Hội nghị trực tuyến về “Cải cách tư pháp ở nước ta trong tình hình mới”
Sáng ngày 10/4/2019, TANDTC tổ chức Hội nghị trực tuyến về Chuyên đề “Cải cách tư pháp ở nước ta trong tình hình mới”, do PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC thuyết trình. Tapchitoaan.vn xin lược thuật bài thuyết trình quan trọng này.
Mở đầu phiên thuyết trình, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, sắp tới có 2 sự kiện quan trọng. Sự kiện thứ nhất là 2020 sẽ tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 06 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020. Nghị quyết đặt ra mục tiêu là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao. Sau 15 năm thực hiện, đến nay phải đánh giá, nhìn nhận lại xem chúng ta đã làm được gì và chưa làm được gì.
Sự kiện thứ 2 là chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII. Kết quả tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW cần được đại hội xem xét để trên cơ sở đó đặt ra những định hướng trong tương lai.
1.Thành tựu đã đạt được
Chánh án Nguyễn Hòa Bình chia sẻ những nhận định về thành tựu của CCTP giai đoạn 2005-2020, cho biết, từ năm 2002 Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 08-NQ/TW giải quyết bất cập về CCTP thời điểm đó, bước đầu tiếp cận tiến bộ của CCTP thế giới. Nghị quyết 08-NQ/TW đã đặt ra một số nội dung, nhiệm vụ cụ thể. Đó là khắc phục việc lạm dụng bắt tạm giam (lấy giam giữ điều tra tố tụng để thay thế các loại điều tra khác dẫn đến oan sai); Đề cập đến vấn đề tranh tụng tại phiên tòa, chưa có sự lựa chọn nền tố tụng; Bồi thường oan sai; Thay đổi phương thức thi hành án tử hình (từ bắn chuyển sang tiêm); Hạn chế án tử hình; Chuyển quản lý Tòa án địa phương từ Bộ Tư pháp sang TANDTC; Yêu cầu các chức danh tư pháp phải có trình độ đại học; Yêu cầu có sự tham gia của Luật sư trong điều tra, xét xử.
Năm 2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW có 8 nội dung cơ bản. Với việc ra đời của Nghị quyết này, đã khẳng định CCTP song hành cùng cải cách kinh tế. Hiện Cải cách kinh tế có rất nhiều đổi mới và CCTP rất được quan tâm.
Về thành tựu, có 8 thành tựu nổi bật cũng là 8 nhiệm vụ đã đạt được, đó là : Hoàn thiện thể chế; Tổ chức bộ máy; Xây dựng đội ngũ chức danh tư pháp ngày càng hoàn thiện; Hoàn thiện chế định bổ trợ tư pháp; Đầu tư trang thiết bị đảm bảo cho hoạt động điều tra, truy tố và xét xử của các cơ quan tư pháp hoạt động thuận lợi; Hợp tác quốc tế được mở rộng và hiệu quả cao; Tăng cường giám sát hoạt động tư pháp; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp.
Về hoàn thiện thể chế, Chánh án phân tích : Trước hết phải nói đến Hiến pháp 2013 và có 70 đạo luật liên quan đến hoạt động tư pháp, quyền con người, công dân được ban hành, sửa đổi, bổ sung. Hiến pháp 2013 có nhiều đổi mới về tổ chức chính quyền địa phương, chức nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ, về sự lãnh đạo của Đảng.
Về Tư pháp, Hiến pháp khẳng định tôn trọng quyền con người, quyền công dân, khẳng định nguyên tắc công khai, minh bạch và tăng cường kiểm soát quyền lực. Việt Nam không như các thể chế khác có 3 nhánh quyền lực riêng biệt, mà tổ chức bộ máy dưới sự lãnh đạo của Đảng có sự phân công phối hợp giữa 3 nhánh Lập pháp –Hành pháp –Tư pháp.
Hiến pháp lần đầu tiên quy định 9 quyền và nguyên tắc tư pháp. Đó là: Quyền được suy đoán vô tội; Quyền được xét xử công bằng; xét xử công khai; Xét xử kịp thời trong thời hạn luật định; bảo đảm quyền bào chữa; Xét xử độc lập chỉ tuân theo pháp luật; Bảo đảm nguyên tắc tranh tụng ; Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu xảy ra oan sai (không phải quốc gia nào cũng có quy định về nguyên tắc này ; đặc biệt là Tòa án phải bồi thường) ; trách nhiệm cung cấp chứng cứ, chứng minh trong dân sự thuộc về đương sự; kiểm soát quyền lực.
Trên cơ sở Hiến pháp 2013, bốn hệ thống luật được ban hành. Đó là Luật tổ chức của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án; Luật nội dung gồm BLHS đã được đổi mới (pháp nhân, phòng chống tham nhũng, xóa bỏ một số tội danh), BLDS cũng có nhiều đổi mới, khẳng định vai trò luật gốc để điều chỉnh quan hệ xã hội.
Luật hình thức: BLTTHS, BLTTDS, LTTHC được ban hành, có nhiều đổi mới theo hướng đề cao quyền con người, quyền công dân.
Luật bổ trợ Tư pháp: Luật Luật sư, Giám định tư pháp, công chứng… được ban hành.
Hệ thống luật mới được sửa đổi, bổ sung, ban hành đã hình thành cơ bản hành lang pháp lý cho hoạt động tư pháp.
Về hoàn thiện tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Tư pháp: Cơ quan điều tra (CQĐT) đã luật hóa các biện pháp trinh sát, đơn cử như thế giới có 15 biện pháp trinh sát, Quốc hội đồng ý 3 biện pháp trinh sát.
Đối với VKS thì nguyên lý hoạt động: Tập trung thống nhất lãnh đạo toàn ngành, tổ chức từ 3 thành 4 cấp, tăng cường năng lực cho CQĐT của VKS là 1 trong 3 hệ thống điều tra, tăng thẩm quyền cho các cơ quan (Cụ thể hóa nguyên lý kiểm soát quyền lực của Hiến pháp, trong đó điều tra vi phạm trong hoạt động tư pháp là đỉnh cao).
Đối với Tòa án thì độc lập và tuân theo pháp luật, Tòa án thực hiện quyền tư pháp, xét xử là trung tâm. Tòa án tổ chức theo 4 cấp (bổ sung thêm Tòa án cấp cao), nhiều quy định đổi mới về tổ chức phiên tòa, tiếp thu mô hình tranh tụng, phòng xét xử phiên tòa thay đổi. Năm 2018 HĐTP đã ban hành nghị quyết về mô hình xét xử mới được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao. Đây là bước tiến dân chủ, tuân thủ nguyên tắc tranh tụng. Thay đổi về mặt hình thức nhưng chứa đựng giá trị nội dung.
Về xây dựng đội ngũ, có 10 thành tựu điển hình, bao trùm là đội ngũ đông hơn, mạnh hơn, chất lượng và chuyên nghiệp hơn. Việc xây dựng đội ngũ còn có những yêu cầu khác (ví dụ thế giới hướng đến hai mục tiêu hiện đại hơn, trong sạch hơn). Cơ quan tư pháp phải hiện đại và trong sạch.
Các chức danh tư pháp KS, TA đều đạt trình độ đại học, tiêu chuẩn rõ ràng, thi tuyển quốc gia, nhiệm kỳ. Thi tuyển quốc gia rất quan trọng. Tính chuyên nghiệp của CQĐT, KS, TA được đề cao, tránh được việc lạm dụng. Việc nhỏ nhưng quyết định được chất lượng của đội ngũ, chất lượng tư pháp do các chức danh tư pháp quyết định.
Về chế định bổ trợ, giới luật sư hình thành Liên đoàn Luật sư. Vùng cao thiếu luật sư đã từng bước được khắc phục. Trình độ Luật sư đã tăng lên, nguyên tắc hiến định lấy cơ chế tranh tụng, hoạt động luật sư là con đường để tiến tới công lý, sáng tỏ sự thật. Tuy nhiên cũng có nhiều vấn đề như thiếu số lượng, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, một bộ phận vi phạm pháp luật.
Về giám định tư pháp, ban hành luật và hệ thống văn bản, hình thành tổ chức ở TW, các tỉnh.
