Khắc phục khó khăn về nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Chiều 6/6, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân nhằm khắc phục tình trạng thiếu nguồn cán bộ bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC và nghe Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra.

Khó khăn về nguồn cán bộ

Theo Tờ trình, Chánh án TANDTC đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về thi hành Luật Tổ chức TAND, việc sửa đổi nghị quyết nhằm bổ sung nguồn Thẩm phán cao cấp để đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC, bảo đảm hoạt động bình thường của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và bảo đảm điều kiện để kiện toàn lãnh đạo TANDTC. Bởi thực hiện theo quy định hiện hành thì sắp tới sẽ thiếu nguồn cán bộ đủ điều kiện có thể đề nghị bổ nhiệm.

Qua thực tiễn thi hành quy định tại Điều 69 Luật tổ chức TAND năm 2014, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình báo cáo Quốc hội về một vấn đề còn vướng mắc. Cụ thể, thực hiện Luật tổ chức TAND năm 2014, Nghị quyết số 81 của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức TAND, TANDTC đã khẩn trương triển khai mô hình Tòa án 4 cấp, sắp xếp lại đội ngũ Thẩm phán, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và thi tuyển, bổ nhiệm các ngạch Thẩm phán,…Cho đến nay, hoạt động của Tòa án các cấp đã đi vào nền nếp và phát huy tác dụng.

Tuy vậy, trong thực tiễn thi hành Luật đã bộc lộ một số bất cập như sau: Theo quy định của Luật, Hội đồng Thẩm phán TANDTC có 17 thành viên, bao gồm: Chánh án, các Phó Chánh án và các Thẩm phán TANDTC. Thẩm phán TANDTC do Quốc hội phê chuẩn phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật; trong đó, phải có tối thiểu 05 năm là Thẩm phán cao cấp (quy định tại điểm a khoản 1 Điều 69 Luật tổ chức TAND năm 2014).

Trong khi đó, Thẩm phán cao cấp là ngạch Thẩm phán mới được quy định từ năm 2015 sau khi Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 có hiệu lực thi hành. Số lượng Thẩm phán TANDTC theo quy định của Luật tổ chức TAND năm 2002 gồm 120 người. Thực hiện Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và Nghị quyết số 81/2014/QH13, có 12 người được bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC; 63 người được bổ nhiệm (chuyển đổi) Thẩm phán cao cấp. Tính từ tháng 8/2015 đến tháng 5/2019, số lượng Thẩm phán cao cấp được bổ nhiệm 171 người, cụ thể là: Năm 2015, bổ nhiệm 25 Thẩm phán cao cấp (gồm 18 Chánh án TAND cấp tỉnh và 07 Thẩm phán cao cấp cho TANDTC); năm 2016, bổ nhiệm 04 Thẩm phán cao cấp (gồm 01 Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 03 Thẩm phán cao cấp cho Tòa án cấp cao); năm 2017, bổ nhiệm 84 Thẩm phán cao cấp (gồm 30 Chánh án, Phó Chánh án TAND cấp tỉnh và 54 Thẩm phán cao cấp cho Tòa án cấp cao, Tòa án quân sự); năm 2018, bổ nhiệm 49 Thẩm phán cao cấp (gồm 27 Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 22 Thẩm phán cao cấp cho Tòa án cấp cao, Tòa án quân sự); năm 2019, bổ nhiệm 09 Thẩm phán cao cấp (gồm 06 Chánh án TAND cấp tỉnh và 03 Thẩm phán cao cấp cho Tòa án cấp cao, Tòa án quân sự). Trong số Thẩm phán cao cấp được bổ nhiệm trong năm 2015, năm 2016 đến nay phần lớn đã nghỉ hưu, lớn tuổi, một số không đủ các tiêu chuẩn, điều kiện khác để bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC, như: trình độ, năng lực, tín nhiệm,…; còn lại 31 người đủ tuổi bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhưng chỉ còn 01 người trong quy hoạch lãnh đạo TANDTC giai đoạn 2016-2021. Các Thẩm phán cao cấp được bổ nhiệm từ tháng 01/2017 trở lại đây đủ điều kiện quy hoạch lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao giai đoạn 2016-2021và một số đủ điều kiện quy hoạch giai đoạn 2021-2026 theo quy định của Đảng và pháp luật. Trong khi đó, việc lựa chọn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngoài tuân thủ các tiêu chuẩn, điều kiện luật định cũng cần phải cân nhắc tạo nguồn quy hoạch lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao.

Chánh án TANDTC nêu rõ, hiện nay, Hội đồng Thẩm phán TANDTC có 16 thành viên, bao gồm: Chánh án, 04 Phó Chánh án, 11 Thẩm phán TANDTC. Năm 2019 có 01 đồng chí đã được nghỉ hưu, đến năm 2020 sẽ có 04 đồng chí nghỉ hưu, năm 2021 sẽ có 03 đồng chí nghỉ hưu; đến năm 2022 và sau đó phần lớn Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ nghỉ hưu . Đội ngũ lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao hiện có 05 người, gồm: Chánh án và 04 Phó Chánh án. Năm 2019, có 01 Phó Chánh án đã nghỉ hưu, năm 2020 sẽ có 01 Phó Chánh án được nghỉ hưu và đến năm 2023 sẽ có 02 Phó Chánh án nghỉ quản lý.

Để bảo đảm hoạt động của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và công tác lãnh đạo, điều hành TANDTC theo quy định, thì cần phải lựa chọn nguồn cán bộ có đủ điều kiện theo quy định để bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC và trên cơ sở đó, lựa chọn để bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao. Như vậy, từ nay trở đi phải liên tục bổ sung thành viên Hội đồng Thẩm phán và lãnh đạo TANDTC. Trong khi đó, nguồn bổ sung theo quy định của Luật ở giai đoạn quá độ này đã không còn. Đây là điều Nghị quyết số 81 đã không tính đến, ảnh hưởng đến hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao từ năm 2019 trở đi.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, từ thực tiễn nêu trên, để bảo đảm hoạt động bình thường của Tòa án nhân dân tối cao, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chánh án TANDTC báo cáo Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân theo trình tự, thủ tục rút gọn, cụ thể như sau: “Từ nay đến ngày 01/02/2022, cho phép Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC trong đó có từ nguồn Thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện luật định nhưng chưa đủ 05 năm làm Thẩm phán cao cấp”

Tán thành đề nghị sửa đổi Nghị quyết

Trình bày Báo cáo thẩm tra về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81 nhằm kịp thời bổ sung nguồn Thẩm phán cao cấp để đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), bảo đảm hoạt động bình thường của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và bảo đảm điều kiện để kiện toàn lãnh đạo TANDTC; đồng thời, thống nhất với tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết như đã nêu trong nội dung Tờ trình của Chánh án TANDTC.


Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh QH

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, qua thẩm tra Ủy ban Tư pháp nhận thấy có một số nguyên nhân dẫn đến thiếu nguồn bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC.

Một là khi xây dựng Luật Tổ chức TAND năm 2014, Quốc hội đã tính đến nguồn để bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC theo Luật mới trong số Thẩm phán TANDTC theo Luật cũ chuyển sang và số người không công tác tại các Tòa án theo khoản 2 Điều 69 Luật Tổ chức TAND năm 2014. Quốc hội cũng đã cho phép khoản 4 Điều 68, khoản 1 Điều 69 và một số điều luật khác có hiệu lực trước 04 tháng so với thời điểm có hiệu lực chung của Luật để phục vụ cho việc kiện toàn tổ chức của các Tòa án, cho công tác bổ nhiệm các ngạch Thẩm phán ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, số Thẩm phán cao cấp được bổ nhiệm trong các năm 2015, 2016 chỉ có 29 người cho thấy công tác triển khai thi hành Luật tổ chức TAND 2014 có phần chậm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu nguồn bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC từ năm 2020 (sau 05 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành).

Hai là công tác quy hoạch, bồi dưỡng tạo nguồn để bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC đối với số Thẩm phán này còn nhiều bất cập. Ba là công tác bồi dưỡng, tạo nguồn quy hoạch lãnh đạo TANDTC chưa đáp ứng yêu cầu. Bốn là nguồn cán bộ là những người không công tác tại các Tòa án nhưng giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức trung ương, am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao hoặc là những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về pháp luật… theo quy định tại khoản 2 Điều 69 Luật Tổ chức TAND năm 2014 cũng chưa được TANDTC tính đến.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, những khó khăn trong thiếu nguồn bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC đồng thời là lãnh đạo TANDTC đang phát sinh trong thực tiễn cần phải có giải pháp khắc phục để bảo đảm hoạt động bình thường của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và kiện toàn lãnh đạo TANDTC. Do đó, Ủy ban Tư pháp tán thành với nội dung đề nghị của Chánh án TANDTC về sửa đổi Nghị quyết số 81, quy định điểm a khoản 1 Điều 69 Luật Tổ chức TAND năm 2014 được áp dụng theo hướng: từ nay đến ngày 01/02/2022, cho phép Chánh án TANDTC trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC trong đó có từ nguồn Thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo luật định nhưng chưa đủ 05 năm làm Thẩm phán cao cấp.

Ngoài ra, Uỷ ban Tư pháp cũng đề nghị TANDTC chú ý phát hiện nguồn bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC từ các cán bộ không công tác trong ngành tòa án theo khoản 2 Điều 69 Luật Tổ chức TAND năm 2014 và lưu ý TANDTC tăng cường công tác bồi dưỡng tạo nguồn từ những Thẩm phán cao cấp là Thẩm phán TANDTC theo Luật năm 2002 chuyển xuống làm Thẩm phán cao cấp theo Luật mới, đang còn tuổi bổ nhiệm; tăng cường công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ để chủ động nguồn bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC, lãnh đạo TANDTC cho các giai đoạn tiếp theo.

THÁI VŨ