Hội thảo góp ý đối với dự thảo Sổ tay Hòa giải viên và Quy chế hòa giải đối thoại tại Tòa án
Ngày 31/10/2022, TANDTC tổ chức Hội thảo theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến để lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Sổ tay nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại tại Tòa án và dự thảo Quy chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án, với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Liên minh châu Âu thông qua Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (Dự án EU JULE).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Biên Thùy, Thẩm phán TANDTC đã nhấn mạnh: Sau gần hai năm thi hành, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 đã phát huy vai trò quan trọng trong thực tiễn giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện tại Tòa án và đã đạt được kết quả nhất định. Đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật cũng đặt ra yêu cầu, đòi hỏi cần tiếp tục có các hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng cho Hòa giải viên trong công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Dự thảo Sổ tay và dự thảo Quy chế đã được nghiên cứu, xây dựng một cách công phu với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm và uy tín.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Diana Torres, Trợ lý Đại diện Thường trú, Trưởng phòng Quản trị và Tham gia, UNDP tại Việt Nam đã khẳng định: Theo xu thế chung của nhiều nước trên thế giới, Việt Nam cũng đã thiết lập nhiều loại cơ chế thay thế để giải quyết tranh chấp như hòa giải, đối thoại. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 đã tạo ra cơ sở pháp lý để phát huy tính linh hoạt, nhanh chóng trong giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính tại Tòa án và tạo điều kiện thuận lợi cho các bên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhất là nhóm người yếu thế. Việc xây dựng và ban hành Sổ tay nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Quy chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Tại Hội thảo, thay mặt nhóm chuyên gia nghiên cứu, xây dựng Sổ tay nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại tại Tòa án, bà Trần Thị Thu Hiền, nguyên Thẩm phán cao cấp, Chánh tòa Tòa gia đình và người chưa thành niên, TAND cấp cao tại Hà Nội - Trưởng nhóm nghiên cứu đã trình bày tóm tắt về cuốn Sổ tay với các nội dung chính, bao gồm: bối cảnh ra đời, vai trò, ý nghĩa, nguyên tắc, quy trình, kỹ năng và một số kinh nghiệm về hòa giải, đối thoại từ thực tiễn thi hành Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quy chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án, PGS.TS. Nguyễn Bá Bình, Trưởng Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trưởng nhóm nghiên cứu đã trình bày thuyết minh Dự thảo và các căn cứ xây dựng các điều, khoản trong dự thảo Quy chế.
Hội thảo đã được nghe chia sẻ kinh nghiệm của Giáo sư, Tiến sĩ Daniel Yamshon, thành viên Học viện quốc gia về Trọng tài và Hòa giải, nguyên là Thẩm phán Tòa án cấp cao bang California, Hoa Kỳ và Tiến sĩ Mette Jacobsgaard, người có nhiều kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam trong Chương trình Đối tác Tư pháp của Liên minh châu Âu và có kinh nghiệm làm hòa giải viên tại Đan Mạch. Hai chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng hòa giải và cơ chế hòa giải của một số quốc gia trên thế giới; việc đánh giá tính tương thích của dự thảo Sổ tay và dự thảo Quy chế với chuẩn mực và thông lệ quốc tế về hòa giải.
Các đại biểu sôi nổi thảo luận, góp ý
Hội thảo cũng được nghe 6 chuyên gia trong nước trình bày tham luận chuyên sâu, nhận xét, góp ý đối với hai dự thảo, bao gồm: Ông Tống Anh Hào, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; bà Phạm Thị Dần, nguyên Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra III, TANDTC, Hòa giải viên TAND quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; ông Dương Văn Chính, nguyên Phó Chánh án, Hòa giải viên TAND TP. Hải Phòng; bà Vũ Thúy Hòa, Phó Tổng biên tập Tạp chí TAND; PGS.TS. Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Khoa Pháp luật Dân sự - Trường Đại học Luật Hà Nội; TS. Luật sư. Hòa giải viên Nguyễn Thị Ngọc Bích, Giám đốc Công ty Luật ADVACAS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội). Các đại biểu đến từ các TAND; các Luật sư; Hòa giải viên đã thảo luận sôi nổi và đóng góp các ý kiến chất lượng cho hai dự thảo.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Nguyễn Biên Thùy giao cho Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC phối hợp với nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý để sớm hoàn thiện các dự thảo trình lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao xem xét ban hành cuốn Sổ tay nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Quy chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Toàn cảnh hội thảo
Bài liên quan
-
Chánh án TANDTC Lê Minh Trí: Công tác ngành Tòa án năm sau phải tốt hơn năm trước
-
Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chánh án TANDTC về tổ chức bộ máy các cục, vụ, cơ quan báo chí Toà án nhân dân tối cao.
-
Chánh án TANDTC Lê Minh Trí tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm 2 Thẩm phán TANDTC
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận