Hướng dẫn người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án
Bài viết giới thiệu một số nội dung hướng dẫn người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án .
1. Sự cần thiết phải có người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án
Việc bố trí người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án là cần thiết vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam (các Bộ luật, luật về tố tụng) đã có nhiều quy định mới về bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý (TGPL). Các quy định này bao gồm: Trách nhiệm cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ, trại giam trong việc thông báo, giải thích, hướng dẫn và bảo đảm thực hiện quyền được TGPL của đối tượng thuộc diện được TGPL; yêu cầu hoặc đề nghị Trung tâm TGPL nhà nước (Trung tâm) có trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL (người thực hiện TGPL) bào chữa cho người thuộc diện được TGPL.
Thứ hai, khoản 2 Điều 41 Luật TGPL năm 2017 quy định: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện cho người được TGPL được hưởng quyền TGPL, tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, Luật TGPL đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp, tạo điều kiện cho người được TGPL được hưởng quyền TGPL, tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng.
Thứ ba, Điều 8 Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Thông tư liên tịch số 10) quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động phối hợp về TGPL đã hướng dẫn cụ thể các nội dung về giải thích, thông báo, thông tin về TGPL; bảo đảm cho người thực hiện TGPL khi tham gia tố tụng, trong đó có nội dung “Khuyến khích Cơ quan điều tra, Tòa án các cấp tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL trực tại các cơ quan này phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để người được TGPL biết và sử dụng dịch vụ TGPL kịp thời” (khoản 9 Điều 8).
Thứ tư, ngày 05/11/2019, Tòa án nhân dân tối cao đã có Công văn số 244/TANDTC-PC[2] gửi Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp về việc triển khai thi hành Thông tư liên tịch số 10, trong đó chỉ đạo Chánh án Tòa án nhân dân các cấp, Chánh án Tòa án quân sự các cấp "Phối hợp với Trung tâm TGPL nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL trực tại Tòa án mình phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất thực tế của địa phương..." (Mục 4 Công văn số 244/TANDTC-PC).
Ngoài ra, số lượng vụ việc TGPL dưới hình thức tham gia tố tụng so với số lượng người được TGPL và vụ án do Tòa án thụ lý, giải quyết còn thấp, do đó sẽ có khả năng người thuộc diện được TGPL có thể không nhận được TGPL; số lượng vụ việc TGPL do Tòa án các cấp chuyển giao cho Trung tâm tại nhiều địa phương còn thấp so với số vụ việc do các Tòa án thụ lý, tiếp nhận; một số nơi công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng theo Thông tư liên tịch số 10 chưa bảo đảm...
2. Tiêu chí lựa chọn Tòa án để thực hiện trực
Trước mắt, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khảo sát, đánh giá cơ sở vật chất, nguồn lực và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện trực tại 1-2 Tòa án cấp huyện. Sau một thời gian sẽ có đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm và quyết định bước tiếp theo.
Trước khi triển khai việc trực trên thực tế, Trung tâm TGPL nghiên cứu đề xuất và báo cáo Lãnh đạo Sở Tư pháp thảo luận, làm việc với Lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp tỉnh quyết định Tòa án cụ thể triển khai trực tại trụ sở. Việc lựa chọn Tòa án để trực tại trụ sở nên căn cứ vào một số yếu tố sau đây:
- Số lượng vụ việc TGPL của những năm trước, đặc biệt là vụ việc dân sự, hành chính;
- Số lượng người thực hiện TGPL đủ đảm nhận việc trực;
- Vị trí địa lý có thuận lợi cho việc cử người trực, người trực đi lại trong ngày...;
- Thực trạng công tác thông tin, thông báo, giải thích về TGPL của Tòa án và cơ sở vật chất tại Tòa án.
Đối với những địa phương có nhiều vụ việc tố tụng hàng năm (đặc biệt là vụ việc dân sự và hành chính) và có số lượng Trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng nhiều, Tòa án bố trí được phòng trực riêng hoặc có bàn trực hoặc ngồi cùng phòng tiếp dân, phòng hòa giải, đối thoại thì thực hiện trực tại trụ sở Tòa án. Đối với những Trung tâm có số lượng Trợ giúp viên pháp lý không nhiều nhưng việc Tòa án giải thích, thông báo, thông tin về TGPL của Tòa án chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10 thì địa phương lựa chọn phương án tăng số lượng luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL để có nguồn lực cử trực tại trụ sở Tòa án để có thể giúp người dân tiếp cận càng sớm càng tốt với TGPL.
