Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho môi trường rừng Việt Nam
Hội thảo “Xây dựng chỉ số môi trường rừng và chỉ số CO2 rừng” do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức sáng 8/11 tại Hà Nội đã thảo luận phương pháp xây dựng và áp dụng các chỉ số môi trường rừng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Việt Nam chính thức áp dụng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong cả nước từ năm 2010 đến nay đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Ngành lâm nghiệp Việt Nam đã và đang tiếp cận, vận hành theo hướng quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp.
Thực tiễn này cho thấy cần thiết phải có bộ chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 rừng để hoạch định các chiến lược phát triển bền vững và tổ chức giám sát thực hiện các chương trình dự án của ngành cũng như của quốc gia có liên quan.
Báo cáo Xây dựng bộ chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 rừng được thực hiện theo kế hoạch năm 2024 của đề tài khoa học cấp Bộ: “Nghiên cứu đề xuất bộ chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 và xây dựng cơ chế chính sách đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon rừng” do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chủ trì, Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững thực hiện trong giai đoạn 2022-2024.
Ngoài ra, các loại dịch vụ môi trường rừng cũng đã được quy định rõ trong Luật Lâm nghiệp (2017) và Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là những quy định quan trọng, làm nền tảng cho việc thúc đẩy và phát triển các loại dịch vụ môi trường rừng trong thực tiễn. Các thành tố liên quan đến môi trường rừng cũng đã được Luật Bảo vệ môi trường (2020) đề cập là phát thải khí nhà kính, tầng ozon và các-bon. Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ đề cập đến thích ứng với biến đổi khí hậu, sa mạc hóa, bảo tồn đa dạng sinh học hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định lâm nghiệp là lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
TS. Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững phát biểu - Ảnh: Quang Thành
Trên thực tế hiện tại có rất ít các văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp đề cập cụ thể tới các chỉ số môi trường rừng nhưng lại có khá nhiều văn bản đề cập tới các chỉ tiêu/chỉ số của ngành lâm nghiệp có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến môi trường rừng.
Cụ thể như: Luật Lâm nghiệp (2017) đã đề cập đến cơ sở dữ liệu rừng trong điều tra và kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, trong đó 2 chỉ số quan trọng đã được đề cấp tới là diện tích rừng và trữ lượng rừng (Điều 36); Luật Đa dạng sinh học (2018) đề cập đến danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; danh mục loài ngoại lai, xâm hại; Nghị quyết 71/NQ-CP ngày 8/8/2017 của Chính phủ đề cập đến chỉ số diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật; Nghị định 156/2018/NĐ-CP đã đề cập tới cấp chứng chỉ rừng (CCR) quốc tế hoặc hệ thống CCR Việt Nam.
Quyết định 419/QĐ-TTg ngày 05/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ đề cập đến diện tích rừng tự nhiên và độ che phủ rừng; Quyết định 1288/QĐ-TTg ngày 01/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ đề cập tới việc thúc đẩy cấp CCR ở Việt Nam; Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng chính phủ đề cập đến 4 chỉ số là: Diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc; Diện tích rừng của các chủ rừng là tổ chức được quản lý bền vững; Diện tích rừng tự nhiên được nâng cấp chất lượng.
Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 đề cập đến chỉ số tỷ lệ che phủ rừng, điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến, thiết lập hệ thống giám sát tài nguyên rừng: Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 đề cập tới chỉ số tỷ lệ diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền so với diện tích lãnh thổ đất liền và % diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái được phục hồi.
TS Vũ Thị Hiền, chia sẻ về cách xác định địa giới rừng bằng GPS, chỉ số CO2 cho đơn vị quản lý và chủ rừng - Ảnh: Quang Thành
Quyết định 2782/QĐ-BTNMT ngày 31/10/2019 của Bộ TNMT đã ban hành bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có 2 chỉ số liên quan đến môi trường rừng là: Tỷ lệ diện tích rừng trồng mới tập trung trên diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp và diện tích rừng tự nhiên bị cháy, chặt phá. Quyết định 993/QĐ-TTg ngày 24/8/2023 đề cập đến diện tích rừng tự nhiên được phục hồi và nâng cấp chất lượng.
Quyết định 1382/2022/QĐ-BNN-TCLN ngày 15/4/2022 của Bộ NN&PTNT Ban hành bộ chỉ số 2030, tầm nhìn đến 2050 trong đó có tới 11 chỉ số liên quan đến môi trường rừng. Đây là bộ chỉ số khá đầy đủ và toàn diện để giảm sát, đánh giá chiến lược phát triển lâm nghiệp, bao gồm cả diện tích trồng rừng hàng năm, diện tích rừng được khoanh nuôi xúc tiến tái sinh; tỷ lệ diện tích rừng trồng gỗ lớn so với diện tích rừng trồng sản xuất; tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên được nâng cấp chất lượng, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, số lượng cây xanh phân tán được trồng...
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng một số chỉ tiêu đưa ra có quy mô tác động không lớn, cần phải rà soát và cân nhắc lại để đưa thành chỉ số môi trường rừng của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia thuộc các tổ chức môi trường phát biểu ý kiến tại hội thảo - Ảnh: Quang Thành
TS Nguyễn Hoàng Tiệp, Văn phòng chứng chỉ Quản lý rừng bền vững cho rằng, cần tiến hành rà soát các quy định của pháp luật hiện có về chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 rừng. Từ đó tổng hợp, phân tích kinh nghiệm của thế giới và tiến tới xây dựng được bộ chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 rừng và khung phương pháp tính toán, hướng dẫn áp dụng.
Hội thảo “Xây dựng chỉ số môi trường rừng và chỉ số CO2 rừng” khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng các chỉ số rừng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Giúp đánh giá chính xác hơn những đóng góp của rừng đối với môi trường và kinh tế, trở thành nền tảng để Việt Nam tiếp tục thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và ứng phó với thách thức môi trường trong tương lai.
Bài liên quan
-
Quốc hội thảo luận việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương
-
Ngày 20/11, Quốc hội thảo luận dự án Luật Nhà giáo
-
Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
-
Petrovietnam tổ chức chương trình hội thảo ESG trong lĩnh vực Năng lượng, Dầu khí, áp dụng cho lĩnh vực Lọc hoá dầu và BSR
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận