Hoạt động mua chung bất động sản trên nền tảng công nghệ Blockchain tại Việt Nam - Thực trạng rủi ro và một số kiến nghị hoàn thiện
Thời gian qua, dưới tác động của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, thị trường bất động sản Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Trước tình hình đó, một hình thức mới dần phổ biến được nhiều nhà đầu tư lựa chọn đó là hình thức mua chung bất động sản trên nền tảng công nghệ Blockchain. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hoạt động mua chung này chưa được pháp luật điều chỉnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro và tranh chấp phát sinh. Bài viết tập trung đề cập một số hiểu biết liên quan đến hoạt động mua chung bất động sản trên nền tảng công nghệ Blockchain cũng như đánh giá thực trạng của hoạt động này tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật.
Đặt vấn đề
Trong thời gian gần đây, Blockchain được xem là một cuộc cách mạng lớn trên thị trường bất động sản (BĐS) toàn cầu và trở thành một xu hướng tất yếu, được phát triển ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bởi, nếu như trước đây để sở hữu một BĐS, nhà đầu tư phải sở hữu một khối tài sản lớn, đi cùng với nhiều hoạt động xác minh và các chi phí khác, thì với công nghệ Blockchain, các nhà đầu tư không cần quá lo lắng về vốn mà vẫn có thể sở hữu một phần BĐS khi đầu tư theo hình thức mua chung BĐS trên nền tảng công nghệ Blockchain. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hoạt động mua chung này chưa được pháp luật điều chỉnh và việc nhà đầu tư lựa chọn hình thức này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và tranh chấp phát sinh. Chính vì vậy, đặt ra yêu cầu là cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thực trạng, làm rõ một số vấn đề bất cập liên quan đến hoạt động mua chung BĐS trên nền tảng công nghệ Blockchain dưới khía cạnh pháp lý và từ đó, đưa ra một số kiến nghị góp phần hoàn thiện vấn đề.
1. Khái quát chung về hoạt động mua chung bất động sản trên nền tảng công nghệ Blockchain
Công nghệ Blockchain (chuỗi khối) được xem là công nghệ then chốt cho chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ kỹ thuật số trong tương lai với nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế - xã hội. Những hiểu biết đầu tiên về Blockchain được đưa ra chính thức bởi một hoặc một nhóm người ẩn danh là Satoshi Nakamoto trên cơ sở của việc giới thiệu đồng tiền điện tử ngang hàng với tiền mặt gọi là Bitcoin[1]. Sau đó, nhiều nghiên cứu khác đã được đưa ra về công nghệ này.
Theo một nhóm tác giả, Blockchain được hiểu là một sổ cái phân tán kỹ thuật số, nơi chứa các giao dịch được mã hóa và nhóm thành các khối. Mỗi khối được liên kết bằng mật mã với khối trước đó sau khi đã xác thực và nhận được sự đồng thuận đa số của những người tham gia trong hệ thống. Khi các khối mới được thêm vào, thì các khối cũ sẽ trở nên khó sửa đổi hơn. Một khi các khối mới có sự sao chép trên các bản sao của sổ cái trong mạng và bất kỳ xung đột nào xảy ra thì cũng sẽ được giải quyết tự động bằng cách sử dụng các quy tắc đã được thiết lập[2]. Theo cách hiểu này, thì Blockchain là một sổ cái lớn, chứa nhiều khối, mỗi khối sẽ chứa thông tin của một giao dịch cụ thể. Khối (giao dịch) sẽ được công nhận khi nó được xác thực và có sự đồng ý của đa số người tham gia trong sổ cái. Sau khi được công nhận, thì khối mới sẽ liên kết với khối cũ tạo thành một chuỗi. Ngoài ra, Blockchain còn được hiểu chung là một công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa vào hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp, nó cũng tương tự như một cuốn sổ cái kế toán của một doanh nghiệp, nơi mà tiền mặt được giám sát một cách nghiêm ngặt[3]. Đây là một cơ sở dữ liệu được phân cấp cho chức năng lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo được liên kết với khối trước đó, kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch[4].
Mua chung BĐS trên nền tảng công nghệ Blockchain được hiểu là hoạt động mua, bán BĐS theo phần, riêng lẻ, thay vì mua bán toàn bộ BĐS. Có nghĩa là, một tài sản có thể chia nhỏ thành các phần xác định và thể hiện thông qua mã thông báo bảo mật. Các mã này sẽ là cơ sở để xác định quyền sở hữu, cung cấp một cơ chế xử lý giao dịch và đóng vai trò là mã định danh tài sản để cho phép giao dịch trên thị trường thứ cấp được quản lý một cách chặt chẽ. Về bản chất, đây là một mô hình đầu tư BĐS chia nhỏ trên nền tảng công nghệ và bán theo cổ phần. Theo đó, Blockchain có thể giúp chia nhỏ BĐS thành các phần bằng nhau và được mua bán thông qua hợp đồng thông minh. Ví dụ, một BĐS có giá trị 10 tỷ đồng, thì sẽ được chia nhỏ khoảng 10.000 phần và được mã hóa thành các cổ phần (token) để chào bán, giá mỗi phần là như nhau. Cũng theo đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu của BĐS được đứng tên và nắm giữ bởi công ty phát hành và các nhà đầu tư có thể xem bất cứ lúc nào. Khi được yêu cầu mua, thì công ty phát hành sẽ tổ chức biểu quyết theo nguyên tắc quá bán cho các nhà đầu tư nắm giữ token. Hiện nay, tại Việt Nam, có thể kể đến các nền tảng mua chung BĐS như Revex của Công ty CP Tập đoàn Thế Kỷ - CenGroup, nền tảng Moonka của Công ty Moonka, Sunshine fintech (tính năng đầu tư trên Sunshine App) của Sunshine Group, Infina (trước đó là Real Stake) của Công ty Cổ phần Real Stake Việt Nam[5]. Đây được xem là hoạt động mang lại nhiều ý nghĩa tích cực cho nhà đầu tư và thị trường BĐS, điều này được thể hiện qua các khía cạnh sau:
Một là, tạo cơ hội đầu tư cho các cá nhân và tổ chức. Trường hợp một cá nhân muốn đầu tư vào BĐS, nhưng không có đủ vốn, hoặc muốn mua và quản lý một ngôi nhà hoặc một tòa nhà thương mại, nếu theo cách thức truyền thống, nhà đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn về vấn đề tài chính. Nhưng ngược lại, đối với việc áp dụng công nghệ Blockchain, các nhà đầu tư sẽ có cơ hội nắm giữ cho mình một BĐS mà mình muốn. Chẳng hạn, nhà đầu tư có mong muốn sở hữu tòa nhà thương mại, nhưng không đủ vốn, bằng cách áp dụng nền tảng Blockchain để chia BĐS đó thành nhiều phần bằng nhau và mã hóa chúng, khi đó, nhà đầu tư có thể sở hữu một phần trong toàn bộ BĐS đó theo ý chí của mình, mà vẫn bảo đảm đủ vốn. Bằng việc sở hữu nhiều mã tương ứng với từng BĐS, nhà đầu tư sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc đầu tư BĐS. Nếu như theo phương thức truyền thống, nhà đầu tư chỉ sở hữu một BĐS, mà vốn dĩ BĐS đã có tính thanh khoản thấp do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như tình hình thị trường BĐS, nhu cầu của người mua,… Chính vì vậy, việc chuyển nhượng BĐS này để đầu tư sang BĐS khác là khó khăn. Cùng một số vốn, nhưng theo phương thức truyền thống, đầu tư vào một BĐS duy nhất và theo công nghệ Blockchain, đầu tư theo phương thức kỹ thuật số, nhà đầu tư có thể tránh được gánh nặng nợ nần, dễ dàng điều chỉnh số tiền chính xác mà họ muốn đầu tư[6].
Hai là, giảm chi phí giao dịch BĐS. Vì BĐS đã được chuyển hóa thành các token tồn tại trên nền tảng công nghệ Blockchain, nhà đầu tư có thể thanh toán bằng cách chuyển khoản. Điều này sẽ là nhanh chóng với mức chi phí thấp. Cụ thể, giao dịch mua bán, chuyển nhượng BĐS sẽ được tự động hóa và việc thanh toán có thể gửi và nhận ngay lập tức khi áp dụng hợp đồng thông minh[7]. Đặc trưng của loại hợp đồng này chính là sự nhanh chóng, không dựa vào sự can thiệp của con người, mà sẽ được giám sát bởi một hệ thống công nghệ Blockchain. Việc thực hiện hợp đồng này sẽ không bị phụ thuộc vào bất kể bên thứ ba nào, nên giao dịch sẽ được thực hiện vô cùng nhanh chóng và do cắt giảm các khâu trung gian, nên chi phí cũng theo đó sẽ được giảm đáng kể. Khi hợp đồng này được triển khai trên mạng Blockchain, nó sẽ giúp cho bên mua, bán có thể viết, xác thực và kiểm tra các thỏa thuận trong một thời gian tức thì. Điều này có thể sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn cầu và không cần khâu trung gian.
Ba là, tăng tính minh bạch. Công nghệ Blockchain sẽ cho phép mỗi phần tài sản sẽ có một địa chỉ kỹ thuật số của riêng mình gọi là token, đây là nơi chứa đựng tất cả các dữ liệu liên quan đến bất động sản[8]. Thêm vào đó, các điều khoản trong hợp đồng khi được thực hiện trên hệ thống Blockchain sẽ không bị dễ dàng sửa đổi do tính chất bất biến của nền tảng, chính vì vậy mà mọi thông tin của các giao dịch sẽ được minh bạch, rõ ràng. Điều này sẽ giúp giảm đi tình trạng gian lận, bởi nếu theo phương thức truyền thống, nhiều nhà đầu tư sẽ bỏ tiền ra để tăng nhanh quá trình thực hiện giao dịch hoặc là thay đổi thông tin liên quan đến BĐS, nhưng đối với Blockchain, công nghệ này không cho phép điều đó xảy ra và việc gian lận hầu như không có. Bởi vì, các thông tin một khi được mã hóa trong mạng máy tính, thì sẽ không thể bị sửa đổi hay giả mạo bởi các thông tin khác.
2. Thực trạng hoạt động mua chung bất động sản trên nền tảng công nghệ Blockchain tại Việt Nam
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên thị trường BĐS trong nước gặp nhiều khó khăn, các dự án bị treo, chính sách giãn cách xã hội khiến cho giao dịch, kinh doanh BĐS không thể thực hiện được. Chính bối cảnh này mà một hình thức đầu tư BĐS mới được nhiều nhà đầu tư quan tâm, đó là mua chung BĐS trên nền tảng công nghệ Blockchain. Các nhà đầu tư không cần đến tận nơi để giao dịch, chỉ cần thông qua nền tảng công nghệ vẫn có thể đầu tư BĐS với số vốn nhỏ. Tại Việt Nam, hình thức đầu tư này chỉ mới xuất hiện khoảng đầu năm 2020. Mới đây, Moonka là công ty tiên phong trong việc đưa BĐS vào mua bán trên nền tảng Blockchain, khi các BĐS được chủ sở hữu ký gửi, Moonka sẽ là trung gian đi tìm các nhà đầu tư để mua chung một BĐS[9]. Chẳng hạn, với một căn nhà có giá trị 03 tỷ đồng sẽ được Moonka chia nhỏ khoảng 1.000 phần, gắn mã số Blockchain để chào bán và giá mỗi phần là 03 triệu đồng. Khách hàng có thể mua một hoặc nhiều phần của BĐS. Khi mua chung, các nhà đầu tư có thể bán lại “cổ phần” cho nhau nếu muốn chốt lời. Trong khi đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu được Moonka nắm giữ 24/24 tại văn phòng của công ty và các nhà đầu tư có thể có giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu BĐS bất cứ lúc nào. Khi đồng ý mua, khách hàng sẽ được cấp một tài khoản để quản lý, theo dõi khoản đầu tư của mình. Ngoài Moonka, Công ty cổ phần Tập đoàn thế kỷ (Cengroup) cũng đã công bố nền tảng công nghệ đầu tư chung BĐS Revex. Theo đó, chỉ với số vốn ít từ 01 triệu đồng, nhà đầu tư đã có thể tham gia vào hoạt động mua chung một BĐS[10]. Mặc dù được xem là một xu hướng đầu tư phổ biến trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, hình thức này chỉ mới ở giai đoạn thử nghiệm và hành lang pháp lý liên quan đến vấn đề này chưa được điều chỉnh, vì vậy mà rủi ro xảy ra là rất lớn. Cụ thể:
Một là, mua chung BĐS trên nền tảng công nghệ chưa được công nhận là một hình thức được quy định trong luật. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản (Luật KDBĐS) năm 2023, thì kinh doanh BĐS là hoạt động nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc bỏ vốn để tạo lập nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án BĐS để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng; cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án BĐS; chuyển nhượng dự án BĐS; kinh doanh dịch vụ BĐS. Có thể thấy, để được xem là một hoạt động kinh doanh BĐS, thì nhà đầu tư phải thực hiện các hoạt động trên. Tuy nhiên, đối với mua chung BĐS trên nền tảng công nghệ, thì đối tượng của hợp đồng là các đồng tiền ảo (token BĐS) do các công ty mã hóa và phát hành, chứ không phải là BĐS như theo các giao dịch BĐS truyền thống. Vậy, liệu rằng, hoạt động này có thuộc sự điều chỉnh của Luật KDBĐS không hay luật khác, đây vẫn còn là một khoảng trống cần được quan tâm và bổ sung quy định.
Hai là, theo Luật Đất đai năm 2024, hợp đồng mua bán hay chuyển nhượng BĐS phải được công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, thực tế, hoạt động mua chung BĐS trên nền tảng công nghệ lại không được pháp luật quy định và việc thỏa thuận, thực hiện hợp đồng sẽ không có giá trị pháp lý. Chính vì hợp đồng không có giá trị pháp lý, nên việc mua bán, chuyển nhượng BĐS sẽ không được đăng ký quyền sở hữu cho người mua và người mua cũng sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Có thể ngầm hiểu, các bên đã không tuân thủ các quy định pháp luật khi thực hiện các giao dịch liên quan đến BĐS, từ đó, cả người mua và người bán đã có hành vi vi phạm nguyên tắc về công chứng, chứng thực trong pháp luật về đất đai. Như vậy, chính vì Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản quy phạm pháp luật khác không đề cập đến trường hợp công chứng, chứng thực hợp đồng mua bán, chuyển nhượng BĐS qua nền tảng công nghệ nên một khi tranh chấp xảy ra, nhà đầu tư sẽ luôn là người gánh chịu mọi rủi ro.
Ba là, thiếu cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của những người mua chung BĐS. Mặc dù có nhiều lợi ích khi nhà đầu tư mua chung BĐS trên nền tảng công nghệ, nhưng chính vì những ràng buộc pháp lý chưa được áp dụng nên người mua BĐS theo hình thức này sẽ không được hưởng các cơ chế bảo vệ. Bởi lẽ, các phần BĐS được bán không được xem là hàng hóa BĐS theo Luật KDBĐS năm 2023, nên người mua sẽ không được bảo vệ bởi các quy định của pháp luật KDBĐS. Hiện nay, Luật KDBĐS hay Luật Nhà ở cũng đều chỉ bảo vệ quyền lợi cho người mua BĐS hoàn chỉnh và đứng tên sở hữu[11]. Chính vì vậy mà nhà đầu tư lựa chọn hình thức mua chung BĐS theo phần sẽ gặp nhiều rủi ro và lợi ích không được bảo đảm.
Bốn là, rủi ro xuất phát từ nền tảng công nghệ. Mua chung BĐS trên nền tảng công nghệ chỉ mới xuất hiện và phát triển ở giai đoạn gần đây, cho nên những yếu tố nền tảng về công nghệ chưa được hoàn thiện, tính minh bạch, an toàn thông tin chưa được bảo đảm. Chính vì vậy, khi các nhà đầu tư tham gia vào thị trường này sẽ gặp nhiều thách thức liên quan đến tính bảo mật cũng như mức độ hiệu quả của nền tảng được áp dụng. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư tham gia vào hình thức này chưa nắm hết các kỹ năng cần thiết về công nghệ, cách thức tham gia và điều chỉnh rủi ro. Họ chỉ mới dừng lại ở việc nhận diện được cách thức đầu tư “bỏ vốn ít nhưng có thể đầu tư vào một BĐS có giá trị lớn” mà chưa hiểu rõ bản chất của hoạt động này. Do vậy, có nhiều trường hợp, nhiều nhà đầu tư sẽ “mất trắng” do thiếu hiểu biết.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện
Có thể thấy rằng, mua chung BĐS trên nền tảng công nghệ Blockchain đang được nhà đầu tư quan tâm và dần trở thành xu thế đầu tư trong tương lai. Tuy nhiên, hiện nay, khung pháp lý và các vấn đề khác vẫn chưa được hoàn thiện, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của nhà đầu tư, đặc biệt là trong thị trường BĐS đầy rủi ro. Do đó, để góp phần khắc phục tình trạng này, nhóm tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau:
Một là, pháp luật KDBĐS nên bổ sung hoạt động mua chung BĐS trên nền tảng công nghệ cũng là một hình thức đầu tư KDBĐS. Việc thừa nhận hình thức mua chung trong Luật KDBĐS sẽ là cơ sở quan trọng để điều chỉnh và có hướng ràng buộc pháp lý đối với hình thức này liên quan đến điều kiện để BĐS được đưa vào giao dịch, chủ thể được tham gia giao dịch, vấn đề thanh toán,…
Hai là, ghi nhận hoạt động mua chung BĐS được thực hiện thông qua hợp đồng thông minh. Đây cũng là vấn đề mới chưa có khung pháp lý cụ thể để điều chỉnh. Vì giao dịch BĐS thực hiện trên nền tảng trực tuyến, nên việc công chứng, chứng thực là điều khó khăn, hơn nữa, hiệu lực pháp lý của chúng cũng không được công nhận, nếu đối chiếu theo quy định pháp luật hiện hành. Do vậy, cần thừa nhận hợp đồng thông minh trong giao dịch BĐS.
Ba là, cần quy định hoạt động mua chung BĐS trên nền tảng công nghệ là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Lý giải đề xuất này xuất phát từ việc đặt quyền lợi của nhà đầu tư lên vị trí hàng đầu. Có nghĩa là, một khi hoạt động mua chung này trở thành một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì các công ty áp dụng công nghệ khi muốn gia nhập vào thị trường BĐS sẽ phải đáp ứng các điều kiện, nếu không thì sẽ không được thực hiện hoạt động này. Khi mà khung pháp lý về bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư chưa được xây dựng, thì cần có những quy định ràng buộc bên công ty sở hữu nền tảng công nghệ thực hiện và triển khai hình thức mua chung BĐS thông qua công nghệ đến với người dân. Về lâu dài, cần có những quy định pháp luật song song, tức là, không chỉ ràng buộc điều kiện cho các công ty sở hữu nền tảng công nghệ, mà còn phải đưa ra các tiêu chí liên quan đối với nhà đầu tư.
Bốn là, xây dựng nền tảng công nghệ bảo đảm tiêu chuẩn an toàn. Không chỉ riêng hình thức mua chung BĐS trên nền tảng công nghệ Blockchain, mà hầu như các hoạt động diễn ra trên môi trường mạng thì việc bảo đảm tính bảo mật, sự minh bạch là điều không hề dễ dàng. Vì vậy, đối với các công ty công nghệ triển khai hoạt động mua chung này, họ phải đầu tư cơ sở công nghệ kỹ càng và xây dựng mạng lưới vững chắc, nếu không, nguy cơ “mất trắng” đối với nhà đầu tư khi tham gia đầu tư là rất lớn.
Kết luận
Có thể thấy rằng, nhu cầu đầu tư BĐS ngày càng tăng thì hình thức đầu tư BĐS trên nền tảng công nghệ Blockchain được xem là một ưu thế so với cách thức đầu tư truyền thống. Hình thức mới này đã tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho người dân khi vốn hiện có ít và thỏa mãn ý thích đối với một BĐS. Tuy nhiên, việc quản lý, vận hành và giám sát hoạt động mua chung này vẫn còn là một khoảng trống lớn khi khung pháp lý chưa có sự điều chỉnh, ý thức và sự hiểu biết của nhà đầu tư chưa đầy đủ, nên rủi ro là điều không thể tránh khỏi. Do vậy, khi mà pháp luật chưa cập nhật, nhà đầu tư cần tỉnh táo và tìm hiểu trước khi bỏ vốn để đầu tư BĐS theo hình thức mua chung trên nền tảng công nghệ Blockchain nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
Tài liệu tham khảo
1. Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023.
2. Ngọc Diệp, Moonka: Nền tảng đầu tư bất động sản bằng Blockchain, https://ictvietnam.vn/moonka-nen-tang-dau-tu-bat-dong-san-bang-blockchain-20210922163344372.htm, truy cập ngày 03/01/2023.
3. Phùng Thị Hiền, Ứng dụng công nghệ Blockchain vào ngành kế toán - Kiểm toán, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/ung-dung-cong-nghe-blockchain-vao-nganh-ke-toan-kiem-toan-70656.htm, truy cập ngày 03/01/2023.
4. Hoàng Thị Biên Thùy, Ngô Gia Hoàng, Rủi ro pháp lý khi đầu tư bất động sản theo phần thông qua một số nền tảng công nghệ trực tuyến, Hội thảo khoa học: Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, năm 2021.
5. Lê Thanh Nguyệt, Phùng Duy Quang, Ứng dụng Blockchain trong ngân hàng, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/ung-dung-blockchain-trong-ngan-hang-76065.htm, truy cập ngày 03/01/2023.
6. Trọng Tín, Khoảng trống pháp lý của Blockchain bất động sản, https://baodautu.vn/batdongsan/khoang-trong-phap-ly-cua-blockchain-bat-dong-san-d152364.html, truy cập ngày 03/01/2023.
7. Dylan Yaga, Peter Mell, Nik Roby, Karen Scarfone , Blockchain Technology Overview, National Institude of Standards and Technology Internal Report 8202, năm 2018.
8. Bastiaan Don, Dharma Rajah, Stephan Ott, Ken Fromm , Real Estate Use Cases for Blockchain Technology, Enterprise Ethereum Aliance – Real Estate Special Interest Group, năm 2019.
9. Kristian Lauslahti, Juri Mattila , Smart Contracts - How will Blockchain Technology Affect Contractual Practices, Timo Seppala, năm 2017.
10. Yarlagadda Jyotsna, Keerthi Gampala (2020), Blockchain for Real Estate, năm 2020.
[1] Satoshi Nakamoto, Bitcoin: A Peer - to - Peer Electronic Cash System, https://bitcoin.org/bitcoin.pdf, truy cập ngày 03/01/2023.
[2] Dylan Yaga, Peter Mell, Nik Roby, Karen Scarfone , Blockchain Technology Overview, National Institude of Standards and Technology Internal Report 8202, năm 2018, tr.1.
[3] Lê Thanh Nguyệt, Phùng Duy Quang, Ứng dụng Blockchain trong ngân hàng, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/ung-dung-blockchain-trong-ngan-hang-76065.htm, truy cập ngày 03/01/2023.
[4] Phùng Thị Hiền, Ứng dụng công nghệ Blockchain vào ngành kế toán - Kiểm toán, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/ung-dung-cong-nghe-blockchain-vao-nganh-ke-toan-kiem-toan-70656.htm, truy cập ngày 03/01/2023.
[5] Hoàng Thị Biên Thùy, Ngô Gia Hoàng, Rủi ro pháp lý khi đầu tư bất động sản theo phần thông qua một số nền tảng công nghệ trực tuyến, Hội thảo khoa học: Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử, năm 2021, tr.79.
[6] Bastiaan Don, Dharma Rajah, Stephan Ott, Ken Fromm , Real Estate Use Cases for Blockchain Technology, Enterprise Ethereum Aliance – Real Estate Special Interest Group, năm 2019, tr.6.
[7] Hợp đồng thông minh được hiểu là các giao thức giao dịch được máy tính hóa để thực thi các điều khoản của hợp đồng. Cụ thể, hợp đồng thông minh là một tập hợp các thỏa thuận, được chỉ định ở dạng kỹ thuật số, bao gồm các giao thức mà các bên sẽ thực hiện theo những thỏa thuận ở dạng đơn giản nhất và là một chương trình có thể đọc được bằng máy. (Kristian Lauslahti, Juri Mattila , Smart Contracts - How will Blockchain Technology Affect Contractual Practices, Timo Seppala, năm 2017, tr.3).
[8] Yarlagadda Jyotsna, Keerthi Gampala , Blockchain for Real Estate, năm 2020, tr.3.
[9] Ngọc Diệp, Moonka: Nền tảng đầu tư bất động sản bằng blockchain, https://ictvietnam.vn/moonka-nen-tang-dau-tu-bat-dong-san-bang-blockchain-20210922163344372.htm, truy cập ngày 03/01/2023.
[10] Trọng Tín, Khoảng trống pháp lý của Blockchain bất động sản, https://baodautu.vn/batdongsan/khoang-trong-phap-ly-cua-blockchain-bat-dong-san-d152364.html, truy cập ngày 03/01/2023.
[11] Hoàng Biên Thùy, Ngô Gia Hoàng, Rủi ro pháp lý khi đầu tư bất động sản theo phần thông qua một số nền tảng công nghệ trực tuyến, Kỷ yếu hội thảo khoa học bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử, Trường Đại học Công nghệ TP. HCM, năm 2021, tr.84.
Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận