Huỳnh Quốc K phạm tội “ Tàng trữ trái pháp chất ma túy” hay tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”?
Một hành vi của Huỳnh Quốc K hiện đang có hai quan điểm xác định tội danh.
Huỳnh Quốc K là đối tượng nghiện ma túy, K đã mua ma túy của đối tượng tên P (không rõ lai lịch) 04 đến 05 lần để sử dụng, có lần P nhờ K đi giao ma túy và được cho ma túy để sử dụng.
Khoảng 21 giờ ngày 19/6/2018, P gọi điện cho K chạy ra quán Đ ở đường Võ Văn Kiệt, để nhận ma túy trước đó K đặt mua, đến khoảng 23 giờ K rủ N cùng đến quán Đ để uống bia. Khi đến quán thì có một thanh niên đã ngồi trước kêu K và N ngồi vào bàn. Một lúc sau đó, một cặp nam và nữ đến ngồi chung bàn với K, đến khoảng 01 giờ, ngày 20/6/2018 hai người này ra về, khoảng 05 phút sau, thì có số điện thoại lạ nhắn tin cho K chỉ nơi giấu ma túy trong nhà vệ sinh của quán. K vào nhà vệ sinh thấy một hộp nhựa trong suốt bên trong có ma túy đá, nên lấy để vào túi quần trước bên trái và đi ra bàn tiếp tục uống bia. Sau đó, K đưa cho người thanh niên còn ngồi lại ở bàn 1.650.000 đồng và cùng với N ra về. K lấy khăn quấn hộp nhựa để vào cốp xe chạy đến khu vực 5, đường Nguyễn Văn Linh, phường A, quận N thì bị lực lượng Công an kiểm tra phát hiện số ma túy K cất giấu.
Trong 05 gói ma túy đó, có 04 gói K khai là mua của P với giá 1.600.000 đồng, còn 01 gói lớn là của P nhờ K giữ dùm. Qua giám định xác định khối lượng ma túy là 1,7368 gram loại Methamphetamine. K bị Viện kiểm sát truy tố về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo điểm c khoản 1 Điều 249 BLHS. Riêng N không biết K có hành vi phạm tội nên không bị xử lý hình sự.
Về tội danh của Huỳnh Quốc K hiện đang có hai quan điểm:
– Quan điểm thứ nhất cho rằng Huỳnh Quốc K phạm tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” theo điểm c khoản 1 Điều 250 BLHS.
Mặt khách quan: “Vận chuyển trái phép chất ma túy” là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào (có thể bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện…; có thể để trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách v.v…) mà không nhằm mục đích mua bán, tàng trữ hay sản xuất trái phép chất ma túy khác. Người giữ hộ, hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác, mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm.
Trong trường hợp này K đã có hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác bằng xe máy, nhưng không nhằm mục đích mua bán, tàng trữ, nên hành vi của K đã phạm tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.
– Quan điểm thứ hai: Huỳnh Quốc K phạm tội “Tàng trữ trái pháp chất ma túy” theo điểm c khoản 1 Điều 249 BLHS.
Chúng tôi thống nhất Huỳnh Quốc K phạm tội “Tàng trữ trái pháp chất ma túy” theo quan điểm thứ hai bởi lẽ: Theo nội dung vụ án, mặc dù K có hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác bằng hình thức để ma túy vào cốp xe máy, có sự di chuyển địa điểm từ nơi mua đến đoạn đường khác là địa điểm K bị lực lượng Công an dừng xe kiểm tra, thu giữ nhưng K không vận chuyển cho người khác (không ai nhờ, không ai thuê,..), K chỉ vận chuyển số ma túy đã mua được để cho chính mình với mục đích là sử dụng vì bản thân K cũng là đối tượng nghiện túy. Theo hướng dẫn tại tiểu mục 3.2 Mục 3 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 “Vận chuyển trái phép chất ma túy là hành vi dịch chuyển bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào… mà không nhằm mục đích mua bán, tàng trữ hay sản xuất trái phép chất ma túy khác”. Vì vậy, K không phạm tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.
Về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, mặt khách quan là cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy ở bất cứ nơi nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, để trong vali, cho vào thùng xăng xe, cất dấu trong quần áo, tư trang mặc trên người hoặc theo người…) mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hay sản xuất trái phép chất ma túy. Thời gian tàng trữ dài hay ngắn không ảnh hưởng đến việc xác định tội này.
K để ma túy trong cốp xe mà K vừa mua được và vận chuyển theo ý thức chủ quan của K để tìm nơi sử dụng cho chính bản thân K chứ không nhằm mục đích khác (mua bán hay vận chuyển cho người khác). Căn cứ tiểu mục 3.1 Mục 3 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 quy định: “Tàng trữ trái phép chất ma túy là cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy bất cứ nơi nào… mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hay sản xuất trái phép chất ma túy”. Do đó, khi K hoàn thành việc mua ma túy thì K đã phải chịu trách nhiệm hình sự theo mục đích sử dụng của mình. Do đó, K phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 249 BLHS năm 2015.
Mong nhận được ý kiến trao đổi của quý độc giả.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
2 Bình luận
Phạm Minh Tuyên
00:43 22/12.2024Trả lời
Trịnh Hùng
00:43 22/12.2024Trả lời