Về điều kiện đảm bảo, trụ sở khang trang, điều kiện đảm bảo nghiệp vụ tốt, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, các cơ sở đào tạo được đầu tư. Trong điều kiện khó khăn, tiềm lực kinh tế thiếu, nhu cầu xã hội, Đảng và Nhà nước đã dành nguồn lực cần thiết cho phát triển tư pháp.
Về hợp tác quốc tế, Việt Nam đã tham gia nhiều chế định tư pháp quốc tế; Uy tín trên trường quốc tế ngày càng tăng (tiếng nói trên các diễn đàn được đánh giá cao); Tham gia ký kết nhiều hiệp định song phương, đa phương về tư pháp; Hợp tác song phương, đa phương trong xây dựng pháp luật, đào tạo cán bộ, hỗ trợ nguồn lực, trao đổi thông tin.
Tăng cường giám sát của QH của cơ quan dân cử và nhân dân, lấy phiếu tín nhiệm, chất vấn trước QH, bỏ phiếu,… QH, HĐND chọn chuyên đề để giám sát. Theo quy định của Hiến pháp, Tòa án phải thiết kế chỗ ngồi cho báo chí. (Trong khi đó, Mỹ không cho phóng viên, báo chí vào trong phòng xét xử, được vào nhưng không được chụp ảnh do làm phân tâm, quyền con người về hình ảnh, tạo ra áp lực cho HĐXX).
Sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường, Đảng ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa cơ chế lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ trong hệ thống Tư pháp. Yêu cầu VKS, người đứng đầu VKS, TA phải tham gia cấp ủy. Đổi mới Chỉ thị 15 bằng Chỉ thị 26. Điểm quan trọng, đối với các vụ án quan trọng thì trách nhiệm của cơ quan thụ lý, VKS phải báo cáo cấp ủy cùng cấp, hạn chế là báo cáo nhưng không ghi rõ trách nhiệm chỉ đạo, Chỉ thị 26 đã khắc phục. Tiến hành giao ban định kỳ, tái lập Ban Nội chính TW.
2.Những nội dung NQ 49 chưa làm được
Chánh án cho biết, bên cạnh những thành tựu nổi bật trên đây, vẫn còn những nội dung của Nghị quyết 49 đề ra nhưng chưa thực hiện được. Về hoàn thiện thể chế, ví dụ quy định về án tử hình còn vướng mắc, hạ tầng pháp lý cho giám định tư pháp còn nhiều bất ổn,.
Tổ chức bộ máy còn vướng mắc rất nhiều. Nguyên tắc tuyển chức danh tư pháp là phải qua Thẩm phán cấp dưới mới đến Thẩm phán cấp trên (đây là nguyên tắc của nhiều nước trên thế giới) rất bất hợp lý. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao rất nhiều bất cập, yêu cầu cử Thẩm phán tham gia các chế định Tư pháp quốc tế, nhưng rất khó để tham gia.
Cơ sở vật chất có nhiều việc chưa đạt được, nhiều TA trụ sở chưa xây xong.
Những bất cập hiện nay dễ nhận thấy, đó là nền tư pháp còn lạc hậu so với mặt bằng chung của thế giới (xu hướng Tòa án thông minh đã khá phổ biến trên thế giới); Mong muốn của người dân nhiều nhưng chưa đáp ứng được (chưa thuận tiện, còn tốn kém) ; Hạn chế của người dân tham gia vào tiến trình tư pháp; Niềm tin vào tư pháp chưa cao; Nhiều tồn tại trong thi hành án tử hình, giám định tư pháp, chống tham nhũng, mâu thuẫn về chế độ chính sách, điều kiện bảo đảm, áp lực công việc và biên chế.
Chánh án nêu ra 2 khái niệm mới là khả năng quyết định tư pháp và khả năng đoán định tư pháp.
Khả năng quyết định tư pháp là quyết định tư pháp của người dân, không phải của cơ quan tư pháp. Quyết định của người dân trong kháng cáo, khiếu kiện, cơ chế hòa giải, đây là các quyết định tư pháp của người dân. Phải làm cho các quyết định của người dân mở rộng và đúng đắn. Các quyết định thường không chính xác nên sau phiên tòa là kháng cáo. Muốn người dân quyết định tư pháp đúng đắn thì đòi hỏi dân trí, chất lượng pháp luật phải cao; lực lượng bổ trợ tư pháp phải nhiều; đủ công cụ hỗ trợ.
Khả năng đoán định tư pháp là quyết định của người liên quan, của toàn xã hội. Đoán định đúng thì giải quyết được vấn đề, dừng khiếu kiện, kháng cáo. Do đó cần nâng cao khả năng quyết định tư pháp, đoán định tư pháp của người dân. Phải tạo cơ chế khả năng đoán định tư pháp đúng đắn. Đoán định đúng thì kiềm chế các chức danh tư pháp làm sai. Rất nhiều nước tạo ra công cụ làm tăng khả năng, tính chính xác của đoán định tư pháp, thông qua công khai bản án trên mạng, giới thiệu phần mềm tiện ích nhập thông tin về tình trạng pháp lý vào thì sẽ ra án lệ, các vụ án tương tự, nếu xem vào đó sẽ tự quyết định được việc kháng cáo. Ngoài ra đoán định tư pháp còn có tác dụng kiểm soát hoạt động tư pháp.
Trong chiến lược cải cách tư pháp mới, nâng cao dân trí về pháp luật, tạo cơ chế hỗ trợ quyết định, đoán định chính xác của người dân.
3.Những định hướng về cải cách tư pháp 2021-2030
CCTP là xu thế, liên tục, phổ biến ở rất nhiều quốc gia. Việt Nam cũng nằm trong xu thế tất yếu đó. Trong nỗ lực cải cách tư pháp những năm qua, còn nhiều nội dung trong Nghị quyết 49 chưa làm được ; Nền tư pháp vẫn có 5 bất cập lớn, đó là niềm tin của người dân vào tư pháp còn hạn chế. Chánh án so sánh thấy rằng ở các nước khác, Thẩm phán là tầng lớp cao quý, người dân không nghi ngờ quyết định của Thẩm phán, không cần kiểm soát sự liêm chính của Thẩm phán. Quyết định của Thẩm phán ban hành được coi là chân lý.
CCTP cần đẩy mạnh để đáp ứng sự thay đổi của tình hình mới. Hiện nay, vi phạm pháp luật, tội phạm gia tăng, phức tạp nghiêm trọn; dân trí ngày càng cao, nên yêu cầu cao hơn đối với tư pháp ; về kinh tế đã biến đổi, kinh tế số, kinh tế chia sẻ là 02 mảng trống mà luật pháp chưa quy định.
Về khoa học pháp lý cũng đặt ra nhiều nguyên tắc áp dụng tiến bộ của thế giới, khoa học pháp lý rất phát triển. Nhu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin đặt ra mục tiêu năm 2023 hoàn tất Tòa án điện tử.
Về hội nhập, phải tiếp tục đổi mới để hội nhập. Các tranh chấp quốc tế xuyên biên giới. không cải cách, không đổi mới không thể đáp ứng được.
Kinh nghiệm CCTP trên thế giới cần được tham khảo.
Trung Quốc đặt ra 65 nội dung cải cách. Mục tiêu để nhân dân cảm nhận được công bằng ; Điều tra, truy tố xoay quanh xét xử ; Còn nghi vấn tức là không có tội phạm ; Ứng dụng CNTT ; ban hành Bộ tiêu chí đánh giá tín nhiệm công dân (xin việc, ký hợp đồng,…)
Canada xét xử độc lập (Chánh án chỉ phân công án, đôn đốc tiến độ); Hiện đại hóa TA như xét xử qua mạng, thụ lý qua mạng, không giấy tờ, số hóa hồ sơ.
Singapore ứng dụng CNTT, quản lý điện tử hồ sơ vụ án; tính chủ động của Thẩm phán được đề cao; Tăng cường biện pháp giải quyết tranh chấp thay thế xét xử như hòa giải, trọng tài…
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Về vấn đề thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án nhân dân
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận