Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các Luật và về Pháp lệnh vừa được Quốc hội thông qua
Chiều 20/12, Văn phòng Chủ tịch nước tiếp tục phiên họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật tư pháp người chưa thành niên và các Luật, Pháp lệnh đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Cụ thể, Văn phòng Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh Chi phí tố tụng và 01 Pháp lệnh và 09 Luật, gồm: Luật tư pháp người chưa thành niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Phòng không nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Điện lực.
Ông Phạm Thanh Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì họp báo. Tham dự gồm có đại diện lãnh đạo các Bộ ngành và đông đảo cơ quan thông tấn báo chí đưa tin trực tiếp tại buổi họp.
Về phía Tòa án nhân dân tối cao, dự họp báo có Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến tham dự buổi họp báo.
Pháp lệnh Chi phí tố tụng
Ngày 11/12/2024, tại phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng số 05/2024/UBTVQH15. Pháp lệnh này gồm 12 chương, 73 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Căn cứ Điều 7 Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 quy định về chi phí trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Đây là những chi phí phát sinh trong quá trình tố tụng tại Tòa án nhưng chưa có quy định cụ thể.
Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 ngày 28/3/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng được ban hành để cụ thể hóa Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Luật Tố tụng hành chính năm 2010 nên một số quy định của Pháp lệnh này chưa đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành; một số quy định chưa chi tiết, không còn phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay.
Bên cạnh đó, thực tiễn áp dụng pháp luật về chi phí tố tụng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như: (1) Mức chi cho Hội thẩm còn thấp, không khuyến khích được Hội thẩm tham gia thực hiện nhiệm vụ xét xử. (2), Việc tính tiền tạm ứng, trình tự, thủ tục thu, mức thu, mức chi chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ còn chưa thống nhất; (3) Việc thanh toán chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch còn chậm; (4) Chi phí cho người phiên dịch, người bào chữa trong trường hợp chỉ định người bào chữa phát sinh một số chi phí (chi phí xét nghiệm Covid-19) pháp luật chưa quy định gây nhiều khó khăn trong thực tiễn áp dụng.
Từ những căn cứ nêu trên, việc xây dựng, ban hành Pháp lệnh Chi phí tố tụng là rất cần thiết.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến phát biểu tại buổi họp.
Phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em
Luật Tư pháp người chưa thành niên số 59/2024/QH15 được được Quốc hội khóa XV, tại Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 30/11/2024, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2026.
Về sự cần thiết ban hành luật, Luật tư pháp người chưa thành niên nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em” và thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
Luật khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành: (1) Hệ thống hình phạt chưa phù hợp; một số hình phạt không có sự phân hóa giữa người chưa thành niên và người trưởng thành; mức hình phạt tù tối đa vẫn còn quá cao; (2) Các biện pháp giám sát, giáo dục đã được quy định nhưng thiếu tính khả thi; (3) Thủ tục tố tụng hình sự chưa thực sự thân thiện; (4) Chưa thiết lập được cơ chế điều phối quốc gia, cũng như vai trò, trách nhiệm của người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên; (5) Quy định về thi hành án, tái hòa nhập cộng đồng còn chưa phù hợp, hiệu quả chưa cao; (6) Chưa nội luật hóa đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; (7) Pháp luật về tư pháp người chưa thành niên được quy định ở nhiều đạo luật. Phần lớn chỉ điều chỉnh các quy định vốn được áp dụng cho người trưởng thành để áp dụng với người chưa thành niên, nên không hiệu quả, gây khó khăn khi áp dụng. Đặc biệt, Luật góp phần nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm người chưa thành niên.
Tại buổi họp báo cũng đã công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Phòng không nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Điện lực.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Ngành Tòa án nhân dân “Đoàn kết, Trách nhiệm, Kỷ cương, Liêm chính, Đổi mới, Vượt khó, Hiệu quả”
Bình luận