Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5

Ngày 7/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại Nhà Quốc hội, đồng thời kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trong cả nước. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị.

Dự hội nghị về phía khách mời có ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Lê Minh Trí, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC; các Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Công an; các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ban kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ; các Bộ: Xây dựng, Công thương, Giao thông vận tải, Khoa học Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư. Lao động, Thương binh và xã hội, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Ủy ban Dân tộc, TANDTC, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng nhà nước, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ, các bộ và cơ quan ngang bộ.

Quán triệt những điểm mới

Hội nghị nhằm quán triệt những điểm mới, nội dung quan trọng, các nhiệm vụ Quốc hội giao, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, xác định rõ tiến độ và yêu cầu trong tổ chức thi hành Luật, Nghị quyết dược Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai thực hiện.

Đồng thời tăng cường công tác phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan trong việc tổ chức triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm đưa Luật, Nghị quyết vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Hội nghị, các đại biểu xem xét, trao đổi, thảo luật việc triển khai 09 Luật và 10 Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua.

Sau khi lắng nghe báo cáo của các cơ quan liên quan và các ý kiến thảo luận, phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ tiếp theo Hội nghị toàn quốc triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV lần thứ nhất được tổ chức thành công vào 9/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức  Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc

Chủ tịch Quốc hội cho biết điểm khác của Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất là Hội nghị lần này đã được tổ chức sớm hơn. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Nhà Quốc hội kết hợp với trực tuyến kết nối với 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với sự tham gia của 1147 đại biểu tham dự tại điểm cầu trung ương và địa phương. Hội nghị đã nghe hai báo cáo trung tâm và quan trọng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đầy đủ và khái quát, thống kê cụ thể hơn 400 nội dung chi tiết gắn với từng cơ quan và thời hạn để quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết cho thấy trách nhiệm, kì công của các cơ quan.

Điểm lại những nội dung chính của Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ qua tình hình thực tế và báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ và các tham luận tại Hội nghị cho thấy đã có chuyển biến tích cực trong công tác triển khai luật, nghị quyết, nhất là sau thành công của Hội nghị toàn quốc lần thứ Nhất. Các cơ quan đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, quyết liệt khắc phục mọi khó khăn, thách thức, nhất là sức ép về mặt tiến độ, phạm vi, khối lượng công việc để nỗ lực khẩn trương sớm triển khai thi hành luật, nghị quyết.

Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo đẩy mạnh truyền thông, thông tin kịp thời đến cử tri, Nhân dân về kết quả các kỳ họp và về luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua. Việc rà soát, hoàn thiện về nội dung và kỹ thuật văn bản được chú trọng, triển khai sớm nên ngay sau khi luật, nghị quyết được thông qua, các cơ quan đã có thể trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực nhanh, đảm bảo công bố đúng quy định, làm căn cứ để tổ chức thi hành. Các Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại địa phương tổ chức tiếp xúc cử tri để sớm báo cáo kết quả kỳ họp, giúp chính quyền địa phương, người dân, doanh nghiệp sớm nắm bắt các chính sách mới, quan trọng, chủ động chuẩn bị phương án, nguồn lực triển khai thực hiện. Ngay khi kết thúc kỳ họp của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ rà soát, xác định rõ các nội dung được luật, nghị quyết giao quy định chi tiết, trên cơ sở đó, phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp và thời hạn trình, ban hành văn bản; một số quyết định, kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết được ban hành rất kịp thời.

Các nhiệm vụ trọng tâm

Nêu rõ, các kết quả triển khai thi hành Luật nêu trên là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc nội đây mới chỉ là bước đầu. Khối lượng công việc cần tiếp tục thực hiện là rất lớn, đặc biệt nhiều luật của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ bất thường thứ 5 có số lượng điều luật, nội dung giao Chính phủ, các cơ quan quy định vừa nhiều, vừa khó, vừa đòi hỏi cao về tiến độ. Với nhiều thử thách như vậy, việc triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ bất thường thứ 5 đòi hỏi sự tập trung, nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các cơ quan. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện các nội dung theo quy định trong luật, nghị quyết; kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội; phân công cơ quan của Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thẩm tra kỹ lưỡng đối với báo cáo của Chính phủ, các cơ quan về việc thực hiện yêu cầu trong luật, nghị quyết, báo cáo Quốc hội xem xét, thảo luận trong trường hợp cần thiết. Các cơ quan của Quốc hội chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ và đôn đốc các cơ quan thực hiện kịp thời.

Hai là, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ bất thường thứ 5 được nêu cụ thể trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sớm ban hành Danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ 5 và phân công cụ thể cơ quan chủ trì soạn thảo, gắn với thời hạn hoàn thành. Tiếp tục ban hành các kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền 56 văn bản quy định chi tiết bảo đảm tiến độ, chất lượng để kịp thời có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết, có tính khả thi, nhất quán, đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật, đặc biệt là văn bản quy định chi tiết các luật có mối quan hệ mật thiết với nhau như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản,.. không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc, điểm nghẽn, phát sinh quy trình, thủ tục, “giấy phép con” trái quy định trong tổ chức thực hiện, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu

Cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung của luật, nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ các quy định. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn và đề nghị Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật tham mưu cho Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thật tốt kế hoạch hành động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam ngày 9/11.

Nghiên cứu biên soạn,  xuất bản sách: Luật Đất đai – Hỏi và Đáp để đáp ứng yêu cầu phổ biến, tuyên tuyền pháp luật. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ bằng các hình thức phù hợp cho đội ngũ công chức được giao tổ chức thi hành, nhất là đối với các luật chuyên ngành có nhiều nội dung mới, phức tạp như Luật Viễn thông, Luật Căn cước, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng,… 

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của đội ngũ công chức, gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong thi hành pháp luật.

 

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc và Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tại Hội nghị

Ba là, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, nhất là những thẩm quyền, nhiệm vụ mới được bổ sung trong các luật, nghị quyết của Quốc hội, cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù được áp dụng tại địa phương, cơ quan mình.

Bốn là,  Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến đối với việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết của Quốc hội; tham gia phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân bằng các hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật; vận động, động viên các tầng lớp Nhân dân thực hiện luật, nghị quyết.

Năm là, trong quá trình triển khai thi hành pháp luật, đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính theo yêu cầu tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15 bổ sung 19 nhiệm vụ lập pháp mới vào Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, nâng tổng số nhiệm vụ lập pháp cần thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV lên 156, trong đó, đã hoàn thành 115/156 nhiệm vụ (73,7%), còn 41 nhiệm vụ đang triển khai hoặc cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát. Với khối lượng rất lớn nhiệm vụ lập pháp cần thực hiện, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan được phân công phối hợp chặt chẽ tổ chức nghiên cứu sớm kịp thời bổ sung phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của nhiệm kỳ.

Hoàn thiện thể chế là một nhiệm vụ quan trọng của TANDTC

Tại Hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng cho biết, thời gian qua, để triển khai thi hành các luật và nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, TANDTC đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng trong TANDTC cũng như các Tòa án địa phương, tập trung quán triệt phổ biến những nội dung, tinh thần của các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua tới toàn thể thẩm phán, cán bộ, công chức, đặc biệt là các cán bộ có chức danh tư pháp trong TAND.

Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng phát biểu

Đồng thời, TANDTC cũng yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát các nội dung có liên quan tới TAND để qua đó có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. TANDTC cũng chỉ đạo các đơn vị lựa chọn các vấn đề mới, nội dung mới, có liên quan trực tiếp đến công tác xét xử của các tòa án để tiến hành quán triệt, thống nhất về nhận thức trong toàn hệ thống thông qua hệ thống truyền hình trực tuyến tới tất cả các Tòa án trong cả nước.

 

Quang cảnh Hội nghị

Liên quan tới việc thực hiện nhiệm vụ lập pháp của TANDTC trong thời gian qua, Phó Chánh án TANDTC cho rằng, việc tham gia hoàn thiện thể chế là một nhiệm vụ quan trọng, luôn được lãnh đạo TANDTC quan tâm chỉ đạo. Bên cạnh việc tham gia chủ trì soạn thảo những dự án luật về tổ chức hay tố tụng tư pháp mang tính chất thông lệ, thời gian qua TANDTC cũng đã nghiên cứu đề xuất với Quốc hội xem xét thông qua một số dự án luật, nghị quyết liên quan đến vấn đề đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của tòa án, cụ thể như Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án hay đề xuất Nghị quyết về xét xử trực tuyến, tham gia hoàn thiện chính sách pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Về các nhiệm vụ đang triển khai thực hiện hiện nay, TANDTC đang xây dựng Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đang trình Quốc hội và Quốc hội đã thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, hiện đang tổng hợp ý kiến để phối hợp với các cơ quan chức năng của Quốc hội giải trình, xin ý kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới. 

Đây là một dự án luật bao gồm rất nhiều quy định để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 27 về xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, trong đó đề xuất những vấn đề như: làm rõ nội hàm quyền tư pháp, đảm bảo nguyên tắc tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, làm rõ thẩm quyền xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, thành lập các tòa án chuyên biệt…

Dự án luật thứ hai mà TANDTC đang chủ trì xây dựng là Luật Tư pháp người chưa thành niên. Hiện TANDTC đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn trong nước và quốc tế, tổ chức nhiều đoàn học tập kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, tổ chức hội nghị trực tuyến trên toàn hệ thống để lấy ý kiến về những vấn đề cơ bản của dự án luật. 

Cho đến nay, Tòa án đã gửi xin ý kiến của Chính phủ, các Bộ ngành có liên quan, dự kiến sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền vào tháng 4 năm 2024. Đây cũng là một dự án luật có nhiều điểm mới so với quy định hiện hành, tổng hợp những quy định liên quan đến xử lý trách nhiệm hình sự người chưa thành niên làm rải rác ở các văn bản pháp luật khác nhau để đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

 

MINH KHÔI