.jpg)
Vướng mắc pháp lý về xác định quyền yêu cầu và thẩm quyền ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sau phiên tòa sơ thẩm giải quyết vụ án dân sự nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật
Hiện nay, Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể về quyền yêu cầu và thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong giai đoạn sau phiên tòa sơ thẩm giải quyết vụ án dân sự nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật. Do đó, còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn xét xử, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự.
Đặt vấn đề
Biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) là công cụ pháp lý quan trọng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tính khẩn cấp, bức bách đối với yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự đòi hỏi Tòa án phải tiến hành ngay thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi đương sự có yêu cầu. Tại Điều 113 và Điều 114 BLTTDS 2015, có quy định “Tòa án đang giải quyết vụ án có thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời”. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng dân sự hiện hành chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền áp dụng BPKCTT trong giai đoạn sau phiên tòa sơ thẩm nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật.
Do đó, còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn xét xử, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự. Tác giả mong muốn được trao đổi cùng các bạn đọc.
1. Cơ sở pháp lý theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
Điều 111 BLTTDS 2015 quy định về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
Điều 112 BLTTDS 2015 quy định về thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời
1. Trước khi mở phiên tòa, việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do một Thẩm phán xem xét, quyết định.
2. Tại phiên tòa, việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do Hội đồng xét xử xem xét, quyết định.
Điều 113 BLTTDS 2015 quy định BPKCTT được áp dụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và người tham gia tố tụng khác, bảo vệ chứng cứ và bảo toàn tình trạng hiện có nhằm tránh thiệt hại không thế khắc phục.
Điều 271 quy định về người có quyền kháng cáo: Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự…
Điều 273 BLTTDS 2015 quy định: Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết. Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.
2. Thực tiễn áp dụng pháp luật
2.1. Tình huống pháp lý cụ thể
Vào ngày 28/02/2025 và ngày 03/3/2025, Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh K tiến hành xét xử vụ án dân sự, về “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa bà Nguyễn Thị Hải D và ông Nguyễn Văn T. Đến ngày 03/3/2025, Thẩm phán thay mặt Hội đồng xét xử đã tuyên bản án gốc được thông qua tại phòng nghị án. Theo đó, Hội đồng xét xử tuyên án: chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà D về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”. Buộc ông T phải thanh toán cho bà D số tiền 8.900.000.000 đồng (Tám tỷ chín trăm triệu đồng). Ngoài ra, Hội đồng xét xử đã tuyên các nội dung khác liên quan đến các yêu cầu khởi kiện của đương sự.
Ngày 04/3/2025, nguyên đơn bà D có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, về việc “Phong toả tài sản của người có nghĩa vụ ” của ông T (người có nghĩa vụ trả nợ theo bản án sơ thẩm đã tuyên) là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đối với thửa đất X, địa chỉ: TDP H, phường T, thành phố N.
2.2. Vấn đề pháp lý đặt ra, giải quyết với tình huống pháp lý
Bà D có quyền yêu cầu áp dụng khẩn cấp tạm thời sau khi Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh K tuyên án sơ thẩm hay không? Thẩm quyền yêu cầu áp dụng khẩn cấp tạm thời trong trường hợp trên giải quyết như thế nào?
2.2.1. Bà D không được quyền yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh K áp dụng khẩn cấp tạm thời sau khi Tòa án ban hành bản án sơ thẩm hay không?
Quan điểm thứ nhất: Bà D không được quyền yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh K áp dụng khẩn cấp tạm thời sau khi Tòa án ban hành bản án sơ thẩm. Bởi rằng việc tuyên án sơ thẩm của Hội đồng xét xử đã kết thúc quá trình giải quyết vụ án của cấp sơ thẩm. Căn cứ Điều 111 BLTTDS 2015 thì việc áp dụng khẩn cấp tạm thời, đương sự chỉ được yêu cầu trong quá trình giải quyết vụ án.
Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả: Bà D vẫn có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp trên. Vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, việc yêu cầu áp dụng khẩn cấp tạm thời của bà D nhằm đảo bảo quyền lợi, ích hợp pháp bức bách của bà D và bảo đảm cho việc thi hành án và phù hợp với quy định tại Điều 111 BLTTDS 2015 và điểm d khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng Thẩm phán.
Thứ hai, mặc dù Hội đồng xét xử đã tuyên án nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật vì chưa hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo quy định tại Điều 273 BLTTDS 2015. Do đó, quá trình giải quyết vụ án vẫn chưa được coi kết thúc, nếu đương sự có yêu cầu kháng cáo thì Tòa án cấp phúc thẩm phải xem xét lại nội dung bản án liên quan đến yêu cầu kháng cáo của người có đơn kháng cáo. Trong khi đó, đặc thù của việc áp dụng khẩn cấp tạm thời mang tính khẩn thiết, bức bách nếu không áp dụng sẽ gây hậu quả hết sức nghiêm trọng, gây thiệt hại cho chính đương sự trong vụ án. Vì vậy, Tòa án thành phố N, tỉnh K vẫn xét xét, đơn yêu cầu áp dụng khẩn cấp tạm thời của bà D.
2.2.2. Về thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời sau khi Tòa án sơ thẩm tuyên án nhưng chưa hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị
Tại Điều 112 BLTTDS 2015 chỉ quy định thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi mở phiên tòa và tại phiên tòa nhưng không quy định thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với thời điểm sau khi Hội đồng xét xử tuyên án sơ thẩm và bản án chưa hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vấn đề đặt ra: trong trường hợp này, khi bà D có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời gửi Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh K thì thẩm quyền giải quyết đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sẽ do Tòa án cấp sơ thẩm hay Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết? ai là người ban hành Quyết định áp dụng BPKCTT? Thực tiễn giải quyết có nhiều vướng mắc và nhiều quan điểm khác nhau đối với trường hợp trên.
Quan điểm thứ nhất: Sau khi Hội đồng xét xử sơ thẩm nghị án và tuyên án, tư cách tiến hành tố tụng của Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm được chấm dứt kể từ thời điểm tuyên án. Do đó, Hội đồng xét xử không thể quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời theo đơn yêu cầu của đương sự. Khi có đơn kháng cáo hợp lệ, quyền giải quyết sẽ chuyển cho Tòa án cấp phúc thẩm để giải quyết yêu cầu áp dụng BPKCTT. Trong trường hợp các đương sự chưa có đơn kháng cáo, Tòa án sơ thẩm có quyền trả lại đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT cho đương sự.
Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm tác giả: Sau thời gian tuyên án nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật, nếu đương sự có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên án có quyền xem xét để áp dụng BPKCTT bởi những lý do sau đây:
Một là, việc áp dụng khẩn cấp tạm thời phải được xem là “thủ tục đặc biệt” cần phải giải quyết ngay nếu không thực hiện sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
Hai là, việc áp dụng BPKCTT đối với giai đoạn này phù hợp với nguyên tắc bảo vệ quyền lợi đương sự (Điều 5, Điều 8 BLTTDS 2015): Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong suốt quá trình tố tụng kể cả khi bản án chưa có hiệu lực.
Ba là, căn cứ Điều 273 BLTTDS 2015, bản án sơ thẩm chỉ có hiệu lực sau khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Do đó, khoảng thời gian sau tuyên án nhưng trước khi bản án có hiệu lực là giai đoạn vụ án vẫn đang “mở” về mặt tố tụng; vụ án chưa kết thúc về mặt pháp lý do đó Tòa án cấp sơ thẩm vẫn có quyền áp dụng BPKCTT .
Bốn là, theo kinh nghiệm quốc tế, nhiều hệ thống tố tụng của các nước như Đức, Pháp hay Nhật Bản cho phép Tòa án sơ thẩm duy trì quyền áp dụng biện pháp tạm thời cho đến khi bản án có hiệu lực, nhằm đảm bảo bảo vệ liên tục quyền lợi đương sự và tránh trường hợp “vùng trống thẩm quyền”. Mô hình này được đánh giá là tạo sự liên tục và hiệu quả trong giải quyết tranh chấp1.
2.2.3. Về việc xác định ai là người ban hành Quyết định đối với trường hợp trên.
Tác giả cho rằng, Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm cần tiếp tục phân công cho Thẩm phán đã giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm để xem xét yêu cầu áp dụng BPKCTT. Bởi lẽ, chính Thẩm phán đó đã nghiên cứu hồ sơ vụ án toàn diện, chi tiết. Nếu giao cho Thẩm phán khác họ phải nghiên cứu lại hồ sơ vụ án dẫn đến sự chậm trễ trong việc ban hành quyết định áp dụng BPKCCTT, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
Từ sự phân tích và tình huống pháp luật trên, tác giả cho rằng pháp luật chưa dự liệu được tình huống pháp lý đối với yêu cầu áp dụng BPKCTT trong thời gian vụ án đang chờ xác định tính hiệu lực pháp luật bản án. Cụ thể chưa có quy định về quyền yêu cầu và Thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT sau phiên tòa sơ thẩm.
Trong thực tế, sự không thống nhất này đã dẫn đến cách xử lý khác nhau ở các Tòa án. Một số Tòa vẫn ra quyết định BPKCTT dựa trên lập luận "bản án chưa có hiệu lực", trong khi các Tòa khác từ chối, dẫn đến "vùng trống thẩm quyền" và nguy cơ bên thua kiện có thể thực hiện hành vi chuyển giao hoặc tẩu tán tài sản.
3. Kiến nghị hoàn thiện
Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là công cụ pháp lý quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Tuy nhiên, hiện nay còn khoảng trống pháp lý chưa được làm rõ về quyền yêu cầu và thẩm quyền áp dụng BPKCTT trong giai đoạn sau phiên tòa sơ thẩm giải quyết vụ án dân sự nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến BPKCTT sau phiên tòa sơ thẩm là cần thiết để đảm vảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cũng như nâng cao hiệu quả của hoạt động tố tụng, tạo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. Tác giả đưa ra những kiến nghị khắc phục vướng mắc về pháp lý cụ thể như sau:
Thứ nhất, pháp luật cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để hướng dẫn thống nhất về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của từng giai đoạn giải quyết vụ án dân sự như:
(1) Sửa đổi, bổ sung Điều 114 BLTTDS 2015 theo hướng cần quy định rõ ràng rằng Tòa án sơ thẩm vẫn có thẩm quyền áp dụng BPKCTT cho đến khi bản án có hiệu lực pháp luật hoặc cho đến khi hồ sơ được chuyển giao cho Tòa phúc thẩm.
(2) Hướng dẫn cụ thể về thời điểm và điều kiện áp dụng BPKCTT trong giai đoạn chuyển giao hồ sơ vụ án giữa Tòa án sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm, nhằm đảm bảo không xảy ra “vùng trống thẩm quyền”.
Thứ hai, cần thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn chuyên môn để nâng cao trình độ, trao đổi nghiệp vụ cho đội ngũ các bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu giải quyết vụ án.
Thứ ba, tăng cường học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Tham khảo mô hình pháp lý của Đức, Pháp và Nhật Bản để bổ sung các biện pháp bảo vệ liên tục quyền lợi đương sự trong giai đoạn chuyển giao vụ án.
Trên đây là một số quan điểm, vướng mắc của tác giả trong quá trình xem xét áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến, phản hồi từ phía bạn đọc.
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
2. Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố tụng dân sự.
3. Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao về giải đáp giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ trong xét xử.
4. Bộ Tư pháp Đức (2010), Code of Civil Procedure (ZPO), các điều 935-945.
1 Bộ Tư pháp Đức (2010), Code of Civil Procedure (ZPO), các điều 935-945.
TAND huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai xét xử vụ án dân sự Tranh chấp hợp đồng tín dụng - Ảnh: Nguyễn Chí Linh.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Từ ngày 01/7/2025, Nghị quyết số 02/2025/NQ-HĐTP chính thức có hiệu lực thi hành, bảo đảm áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Luật Phá sản, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Hình sự
-
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của các Tòa án nhân dân
-
Bình Phước: Tìm nhân chứng là hành khách trên xe khách mang biển kiểm soát 47B–022.22
-
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Sức mạnh của đoàn kết"
-
Từ ngày 01/6/2025 sẽ "hết mẹo" trong sát hạch giấy phép lái xe
Bình luận