Khẩn trương kiểm tra, đề xuất biện pháp xử lý doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát, đề xuất biện pháp xử lý doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện của người lao động và giải pháp cụ thể bảo đảm quyền lợi của hơn 200.000 người lao động là nạn nhân.

Ngày 1/2, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang điều hành hội nghị.  

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với các cấp Công đoàn thực hiện toàn diện các thỏa thuận đã cam kết, đồng hành cùng Chính phủ, chung sức, đồng lòng triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XIII của Đảng đề ra, Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư. Tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 17/01/2022 của Ban Bí thư về lãnh đạo đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028; xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh, giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, xứng đáng là thủ lĩnh đại diện cho người lao động, để qua mỗi cán bộ công đoàn sẽ xây dựng, bồi đắp niềm tin yêu của đoàn viên, người lao động với tổ chức Công đoàn.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các cán bộ Công đoàn 

Tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn, là cầu nối quan trọng của Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân và người lao động; tuyên truyền, phổ biến, đưa các nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với đoàn viên, người lao động; đồng thời chuyển tải, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của người lao động, doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Các cấp Công đoàn quan tâm công tác phát triển đảng viên trong công nhân, người lao động, đặc biệt là tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục phối hợp với bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động; làm tốt công tác giám sát việc thực hiện chế độ lương, thưởng đối với người lao động của người sử dụng lao động.

Các ban, bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền các cấp phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp Công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động, nhất là vấn đề ổn định việc làm, nâng cao thu nhập; vấn đề nhà ở, trường học, trạm y tế, nơi vui chơi giải trí; vấn đề chậm đóng bảo hiểm xã hội và rút bảo hiểm xã hội một lần; việc tuân thủ chính sách, pháp luật của người sử dụng lao động.

Tổng Liên đoàn phối hợp với các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, nâng cao trình độ mọi mặt cho người lao động, trước hết là kỹ năng nghề, kiến thức pháp luật, ý thức chính trị, bản lĩnh giai cấp, tác phong công nghiệp, tinh thần trách nhiệm, sự gắn bó với doanh nghiệp.

Thủ tướng mong muốn các cấp Công đoàn cần tiếp tục phát động, triển khai các phong trào thi đua vượt khó, “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, “Năng suất cao, chất lượng tốt”, “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”; thực hiện chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”; vận động đoàn viên, người lao động tích cực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác, góp phần hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung vào ba nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Cụ thể, Thủ tướng giao các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Ngoại giao, Lao động - Thương binh và Xã hội dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khắc phục khó khăn, mở rộng thị trường, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động và nâng cao tay nghề, kỹ năng nghề cho người lao động. Các bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tập trung giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động. 

Các bộ: Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo dưới dự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa, xây dựng các thiết chế về văn hóa, giáo dục, y tế phục vụ người lao động.

“Ngay trong tháng 2, các bộ, ngành, cơ quan phối hợp, làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng chương trình phối hợp cụ thể, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, tránh hình thức; báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, Thủ tướng nói.

Với các đề xuất, kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, đây đều là những đề xuất chính đáng và đang được Chính phủ chỉ đạo giải quyết, xử lý. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa đạt mong muốn. Tại Hội nghị, Thủ tướng giao  Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, nhất là các chính sách liên quan nhà ở cho công nhân, người lao động, nhà cho công nhân thuê, mua, thuê mua trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân, đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục kiểm tra việc thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, trong đó có chính sách đối với giáo dục mầm non. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non cho con công nhân trong thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất theo quy định tại Quyết định số 655/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát, đề xuất biện pháp xử lý doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện của người lao động và giải pháp cụ thể bảo đảm quyền lợi của hơn 200.000 người lao động là nạn nhân.

Bộ Nội vụ nghiên cứu hoàn thiện các nội dung cụ thể của cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, trình cấp có thẩm quyền về lộ trình thực hiện. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm đề xuất trình Chính phủ cho chủ trương sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Bộ Nội vụ phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 02-NQ/TW về tuyển dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân, thu hút, tạo động lực cho cán bộ Công đoàn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: PV

THÁI VŨ