Hội nghị trực tuyến Tập huấn nghiệp vụ Tòa án
Ngày 29/7, TANDTC tổ chức Hội nghị trực tuyến Tập huấn nghiệp vụ. Tại điểm cầu trung tâm, 48 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì hội nghị.
Nội dung Hội nghị Tập huấn nghiệp vụ lần này là Hội đồng Thẩm phán TANDTC giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ của Tòa án các cấp. Những câu hỏi được Tòa án nhiều địa phương gửi đến đều là những vấn đề rất đáng quan tâm và thiết thực.
Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử xin lược ghi các câu hỏi lần lượt được giải đáp tại hội nghị để bạn đọc tham khảo. Sau khi Hội nghị kết thúc, Tạp chí sẽ tiếp tục đăng tải từng nội dung giải đáp để quý độc giả tiện theo dõi.
Vướng mắc liên quan đến tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201 của Bộ luật Hình sự
Thẩm phán Hoàng Văn Tiền, Chánh án TAND tỉnh Quảng Ninh hỏi:
– Khoản tiền để xác định trách nhiệm hình sự là tổng số tiền lãi thu được từ việc cho vay hay là khoản tiền lãi thu được sau khi trừ đi tiền lãi theo quy định của Bộ luật Dân sự.
– Khoản tiền để xác định trách nhiệm hình sự trong vụ án là tổng số tiền lãi mà người phạm tội thu được của tất cả những người vay hay số tiền lãi thu được của từng người vay?
– Khoản tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thu được từ việc cho vay lãi nặng bị tịch thu sung công hay trả lại cho người vay?
– Khoản tiền người phạm tội dùng để cho vay và khoản lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm có xác định là phương tiện phạm tội để tịch thu sung quỹ nhà nước hay trả cho người phạm tội?
– Người vay tiền trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tham gia tố tụng với tư cách là bị hại hay là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan?
– Trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có bắt buộc phải trưng cầu giám định về tiền lãi không?
Hội đồng Thẩm phán TANDTC giải đáp vướng mắc – Ảnh: Hùng Lan
Chấp hành án phạt tù
Thẩm phán Phạm Quốc Hưng – Chánh án TAND tỉnh Hòa Bình hỏi:
Trường hợp người chấp hành án mới được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù (trong thời hạn 01 năm) thì có được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện hay không?
Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án” có tương tự như tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 168 của Bộ luật Hình sự thì tội cướp tài sản có mức hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Vậy có được xử bị cáo từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mức hình phạt là 04 năm tù không?
Tình tiết giảm nhẹ
Thẩm phán Nguyễn Thành – Chánh án TAND tp Đà Nẵng hỏi:
Khi quyết định hình phạt, Tòa án có được coi các tình tiết về nhân thân của bị cáo như trình độ học vấn thấp, là lao động chính, có con nhỏ, có ông bà là người có công Cách mạng… là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự hay không?
Bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, tại phiên tòa bị cáo lại xin giảm nhẹ hình phạt và giảm mức bồi thường thiệt hại. Tòa án cấp phúc thẩm có xem xét yêu cầu giảm mức bồi thường thiệt hại không?
Bị cáo bị cấp sơ thẩm buộc nộp lại số tiền thu lợi bất chính hoặc bị phạt bổ sung là phạt tiền. Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt chính và đã nộp tiền thu lợi bất chính hoặc nộp tiền phạt thì có được coi là tình tiết giảm nhẹ mới ở cấp phúc thẩm không?
Thành viên Hội đồng Thẩm phán dự Hội nghị
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự có đồng phạm được xác định như thế nào?
Thẩm phán Bùi Đức Xuân, Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh hỏi:
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự có đồng phạm được xác định như thế nào?
Trường hợp sau khi bị khởi tố bị cáo mới có thai thì Tòa án có áp dụng tình tiết “Người phạm tội là phụ nữ có thai” không?
Người thực hiện hành vi làm giả các giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức?
Xử phạt vi phạm hành chính
Thẩm phán Trần Hữu Quân, Chánh án TAND tỉnh Hà Nam hỏi:
Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp phải xác minh làm rõ hành vi vi phạm hành chính được xác định như thế nào?
Khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền có được căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính bổ sung?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 122 của Luật Tố tụng hành chính thì trường hợp đơn khởi kiện không đủ nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 118 thì thẩm phán yêu cầu đương sự sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện. Vậy trường hợp đương sự có sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện nhưng không nộp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh quyền và lợi ích bị xâm phạm thì Tòa án có trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 123 của Luật Tố tụng hành chính không?
Thời hạn xét xử
Thẩm phán Nguyễn Văn Chung, Chánh án TAND tỉnh Thái Nguyên hỏi:
Điều 130 của Luật Tố tụng hành chính chỉ quy định thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các quyết định hành chính thuộc trường hợp quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 116 mà không quy định thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 116. Vậy trong trường hợp khiếu kiện quyết định hành chính thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 116 của Luật Tố tụng hành chính thì Tòa án áp dụng thời hạn xét xử như thế nào?
Điều 203 của Luật đất đai quy định: “3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính”.
b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
Vậy trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện tại Tòa án hay không?
Khi làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đối với luật sư và công dân Việt Nam có đủ điều kiện quy định tại điểm c khoản 2 Điều 61 của Luật Tố tụng hành chính thì Tòa án phải yêu cầu những người này xuất trình những giấy tờ gì?
Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính?
Thẩm phán Nguyễn Thanh Xuân, Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình hỏi:
Trường hợp Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện quyết định hành chính, thì cơ quan hành chính có được cưỡng chế thi hành quyết định hành chính ngay hay phải chờ sau khi Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành án thì mới được cưỡng chế thi hành quyết định hành chính?
Quyết định hành chính bị khiếu nại. Hết thời hiệu giải quyết khiếu nại mà người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không giải quyết nên người bị ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp đã khởi kiện quyết định hành chính và hành vi không giải quyết khiếu nại. Trong trường hợp này, Tòa án có thụ lý xem xét, giải quyết đồng thời hai yêu cầu này của người khởi kiện hay không?
Cán bộ các đơn vị thuộc TANDTC dự Hội nghị
Xem xét yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Thẩm phán Nguyễn Thành Thơ, Chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp hỏi:
Tại mục 2 phần dân sự của Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03-4-2019 của Tòa án nhân dân tối cao về thông báo kết quả giải đáp trực tuyến số có hướng dẫn đối với tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng, chuyển đổi, tặng cho quyền sử dụng đất mà cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với thửa đất đó cho người nhận chuyển nhượng, nhận chuyển đổi, nhận tặng cho quyền sử dụng đất thì Tòa án không đưa cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp giấy tham gia tố tụng và không cần phải tuyên hủy giấy chứng nhận cấp cho người nhận chuyển nhượng.
Vậy, trong trường hợp người khởi kiện chỉ khởi kiện yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Tòa án có thụ lý giải quyết hay không? Đối với vụ án mà Tòa án đang xem xét yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Tòa án tiếp tục xem xét giải quyết hay đình chỉ vụ án?
Tiền tạm ứng án phí và lệ phí trong vụ án ly hôn
Thẩm phán Phan Văn Tiến, Chánh án TAND tỉnh Yên Bái hỏi:
Đối với trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp trên cơ sở hợp đồng chuyển nhượng, chuyển đổi, tặng cho quyền sử dụng đất, khi Tòa án xem xét giải quyết yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Tòa án có xem xét, quyết định về giá trị pháp lý của hợp đồng về quyền sử dụng đất này hay không và có đưa những người tham gia ký kết hợp đồng vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hay không?
Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành, theo quy định khoản 5 Điều 397 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn, xóa sổ thụ lý giải quyết việc dân sự và thụ lý vụ án ly hôn, chia tài sản chung vợ chồng thì nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí và lệ phí giải quyết việc dân sự đã nộp được giải quyết như thế nào?
Áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời
Thẩm phán Phạm Đức Tuyên, Chánh án TAND tp Hải Phòng hỏi:
Trường hợp do tình thế khẩn cấp, người khởi kiện nộp đơn khởi kiện và yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vào chiều ngày thứ 6 theo quy định tại khoản 2 Điều 111 và khoản 3 Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời vào các ngày lễ hoặc ngày nghỉ không?
Trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án mà một trong các bên đương sự có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có được xem xét, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không?
Người bị xâm phạm về danh dự, uy tín do hành vi của Chủ tịch UBND huyện gây ra khi thi hành công vụ khởi kiện yêu cầu Chủ tịch UBND huyện bồi thường tổn thất tinh thần do danh dự, uy tín của người đó bị xâm phạm thì Tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết không?
Biện pháp khẩn cấp tạm thời có đương nhiên bị hủy
Thẩm phán Phạm Văn Thịnh, Chánh án TAND tỉnh Thái Bình hỏi:
Trong vụ án có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, sau đó bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm thì Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có đương nhiên bị hủy không? Trường hợp Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không bị hủy thì khi thụ lý lại vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giải quyết như thế nào?
Năm 2014, anh A kết hôn với chị B và sinh được 01 con là cháu C, năm 2018 vợ chồng mâu thuẫn anh A xin ly hôn chị B. Trong quá trình giải quyết, anh A và chị B đều thừa nhận cháu C là con chung của vợ chồng. Do đó, Tòa án đã căn cứ vào Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình để giao cháu C cho anh A trực tiếp nuôi dưỡng. Bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Năm 2019, anh D có đơn yêu cầu Tòa án xác định cháu C là con của anh (kèm theo đơn khởi kiện là bản xét nghiệm AND xác định cháu C là con của anh D). Vậy, trong trường hợp này Tòa án có thụ lý giải quyết vụ án hay không?.
Trong vụ án ly hôn đương sự không thỏa thuận việc nuôi con chung chưa thành niên nhưng cũng không yêu cầu Tòa án giải quyết việc nuôi con chung thì Tòa án có giải quyết không?
Chia tài sản là bất động sản sau khi ly hôn
Thẩm phán Trương Trọng Tiến, Chánh án TAND tỉnh Quảng Nam hỏi:
Trường hợp vụ án tranh chấp chia tài sản là bất động sản sau khi ly hôn mà nơi cư trú của bị đơn và nơi có bất động sản tranh chấp khác nhau thì Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết?
Trường hợp con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu không sống chung nhưng vẫn đi lại thăm nom và chi trả tiền để người khác nuôi dưỡng, chăm sóc người kia (ví dụ: trả chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc cho trại trẻ mồ côi, trại dưỡng lão) thì có được coi là có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con để được hưởng thừa kế di sản của nhau theo quy định Điều 654 Bộ luật Dân sự hay không?
Hủy Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới thay đổi
Hủy Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới thay đổi?
Thẩm phán Đỗ Ngọc Tuấn, Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ hỏi:
Tại Công ty TNHH hai thành viên, thành viên A mua lại toàn bộ phần vốn góp của thành viên B, nhưng chưa thanh toán giá trị chuyển nhượng phần vốn góp theo thỏa thuận. Sau đó A làm thủ tục thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chuyển đổi từ công ty TNHH hai thành viên thành công ty TNHH một thành viên. Việc B khởi kiện A yêu cầu huỷ Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp theo thỏa thuận và hủy Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới thay đổi là tranh chấp dân sự hay tranh chấp kinh doanh thương mại? Toà án nhân dân cấp nào có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm? Khi giải quyết vụ án Tòa án có xem xét hủy Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới thay đổi đó không?
Ông A và bà B là thành viên của Công ty TNHH hai thành viên thành lập năm 2016. Ông A góp vốn bằng nhà xưởng, Công ty đã nhận nhà xưởng và sử dụng để sản xuất, kinh doanh nhưng chưa làm thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà xưởng gắn liền với quyền sử dụng đất cho Công ty. Năm 2018, Ông A chuyển nhượng vốn góp cho bà C, nhưng không cho bà B biết. Trường hợp này khi phát sinh tranh chấp, Tòa án xác định việc góp vốn của ông A vào Công ty đã hoàn thành chưa và bà C có là thành viên Công ty TNHH hai thành viên không?
Thành viên Công ty TNHH hoặc Cổ đông Công ty cổ phần khởi kiện Giám đốc công ty vì cho rằng Giám đốc không thực hiện đúng nghĩa vụ, gây thiệt hại đến lợi ích của thành viên hoặc công ty TNHH; cổ đông hoặc Công ty cổ phần. Khi phát sinh tranh chấp, Tòa án sẽ căn cứ quy định pháp luật nào để thụ lý, giải quyết.
Hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng A với Công ty B được giao kết và thực hiện giải ngân tiền vay tại chi nhánh M của Ngân hàng. Khi ký kết hợp đồng, các bên không có thỏa thuận lựa chọn Tòa án nơi có trụ sở của nguyên đơn giải quyết tranh chấp. Đến hạn trả nợ, Công ty B không trả được nợ nên Ngân hàng A đã khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng với Công ty B tại Tòa án nơi có chi nhánh M của Ngân hàng. Trường hợp này, Tòa án nơi có chi nhánh của Ngân hàng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hay không?
Tranh chấp giữa doanh nghiệp bảo hiểm với người mua bảo hiểm
Thẩm phán Mai Khanh, Chánh án TAND tỉnh Ninh Bình hỏi:
Tranh chấp giữa doanh nghiệp bảo hiểm với người mua bảo hiểm về việc đóng phí bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ đã ký kết là tranh chấp dân sự hay tranh chấp kinh doanh – thương mại?
Trường hợp bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin không trung thực để giao kết hợp đồng bảo hiểm và hưởng chế độ bảo hiểm thì bị coi là trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu do có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm theo điểm d khoản 1 Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm hay là trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo điểm a khoản 2 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án mà nội dung hòa giải liên quan đến tranh chấp về kinh doanh – thương mại là yêu cầu về dân sự hay yêu cầu về kinh doanh, thương mại? Nếu là yêu cầu về kinh doanh, thương mại thì Tòa án áp dụng Điều luật nào để thụ lý giải quyết vì hiện nay theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án là yêu cầu dân sự (Khoản 7 Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).
Tranh chấp về nhãn hiệu tập thể
Thẩm phán – Chánh án Nguyễn Thanh Thiên, Chánh án TAND tp Cần Thơ hỏi:
Từ ngày 01-01-2017 (ngày Bộ luật Dân sự có hiệu lực), thời điểm tính thời hiệu khởi kiện đối với các vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010 (có hiệu lực từ ngày 01-7-2011) được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự hay Luật Kinh doanh bảo hiểm?
Hợp đồng tín dụng mà bên vay là Công ty TNHH hai thành viên trở lên, do người đại diện theo pháp luật ký hợp đồng nhưng hồ sơ vay không có biên bản họp thành viên của Hội đồng thành viên. Trường hợp có tranh chấp xảy ra thì bên vay được xác định là Công ty hay cá nhân người đại diện? Công ty sẽ tham gia tố tụng với tư cách gì?
Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể đã đăng ký và được cấp nhãn hiệu tập thể theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Khi hộ gia đình, tổ hợp tác khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về nhãn hiệu tập thể đó hoặc bị khởi kiện thì việc xác định tư cách tham gia tố tụng như thế nào?
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
3 Bình luận
Huỳnh Minh Thông
04:08 08/01.2025Trả lời
trần Hoàng Anh
04:08 08/01.2025Trả lời
trần Hoàng Anh
04:08 08/01.2025Trả lời