Họp hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng vua Lý Thái Tông và tượng các cố Chánh án TANDTC

Ngày 16/3, TANDTC tổ chức phiên họp hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng vua Lý Thái Tông – nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam và dựng tượng các cố chánh án TANDTC qua các thời kỳ.

Tham dự chỉ đạo tại phiên họp có Bí thư trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình. Cùng tham dự phiên họp có PGS.TS Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, nhà sử học Dương Trung Quốc, họa sỹ Lương Xuân Đoàn, họa sỹ Vi Tiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh Bộ Văn hóa Thể thao & du lịch, các nhà điêu khắc Toàn Văn Bằng, Lê Lạng Lương, kiến trúc sư Lê Hoàng Hiệp.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp

Việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông nằm trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống TAND, đây là hành động thiết thực, ý nghĩa để tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn cho đất nước, dân tộc của các bậc tiền nhân, đặc biệt là những công trạng trong lĩnh vực xét xử và tư pháp. Đồng thời thể hiện tình cảm, lòng thành kính, cũng như nguyện vọng, mong ước của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống TAND với các bậc tiền nhân, khơi dậy niềm tự hào, giáo dục truyền thống cho các thế hệ về giá trị lịch sử và truyền thống vẻ vang của Tòa án.

Về hình tượng vua Lý Thái Tông, ông là người có đóng góp to lớn trong nền tư pháp nước nhà, ông có 4 đóng góp to lớn bao gồm ông là người ban hành Bộ luật Hình thư, đây là bộ luật thành văn đầu tiên của nhà nước ta; hai là ông nghĩ ra chiếc chuông đặt trước cửa triều đình để dân kêu oan; ba là ông trực tiếp tham gia các vụ án lên tới nhà vua và xét xử một cách công bằng, khuyến khích tinh thần xét xử nhân ái; thứ tư là khi làm vua, ông đã đặt ra một chức quan xét xử, giao cho con trai mình, và đào tạo con trai ông thành một vị quan anh minh.

Tượng vua Lý Thái Tông phải đáp ứng được các nội dung, yêu cầu về mỹ thuật như: tượng phải thể hiện được tính trang nghiêm, trang trọng, lột tả được thần thái, ý chí của thể hiện vẻ đẹp, trí tuệ của người làm công tác xét xử, bảo vệ công lý. Độ tuổi của tượng phải trên 50 tuổi, chân dung khuôn mặt, tướng mạo phải thể hiện được những biểu tượng cao quý của một vị vua, tính cách mạnh mẽ, cương trực và thận trọng, nhưng cũng thể hiện được tính cách nhân ái, nhân từ của ông. Về mặt trang phục của tượng phải phù hợp với thời kỳ lịch sử. Và phải sinh động, mang tính hình tượng, khái quát cao; có hình khối chắc khỏe, rõ ràng, gây được xúc cảm, ấn tượng với người xem.

Tượng là loại tượng đúc, loại tượng đứng thẳng, toàn thân, có chân đế, tay phải cầm cuốn Luật hình thư, tay trái cầm chuông kêu oan thể hiện sự trang nghiêm, lột tả toàn bộ thần thái, tướng mạo, tính cách của vua Lý Thái Tông.

Phát biểu đóng góp ý kiến tại phiên hop, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết biểu tượng rõ nét của công lý là hình ảnh chiếc trống, đại diện cho hình ảnh đánh trống kêu oan. Về mặt trang phục thì không thể thiếu cuốn hình thư và thanh kiếm thể hiện sức mạnh và tinh thần thượng tôn pháp luật.

Ông Dương Trung Quốc

Về tượng các cố Chánh án TANDTC, là các tác phẩm điêu khắc khắc họa, lột tả chân thực chân dung và thần thái, thể hiện sự trang nghiêm, trang trọng, làm nổi bật ý nghĩa, tầm vóc của các cố Chánh án.


Công trình sẽ là những tác phẩm nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao, giàu sức biểu cảm, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chứa đựng và truyền tải những thông điệp của lịch sử và thời đại về TAND, cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Công trình còn góp phần thể hiện tầm vóc, sự uy nghiêm của cơ quan tư pháp cao nhất đất nước. Cùng với công trình trụ sở mới và cũ của TANDTC, các bức tượng sau khi hoàn thành sẽ phối kết hợp với không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh, tạo thành một quần thể kiến trúc, văn hóa, lịch sử thống nhất, thể hiện được bề dày lịch sử, trở thành một công trình tiêu biểu của hệ thống Tòa án nhân dân, góp phần tạo thêm điểm nhấn cho cảnh quan, không gian kiến trúc của thủ đô Hà Nội và đất nước.

CẢNH DINH