Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông H và cụ T có hiệu lực pháp luật

Sau khi nghiên cứu bài viết “Nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng” của tác giả Chu Thanh Tùng đăng ngày 15/02/2023, tôi có quan điểm quyền sử dụng đất là tài sản riêng của ông H và ông H có quyền tự định đoạt đối với tài sản này.

1. Về xác định quyền sử dụng đất tại thửa đất số 65 là tài sản riêng của ông H

Nội dung vụ án thể hiện: “Diện tích đất 267,55m2 tại thửa đất số 65, tọa lạc tại phường A có nguồn gốc của vợ chồng cụ B, cụ C. Ngày 26/4/2008, cụ B, cụ C lập Hợp đồng tặng cho con là ông H quyền sử dụng diện tích đất nêu trên. Ngày 25/9/2008, ông H được Uỷ ban nhân dân huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Căn cứ khoản 1 Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật này; đồ dùng, tư trang cá nhân”.

Như vậy, ông H được bố mẹ là vợ chồng cụ B, cụ C tặng cho riêng quyền sử dụng đất tại thửa đất số 65, sau đó ông H đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông H, bà T không có ý kiến gì. Do vậy, có căn cứ xác định quyền sử dụng đất tại thửa đất số 65 là tài sản riêng của ông H.

Đối với 01 căn nhà và 07 phòng trọ trên đất mà vợ chồng ông H, bà T đã xây dựng năm 2010 là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân nên giá trị căn nhà và các phòng trọ trên được xác định là tài sản chung của vợ chông H, T. Việc xây nhà, phòng trọ không thể coi là căn cứ xác định ông H đã đưa quyền sử dụng đất nhập vào tài sản chung.

2. Về việc ông H tặng cho quyền sử dụng đất cho cụ C

Khoản 2 Điều 689 BLDS năm 2005 quy định “Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật”.

Khoản 1, 5 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng có quy định vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình, trừ trường hợp tài sản riêng của vợ hoặc chồng đã được đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải được sự thoả thuận của cả vợ chồng.

Nội dung vụ án thể hiện: Ngày 22/7/2010, tại Văn phòng công chứng ông H lập Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất nêu trên cho cụ C; cụ C đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 17/8/2010; tại thời điểm đó bà T cũng không có ý kiến gì. Ông H chỉ tặng cho quyền sử dụng đất là tài sản riêng của ông H, không tặng cho quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nên không cần có sự đồng ý của bà T, hợp đồng tặng cho đảm bảo quy định về hình thức nên có căn cứ xác định Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất tại thửa đất số 65 giữa ông H và cụ C có hiệu lực pháp luật.

Các nội dung tại giấy “Biên nhận” ngày 12/7/2011, “Tờ cam kết” ngày 29/7/2011, “Đơn xin rút đơn ngăn chặn” là cơ sở thể hiện bà T không có ý kiến gì đối với tài sản riêng của ông H và giữa bà T, ông H đã có sự thỏa thuận phân chia tài sản chung khi ly hôn nên việc Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T, hủy Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông H và cụ C là chưa đúng quy định pháp luật.

Các quy định hiện hành về việc nhập tài sản riêng của vợ chồng vào tài sản chung theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Đất đai năm 2013, BLDS năm 2015 có nội dung cơ bản giống với các quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Luật Đất đai năm 2003, BLDS năm 2005.

Trên đây là quan điểm cá nhân đối với vụ án, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp và bạn đọc.

 

TAND Tp Cần Thơ xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Hầu Bích Thủy

MAI TRỌNG THAO (TAQS Quân chủng Hải quân)