Kết quả triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án  – Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục

Bài viết tập trung đánh giá về hiệu quả cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thời gian qua và giải pháp khắc phục trong thời gian tới[1].

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021, với mục đích là tạo cơ chế pháp lý mới tách biệt với quy trình tố tụng để phát huy tính linh hoạt, mềm dẻo và nhanh gọn về thủ tục, tạo điều kiện tối đa cho các bên thực hiện quyền tự định đoạt trong giải quyết tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính tại Tòa án. Sau gần hai năm thi hành, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã phát huy vai trò và việc thi hành Luật đã đạt được kết quả nhất định. Bên cạnh đó, việc thi hành Luật cũng gặp những khó khăn, vướng mắc cần được tổng hợp nghiên cứu, đưa ra những giải pháp khắc phục.

1. Kết quả đạt được

1.1. Về công tác chỉ đạo triển khai thi hành Luật

Ngay khi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được ban hành, công tác triển khai thi hành Luật được thực hiện khẩn trương và tích cực. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật ban hành kèm theo Quyết định số 187/QĐ-TANDTC ngày 17/7/2020 và thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (theo Quyết định số 267/QĐ-TANDTC ngày 25/9/2020).

Ngoài ra, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo, quán triệt đến các Tòa án nhân dân về công tác triển khai thi hành Luật thông qua các quyết định, công văn, hội nghị trực tiếp và trực tuyến như: Hội nghị triển khai công tác Tòa án nhân dân năm 2021, năm 2022, Hội nghị giải đáp trực tuyến …, thành lập các Đoàn kiểm tra đến trực tiếp kiểm tra và hướng dẫn thực hiện công tác hòa giải, đối thoại tại các Tòa án địa phương.

Các Tòa án nhân dân đều xác định nhiệm vụ triển khai thi hành Luật là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Tòa án và đã đề xuất với Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, thành phố nội dung triển khai thi hành Luật. Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp nhiều tỉnh, thành phố đã bổ sung vào nhiệm vụ trọng tâm công tác, ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thi hành Luật và phân công nhiệm vụ đối với các thành viên Ban Chỉ đạo trong việc triển khai thi hành Luật. Các Tòa án tỉnh, thành phố nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của tỉnh ủy/thành ủy, sự đồng tình, tạo điều kiện của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp của tỉnh.

Nhiều Tòa án xây dựng kế hoạch để triển khai thi hành Luật đến Tòa án hai cấp, thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo triển khai thi hành Luật. Lãnh đạo Tòa án cấp tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị cơ sở vật chất, kinh phí để triển khai thi hành theo kế hoạch của Tòa án nhân dân tối cao và chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thực hiện công tác tham mưu, thống kê, tổng hợp; thành lập đoàn kiểm tra các đơn vị thực hiện theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Một số Tòa án đã tổ chức các hoạt động sáng tạo trong triển khai thi hành Luật, điển hình như: Tòa án nhân dân tỉnh An Giang tổ chức trao đổi nghiệp vụ trực tuyến với chuyên đề “Công tác hòa giải, đối thoại - những vấn đề cần chia sẻ”; Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội nghị sơ kết 01 năm thi hành Luật; Tòa án huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã ban hành quy chế phối hợp giữa Tòa án và Hòa giải viên; Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang xây dựng Đề án tổ chức đối thoại trực tuyến trong giải quyết án hành chính tại Tòa án nhân dân tỉnh…

1.2. Về xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật

Đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật đã được ban hành tương đối đầy đủ, bao gồm: 01 Nghị định của Chính phủ; 03 Thông tư của Tòa án nhân dân tối cao; 01 Thông tư của Bộ Tài chính (Tòa án nhân dân tối cao phối hợp trong việc ban hành Thông tư này); 01 Chỉ thị về tăng cường công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án kèm theo Hướng dẫn quy trình hòa giải, đối thoại; 01 giải đáp nghiệp vụ về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; 01 Đề án trang bị cơ sở vật chất cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án của Tòa án nhân dân tối cao và 15 công văn, quyết định về việc triển khai thi hành Luật.

1.3. Về công tác tuyên truyền, phổ biến

Tòa án nhân dân tối cao đã có nhiều hoạt động để tuyên truyền như: Ban hành Kế hoạch tuyên truyền; tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật; tuyên truyền thông qua các đợt tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ Hòa giải viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án; phát hành cuốn thông tin khoa học xét xử và cuốn hỏi đáp về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đăng tải Luật, các văn bản quy định chi tiết và các văn bản triển khai thi hành Luật trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao; Báo Công lý phối hợp với Truyền hình Quốc hội tổ chức Tọa đàm về Luật, Tạp chí Tòa án nhân dân có mục “Diễn đàn về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án” để đăng tải các bài viết về công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án...

Các Tòa án nhân dân thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản quy định chi tiết, các hoạt động triển khai Luật được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, gồm: Ban hành kế hoạch tuyên truyền; tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật; phối hợp với báo, Đài phát thanh,  Đài truyền hình của địa phương tuyên truyền về Luật; tuyên truyền thông qua các đợt tập huấn; kết hợp với sở, ban, ngành tổ chức giới thiệu, tuyên truyền, phổ biến Luật....

Một số Tòa án nhân dân có cách tuyên truyền hay, sáng tạo như in và phát hành cuốn Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để phát cho Hòa giải viên, Thẩm phán và các sở, ban, ngành ở địa phương; tổ chức thành công cuộc thi “Kỹ năng Thẩm phán và Hòa giải viên trong áp dụng thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án”...

Công tác phổ biến, tuyên truyền Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và văn bản quy định chi tiết thi hành đã làm chuyển biến tích cực nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án, từng bước đưa Luật vào cuộc sống.

1.4. Về tuyển chọn, bồi dưỡng, bổ nhiệm và hoạt động của Hòa giải viên

Từ khi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực đến nay, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức hai đợt bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án để bổ nhiệm Hòa giải viên[2]. Ngoài ra, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức một số đợt bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho Hòa giải viên theo vùng miền và theo yêu cầu của Tòa án địa phương. Tính đến ngày 27/4/2022, cả nước có tổng số 2.174 Hòa giải viên. Hầu hết các Hòa giải viên đều có trình độ, hiểu biết pháp luật, có kinh nghiệm tiến hành hòa giải, đối thoại. Các Hòa giải viên đều rất nhiệt huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.

1.5. Kết quả hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Sau gần hai năm thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (tính từ ngày 01/01/2021 đến ngày 01/7/2022), các Tòa án trên toàn quốc đã nhận được 541.962 đơn khởi kiện, đơn yêu cầu về dân sự, hành chính, đưa ra hòa giải, đối thoại được 114.332 vụ việc, hòa giải thành, đối thoại thành được 64.676 vụ việc, trong đó, năm 2021 hòa giải thành, đối thoại thành được 10.430/28.004 vụ việc (chiếm tỷ lệ 37.2%); 7 tháng đầu năm 2022 (từ 01/01/2022 đến 01/7/2022) hòa giải thành, đối thoại thành được 54.246/86.332 vụ việc (chiếm tỷ lệ 62,8%).

Kết quả hoạt động hòa giải, đối thoại qua từng năm được thể hiện qua biểu đồ sau đây:

Biểu đồ: Kết quả hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Biểu đồ trên phản ánh bức tranh tổng quan về tình hình hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Năm 2021 là năm đầu tiên thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Do đó, các Tòa án phải tiến hành các hoạt động chuẩn bị, như thành lập Ban Chỉ đạo, tuyển dụng, bổ nhiệm, bồi dưỡng Hòa giải viên, chuẩn bị cơ sở vật chất .... Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật. Đến năm 2022, hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã có những kết quả tốt hơn, đặc biệt là số lượng các vụ việc được hòa giải thành, đối thoại thành. Tuy nhiên, số lượng các vụ việc đã chuyển sang hòa giải, đối thoại tại Tòa án vẫn chiếm tỷ lệ thấp so với số lượng đơn khởi kiện, đơn yêu cầu mà Tòa án nhận được. Một số nguyên nhân chủ yếu như: nhiều đương sự không lựa chọn hòa giải, đối thoại tại Tòa án vì họ chưa thực sự hiểu rõ về cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án nên e ngại mất thời gian, công sức; lực lượng Hòa giải viên còn thiếu cả về số lượng và kỹ năng nghiệp vụ.

Kết quả hòa giải, đối thoại cũng không đồng đều giữa các địa phương. Một số Tòa án có số lượng vụ việc chuyển sang hòa giải, đối thoại tại Tòa án cao và cũng có số lượng vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành cao như Hải Phòng, Bình Dương, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Nội. Một số Tòa án có kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án khả quan như: Bình Phước, Đà Nẵng, Tây Ninh, Thanh Hóa, Long An, Hà Giang, Sóc Trăng, Quảng Bình, Bạc Liêu. Một số Tòa án có số lượng vụ việc ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành cao như: Hải Phòng, Bình Dương, Quảng Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Quảng Nam. Bên cạnh đó, một số đơn vị Tòa án cấp huyện không có vụ việc chuyển sang hòa giải, đối thoại nên hầu như các Hòa giải viên đều không hoạt động.

2. Những khó khăn, vướng mắc

Việc triển khai thi hành Luật trong thời gian qua gặp một số khó khăn, vướng mắc chính như sau:

Thứ nhất, trong công tác tuyển chọn, bổ nhiệm Hòa giải viên còn gặp khó khăn, đặc biệt tại một số đơn vị cấp huyện miền núi, xa trung tâm của tỉnh, rất khó tìm được người đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm Hòa giải viên. Số lượng Hòa giải viên đã được bổ nhiệm thấp hơn nhiều so với định biên (định biên số lượng Hòa giải viên tại Tòa án trong toàn quốc năm 2022 là 9.987 người)[3].

Số lượng Hòa giải viên thiếu là do nguồn tuyển chọn Hòa giải viên còn hạn chế, đặc biệt là các địa phương ở các huyện ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; một số nhân sự thiếu chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại; một số người có đủ tiêu chuẩn nhưng từ chối tham gia.

Hiện nay, các đơn vị còn thiếu Hòa giải viên vẫn đang tiếp tục công tác tuyển chọn Hòa giải viên theo quy định.

Thứ hai, kỹ năng hòa giải, đối thoại của một số Hòa giải viên còn hạn chế; Hòa giải viên lớn tuổi có kinh nghiệm, có chuyên môn thì thường có hạn chế về kỹ năng công nghệ thông tin, ghi chép, đánh máy….

Thứ ba, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật và văn bản quy định chi tiết thi hành Luật không được tổ chức thường xuyên, rộng rãi với quy mô lớn, tập trung đông người do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; công tác tuyên truyền, phổ biến Luật ở các địa phương là các tỉnh miền núi, có nhiều thôn, xã vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ tư, vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ áp dụng pháp luật về hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Thứ năm, một số Tòa án gặp khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp phòng hòa giải, đối thoại và phòng làm việc cho Hòa giải viên.

Ngoài ra, nhiều Tòa án thiếu Thẩm phán, Thư ký Tòa án để hỗ trợ đối với công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đương sự không hợp tác; các cơ quan chuyên môn chậm trả lời khi được tham vấn ý kiến...

3. Một số giải pháp khắc phục

3.1. Về tuyên truyền, phổ biến Luật

Thứ nhất, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đặc biệt là ở các địa phương ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa để mọi tầng lớp nhân dân đều biết đến các quy định của Luật, đổi mới về hình thức tuyên truyền và quy mô tuyên truyền trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát.

Thứ hai, các Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện phân công Hòa giải viên tuyên truyền để trực tiếp phổ biến, tuyên truyền về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện trong quá trình nhận và xử lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hành chính, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn theo Hướng dẫn ban hành kèm theo Chỉ thị số 02/2022/CT-CA nhằm nâng cao hiểu biết và tin tưởng của người dân đối với cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Thứ ba, Tòa án nhân dân tối cao cần xây dựng và thực hiện hiệu quả Đề án tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án giai đoạn 2022 - 2026.

3.2. Về tuyển chọn, bổ nhiệm và bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ Hòa giải viên

Thứ nhất, Tòa án nhân dân tối cao cần tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại cho những cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của Luật và có nguyện vọng làm Hòa giải viên (để bổ nhiệm Hòa giải viên mới); đồng thời, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng chuyên sâu cho Hòa giải viên đã được bổ nhiệm theo các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh - thương mại, lao động và hành chính.

Thứ hai, Tòa án nhân dân tối cao cần tổ chức các khóa tập huấn, trao đổi kinh nghiệm hòa giải, đối thoại giữa các Tòa án, học tập kinh nghiệm hòa giải, đối thoại của các nước có hoạt động hòa giải, đối thoại hiệu quả, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hoa Kỳ...

Các Tòa án địa phương cũng cần chủ động tuyển chọn, bổ nhiệm và bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm trong địa phương mình để đáp ứng kịp thời nhu cầu hòa giải, đối thoại của địa phương.

Ngoài ra, cần xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin về Hòa giải viên tại Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân cấp tỉnh  để phục vụ công tác quản lý Hòa giải viên như: tái bổ nhiệm, chỉ định Hòa giải viên.

3.3. Về việc tiến hành hòa giải, đối thoại

Thứ nhất, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong việc chỉ đạo việc chuyển kịp thời tất cả các đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu kèm theo đủ điều kiện sang hòa giải, đối thoại trước khi Tòa án thụ lý vụ việc với tinh thần giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ việc phải hòa giải, đối thoại trong tố tụng.

Thứ hai, các Tòa án phấn đấu đạt chỉ tiêu hòa giải, đối thoại; phát động phong trào thi đua về hòa giải, đối thoại tại Tòa án, gắn kết quả của phong trào thi đua này với việc bình xét các danh hiệu thi đua theo chỉ tiêu nêu tại Chỉ thị số 02/2022/CT-CA.

3.4. Về việc hướng dẫn thi hành Luật

Tòa án nhân dân tối cao cần tiếp tục triển khai các hoạt động triển khai thi hành Luật và hỗ trợ các Tòa án trong việc thi hành Luật, bao gồm: xây dựng Thông tư (sửa đổi, bổ sung) của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết Điều 10 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên; thường xuyên xây dựng giải đáp các vướng mắc về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; xây dựng Quy chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án; nghiên cứu xây dựng cuốn Sổ tay Hòa giải viên; tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng mẫu sổ nghiệp vụ và biểu mẫu thống kê về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; xây dựng phần mềm thống kê để theo dõi, quản lý hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án liên thông với các phần mềm thống kê của hệ thống Tòa án nhân dân, áp dụng thống nhất trong hệ thống Tòa án; hướng dẫn cách sắp xếp, quản lý, lưu trữ hồ sơ sau khi tiến hành thủ tục hòa giải, đối thoại theo Luật.

3.5. Về cơ sở vật chất

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án trang bị cơ sở vật chất cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án của Tòa án nhân dân tối cao để đảm bảo trang bị kịp thời về cơ sở vật chất cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án./.

 

Hòa giải viên hòa giải vụ tranh chấp đất đai tại Trung tâm hòa giải, đối thoại Tòa án nhân dân tỉnh Long An (Ảnh tư liệu)

[1] Thông tin bài viết này được tổng hợp từ các báo cáo của các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Tòa án nhân dân tối cao.

[2] Tòa án nhân dân tối cao tổ chức hai đợt bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án vào tháng 12/2020 và tháng 5/2022.

[3] Định biên số lượng Hòa giải viên năm 2022 được ban hành kèm theo Quyết định số 451/QĐ-TANDTC ngày 27-4-2022.

TS. NGUYỄN VĂN DU - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao