Khắc phục những khó khăn, vướng mắc để đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại động vật hoang dã có hiệu quả

Thời gian qua,lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý rất nhiều các vụ việc vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, ngăn chặn các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, song thực tế hiệu quả ngăn chặn, phát hiện và xử lý vẫn chưa cao. Do đó, để tăng cường hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm này, bài viết tập trung khái quát một số tồn tại hạn chế, vướng mắc và đề xuất giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc ở Việt Nam, góp phần đưa pháp luật vào thực tiễn.

Lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý rất nhiều các vụ việc vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, ngăn chặn các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã. Chỉ tính từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2019 các cơ quan chức năng đã phát hiện 34 vụ việc vi phạm về động vật hoang dã (trong đó tê tê là loài bị buôn bán nhiều nhất), 51.370 kg sản phẩm động vật hoang dã gồm xương, thịt, sừng, ngà vẩy, 872 cá thể động vật hoang dã gồm các cá thể còn sống hoặc đã chết (khô, đông lạnh) và 34 vụ vận chuyên động vật hoang dã . Năm 2015, Toà án nhân dân tối cao đã xét xử 36 vụ tội phạm về động vật hoang dã. Trong đó, tội phạm buôn lậu qua biên giới về ngà voi, sừng tê giác với số lượng lớn ngày càng tăng (trước đây tính bằng kilogam, nay có vụ lên đến cả tấn, thậm chí cả container). Đây là con số thống kê thể hiện sự nỗ lực trong các biện pháp phòng, chống tội phạm xâm hại động vật hoang dã song thực tế hiệu quả ngăn chặn, phát hiện và xử lý vẫn chưa cao. Do đó, để tăng cường hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại động vật hoang dã, bài viết tập trung khái quát một số tồn tại hạn chế, vướng mắc và đề xuất giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc ở Việt Nam, góp phần đưa pháp luật vào thực tiễn.

1. Một số tồn tại, hạn chế và khó khăn vướng mắc

1.1. Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật

Bộ luật Hình sự (BLHS)năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực năm 2018) có một số điểm mới liên quan đến các tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó tách riêng hai nhóm tội phạm về động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm và nhóm động vật hoang dã khác. Các quy định trong BLHS mới đã chính thức mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả các loài động vật hoang dã trong Công ước CITES.Điều 234 BLHS năm 2015 quy định chi tiết hơn, rõ ràng hơn, đã lượng hóa các trường hợp phạm tội, quy định trị giá và số lượng động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc sản phẩm của loài động vật; bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của động vật làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 244 BLHS năm 2015 đã bổ sung đối tượng được bảo vệ là “động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp” và quy định khối lượng mẫu vật hoặc số lượng cá thể từng nhóm, loài theo 3 khoản cụ thể, kể cả ngà voi và sừng tê giác, đồng thời bổ sung các tình tiết tại khung tăng nặng “buôn bán, vận chuyển qua biên giới”, “tái phạm nguy hiểm” nhằm điều chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp phạm tội, nhất là các trường hợp buôn bán ngà voi, sừng tê giác qua biên giới mà trước đây chủ yếu bị xử lý về tội buôn lậu hoặc vận chuyển hàng hoá qua biên giới. Quy định này thể hiện thái độ của Nhà nước Việt Nam đối với các hành vi phạm tội ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng đã bị phát hiện thời gian qua. Ngoài ra, BLHS còn quy định xử lý hình sự đối với một số trường hợp đã bị xử lý vi phạm hành chính về một trong những hành vi được quy định tại điều đó hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; bỏ các tình tiết quy định chung chung trước đây là “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” và thay vào đó là những hành vi có thể định lượng. Theo luật mới, cả mức phạt tiền và án phạt đều tăng mạnh, phạt tiền tối đa 15 tỉ đồng đối với pháp nhân và án phạt cao nhất 15 năm tù đối với cá nhân – tăng hơn hai lần so với BLHS trước đó cho thấy Việt Nam thực thi cam kết mạnh mẽ trước cộng đồng quốc tế trong công tác đấu tranh chống tội phạm về động vật hoang dã. Trong quá trình áp dụng BLHS năm 2015 vẫn còn một số khó khăn hạn chế với những trường hợp cụ thể như sau:

Thứ nhất, khó khăn trong việc áp dụng Điều 234 BLHS và Điều 244 BLHS năm 2015.Theo quy định của Điều 234 BLHS năm 2015 thì đối tượng tác động của tội phạm này là: Động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước CITES hoặc bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục. Tuy nhiên, Điều 234 căn cứ vào giá trị hàng hóa, hậu quả của hành vi trong khi Điều 244 căn cứ số lượng cá thể  bị xâm hại làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, định khung hình phạt gây vướng mắc trong công tác điều tra, truy tố, xét xử. Xin đơn cử một vụ án như sau:

Ngày 15/8/2018, Nguyễn Thị Út địa chỉ thôn 3, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông đã có hành vi nuôi nhốt và bảo quản các cá thể động vật hoang dã gồm: 13 cá thể cheo cheo đã bị mổ bụng thuộc Nhóm IIB; 02 cá thể cầy voi hương còn sống là động vật hoang dã thông thường, 01 cá thể thú bốn chân đã bị mổ bụng không xác định được loài; 02 cá thể cầy vòi hương còn sống là động vật hoang dã thông thường, 01 cá thể rắn hổ chúa (tên khoa học là Ophiophagushannah). Cơ quan điều tra huyện Đắk R’lấp đã bắt quả tang, tiến hành thu giữ, niêm phong các cá thể động vật hoang dã nêu trên để tiến hành giám định. Kết luận giám định tư pháp các cá thể trên thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ[1]. TAND huyện Đắk R’lấp xét xử sơ thẩm quyết định:[2]Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 244; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 6 năm 2015: Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Út 01 năm 03 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 02 năm 06 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Lý do VKSND huyện Đắk R’lấp chỉ truy tố và TAND huyện Đắk R’lấp chỉ xét xử bị cáo Nguyễn Thị Út về 01 tội là “tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo Điều 244 BLHS năm 2015, trong số các động vật mà bị cáo Nguyễn Thị Út mua để bán lại có 01 cá thể rắn hổ mang chúa thuộc nhóm IIB là động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013. VKSND huyện Đắk R’Lấp không truy tố và TAND huyện Đắk R’lấp không xét xử bị cáo Nguyễn Thị Út về “tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” theo Điều 234 BLHS năm 2015 vì theo kết quả giám định tư pháp thì trong số các động vật mà Nguyễn Thị Út mang bán có 13 cá thể có tên là cheo cheo thuộc Nhóm IIB, số còn lại đều thuộc nhóm thông thường và có tổng trị giá 5.647.000đồng (dưới 150.000.000đồng)[3]; bị cáo Nguyễn Thị Út có nhân thân tốt (chưa bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án). TAND huyện Đắk R’lấp cho rằng chưa đủ yếu tố cấu thành tội quy định tại Điều 234 BLHS năm 2015[4].

Thứ hai, quy định của Điều 244 BLHS năm 2015 còn tạo lỗ hổng để người vi phạm lợi dụng. Bởi lẽ, điểm d khoản 1 Điều 244 BLHS năm 2015 quy định: “Săn, bắt, giết…nhóm IB…không thuộc loài quy định tại các điểm a với số lượng 3 đến 7 cá thể lớp thú, 7 đến 10 cá thể lớp chim, bò sát, hoặc từ 10 đến 15 cá thể động vật lớp khác. Ví dụ phải từ 3 đến 7 cá thể chồn bay, 7 đến 10 cá thể cò thìa thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.[5] Trong khi đó, khoản 14 Điều 21 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp quy định về hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ rừng quy định: “Phạt tiền từ 360.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm có tang vật là động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB với số lượng 02 cá thể lớp thú hoặc từ 05 đến 06 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 06 đến 09 cá thể động vật lớp khác”  hoặc trường hợp vận chuyển động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm trái phép thuộc nhóm IB hoặc phụ lục I CITES nếu không đủ số lượng cá thể theo từng lớp sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 244 BLHS. Đây là lỗ hổng để các đối tượng vận chuyển nhiều chủng loại, số loại từng loại ít nhưng tổng số lượng cá thể nhiều để nếu bị bắt vẫn không bị xử lý hình sự. Hiện nay cơ quan điều tra đang gặp khó khăn trong áp dụng pháp luật[6] bởi Điều 244 BLHS năm 2015, chưa có quy định cụ thể về trọng lượng bao nhiêu có thể truy tố trong những vụ án tang vật là vảy tê tê (Nếu xử lý vảy tê tê là bộ phận không thể tách rời khỏi sự sống của động vật thì với trường hợp vảy tê tê Châu Phi, theo quy định (tại phụ lục I Danh mục CITES) phải xâm hại từ 03 cá thể thì mới truy tố nhưng lại chưa có quy định nào quy đổi bao nhiêu vảy tê tê thì xâm hại 01 cá thể[7].

Thứ ba, hình phạt quy định về loại tội phạm này chưa phù hợp đối với đối tượng là trẻ em. Bởi lẽ, đây là loại tội phạm có chủ thể vi phạm khá phổ biến là trẻ em, người dưới 18 tuổi, việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ là cần thiết. Song khoản 1 Điều 244 BLHS năm 2015 đã bỏ hình phạt “cải tạo không giam giữ”, chỉ giữ lại hình phạt tiền và hình phạt tù, đồng thời sửa theo hướng tăng nặng thêm với mức hình phạt tiền đến 2.000.000.000 đ và mức hình phạt tù đến 05 năm. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 BLHS năm 2015 thì đây là tội phạm nghiêm trọng. Trong số các chủ thể tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm có chủ thể là người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nên khi quyết định hình phạt cần phải tuân theo Chương XII-Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Người dưới 18 tuổi phạm tội là đối tượng đặc biệt, được Nhà nước chú trọng bảo vệ vì họ chưa hoàn thiện về tâm sinh lý. Hành vi của họ được thực hiện trên thực tế có tính nguy hiểm thấp hơn so với hành vi của người từ đủ 18 tuổi thực hiện. Hơn nữa, theo quy định tại Điều 98 BLHS năm 2015: các hình phạt được áp dụng đối với người 18 tuổi gồm có: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn. Đối chiếu với các loại hình phạt được quy định tại Điều 244 tội “vi phạm các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm thấy chỉ có 02 loại hình phạt được áp dụng đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi thực hiện tội phạm này, đó là hình phạt tiền và hình phạt tù. Theo quy định tại Điều 99 BLHS năm 2015 “Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu người đó có thu nhập riêng hoặc tài sản riêng. Mức phạt tiền đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định”. Như vậy, nếu trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm mà không thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt; không có tài sản để thi hành hình phạt tiền dẫn đến khó khăn cho Tòa án khi quyết định hình phạt cụ thể đối với người phạm tội. Hơn nữa, tại khoản 1 Điều 36 BLHS năm 2015 quy định về điều kiện để áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ là: “Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội”. Do đó, việc không quy định hình phạt cải tạo không giam giữ chính là khó khăn trong việc tòa án đưa ra bản án có tính khả thi đối với trường hợp là trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội.
Thứ tư, qua thực tế xét xử cho thấy người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm đa phần là người làm thuê, không có nghề nghiệp và thu nhập ổn định, có điều kiện hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn trong khi đó mức phạt tiền tại khoản 1 Điều 244 BLHS năm 2015 từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng là quá cao. Hơn nữa, căn cứ khoản 3 Điều 35 BLHS năm 2015 quy định khi quyết định áp dụng hình phạt tiền thì khi xét xử buộc phải áp dụng hình phạt tù “từ 01 năm đến 05 năm” đối với người phạm tội. Quy định nghiêm khắc này thể hiện tính răn đe nhưng lại khó áp dụng với đối tượng này, nếu căn cứ vào hành vi thì hình phạt tù là phù hợp song nếu căn cứ vào chủ thể thì hình phạt tù và phạt tiền lại quá nghiêm khắc, nếu áp dụng hình phạt tù và cho hưởng án treo cũng rất dễ phát sinh tình trạng lợi dụng người lao động, người nghèo tham gia hoạt động vận chuyển động vật hoang dã hoặc coi thường pháp luật, săn bắn động vật hoang dã quý hiếm tràn lan.

Thứ năm, tại điểm b khoản 1 Điều 244 BLHS 2015 quy định: “…buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của loài động vật quy định tại điểm a khoản này”, tức là trong số các đối tượng mà tội phạm hướng đến quy định trong khoản 1 có “sản phẩm” của động vật nguy cấp, quý, hiếm. Đối chiếu với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 244, thì số lượng động vật đã định lượng tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 1 Điều 244. Tuy nhiên, đối với “sản phẩm” của động vật nguy cấp, quý, hiếm thì Điều 244 lại không quy định về số lượng, khối lượng hay giá trị của sản phẩm để định lượng làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra BLHS năm 2015 bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân thực hiện tội phạm về vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã nhằm đáp ứng với tình hình thực tiễn trong đấu tranh chống buôn bán trái phép động vật hoang dã với đối tượng vi phạm không chỉ là những cá nhân và còn là một tổ chức kinh tế, doanh nghiệp … Về chế tài xử phạt, pháp nhân thương mại vi phạm được quy định tại điều 234 BLHS 2015 tùy theo mức độ mà có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đến 6 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 03 năm hoặc là đình chỉ vĩnh viễn. Tuy vậy, trên thực tiễn đến nay chưa có pháp nhân thương mại bị truy tố về tội quy định tại điều này. Trong khi đó, ở một số tỉnh, điển hình là Hải phòng, Công an thành phố và Cục Hải quan thành phố đã khởi tố 09 vụ án vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới[8]. Cơ quan điều tra đã phải tạm đình chỉ điều tra đối với 06 vụ án vì chưa làm rõ được đối tượng, 03 vụ án đang điều tra làm rõ. Các đối tượng phạm tội bằng các phương thức, thủ đoạn khác nhau như tạm nhập tái xuất, để lẫn các loại động vật hoang dã với nhau, vận chuyển trong xe đông lạnh chở kèm với các loại hàng hóa hợp pháp khác; giấu ngà voi, đồi mồi trong các container chứa các mặt hàng khác như lạc nhân, vỏ ốc, than củi, đỗ… đặc biệt để đánh lừa việc kiểm tra hải quan, các đối tượng đã chọn mặt hàng có đặc điểm gần giống, có thể gây nhầm lẫn là sừng bò và cất giấu ngà voi trong các sừng bò cỡ lớn. Khi được cơ quan điều tra triệu tập, ghi lời khai, các cá nhân đại diện công ty nhận hàng có tên trong vận đơn đều từ chối nhận hàng, và khẳng định hàng hoá bị gửi nhầm hoặc công ty không ký hợp đồng với công ty nước ngoài và không làm thủ tục mở tờ khai hải quan để nhập khẩu lô hàng là ngà voi, hoặc công ty nhận làm thủ tục tạm nhập, tái xuất cho công ty ở nước ngoài, tại tờ khai hải quan thể hiện hàng hoá tạm nhập tái xuất là hàng hoá được pháp luật cho phép, không biết lô hàng chứa ngà voi. Mặt khác, các container chứa ngà voi đều được gửi từ các công ty nước ngoài nên cơ quan điều tra Công an thành phố không thể trực tiếp xác minh làm rõ mà phải yêu cầu tương trợ tư pháp để điều tra nhưng đều chưa có kết quả trả lời.

1.2. Khó khăn, vướng mắc trong việc giám định mẫu vật động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm

Thứ nhất, giám định tư pháp đối với tang vật, vật chứng là quy trình, thủ tục bắt buộc các cơ quan chức năng phải thực hiện trong quá trình xử lý vụ án (hành chính, hình sự) theo quy định của pháp luật. Việc không trưng cầu giám định hoặc thực hiện giám định tư pháp không đúng quy định của pháp luật là vi phạm trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về tố tụng hình sự. Đặc biệt, kết quả giám định tư pháp là cơ sở để quyết định, xác định mức độ phạm tội nhưng luôn luôn được thực hiện chậm, tốn kém với các khó khăn và xuất phát từ các quy định của pháp luật về giám định tư pháp.

Thứ hai, hiện chưa có cơ quan nào được chỉ định là cơ quan khoa học CITES để giám định những mẫu vật nghi có nguồn gốc từ động vật hoang dã như ngà voi, sừng tê giác…Đa số các địa phương trưng cầu giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàn lâm khoa học Việt Nam nhưng cũng có nơi cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an. Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định 06) về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp[9] quy định như sau: Khoản 4 Điều 31 Mục 5 Chương III về thực thi CITES quy định: “Cơ quan khoa học CITES Việt Nam” là cơ quan giám định mẫu vật CITES. Điểm d khoản 2 Điều 34 Mục 6 Chương III về biện pháp bảo đảm thực thi CITES quy định chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan khoa học CITES Việt Nam “giám định mẫu vật động vật, thực vật hoang dã”. Như vậy, theo quy định của pháp luật chỉ có “cơ quan khoa học CITES Việt Nam” là có tư cách pháp nhân “giám định mẫu vật động vật, thực vật hoang dã”. Điều này dẫn đến các cơ quan chức năng trong quá trình trưng cầu giám định gặp khó khăn về thủ tục, thời gian và tốn kém chi phí. Như vụ án nêu ở trên, sau khi thu giữ được tang vật có dấu hiệu là động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, Cơ quan điều tra huyện Đắk R’lấp gửi tang vật thu giữ để trưng cầu giám định nhưng chỉ trưng cầu giám định nhằm xác định khối lượng động vật hoang dã mà không thể giám định nhằm xác định rõ mẫu vật, động vật hoang dã để xác định tội danh của bị cáo Nguyễn Thị Út.

Thứ ba, các phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác còn hạn chế. Việc giám định các mẫu vật, nhận dạng loài, tang vật của vụ án như xương, mật, nanh, vuốt, cao…sản phẩm của động vật hoang dã quý, hiếm còn gặp khó khăn, thời gian kéo dài, chi phí cao, do vậy công tác đấu tranh còn chậm, hiệu quả thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

1.3. Khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý vật chứng là động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm

Khoản 1 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.”. Theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 106 BLTTHS 2015 thì đối với vật chứng là vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ nhà nước hoặc tiêu huỷ. Trong 09 vụ án vận chuyển động vật hoang dã nêu trên, tổng số vật chứng là 10.396,8 kg ngà voi, 16 kg các cá thể đồi mồi. Vì vật chứng là ngà voi nhập khẩu trái phép liên quan đến Công ước CITES và các vụ án đã tạm đình chỉ điều tra (chưa xác định được bị can) nên không có căn cứ áp dụng theo Điều 105 và 106 BLTTHS để ra quyết định xử lý vật chứng. Theo quy định tại Điểm d khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015 quy định “Vật chứng là động vật hoang dã …thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền  xử lý theo quy định của pháp luật”, tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản nào quy định cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với tang vật động vật hoang dã, nên rất khó khăn việc bàn giao vật chứng. Mặt khác, đối với tang vật là động vật đã chết, sản phẩm động vật (da, bộ phận cơ thể…) hiện nay các đơn vị địa phương chưa có kho đông lạnh để bảo quản nên rất khó khăn cho việc quản lý và thiếu kinh phí nếu đi thuê các đơn vị có kho lạnh bảo quản thì không có kinh phí? Không đảm bảo an toàn; lưu giữ sản phẩm này thời gian dài sẽ gây hư hỏng, ô nhiễm…[10]

1.4. Khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp tố tụng đặc biệt khi điều tra các vụ việc liên quan đến động vật hoang dã, quý, hiếm

Điều 223 BLTTHS năm 2015 quy định các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử, tuy nhiên người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ được áp dụng sau khi khởi tố vụ án và đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, khủng bố, rửa tiền; tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, tội phạm về động vật hoang dã không được áp dụng các biện pháp điều tra trên. Đây là một trong những trở ngại trong quá trình điều tra phá án đối với tội phạm về động vật hoang dã.

2. Các giải pháp đấu tranh có hiệu quả công tác phòng, chống buôn bán, vận chuyển, tàng trữ động vật hoang dã ở Việt Nam

Một là, thống nhất trong việc áp dụng pháp luật

Tại điểm c khoản 1; điểm d khoản 2 và điểm d khoản 3 Điều 244 BLHS năm 2015 đều có quy định về khối lượng làm cơ sở tính để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ngà voi, sừng tê giác bị xâm phạm. Nhưng đối với các bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của các loài động vật khác hoặc của chính loài voi, loài tê giác thì Điều 234 chưa định lượng để làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc quy định bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm từ động vật nguy cấp, quý, hiếm thành giá trị trên cơ sở định giá đối với trị giá tang vật vi phạm sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc của điều luật và góp phần áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước.

Hai là, bảo đảm tính chính xác trong giám định tang vật, vật chứng thu giữ từ các vi phạm liên quan đến động vật hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm

Cần quy định rõ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giám định chuyên môn đối với những vật chứng nghi là động vật hay sản phẩm của động vật hoang dã. Bổ sung đối tượng có tư cách pháp nhân giám định tư pháp đối với mẫu vật là động vật hoang dã gồm: tổ chức giám định tư pháp (của mỗi tỉnh), cá nhân (người giám định tư pháp theo vụ việc) có kinh nghiệm của Kiểm lâm, Công an, Quản lý thị trường, Biên phòng, Hải quan…Mặt khác, về vấn đề xác định nhóm, loài về mặt trực quan, lý thuyết và kinh nghiệm cơ bản của người thực thi công vụ có thể nhận biết được nhưng về mặt pháp lý để xử lý vi phạm thì phải trưng cầu giám định, việc này đòi hỏi phải quy định cụ thể, khả thi về thời gian, kinh phí và hiện đại hóa công cụ giám định. Giám định tư pháp hiện nay chỉ tiếng nói, chữ ký, con dấu của cơ quan, người có thẩm quyền do pháp luật quy định trong tố tụng. Do đó, cần quy định mở rộng, cho phép “người giám định tư pháp theo vụ việc” được giám định, xác nhận đối với mẫu vật là thực vật, động vật hoang dã. Trong trường hợp cần thiết hoặc có xảy ra khiếu nại, khởi kiện thì tiếp tục trưng cầu giám định đến cơ quan khoa học CITES Việt Nam. Người giám định tư pháp theo vụ việc có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và tùy theo tính chất, mức độ sai phạm gây ra từ kết quả giám định sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Ba là, cần thống nhất việc xử lý vật chứng liên quan đến động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm

Cần có quy định cho phép các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử có đủ thẩm quyền xử lý vật chứng là động vật hoang dã nhóm IB hoặc phụ lục I của Công ước CITES khi bị bắt giữ còn sống linh hoạt trong việc cứu hộ, tái thả về nơi cư trú tự nhiên hoặc tiêu hủy nếu phát hiện có mầm bệnh hoặc chuyển giao cho các cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở nghiên cứu nhân giống, gây nuôi động vật hợp pháp, cơ sở giáo dục môi trường, vường thứ, đơn vị biểu diễn nghệ thuật… Đồng thời xác định rõ cơ quan chuyên môn quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 106 BLTTHS 2015 để công tác bàn giao vật chứng là ĐVHD vừa đúng quy trình, vừa có hiệu quả.

2.4. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng

Các cơ quan chức năng cần chú trọng công tác phối hợp trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về động vật nguy cấp, quý, hiếm; chú trọng công tác tổng kết, xác định tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm; tập trung các cửa ngõ như cửa khẩu hàng không, cảng biển, đường bộ quốc tế, đường mòn, bờ sông, khu vực biên giới để phát hiện và đấu tranh ngăn chặn kịp thời các tụ điểm buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm cũng như các mẫu vật, sản phẩm của các loài động vật này ở khu vực biên giới cũng như nội địa; Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử kịp thời các vụ án tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng: Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, An ninh hàng không…để kịp thời trao đổi thông tin về các đối tượng, đường dây, tổ chức có biểu hiện hoạt động mua bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, quảng cáo, tiêu dùng trái phép mẫu vật động vật nguy cấp, quý, hiếm.

2.5. Biện pháp tuyên truyền, giáo dục

Người Việt Nam có thói quen tiêu thụ các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm như ngâm rượu động vật để uống, chế biến thành thực phẩm; chế tác vật phẩm có nguồn gốc từ các loài thú quý, hiếm như hổ, báo, gấu…để trưng bày làm cảnh, làm đồ trang sức; chế biến làm thuốc trong đông y như sử dụng mật gấu để xoa bóp, mài sừng tê giác để uống…Chính những thói quen trong sinh hoạt này đã ít nhiều cổ súy và góp phần thúc đẩy các hoạt động săn bắt, buôn bán, giết, vận chuyển các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống các vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật trong nhân dân, vận động nhân dân không tiêu thụ cũng như không có các hành vi giúp sức cho các hoạt động săn bắt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm. Đồng thời vận động nhân dân luôn nâng cao cảnh giác, phát hiện, đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm để kịp thời ngăn chặn và xử lý những hành vi này.

[1] Trong số các tang vật thu giữ có rắn hổ chúa, tên khoa học Ophiophagushannah số thú tự số 73, Phụ lục I,phần động vật

[2] Bản án hình sự sơ thẩm số 58/2018/HSST ngày 30/11/2018

[3] Điều 234 BLHS năm 2015 được đưa vào chương các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nên phải căn cứ vào hậu quả thiệt hại về kinh tế để xem xét trách nhiệm hình sự

[4]Trong thực tế hiện nay tại địa phương và các tỉnh khác khó có trường hợp nào số lượng động vật thuộc nhóm IIB có giá trị từ 150.000.000đ trở lên. Do vậy, từ khi có có điều 234 BLHS đến nay không xử lý hình sự được vụ nào

[5] Theo Báo cáo số 199/VKSLĐ ngày 17/4/2019 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng báo cáo công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp liên quan đến tội phạm về  bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm từ 01/01/2018 đến 31/01/2019 thì: “thực tế tại địa phương mặc dù là đơn vị còn nhiều rừng nhất tỉnh Lâm Đồng song từ 01/01/2018 đến nay không xử lý hình sự được vụ nào”

[6] ngày 01/9/2018, Phòng 4 Cục Cảnh sát môi trường phối hợp Công an huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên tiến hành kiểm tra phát hiện 32 bao tải đựng vẩy tê tê có tổng trọng là 780kg (theo kết quả giám định tại chỗ của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật).

[7] Vụ việc diễn ra từ 9/2018 nhưng đến nay, sau cuộc họp 3 ngành làm án thống nhất xử lý về tội tàng trữ hàng cấm theo quy định tại Điều 191 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, theo  khoản d Điều này thì giá trị hàng phải từ 100 triệu đồng mới có thể truy tố trách nhiệm hình sự. Qua làm việc với một số cơ quan chức năng về định giá thì chưa có cơ quan nào đứng ra định giá vì tê tê Châu Phi thuộc Phụ lục I Danh mục CITES nên không thể định giá

[8]  07 vụ vận chuyển với tổng khối lượng là 10.396,8 kg ngà voi, 01 vụ vận chuyển 16 kg các cá thể đồi mồi tên khoa học eretmochelys Imbricata, 9.052 kg tấm mai và yếm thuộc giống rùa hộp, tên khoa học chung cuora spp, 01 vụ vận chuyển vẩy tê tê (thuộc 02 loài tê tê có tên khoa học manis tricuspis và manis gigantea) trọng lượng 820 kg. Kết quả xử lý.

[9] Nghị định 06 thay thế và bãi bỏ Nghị định số 82/2006/NĐ-CP

[10] Báo cáo số 2031/BC-ĐKS ngày 10/7/2019 của Đoàn khảo sát Ủy ban tư pháp báo cáo kết quả khảo sát của Ủy ban tư pháp tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Quảng Bình về tình hình đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật vè tội phạm về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm và những khó khăn vướng mắc thể hiện tại các tỉnh được khảo sát đều gặp khó khăn về vấn đề này

TS.TRƯƠNG CÔNG LÝ