Hội Xuân Di Lặc - Nét văn hoá tâm linh đặc sắc của người dân miền Nam

Tại một số tỉnh, thành phía Nam, từ mùng 4 đến mùng 6 Tết thường diễn ra lễ hội tâm linh đậm đà bản sắc văn hoá vùng miền. Đó là Lễ hội Xuân Di Lặc thu hút cả triệu lượt du khách và người hành hương. Trong đó, lễ hội tại vùng Thất Sơn, Núi Cấm (An Giang) hay núi Bà Đen được tổ chức với quy mô khá lớn, có bắn pháo hoa tầm cao với nhiều hoạt động tâm linh cầu Quốc thái dân an, mua thuận gió hoà trong năm mới.

Chỉ cần lên Google, gõ vào thanh tìm kiếm cụm từ “Núi Bà Đen”, có khoảng 13.800.000 kết quả hiển thị trong vòng 0,4 giây. Theo báo cáo của Google, số lần tìm kiếm về núi Bà Đen trung bình hằng tháng từ đầu năm 2023 đến nay lên đến hàng triệu lượt, tăng gần 1000% so với cùng kỳ năm trước đó, và vượt hơn hẳn so với nhiều điểm đến tâm linh nổi tiếng trên cả nước.

Núi Bà Đen có độ cao 986m, là ngọn núi linh thiêng, cao bậc nhất trong vùng Đông Nam Bộ với một hệ thống chùa, am, động, miếu và các công trình tâm linh độc đáo. Quần thể chùa Bà gồm 6 ngôi chùa trải dài từ chân lên đến lưng chừng núi Bà Đen. 

Nằm ngay dưới chân núi là chùa Linh Sơn Phước Trung (còn gọi là chùa Trung); sau đó đến chùa Long Châu Phước Trung; Linh Sơn Tiên Thạch Tự (chùa Bà) cũng là ngôi chùa cổ nhất trong hệ thống các chùa tại núi Bà Đen, được hình thành từ thế kỷ 18 nằm ở lưng chừng núi ở độ cao 350m gắn liền với huyền thoại Linh Sơn Thánh Mẫu được tôn là Bồ tát, là biểu tượng tín ngưỡng của người dân Nam Bộ; chùa Linh Sơn Hoà Đồng (chùa Hoà Đồng), ngôi chùa nằm biệt lập ở một góc núi Bà Đen. 

Trên quảng trường rộng lớn nằm ở đỉnh núi, nơi các phật tử, sư thầy và khách hành hương nghiêm trang chiêm bái trụ kinh Bát Nhã cao hơn 20m, khắc 12.000 chữ Tây Tạng dát vàng. 

Với người tu hành, kinh Bát Nhã là ngọn đuốc soi sáng con đường giác ngộ. Các giới tử tham quan khu trưng bày các phiên bản mô phỏng những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo, trong đó có nhiều pho tượng phật nổi tiếng của Việt Nam và thế giới.

Các tăng ni, phật tử tìm hiểu và khám phá về sự hình hành vũ trụ trong quan niệm của Phật giáo thông qua công nghệ chiếu phim 3D mapping với các thiết bị trình chiếu, âm thanh hiện đại. Đây cũng là nơi thường diễn ra lễ dâng hoa đăng nguyện cầu cho sự bình an và quốc thái dân an trong những lễ hội lớn của Phật giáo, như rằm tháng giêng, Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan... 

Hoạt động dâng đăng rất ý nghĩa này thu hút đông đảo phật tử, du khách yêu thích, sẵn sàng nán lại vào buổi tối để thực hành nghi lễ viết lời cầu nguyện của mình dành lên các ngọn hoa đăng. Hàng ngàn ngọn đèn đăng lung linh thắp sáng khắp đỉnh núi ảo trong mây tạo nên một không gian vô cùng huyền diệu và thiêng liêng dành cho du khách. 

Sau mỗi đêm dâng đăng, các ngọn đèn đăng với lời nguyện ước sẽ được ban tổ chức làm lễ hóa nguyện, dâng lên Chư Phật, Chư Bồ Tát, ngưỡng mong những ước cầu sẽ thành hiện thực. 

Đặc biệt, mọi người sau đó sẽ hành lễ trước xá lợi Đức Phật Thích Ca, an toạ trang trọng trong bảo tháp lưu ly hai tầng, trong trung tâm triển lãm Phật giáo, dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn. Đây là ngọc xá lợi của Đức Phật do Liên đoàn Phật giáo thế giới tại Bồ Đề đạo tràng Ấn Độ trao tặng Việt Nam vào năm 2014, được chùa Thiên Hưng (tỉnh Bình Định) cúng dường. 

Điểm nhấn được cho là linh thiêng nhất trên đỉnh núi Bà Đen ngày nay là một quần thể tâm linh kỳ vĩ kết nối mạch nguồn linh khí với chùa Bà ở lưng chừng núi. Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn bằng đồng trên đỉnh núi cao nhất Châu Á đến nay được xem là biểu tượng linh thiêng của núi Bà Đen. 

Đồ sợ nhất, đại tượng Phật Di Lặc khổng lồ có chiều cao 36 mét, chiều rộng lớn nhất 45m, diện tích bề mặt tượng 4.651m2, nặng 5.112 tấn... đã được chính thức khai quang và an vị vào ngày 28/1/2024. 

Tôn tượng được tạo hình theo một phương thức đặc biệt chưa từng có tại Việt Nam: ghép từ 6.688 viên đá sa thạch tự nhiên theo cảm hứng ruộng bậc thang. So với những bức tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên thế giới được kiến tạo từ đá, cả về chiều cao và trọng lượng.

Đặc biệt, năm mới cũng là thời điểm bắt đầu mùa sương mây bao phủ đỉnh Núi Bà, tạo nên phong cảnh huyền ảo và đầy linh thiêng. Các đợt mây tràn như suối chảy quanh tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn xuống đại tượng Phật Di Lặc bằng đá sa thạch như dải lụa mềm mại, tạo nên khung cảnh có một không hai vô cùng hấp dẫn mà ai cũng muốn tận mắt chứng kiến một lần. 

Nếu nhìn từ xa hoặc từ trên cao xuống, bằng các thiết bị bay không người lái, du khách mới chứng kiến trọn vẹn vẻ đẹp kỳ diệu của ngọn núi thiêng này. Mây hình chóp nón, hình đĩa bay, mây bông gòn… liên tục biến thiên nhiều hình dạng bắt mắt. Đỉnh núi trắng xóa, bồng bềnh như tuyết phủ khiến người xem không thể không liên tưởng tới những đỉnh núi nổi tiếng hàng đầu thế giới. 

Vì những huyền tích gắn liền với núi Bà Đen, mỗi năm, có hàng triệu người từ khắp các tỉnh thành, đặc biệt là vùng miền Nam về đây hành hương, chiêm bái. 

Ngay dưới chân núi vào những ngày khai hội Xuân Di Lặc hoặc Rằm tháng Giêng, rất nhiều người chọn ngủ lại, phần để sáng hôm sau có thể lên đỉnh núi thật sớm, phần để cầu may mắn cho cả năm. Khi đó, những đoàn xe kéo dài suốt từ Trảng Bàng đến chân núi là chuyện thường thấy. Họ đều có chung một hành trình là đến du xuân chiêm bái cầu an ở núi Bà.  


Nam Tú