sự quy định thiếu chặt chẽ trong các văn bản pháp luật như vậy nên các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN khó quy lỗi cho cá nhân là người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức; các cơ quan chức năng không thể tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với các đối tượng này theo Nghị định số 28/2020/NĐ-CP. Điều đó dẫn tới tình trạng các cơ quan tiến hành tố tụng gặp khó khăn trong việc xác định hành vi vi phạm và thu thập tài liệu về dấu hiệu “…đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm…” đối với các cá nhân này. Chính vì vậy, không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo khoản 1 Điều 216 BLHS năm 2015.

Thứ ba, về việc xử lý hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018.

Khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 214, Điều 215, Điều 216 của BLHS năm 2015 quy định: Đối với hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì không xử lý hình sự theo quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự…”.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, có những doanh nghiệp không nộp hoặc chậm nộp bảo hiểm trong một khoảng thời gian rất dài, có những doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm trong thời gian từ 5 đến 10 năm. Tuy nhiên, Luật BHXH năm 2014 chưa có quy định cụ thể về việc: Nếu doanh nghiệp đã nợ trong thời gian dài, tiền đóng BHXH của doanh nghiệp trong các năm tính từ 01/01/2018 trở về sau có tiến hành trừ cho các khoản nợ của doanh nghiệp từ trước thời điểm 01/01/2018 hay không thì tính đến thời điểm hiện tại chưa có văn bản pháp lý hướng dẫn thi hành. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều tiến hành trích nộp bảo hiểm cho những lao động mới phát sinh từ 01/01/2018 đến nay và lấy làm căn cứ từ 01/01/2018 đến nay không chậm đóng BHXH. Chính vì vậy, các doanh nghiệp này gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động nói riêng và quỹ BHXH nói chung, đồng thời, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình xử lý hình sự.

2. Kiến nghị, đề xuất

Từ những bất cập, hạn chế nêu trên, tác giả kiến nghị, đề xuất một số nội dung sau:

Một là, đề nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết, hoặc liên ngành tư pháp Trung ương ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể việc xác định hành vi “gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác” của người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định.

Ngoài ra, đề nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC có hướng dẫn cụ thể hơn về việc xử lý hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018. Cụ thể cần quy định về số tiền đóng mới của doanh nghiệp từ 01/01/2018 đến nay đối với các doanh nghiệp vẫn còn nợ đọng bảo hiểm trong thời gian trước ngày 01/01/2018, bảo đảm quyền lợi của người lao động nói riêng và quỹ BHXH nói chung, tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội trong quá trình xử lý hình sự.

Hai là, kiến nghị với BHXH Việt Nam đề xuất với Chính phủ cần quy định rõ hơn tại Điều 38 của Nghị định số 28/2020/NĐ-CP về hình thức phạt tiền, cụ thể: Ngoài phạt tiền đối với tổ chức vi phạm, cần quy định rõ việc đồng thời phạt tiền đối với người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật của tổ chức đó ở mức độ phù hợp để gắn với trách nhiệm của cá nhân trong việc chấp hành pháp luật, tạo hành lang pháp lý làm căn cứ để xem xét TNHS đối với cá nhân khi thỏa mãn cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 216 BLHS năm 2015 về Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động về dấu hiệu “…đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm…”./.

 

 

Người lao động tại TP.HCM làm thủ tục tại cơ quan BHXH - Ảnh: Khánh Trần

 

ThS LẠI SƠN TÙNG  (Khoa Cảnh sát kinh tế - Học viện Cảnh sát nhân dân)