Khai mạc Hội nghị Triển khai công tác Tòa án năm 2023

Sáng 22/12, TANDTC tổ chức Hội nghị Triển khai công tác Tòa án năm 2023 tại trụ sở TANDTC và truyền dẫn trực tuyến đến gần 800 điểm đầu cầu TAND trong cả nước. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị tại đầu cầu trung tâm có ông Lê Minh Trí - Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, đại diện Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam…

Về phía TANDTC có các Phó Chánh án TANDTC, thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC, lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC, TAND cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh; Thẩm phán, công chức, viên chức thuộc TANDTC.

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhận định mặc dù năm 2022 có nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và những biến chuyển do tình hình thế giới… nhưng hệ thống TAND đã có những thành tích nổi bật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Các đại biểu đến dự Hội nghị - Ảnh: Cảnh Dinh

Tòa án đã đề ra các giải pháp hoàn thiện thể chế, làm cho Tòa án thực sự nghiêm minh, liêm chính, bảo vệ được công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Điểm nhấn 2022 là Tòa án đã hoàn thành tất cả các đề án Trung ương giao cho như Đề án Tòa án người chưa thành niên;  Đề án Tòa án điện tử; Đề án cải cách tư pháp đã được Trung ương đưa vào Nghị quyết… Điểm nhấn khác là xét xử các vụ án tham nhũng, các bản án nghiêm khắc nhưng cũng nhân văn, thu hồi nhiều tài sản. Trong xây dựng pháp luật, Quốc hội nhiệm kỳ này đã ba hành ba Pháp lệnh, đây là những Pháp lệnh do TANDTC xây dựng dự thảo.

Án lệ đã trở thành xu thế, thói quen trong xét xử của các Thẩm phán. Đến nay đã có  hơn 1000 bản án viện dẫn án lệ. Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, các trung tâm hòa giải tại Tòa án đã phát huy vai trò, có hiệu quả tích cực.

Xét xử trực tuyến, mặc dù chưa được đầu tư nhưng đã được triển khai rất tốt, đã có hơn 5000 vụ được xét xử trực tuyến. Chánh án Nguyễn Hòa Bình biểu dương các Tòa án đã nỗ lực, khắc phục khó khăn để xét xử trực tuyến thành công.

Điểm sáng nữa là ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý án tổng hợp và trợ lý ảo. Trợ lý ảo dù đang thử nghiệm nhưng các Thẩm phán đã sử dụng rất nhiều, trợ giúp hiệu quả cho công tác xét xử.

 

Điểm cầu trung tâm

Đánh giá tổng quát năm 2022, chúng ta đạt được cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra, tuy nhiên còn yếu về án hành chính và yếu về giải quyết đơn giám đốc thẩm. Hiện nay đơn dồn lên TANDTC rất lớn- Chánh án lưu ý.

Do đó, năm 2023 có nhiều việc phải làm, trong đó vấn đề chính là các chỉ tiêu cơ bản, chất lượng xét xử phải nâng lên, khắc phục những cái còn yếu, nhất là án hành chính.

 

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao.

Xây dựng chương trình hành động và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” nhất là nội dung về cải cách tư pháp.

Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn đầu mối. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với yêu cầu quy hoạch, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực.

Tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử. Làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, phát triển án lệ và giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra; siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ. Nghiêm túc thực hiện tốt Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán. Thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và vận hành hiệu quả Tòa án điện tử; phần mềm Trợ lý ảo; hệ thống giám sát điều hành. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính - tư pháp, đảm bảo công khai minh bạch hoạt động của Tòa án.

Tiếp sau phát biểu khai mạc của Chánh án TANDTC, ông Lê Minh Trí - Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC đã phát biểu, cho rằng tình hình tội phạm tăng 10%/năm, các vụ án dân sự, kinh tế cũng tăng và ngày càng phức tạp trong khi hệ thống pháp luật của chúng ta cũng có những chỗ chưa thật thống nhất, nên áp lực với mỗi ngành rất lớn.

Ba ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án có chung một mục tiêu. Để không oan sai, không bỏ lọt tội phạm, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi ngành  thì phải có sự phối hợp, trao đổi thẳng thắn trong ba ngành để đi đến thống nhất, bảo vệ được cái đúng. Kết quả đã đạt được năm 2022 của hệ thống Tòa án cũng có thể nói trong đó có thành tích chung của ba ngành.

Viện trưởng VKSNDTC chúc mừng những thành tích ngành TAND đã đạt được và chúc quan hệ phối hợp giữa Kiểm sát và Tòa án ngày một tốt hơn.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị, chúc mừng những thành tích mà hệ thống Tòa án đã được trong năm 2022 và chia sẻ nhiệm vụ của ngành Công an trong việc bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống tội phạm hiện nay. Trong những vụ án trọng điểm vừa qua, ba ngành đã có sự phối hợp rất tốt. Đã có vụ án điều tra viên tranh luận tại phiên tòa, đây là nét mới, tích cực. Do dịch bệnh Covid-19 Công an đã phối hợp để xét xử trực tuyến rất có hiệu quả. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc tin tưởng trong năm 2023, hệ thống Tòa án sẽ phát huy thành tích đã đạt được, có những kết quả tốt hơn nữa.

Ngay sau phiên khai mạc, Hội nghị đã nghe các tham luận của các đại biểu. Đầu tiên là tham luận của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, do Chánh án TANDCC tại Đà Nẵng Nguyễn Văn Bường trình bày.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc - Ảnh: Cảnh Dinh

THÁI VŨ