Hội nghị tập huấn nghiệp vụ trực tuyến về nội dung mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi
Tập huấn nghiệp vụ về nội dung mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 và an ninh mạng
Ngày 08/8, TANDTC tổ chức Hội nghị trực tuyến giới thiệu một số nội dung mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) mới được thông qua tháng 6/2024; Tập huấn nghiệp vụ, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu, bí mật nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống Tòa án.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC chủ trì Hội nghị.
Tham gia Hội nghị tại điểm cầu trung tâm có đồng chí Phó Chánh án thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ; các đồng chí Phó Chánh án TANDTC: Nguyễn Văn Du, Nguyễn Văn Tiến; Thẩm Phán TANDTC, lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC; Thẩm tra viên, Thư ký viên TANDTC.
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu của Vụ công tác phía Nam, TANDCC, Học viện Tòa án; Tòa án Quân sự các cấp; TAND các tỉnh, cấp huyện.
Đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Chánh án TANDTC đã truyền đạt giới thiệu những điểm mới của Luật Tổ chức TAND năm 2024 trực tiếp tại TANDTC và trực tuyến tới các điểm cầu
Nội dung mới của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) 2024
Tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình đã trực tiếp truyền đạt, giới thiệu những điểm mới của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) mới được Quốc Hội thông qua tháng 6/2024.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết: Luật tổ chức TAND sửa đổi gồm 9 Chương, 152 Điều, sửa đổi bổ sung 101 Điều, bổ sung mới 48 Điều, chỉ giữ nguyên 3 Điều
Về sự cần thiết ban hành Luật Tổ chức TAND sửa đổi, Chánh án thông tin: Xuất phát từ cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn và những thách thức mới trong thời công nghệ số đặt ra yêu cầu về sự sửa đổi căn bản Luật; các Nghị quyết, văn kiện của Đảng đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp về cải cách tư pháp cần thể chế hóa để đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án. Những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn hoạt động như một số vấn đề về thẩm phán, về việc xác định đầy chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án, cơ chế nhân dân tham gia xét xử, xây dựng Tòa án điện tử,… Sự phát triển của khoa học công nghệ tác động đến tư pháp, số lượng vụ việc ngày càng nhiều, ngày càng đa dạng, phức tạp. Số vụ án có yếu tố nước ngoài ngày một tăng cao.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu trung tâm
Luật có nhiều nội dung mới: Thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về chức năng TAND thực hiện quyền tư pháp, quy định TAND thực hiện quyền xét xử các tranh chấp, vi phạm pháp luật. Quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Đổi mới nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án, bổ sung 2 nhiệm vụ quyền hạn mới, quy định về quyền hạn của Tòa án theo thẩm quyền xét xử; không quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa; điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ.
Theo Luật mới, tổ chức hệ thống và bộ máy giúp việc của Tòa án cũng có những đổi mới nhất định. Việc thành lập TAND cấp sơ thẩm chuyên biệt về án Hành chính, án Sở hữu trí tuệ, án Phá sản cũng có quy định cụ thể.
Luật mới quy định về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia (gồm các Điều 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45 và Điều 110) cũng đã sửa đổi bổ sung về nhiệm vụ, quyền hạn, thành phần của Hội đồng.
Các đại biểu dự Hội nghị
Về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, ngạch bậc của Thẩm phán: Luật mới sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, ngạch bậc của Thẩm phán; sửa đổi, bổ sung quy định về điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, nhiệm kỳ, chế độ chính sách, nguyên tắc độc lập của Thẩm phán.
Đối với các chức danh tư pháp và người lao động trong hệ thống TAND: Luật mới cũng sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của từng chức danh tư pháp. Bổ sung quy định về trách nhiệm chung của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Tòa án; sửa đổi, bổ sung các quy định đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và giám sát Thẩm phán.
Đối với Hội thẩm nhân dân: Sửa đổi bổ sung quy định về vị trí, vai trò, tiêu chuẩn, trách nhiệm, chế độ chính sách của Hội thẩm nhân dân, quy định những người không được làm Hội thẩm.
Về tổ chức xét xử: Luật cũng có một số quy định mới về quyền lựa chọn ngẫu nhiên Thẩm phán, Hội thẩm tham gia xét xử, phương thức xét xử, phòng xử, phòng hòa gải đối thoại.
Đối với việc tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa: Luật mới quy định người tham dự không được truyền phát trực tiếp, trực tuyến, không được thông tin sai sự thật hoặc vi phạm quy định về giữ bí mật, vi phạm quyền con người của bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác trong vị án, vụ việc.
Việc bảo đảm hoạt động của Tòa án: Luật mới cũng đã có quy định về chế độ lương, phụ cấp, đào tạo, bồi dưỡng, số lượng biên chế, Tòa án điện tử, khen thưởng, xử lý vi phạm,…
Sau khi phân tích, quán triệt sâu sắc đến toàn hệ thống về các điểm mới của Luật, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Chánh án Nguyễn Hòa Bình kết luận: Luật mới có rất nhiều nội dung tiến bộ, Đảng, nhà nước quan tâm đến cải cách tư pháp, nhiều chế độ, đãi ngộ, chúng ta cần phải làm tốt hơn nhiệm vụ, xứng đáng với trọng trách được giao. Chánh án tin rằng, Luật Tổ chức TAND sửa đổi có hiệu lực thi hành, hệ thống Tòa án đã có hành lang pháp lý tốt, sẽ tạo ra sự phát triển vững mạnh và chất lượng giải quyết án của Tòa án ngàng càng tốt hơn.
Nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước, an ninh mạng
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã lắng nghe ông Trần Mạnh Thắng, Phó Trưởng phòng, Phòng An toàn hệ thống thông tin - Cục an toàn thông tin, Bộ Thông tin truyền thông trình bày chuyên đề về “Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam; các quy định của pháp luật về an toàn, an ninh thông tin; hướng dẫn kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu trên không gian mạng”.
Ông Trần Thái Đức, Chuyên gia về An ninh mạng, Công ty An ninh mạng Viettel cũng trình bày chuyên đề về những điều cần biết về các mã độc tống tiền, nhận diện dấu hiệu bị tấn công và giải pháp phòng chống.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Trưởng phòng 7, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an
Nhiều vấn đề thiết thực, quan trọng về an ninh mạng cũng được ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Trưởng phòng 7, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an làm rõ trong chuyên đề: “Các vấn đề cấp thiết đối với công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng và bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng; nhận diện các chiêu trò, dấu hiệu lừa đảo trên không gian mạng; kỹ năng chấp hành các quy định về bảo đảm an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao”.
Ông Ngô Đức Thắng, Cục trưởng, Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền, Ban Cơ yếu Chính phủ cũng phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ dữ liệu và bí mật nhà nước.
Việc bảo mật dữ liệu trong kỷ nguyên số hiện nay đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thông qua Hội nghị, hệ thống TAND tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong bảo vệ bí mật nhà nước, an toàn thông tin, an ninh mạng.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc và truyền đạt những nội dung mới của Luật Tổ chức TAND sửa đổi
Bài liên quan
-
TANDTC tổ chức Hội nghị trực tuyến, giải đáp vướng mắc liên quan đến án hành chính
-
TAND tỉnh Lạng Sơn tập huấn công tác bảo vệ bí mật Nhà nước và an ninh mạng năm 2024
-
Bãi bỏ Nghị định quy định danh mục bí mật nhà nước trong quốc phòng, an ninh, ngoại giao
-
Hà Nội, Bắc Giang, Cần Thơ tổ chức hội nghị trực tuyến hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Xác định mức tiền phạt vi phạm hành chính - Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
-
Kiến nghị hoàn thiện quy định “đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu”
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Kiến trúc Hà Nội thời bao cấp: Một di sản bị quên lãng
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận