Hội thảo về Nâng cao hiệu quả xét xử các vụ án hình sự liên quan động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý hiếm
Ngày 30/10/2019 tại Hà Nội đã diễn Hội thảo Tham vấn về “Nâng cao hiệu quả xét xử các vụ án hình sự liên quan đến tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm”, do tổ chức WCS tại Việt Nam phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao tổ chức.
Tham dự Hội thảo có TS Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TANDTC, các Thẩm phán TANDTC, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc TANDTC và các đại biểu đén từ nhiều cơ quan tham dự Hội thảo. Về phía Tổ chức WCS tại Việt Nam có bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng đại diện và các thành viên cùng tham dự Hội thảo
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền phát biểu ý kiến
Ông Trần Quốc Việt, Tổng biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân phát biểu khai mạc. Thực hiện Quyết định số 203/QĐ-TANDTC ngày 28 tháng 8 năm 2019 của Tòa án nhân dân tối cao về việc phê duyệt Văn kiện Dự án “ Nâng cao hiệu quả xét xử các vụ án hình sự liên quan đến tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm” phối hợp với Cục phòng, chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế (INL), Bộ ngoại giao Hoa Kỳ thông qua Tổ chức Wildlife Convervation Society Program (Tổ chức WCS) viện trợ, Tạp chí Tòa án nhân dân phối hợp triển khai hoạt động xây dựng nội dung về phòng, chống buôn bán động vật hoang dã để đăng Tạp chí Tòa án nhân dân (bản in và bản điện tử).
Trong thời gian qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam đã có những chính sách và hành động được thế giới đánh giá cao trong việc thực thi cam kết về bảo vệ các loài động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm. Nhiều vụ việc vi phạm đã được xử lý, tuy nhiên, Việt Nam đang trở thành địa bàn trung chuyển và cũng là điểm nóng về buôn bán và sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã ở khu vực Đông Nam Á. Các vi phạm chủ yếu là hành vi vận chuyển, buôn bán và lưu giữ trái phép nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm đang được bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tổng biên tập Tap chí Tòa án nhân dân phát biểu khai mạc
Trước tình hình đó, yêu cầu đặt ra là cần phải xử lý nghiêm minh hơn các hành vi phạm tội liên quan đến việc buôn bán, giết hại động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm nhằm răn đe, giáo dục và tuyên truyền cho người dân về tính nguy hại và bất hợp pháp của hành vi này. Mặc dù Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán, thực tiễn xét xử cho thấy một số Thẩm phán vẫn gặp khó khăn trong việc định tội danh, định khung hình phạt đối với tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm; vẫn còn bản án chưa đủ nghiêm khắc và đảm bảo tính răn đe, giáo dục.
Ông Nguyễn Quang Lộc, nguyên Thẩm phán TANDTC phát biểu ý kiến
Trên cơ sở đó, Tòa án nhân dân tối cao xây dựng Dự án “Nâng cao hiệu quả xét xử các vụ án hình sự liên quan đến tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm” phối hợp với Tổ chức WCS tại Việt Nam thực hiện với sự hỗ trợ nguồn lực của Cục Đặc trách Chất gây nghiện và Thực thi Pháp luật Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ nhằm hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực cho đội ngũ Thẩm phán và cán bộ Tòa án trong việc xét xử loại tội phạm này.
Trong khuôn khổ của Dự án, Tạp chí Tòa án nhân dân là đơn vị phối hợp xây dựng nội dung về phòng, chống buôn bán động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm để đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân (bản in và bản điện tử) nhằm phổ biến, cung cấp thông tin về tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm và hướng xử lý các loại tội phạm này.
Nhằm mục đích nâng cao nhận thức và năng lực xét xử các loại tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý hiếm, WCS phối hợp với Tạp chí Tòa án nhân dân xây dựng và truyền tải nội dung về phòng chống, xử lý các loại tội phạm về săn bắt, khai thác, mua bán ĐVHD quý hiếm, nguy cấp trên Tạp chí Tòa án nhân dân.
Bà Hoàng Bích Thủy – đại diện WCS phát biểu ý kiến
Bà Nguyễn Thị Hải Châu, Phó Tổng Biên tập TCTAND trình bày báo cáo kế hoạch thực hiện dự án cho biết: Hoạt động phối hợp này được thực hiện trong khoảng thời gian từ 01/9/2019 đến 30/9/2020. Tạp chí đã mời một số Thẩm phán, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong và ngoài hệ thông Tòa án viết bài phân tích quy định pháp luật trong nước và quốc tế về tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm và các tình huống thực tế phát sinh trong quá trình nghiên cứu, giải quyết các vụ án; Đăng tải các bài viết trên các số Tạp chí Tòa án nhân dân bản in và trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử của Tạp chí Tòa án nhân dân; Tổ chức Họp triển khai và giới thiệu dự án tại Hà Nội; Tổ chức Hội thảo “Giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong các vụ án liên quan đến buôn bán và bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm” (dự kiến tháng 3/2019 tại tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Phát biểu tại Hội thảo bà Nguyễn Thúy Hiền – Phó Chánh án TANDTC nhấn mạnh rằng Việt Nam là một đất nước nhiệt đới có thiên nhiên đa dạng, có rừng, có núi, có biển trải dài, nên các loài động vật hoang dã cũng rất phong phú, trong đó nhiều loài hoang dã, quý hiếm được đưa vào sách đỏ cần bảo vệ. Thực tiễn xét xử của hệ thống Tòa án nhân dân trong cả nước những năm qua cũng cho thấy có rất vụ án hình sự liên quan đến xâm hại, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã.
Mặc dù bị xử lý về hình sự nhưng tình trạng săn bắt, tiêu thụ, buôn bán động vật hoang dã vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Để khắc phục tình trạng này, một trong những giải pháp cần chú trọng là tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phổ biến kiến thức về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm.
Do đó, khi Tổ chức WCS đặt vấn đề hợp tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã, lãnh đạo TANDTC hết sức ủng hộ.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Tổ chức WCS bảo vệ các loài động vật và vùng hoang dã trên toàn thế giới qua nghiên cứu khoa học, bảo tồn, giáo dục và khơi dậy giá trị của thiên nhiên đối với con người. Với lịch sử 120 năm hình thành và phát triển, WCS đã đóng góp tích cực để đẩy mạnh công tác bảo tồn động vật hoang dã trên toàn thế giới thông qua quan hệ đối tác với chính phủ các nước và cộng đồng địa phương. Hiện nay, WCS có văn phòng đại diện tại gần 60 nước trên toàn cầu và trụ sở chính được đặt tại New York- Mỹ. WCS làm việc tại Việt Nam từ năm 2006 với các đối tác chính phủ, tổ chức phi chính phủ, các cơ quan quốc tế, truyền thông và cộng đồng nhằm tăng cường năng lực và cam kết của các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan quản lý liên quan nhằm đấu tranh chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Ngoài ra, WCS đã thúc đẩy hợp tác và phối hợp liên ngành ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế giữa các cơ quan thực thi pháp luật, tư pháp, cơ quan quản lý tài nguyên thiên nhiên và các tổ chức xã hội.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm
Bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc tổ chức WCS chương trình tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo, nêu cao tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật hoang dã, quý, hiếm và tăng cường năng lực thực thi pháp luật và đẩy mạnh hợp tác đa phương cũng như tạo môi trường chính sách thuận lợị. WCS mong rằng những bài viết của các tác giả đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân sắp tới sẽ đóng góp tích cực vào việc nâng cao nhận thức pháp luật của Thẩm phán về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm; thay đổi thói quen và hành vi của cộng đồng để bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm…
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã trao đổi, thảo luận sôi nổi xung quanh chủ đề mà Hội thảo đặt ra.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền mong rằng hai bên tích cực phối hợp một cách chặt chẽ, để những bài viết đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân, bản in và bản điện tử có hàm lượng khoa học cao, có cơ sở thực tiễn sâu sắc, để góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ công chức trong hệ thống Tòa án nhân dân và bạn đọc trong cả nước… về lĩnh vực này; góp phần hiệu quả vào việc bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm ở nước ta hiện nay.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận