Hội thảo về các tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia liên quan đến quyền được xét xử công bằng trong các vụ án hình sự

Ngày 23/8, TANDTC phối hợp cùng UNDP tổ chức Hội thảo về Các tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia liên quan đến quyền được xét xử công bằng trong các vụ án hình sự. Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Quyền được xét xử công bằng trong vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng tại Việt Nam”

Tham dự Hội thảo có TS Đặng Quang Phương, nguyên Phó Chánh án thường trực TANDTC; bà Bùi Thị Nhàn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC; ông Henrik Stenman, chuyên gia UNDP cùng các đại biểu đến từ TANDTC, các Chánh án, Phó Chánh án, Chánh toà và Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký, TAND cấp tỉnh và một số TAND cấp huyện phía Bắc.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, bà Bùi Thị Nhàn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC cho biết Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của Thẩm phán, cán bộ Tòa án về các tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia về quyền được xét xử công bằng trong quá trình tố tụng, xét xử các vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra, Hội thảo cũng là diễn đàn để các Thẩm phán thảo luận về các kỹ năng và thực tiễn áp dụng quyền được xét xử công bằng, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm quý giá trong thực tiễn xét xử các vụ án hình sự của các Thẩm phán tại địa phương mình đang công tác. Là cơ hội để giảng viên giới thiệu, chia sẻ những thông tin và kinh nghiệm, kỹ năng trong việc đảm bảo xét xử công bằng, nghiêm minh các vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng.

Bà Bùi Thị Nhàn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC phát biểu tại Hội thảo.

Quyền được xét xử công bằng là một trong những quyền cơ bản của con người và là một trong những nguyên tắc được áp dụng phổ biến trong tố tụng hình sự được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (UDHR) được Đại hội đồng LHQ thông qua năm 1948. Kể từ đó, quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án có thẩm quyền, độc lập và khách quan do pháp luật thiết lập đã được tái khẳng định và quy định chi tiết trong các công ước ràng buộc pháp lý, nổi bật là Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam là một thành viên từ năm 1982.

Nguyên Phó Chánh án TANDTC Đặng Quang Phương đánh giá nội dung hội thảo là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt chính của luật hình sự Việt Nam. Hình phạt này tước bỏ quyền được sống của người phạm tội nên việc quy định về hình phạt tử hình, thi hành án tử hình rất cụ thể. Việc áp dụng, thi hành phải tuyệt đối chính xác, thận trọng vì nếu không đúng đối tượng (có thể là oan sai) sẽ không có khả năng khắc phục sai lầm trong thực tế.

 

Nguyên Phó Chánh án TANDTC Đặng Quang Phương phát biểu tại Hội thảo.

Do những đặc thù riêng, Việt Nam chưa bãi bỏ hình phạt tử hình. Tuy nhiên, nhận thức được tính nghiêm khắc đặc biệt của hình phạt tử hình; tiếp thu một cách chọn lọc những tinh thần, tư tưởng tiến bộ của quốc tế trong việc đề ra chính sách hình sự phù hợp với sự phát triển của đất nước, trong đó có việc thu hẹp phạm vi áp dụng tử hình.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong việc đảm bảo quyền được xét xử công bằng theo luật định. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã thừa nhận một số tiêu chuẩn được quốc tế công nhận về tố tụng hình sự, bao gồm quy định về quyền được xét xử công bằng và công khai (Điều 31) và các chế tài đối lập được áp dụng trong suốt quá trình tố tụng (Điều 103). Căn cứ Hiến pháp năm 2013, quyền được xét xử công bằng, công khai tó được quy định tại Điều 25 BLTTDS 2015 như một nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự và được lồng ghép vào các quy định của pháp luật có liên quan. Để đảm bảo quyền được xét xử công bằng được hiểu và thực hiện đúng đắn ở Việt Nam, cần phải nâng cao nhận thức của các Thẩm phán về các tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia về các nguyên tắc này.

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo sôi nổi thảo luận.

Trong BLTTHS quy định cụ thể về xét xử các vụ án hình sự đối với tội phạm có quy định hình phạt tử hình, bảo đảm xét xử công bằng, nghiêm minh, nhân đạo, như: Bảo đảm quyền bào chữa cho bị can, bị cáo; Bảo đảm xét xử bằng một Hội đồng xét xử độc lập, có thẩm quyền; Bảo đảm quyền kháng cáo và xét xử phúc thẩm; Bảo đảm xem xét bản án tử hình trước khi thi hành; Hoãn thi hành án tử hình…

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam bày tỏ sự cảm kích sâu sắc tới TANDTC Việt Nam vì đã đồng tổ chức sự kiện này và tới Phái đoàn Liên minh Châu Âu vì sự hỗ trợ chiến lược. Trong các phiên toà xét xử các vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng bị cáo có thể đối mặt với mức án nặng, thậm chí là tử hình, quyền được xét xử công bằng càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Một phiên toà xét xử công bằng, khách quan và độc lập. Việc đảm bảo quy trình tố tụng và xét xử công bằng là vô cùng quan trọng để bảo vệ con người dưới những quyết định của cơ quan tư pháp. Cải thiện hệ thống tư pháp từ lâu đã trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược quốc gia của Việt Nam. Mục tiêu này được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và trong các văn bản chính sách gần đây. Trong đó có Chính lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, đã đề ra những nỗ lực cải cách đáng chú ý trong ngành tư pháp. Những nỗ lực này là động lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính liêm chính của các tòa án Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người trong hệ thống tư pháp hình sự.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, giảng viên, cùng các đại biểu đã cùng nhau trao đổi sôi nổi nhiều vấn đề.

CẢNH DINH