Một số địa phương mà qua khảo sát nhận thấy điều kiện phòng làm việc của Tòa án chật hẹp, không thể bố trí chỗ ngồi cho người thực hiện TGPL trực hoặc số lượng án tố tụng của địa phương hàng năm thấp thì Trung tâm có Kế hoạch phối hợp với Tòa án để thực hiện trực qua điện thoại. Khi áp dụng hình thức trực qua điện thoại thì Trung tâm cần cung cấp đầy đủ danh sách người trực theo ngày cụ thể và điện thoại liên lạc cho Tòa án. Những người trực qua điện thoại cần lưu ý trong phiên trực cần phải để điện thoại ở chế độ có chuông báo âm lượng phù hợp để nhận cuộc gọi, tránh mất thời gian và lỡ việc của người tiến hành tố tụng.
3. Một số kỹ năng trực tại Tòa án
3.1. Kỹ năng chung của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư
Người trực cần nắm vững kỹ năng làm việc, giao tiếp, trao đổi với người được TGPL, nắm được yêu cầu TGPL của họ, cụ thể như sau:
- Kỹ năng tiếp đối tượng, hỏi, nắm bắt thông tin về đối tượng: người thực hiện TGPL phải kết hợp các kỹ năng: nghe, nói, đặt câu hỏi,... để thu nhận được những thông tin chính xác, trung thực về vụ việc (vướng mắc pháp luật) của đối tượng, đồng thời cố gắng hiểu biết về tâm lý của từng loại đối tượng để có thái độ ứng xử, giao tiếp phù hợp. Khi tiếp xúc với bất cứ diện đối tượng nào, người thực hiện TGPL đều phải khiêm tốn, thể hiện thái độ đúng mực và tôn trọng đối tượng để xây dựng niềm tin của đối tượng.
- Kỹ năng nghe đối tượng trình bày để hiểu rõ yêu cầu TGPL của đối tượng, đặt câu hỏi để làm rõ các tình tiết của vụ việc TGPL. Trong quá trình đối tượng trình bày, người thực hiện TGPL cần chú ý lắng nghe và ghi chép đầy đủ những nội dung chính, ý chính, trên cơ sở đó có thể đặt những câu hỏi yêu cầu đối tượng để làm rõ thêm các tình tiết của vụ việc. Khi nghe đối tượng trình bày, người trực cần chú ý một số kỹ năng sau đây:
+ Dùng cử chỉ, điệu bộ, ngôn ngữ (tiếp đón đối tượng chu đáo, thăm hỏi sức khoẻ đối tượng và gia đình, tập trung chú ý vào đối tượng khi đối tượng đang trình bày...) thể hiện sự chú ý lắng nghe đối tượng nói.
+ Tạo cơ hội, điều kiện, môi trường đối thoại cởi mở, thoải mái để đối tượng diễn đạt hết suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của họ.
+ Dùng lời nói hoặc thái độ, hành vi, cử chỉ để kiểm tra, khẳng định lại những thông tin về suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của đối tượng mà mình tiếp nhận được. Người thực hiện TGPL cần thể hiện sao cho đối tượng tin rằng mình đã nắm được đúng quan điểm và bản chất vụ việc TGPL.
+ Tóm lược các nội dung mang tính bản chất của vụ việc một cách chính xác, khẳng định lại với đối tượng yêu cầu của họ và thống nhất quan điểm về những nội dung cần thực hiện vụ việc.
- Kỹ năng ghi chép, nắm rõ nội dung vụ việc: người thực hiện TGPL cần phải ghi chép về các diễn biến, nội dung trao đổi với người được TGPL về vụ việc.
Cần giữ lại các giấy tờ ghi chép các cuộc trao đổi với đối tượng, với các cơ quan có liên quan, với những người khác, các bức thư, bức điện, thư điện tử gửi đi và nhận về, để làm cơ sở cho việc thực hiện TGPL sau này.
Trợ giúp viên pháp lý và luật sư đã được đào tạo kỹ năng nghiệp vụ tiếp và thực hiện TGPL cho đối tượng TGPL. Còn đối với người tập sự TGPL và viên chức là chuyên viên pháp lý khi trực, chủ yếu phải nắm được kỹ năng tiếp đối tượng, hướng dẫn thủ tục, quy trình... để đối tượng TGPL nắm được những vấn đề cơ bản nhất. Nếu đối tượng yêu cầu cần có người bào chữa hay bảo vệ quyền lợi thì người tập sự TGPL, chuyên viên pháp lý báo cáo cho Lãnh đạo Trung tâm TGPL cử Trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư giúp họ.
3.2. Một số lưu ý khi làm việc với đối tượng đặc thù
- Kỹ năng làm việc với người nghèo: họ hay mặc cảm, tự ti nên cần phải có kỹ năng khơi gợi, nêu vấn đề để họ trình bày hết nội dung vụ việc. Giúp người thực hiện đưa ra những quyết định sáng suốt.
- Kỹ năng làm việc với người dân tộc thiểu số: họ nói chung có trình độ dân trí chưa cao, ngại tiếp xúc, trình bày vụ việc có thể không rõ ràng, lộn xộn... Do vậy, người trực cần bình tĩnh, chịu khó lắng nghe họ trình bày vụ việc.
- Kỹ năng làm việc với đối tượng là phụ nữ: họ thường có tâm lý e dè, do vậy, nên có người thực hiện TGPL là cùng giới để giúp họ không bị e ngại khi trình bày vướng mắc, đặc biệt là những vụ việc mà người đến yêu cầu TGPL là nạn nhân bị xâm hại tình dục hoặc bạo lực gia đình.
- Kỹ năng làm việc với đối tượng là trẻ em: người trực cần hiểu rõ đối tượng trẻ em, nếu có vi phạm pháp luật thì có thể nguyên nhân là do một số yếu tố có thể giải thích được như tâm lý bồng bột, bốc đồng, suy nghĩ chưa chín chắn... Do vậy, cần có sự khéo léo, gợi mở, giúp đối tượng trình bày vụ việc, cũng như giúp đỡ về mặt pháp lý cho họ.
- Kỹ năng làm việc với người khuyết tật: họ có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, do vậy, người trực cần phải kiên nhẫn nghe họ trình bày, biết cảm thông, chia sẻ, cho họ cơ hội để họ chia sẻ về vụ việc của họ...
3.3. Các công việc người thực hiện TGPL cần làm khi trực qua điện thoại
- Khi danh sách người thực hiện TGPL trực qua điện thoại được gọi cho Tòa án thì cán bộ Tòa án gọi điện ngay cho người thực hiện TGPL trực khi phát hiện đối tượng thuộc diện được TGPL, thông tin về việc có người thuộc diện TGPL cần được Trung tâm TGPL xác minh, tiếp cận và trợ giúp. Trường hợp này, cán bộ Tòa án có thể cung cấp số điện thoại của người được TGPL hoặc người thân thích của họ (nếu có) cho người trực. Nếu họ không sử dụng điện thoại thì có thể cung cấp địa chỉ liên hệ.
Khi tiếp nhận thông tin này, người trực cần nhanh chóng gọi điện cho người thuộc diện TGPL để:
- Nắm bắt thông tin cơ bản của đối tượng: người trực hỏi họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, diện đối tượng, nơi cư trú...
- Tìm hiểu thông tin cụ thể, xác định chính xác diện người được TGPL. Nếu gọi qua điện thoại có thể xác định được đầy đủ thông tin thì người trực hướng dẫn họ viết đơn yêu cầu TGPL, đề nghị mang những giấy tờ đến Trung tâm để được thụ lý giải quyết vụ việc hoặc trước tiên có thể gửi qua email, fax, v.v.. Trong trường hợp cần thiết, thì có thể cử ngay người thực hiện TGPL thực hiện việc bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho đối tượng. Nếu qua điện thoại chưa xác minh được chính xác thuộc diện TGPL thì cần gặp gỡ trực tiếp để thực hiện việc này.
- Trường hợp người được TGPL không sử dụng điện thoại và không thể liên hệ nhờ qua người khác thì người trực đến gặp trực tiếp người được TGPL để thực hiện các công việc cần thiết như giải thích về quyền được TGPL, xác minh đối tượng. Nếu họ thuộc diện TGPL thì thực hiện các công việc như trên.
- Nghe đối tượng trình bày, người trực cần thật sự lắng nghe, cố gắng kiên nhẫn để nghe hết những gì đối tượng muốn nói về vụ việc của họ. Những vấn đề đơn giản có thể trả lời ngay qua điện thoại. Nếu phức tạp hơn thì cần hẹn họ đến gặp và trao đổi tại trụ sở của Trung tâm TGPL, đồng thời yêu cầu họ mang tất cả giấy tờ, tài liệu liên quan đến vụ việc khi đến Trung tâm gặp người thực hiện TGPL.
Những điểm cần lưu ý khi trực qua điện thoại:
- Xưng danh tính và mục đích cuộc gọi: khi đối tượng gọi đến, người
trực điện thoại cần chào họ và xưng danh tính rõ ràng (Tên, địa vị công tác) để đối tượng nắm được thông tin.
- Lắng nghe đối tượng nói nhưng đừng để đối tượng độc thoại: đối tượng
thường đã chuẩn bị rất kỹ cho nội dung cuộc trò chuyện, họ chủ động đi vào vấn
đề, đặt câu hỏi... do vậy, người thực hiện TGPL không chỉ biết im lặng lắng nghe, hãy đáp lại họ bằng những câu như: “Vâng, tôi hiểu, tôi đang nghe ông/bà nói...”.
- Lắng nghe đối tượng với thái độ chân thành, cởi mở, tôn trọng và đồng
cảm, không ngắt lời nếu không cần thiết. Không nên có thái độ phân biệt trên dưới, sang hèn hay chỉ trích, đánh giá tiêu cực những gì người trực nghe được.
- Giọng nói từ tốn, nhẹ nhàng và truyền cảm: khi đối tượng gọi tới có nhu
cầu được tư vấn, người thực hiện TGPL hãy trả lời họ bằng giọng nói từ tốn, vừa phải, đừng lớn quá sẽ khiến họ khó chịu, nhưng cũng đừng quá nhỏ.
- Luôn chuẩn bị sổ và bút sẵn trước mặt: khi trực điện thoại, người thực hiện TGPL luôn chuẩn bị cho mình cuốn sổ và cây bút để ghi lại những lời nói của đối tượng để chắc chắn rằng không để sót chi tiết của cuộc trò chuyện. Cách làm này cũng giúp cho người thực hiện TGPL chủ động khi trả lời những câu hỏi, thắc mắc của người gọi đến.
- Không bất ngờ gác máy: nếu người thực hiện TGPL không muốn tiếp tục cuộc trò chuyện hãy tìm cách từ chối khéo léo, không nên bất ngờ gác máy.
- Nhắc lại nội dung cuộc trò chuyện: là người nghe nên người thực hiện TGPL cần nhắc lại nội dung cuộc trò chuyện để chắc rằng mình đã nắm được nội dung của cuộc trò chuyện đó, đó cũng là cách người thực hiện TGPL lấy được lòng tin của đối tượng, bởi việc nhắc lại nội dung cuộc trò chuyện thể hiện sự quan tâm tới vấn đề của đối tượng, điều đó khiến cho đối tượng cảm thấy mình được tôn trọng nhiều hơn./.
[1] Bài viết này được tóm tắt từ nguồn: Tài liệu hướng dẫn người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án, do các chuyên gia của UNDP phối hợp với Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp xây dựng trong khuôn khổ "Dự án tăng cường pháp luật và tư pháp ở Việt Nam (EU JULE)" do Liên minh Châu Âu tài trợ với đóng góp tài chính từ UNDP và UNICEF, https://tgpl.moj.gov.vn/Pages/hoi-nhap-phat-trien.aspx?ItemID=3&l=Huongdannghiepvu, truy cập ngày 06/4/2022.
Bài liên quan
-
Thông tư số 95/2024/TT-BQP hướng dẫn chế độ tiền thưởng sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp
-
Cần có hướng dẫn hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu do vi phạm điều cấm
-
Một số ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 321 và Điều 322 của Bộ luật Hình sự
-
Hướng dẫn tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận