Huyện Ủy Kim Sơn - Ban QLDA DTXD và phát triển quỹ đất huyện Hải Lăng

CHUYỂN BIẾN MỚI Ở VÙNG VEN BIỂN HUYỆN KIM SƠN

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình xác định phát triển nuôi trồng thủy, hải sản (NTTS) gắn với bảo vệ môi trường, quản lý chặt chẽ và khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế vùng ven biển là chương trình trọng tâm, trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. Để thực hiện, huyện triển khai nhiều giải pháp, chú trọng vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên trong công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng trong hoạt động NTTS.

Ông Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện uỷ, chủ tịch HĐND huyện Kim Sơn cho biết: Toàn huyện có hơn 15 km chiều dài bờ biển, có vùng bãi ngang rộng hàng chục nghìn héc-ta bãi bồi rất thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế tổng hợp. Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình và địa phương đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tập trung khai thác hiệu quả, thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển; thực hiện quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng vùng ven biển; đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cải tạo ao đầm, đưa giống mới, tăng nguồn vốn vay để đầu tư NTTS. Nhờ vậy, sản lượng NTTS trên địa bàn năm sau luôn cao hơn năm trước, góp phần đưa kinh tế biển trở thành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Năm 2020, tổng diện tích NTTS vùng lợ, mặn toàn huyện là 3.349,4 ha; Sản lượng thủy sản cả năm đạt trên 25.000 tấn.

Nhiều hộ dân vùng bãi ngang huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình nuôi hàu giống cho thu nhập cao.

Sản xuất nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ phát triển mạnh, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất thâm canh ứng dụng công nghệ cao như: sử dụng nhà lưới để nuôi 3 vụ/năm; sử dụng chế phẩm vi sinh để cải tạo môi trường nuôi; sử dụng hệ thống sục khí để tăng mật độ con nuôi… Các mô hình này đều đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với nuôi quảng canh truyền thống.

Hiện nay, hoạt động sản xuất ngao giống, hàu giống, cua xanh đang được các cơ sở quan tâm đầu tư phát triển. Con giống một phần đáp ứng nhu cầu ngay tại địa phương, một phần xuất bán sang các tỉnh lân cận như Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Ninh. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay toàn vùng đã có hơn 300 trại sản xuất giống hàu. Giống Hàu Thái Bình Dương sản xuất tại Ninh Bình được đánh giá có chất lượng tốt, tỷ lệ sống nuôi lên thương phẩm cao, tốc độ tăng trưởng nhanh, sức kháng bệnh tốt. Nhiều trại nuôi hàu giống ở đây có thu nhập từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/ha/năm; tạo thêm nhiều việc làm, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương về tài nguyên đất và nguồn nước mặn, lợ.

Tuy nhiên, thực tế NTTS ở đây cũng nảy sinh những bất cập. Theo Chủ tịch UBND xã Kim Trung Vũ Trường Thu, qua kiểm tra, giám sát trên địa bàn cho thấy hệ thống công trình ao nuôi của một số hộ chưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, chưa triệt để thu gom, xử lý chất thải trong khu sản xuất, khu ương dưỡng giống, môi trường bị ô nhiễm, khả năng kiểm soát, ngăn chặn mầm bệnh lây lan qua nguồn nước rất hạn chế. Không ít hộ NTTS ở ngoài vùng quy hoạch dẫn đến nhiều hệ lụy, như: ảnh hưởng việc cấp thoát nước của các ao nuôi tôm công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao; khó khoanh vùng, dập dịch do không tuân thủ quy định về sử dụng đất, môi trường, an toàn dịch bệnh,…

Nhằm bảo vệ sản xuất cho chính người NTTS và lợi ích của cộng đồng, huyện thành lập Tổ công tác biển thường xuyên phối hợp các xã và Đồn Biên phòng Kim Sơn đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo rộng rãi trong nhân dân, nhất là với các hộ trực tiếp NTTS về kế hoạch NTTS hằng năm, ý nghĩa của việc cải tạo, vệ sinh ao, đầm. Người nuôi trồng phải thực hiện đúng quy định, quy trình, thời vụ trong NTTS, kịp thời phát hiện những dấu hiệu dịch bệnh trong ao nuôi và báo cáo ngay với cán bộ thú y xã, với hợp tác xã để có cách xử lý phù hợp. Cùng với công tác đào tạo, nâng tầm đội ngũ cán bộ về lĩnh vực NTTS, Kim Sơn coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát,… trên cơ sở phân công, phân nhiệm rõ ràng, nghĩa vụ và địa bàn phụ trách. Cán bộ lãnh đạo, quản lý dành nhiều thời gian đến cơ sở nắm bắt tình hình, đôn đốc, hướng dẫn địa phương thực hiện nhiệm vụ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo được sự đồng thuận, tích cực tham gia của nông dân và doanh nghiệp. Đối với những hộ, người NTTS ngoài vùng quy hoạch, những hộ tự ý xây dựng trái phép trên đất đai do Nhà nước quản lý, huyện chỉ đạo tiến hành kiểm tra, xác minh, lập biên bản, yêu cầu người vi phạm cam kết không mua bán, chuyển nhượng, giữ nguyên hiện trạng đất đai; khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án thì phải trả lại và tự tháo dỡ, di chuyển tài sản, vật nuôi,… kiên quyết xử lý những hành vi cố tình vi phạm.

Xã Kim Đông hiện có 431 ha diện tích NTTS với gần 800 hộ tham gia (88 hộ nuôi công nghiệp và 700 hộ nuôi quảng canh cải tiến) với các sản phẩm tôm, cua, cá giống các loại. Đồng chí Trần Đức Thuận, Bí thư Đảng ủy xã Kim Đông cho biết, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ xã tiếp tục tập trung chỉ đạo phát triển NTTS, nhân rộng các mô hình NTTS theo hướng công nghệ cao, công nghệ sạch, phấn đấu đạt sản lượng 3.600 tấn/năm. Đảng ủy đã xây dựng chương trình hành động, chương trình công tác toàn khóa; chỉ đạo UBND xã triển khai các giải pháp phát triển NTTS, phân công cán bộ lãnh đạo phụ trách; chỉ đạo các cấp ủy, chi bộ đưa nội dung phát triển NTTS gắn với bảo vệ môi trường vào các buổi sinh hoạt. Xã thành lập Ban chỉ đạo về công tác NTTS (từ khi cải tạo vệ sinh ao nuôi đến thời điểm ươm thả giống); phân công các thành viên, các tổ chức vận động, đôn đốc các hộ dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật.

Cũng như các xã, thị trấn vùng bãi ngang của huyện Kim Sơn, ngay sau Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng ủy xã Kim Trung chỉ đạo UBND cụ thể hóa Nghị quyết phát triển NTTS thành chương trình, kế hoạch; giao nhiệm vụ gắn với trách nhiệm đối với từng đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành. Đảng ủy chỉ đạo các chi bộ thôn, xóm tăng cường phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp - Thủy sản, các tổ, đội sản xuất đôn đốc, hướng dẫn các hộ NTTS thực hiện triệt để cải tạo ao, đầm và tu sửa các công trình phụ trợ, quản lý chặt chẽ con giống, vật tư thủy sản, theo dõi diễn biến môi trường, dịch bệnh; kịp thời báo cáo cơ quan chuyên môn; phối hợp lấy mẫu kiểm tra định kỳ, chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp xử lý khi có dịch.

Một giải pháp được Kim Sơn thực hiện khá hiệu quả trong vận động, tuyên truyền hộ dân, người tham gia, phát triển NTTS tuân thủ các quy định pháp luật trong quá trình sản xuất, đó là bằng sự nêu gương từ thực tiễn NTTS của chính cán bộ, đảng viên trên địa bàn. Mô hình nuôi ngao, hàu giống của đảng viên Phan Văn Thành ở xóm 3, xã Kim Đông là một thí dụ. Với phương pháp NTTS hiện đại theo hướng công nghệ cao, gia đình anh không những được mọi người xung quanh ghi nhận là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, là địa chỉ cung ứng giống thủy sản tin cậy, chất lượng, mà anh còn được mọi người quý mến bởi luôn có tinh thần cộng đồng trong hoạt động NTTS, động viên các hộ phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Hay như mô hình Tổ hợp tác Thủy sản thanh niên do Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Kim Trung Phạm Thị Thúy làm tổ trưởng. Tổ của chị có bốn thành viên đều là đoàn viên, thanh niên trong xã. Tại các cơ sở sản xuất, khu NTTS được thiết kế khoa học, bài bản với hệ thống kỹ thuật đồng bộ, gồm: các bể nuôi, bể chứa nước, kho chứa vật tư phục vụ sản xuất và các hệ thống lọc nước, hệ thống nuôi sinh khối tảo…Việc ứng dụng công nghệ hiện đại và tuân thủ các quy trình bảo đảm sản xuất cùng tinh thần tương hỗ, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của Tổ hợp tác ngày càng thu hút nhiều người đến tham quan, học hỏi, áp dụng thành công. Những mô hình nêu trên góp phần xây dựng vùng kinh tế ven biển Kim Sơn năng động, phát triển nhanh và bền vững.

 

 

 

 

 

QC