Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN lần thứ 8 ra Tuyên bố Hà Nội

Với tinh thần làm việc tích cực, hữu nghị, hiểu biết và tin cậy, Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN lần thứ 8 diễn ra ngày 5/11/2020 tại Hà Nội theo hình thức trực tuyến đã đạt được những kết quả tốt đẹp, hoàn thành chương trình đã đề ra.

Sau một ngày với 9 phiên làm việc trên tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và trong không khí hữu nghị, Hội đồng Chánh án ASEAN đã thảo luận 9 chủ đề thảo luận cùng nhiều nội dung liên quan. Hội đồng Chánh án ASEAN đã đạt được sự đồng thuận rất cao trong các vấn đề, trong đó đáng chú ý là việc thông qua kế hoạch hoạt động cho 6 Nhóm công tác của CACJ gồm: Nhóm công tác về xây dựng Cổng thông tin điện tử Tòa án các nước ASEAN (AJP); Nhóm công tác về tạo điều kiện cho hoạt động tống đạt giấy tờ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa các nước ASEAN; Nhóm công tác về Quản lý án và ứng dụng công nghệ tại Tòa án; Nhóm công tác về tranh chấp xuyên quốc gia liên quan đến trẻ em; Nhóm công tác về đào tạo tư pháp; Nhóm công tác về Hội nghị ASEAN+ của CACJ.

Hội nghị đã đánh dấu sự thành công bằng sự kiện Hội đồng Chánh án ASEAN đã cùng ký Tuyên bố Hà Nội, ghi nhận những quyết nghị của Hội đồng Chánh án các nước ASEAN trong quá trình thảo luận tại Hội nghị, làm cơ sở để triển khai hoạt động của CACJ trong thời gian tới. Tuyên bố Hà Nội cũng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam trong việc tổ chức Hội nghị bằng hình thức trực tuyến giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến các nước trong khu vực và trên thế giới.

TUYÊN BỐ HÀ NỘI

TẠI HỘI NGHỊ HỘI ĐỒNG CHÁNH ÁN CÁC NƯỚC ASEAN LẦN THỨ 8

CHÚNG TÔI, Chánh án các nước Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Cộng hòa In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Cộng hòa Liên bang Mi-an-ma, Cộng hòa Phi-líp-pin, Vương quốc Thái Lan, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Đại diện của Chánh án Vương quốc Cam-pu-chia,Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Cộng hòa Xinh-ga-po, tại Hội nghịlần thứ 8 Hội đồng Chánh án các nước ASEAN (“CACJ”) được tổ chức trực tuyến;

CÙNG TUYÊN BỐ:

1. GHI NHẬN và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc đăng cai và chuẩn bị cho Hội nghị CACJ các nước ASEAN lần thứ 8 dự định diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam,nhưng do đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng sâu rộng đến toàn thể các quốc gia ASEAN nên Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến trên cơ sở sự đồng thuận của Chánh án tất cả các nước thành viên; và GHI NHẬN rằng Hội nghị dù lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến nhưng đã thành công tốt đẹp nhờ sự chuẩn bị công phu, chu đáo của Việt Nam.

2. GHI NHẬN và đánh giá cao Singapore vì việc điều phối những nỗ lực của các Tòa án các nước ASEAN để thực hiện thành công hoạt động nâng cấp hệ thống cho Cổng thông tin điện tử Tòa án các nước ASEAN (“AJP”).

3. THỎA THUẬN rằng tất cả Tòa án các nước ASEAN sẽ thường xuyên cung cấp và cập nhật nội dung của AJP, bao gồm các bài viết về môi trường tư pháp, pháp lý và kinh doanh, Thị trường Đào tạo, và Thư viện án lệ.

4. THỎA THUẬN rằng Tòa án mỗi nước ASEAN cân nhắc chia sẻ kinh nghiệm phòng ngừa và đối phó với đại dịch COVID-19 của mình trên AJP qua việc cập nhật súc tích và nhanh chóng.

5. THỎA THUẬN cho phép Học viện Pháp luật Singapore tiếp tục làm đại diện cho Hội đồng Chánh án cũng như đơn vị vận hành AJP trong việc lựa chọn, ký kết hợp đồng và quản lý bên cung cấp dịch vụ để tiếp tục duy trì Phần dành cho công chúng và Phần dành cho thành viên của AJP.

6. THỎA THUẬN để Ban thư ký CACJ tìm kiếm nguồn tài trợ cho AJP từ các nhà tài trợ để tiếp tục duy trì AJP khi nguồn ngân sách hiện tại sẽ hết vào tháng 4/2021, và cân nhắc việc bố trí ngân sách duy trì AJP bằng nguồn đóng góp từ Tòa án tất cả các nước ASEAN trong trường hợp không tìm được nhà tài trợ, và THỎA THUẬN rằng Nhóm công tác AJP chuẩn bị bản đề xuất chi tiết về việc tự bố trí ngân sách để Hội đồng Chánh án xem xét.

7. THỎA THUẬN để Malaysia và Ban thư ký CACJ hợp tác với Văn phòng thường trực Hội nghị La Hay về Luật tư pháp quốc tế tiến hành khóa học Thạc sỹ cho các thẩm phán và nhân viên tòa án về Công ước La Hay về thu thập chứng cứ tại nước ngoài trong các vụ việc dân sự và thương mại, và Công ước La Hay về Công nhận và cho thi hành bản án nước ngoài trong các vụ việc dân sự và thương mại (“Khóa thạc sỹ HCCH”), đã được lên lịch vào tháng 6/2020, được hoãn lại đến một ngày trong tương lai do đại dịch COVID -19.

8. THỎA THUẬN để Nhóm công tác về Tống đạt giấy tờ tư pháp trong lĩnh vực dân dự giữa các nước ASEAN nghiên cứu khung khổ pháp lý hiện hành tại mỗi nước ASEAN điều chỉnh thủ tục lấy chứng cứ cho vụ kiện nước ngoài và dựa trên nghiên cứu đó, xây dựng Qui tắc Mẫu, đệ trình báo cáo bao gồm các phát hiện và kiến nghị của mình tại Phiên họp CACJ tới để Tòa án các nước ASEAN xem xét.

9. THỎA THUẬN để Nhóm công tác về Quản lý án và Ứng dụng Công nghệ tại Tòa án đệ trình CACJ xem xét trong phiên họp tới báo cáo tổng hợp về Khung khổ điều chỉnh trí tuệ nhân tạo về sử dụng trí tuệ nhân tạo, phù hợp với nguyên tắc pháp quyền và điều chỉnh việc phát triển, triển khai và sử dụng Trí tuệ nhân tạo trong thi hành công lý, đưa ra quyết định tư pháp, qui trình của Tòa án và qui trình quản lý vụ án trong khu vực ASEAN.

10. GHI NHẬN đề xuất của Trường Đại học Quản lý Singapore cùng Học viện Tư pháp Singapore, về việc phối hợp với Tòa án tối cao Singapore tổ chức khóa đào tạo cho các thẩm phán ASEAN về “Nhận thức về ý nghĩa pháp lý của trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới nổi khác” bằng hình thức trực tuyến từ ngày 26 đến ngày 27 tháng 11 năm 2020 và THỐNG NHẤT mỗi Tòa án ASEAN đều xem xét cử người tham gia khóa học này.

11. THỎA THUẬN để Nhóm công tác về Giáo dục và đào tạo tư pháp xác định cách thức mới để tiến hành các chương trình đào tạo, tìm kiếm nguồn tài trợ cả bên trong và bên ngoài thông qua việc tổ chức các phiên họp diễn đàn với các đối tác tiềm năng hỗ trợ việc thực hiện Kế hoạch 2020-2025, tiếp tục giám sát việc thực hiện Kế hoạch chiến lược 2018-2025 và Kế hoạch công tác 2020-2025 tại tất cảTòa án các nước ASEAN.

12. GHI NHẬN rằng Nhóm công tác về tranh chấp xuyên quốc gia liên quan đến trẻ em đã:

(i) khởi động việc nghiên cứu về khả năng xây dựng một bộ giá trị, nguyện vọng và nguyên tắc chung cho Tòa án các nước ASEAN trong các vụ việc tranh chấp trẻ em xuyên quốc gia trong ASEAN; và

(ii) nhất trí tìm hướng tổ chức Diễn đàn Thẩm phán gia đình ASEAN lần thứ 3 kết hợp với Hội nghị bàn tròn tư pháp HCCH năm 2022 về Công ước La Hay 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế và Công ước La Hay 1966 về trách nhiệm của cha mẹ và việc bảo vệ trẻ em.

13. GHI NHẬN kết quả khảo sát do Nhóm công tác về Hội nghị ASEAN+ thực hiện xác định nhu cầu của Tòa án các nước ASEAN liên quan đến giáo dục tư pháp, đào tạo tư pháp, hợp tác tư pháp và hội nhập pháp luật với Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa, Nhật Bản và Đại hàn Dân quốc, cũng như phạm vi và những quan tâm cụ thể của các nước về sự hợp tác này.

14. THỎA THUẬN để Nhóm công tác về Hội nghị ASEAN+ thay mặt cho CACJ tiếp tục xúc tiến việc mời Tòa án các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, và về Phiên họp ASEAN+ khai mạc có đại diện của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc được tổ chức bên lề Hội nghị CACJ năm 2022.

15. GHI NHẬN việc Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (“UNDP”) tiếp cận với ý định hợp tác với CACJ và THỎA THUẬN để Nhóm công tác về Hội nghị ASEAN+ nghiên cứu khả năng và tính phù hợp của việc thiếp lập quan hệ hợp tác và đối tác giữa CACJ với UNDP.

16. GHI NHẬN tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 đến kinh tế-xã hội của hầu hết các quốc gia thành viên của ASEAN, đặt áp lực lên hệ thống Tòa án các nước phải giải quyết số lượng lớn các vụ án, đồng thời phải đảm bảo việc xét xử nhanh chóng, thuận tiện, an toàn và giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh.

17. GHI NHẬN ý kiến đề xuất của Việt Nam và Tòa án các nước ASEAN về những giải pháp đối phó với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 với các mục tiêu: (a) giải quyết nhanh chóng các vụ án; (b) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và (c) trừng phạt nghiêm khắc và ngăn chặn vi phạm liên quan đến việc phòng, chống dịch bệnh, nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo an toàn và hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh trong quá trình xét xử.

18. GHI NHẬN và đánh giá cao Tòa án tối cao Singapore và Hiệp hội Tòa án xuất sắc quốc tế (“ICCE”) thực hiện thành công hội nghị về phiên bản mới nhất Khung khổ Tòa án xuất sắc quốc tế (“IFCE”) diễn ra vào ngày 28/10/2020 cho các đại diện Tòa án các nước ASEAN.

19. THỎA THUẬN ủy quyền cho Tòa án tối cao Singapore làm việc với ICCE tiến hành chương trình “đào tạo giảng viên” cho Tòa án các nước ASEAN quan tâm, trang bị cho Tòa án các nước ASEAN năng lực ban hành phiên bản IFCE mới nhất tại nước mình.

20. THỎA THUẬN để Tòa án tối cao Singapore hỗ trợ thành lập mạng lưới nhân sự nguồn ASEAN-IFCE và xây dựng cổng thông tin nguồn lực nằm trong Phần dành cho thành viên của AJP để đóng góp vào việc xây dựng kiến thức về Tòa án xuất sắc trong ASEAN.

21. NHẤT TRÍ để Việt Nam đưa ra đề xuất về việc thành lập diễn đàn đối thoại CACJ và cấp cao ASEAN cho Nhóm Nghiên cứu về các hoạt động của CACJ trong tương lai, và THỎA THUẬN giao cho Nhóm Nghiên cứu xây dựng và đệ trình báo cáo cùng các kiến nghị về vấn đề này tại Hội nghị tiếp theo.

22. GHI NHẬN và đánh giá cao việc Chánh án Indonesia nhận đăng cai Hội nghị CACJ lần tới.

23. GHI NHẬN và đánh giá cao việc Chánh án Malaysia nhận đăng cai Hội nghị CACJ lần thứ 10.

24. GHI NHẬN và đánh giá cao việc Chánh án Myanmar nhận đăng cai Hội nghị CACJ lần thứ 11.

Ký ngày 05/11/ 2020

Qua hình thức trực tuyến

Ngài Steven Chong Wan Oon, Chánh án Tòa án tối cao Bru-nây Đa-rút-sa-lam;

NgàiH.E. You Ottara, Phó Chánh án Tòa án tối cao, Đại diện Chánh án Tòa án tối cao Vương quốc Cam-pu-chia;

Ngài Muhammad Syarifuddin, Chánh án Tòa án tối cao Cộng hòa In-đô-nê-xi-a

Ngài Bounkhouang THAVISACK, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, 

Đại diện Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào;

Bà Tan Sri Dato’ Seri Utama Tengku Maimun binti Tuan Mat, Chánh án Tòa án liên bang Ma-lai-xi-a;

Ngài Htun Htun Oo, Chánh án Tòa án tối cao Liên bang Mi-an-ma;

Ngài Diosdado Madarang Peralta, Chánh án Tòa án tối cao Cộng hòa Phi-líp-pin;

Ngài Lee Seiu Kin, Thẩm phán Tòa án tối cao,Đại diện Chánh án Tòa án tối cao Xing-ga-po;

Bà Metinee Chalodhorn, Chánh án Tòa án tối cao Vương quốc Thái Lan;

Ngài Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

PV