Khi đình chỉ vụ án, Thẩm phán có quyền thay đổi biện pháp tạm giam?

Bộ luật Tố tụng hình sự quy định có có 8 biện pháp ngăn chặn. Trong thực tế vẫn còn có nhận thức chưa thống nhất về thẩm quyền hủy bỏ biện pháp ngăn chặn là tạm giam khi vụ án được đình chỉ, cụ thể là thuộc Thẩm phán hay Chánh án, Phó Chánh án…

Ngày 26/11/2018, TANDTC ban hành Công văn số 254/TANDTC- PC hướng dẫn về việc người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu theo quy định tại Điều 155 của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Theo đó, đã không giới hạn về thời điểm mà người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, tùy từng trường hợp cụ thể mà các Tòa án giải quyết, cụ thể:

“Tại giai đoạn xét xử sơ thẩm: Người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa căn cứ vào Điều 45, điểm a khoản 1 Điều 282 của Bộ luật Tố tụng hình sự ra quyết định đình chỉ vụ án; Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155, Điều 299 của Bộ luật Tố tụng hình sự ra quyết định đình chỉ vụ án; Trường hợp sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm vẫn còn thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì Tòa án phải hướng dẫn họ làm đơn kháng cáo để Tòa án cấp phúc phẩm xem xét giải quyết việc rút yêu cầu theo thủ tục phúc thẩm.
Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm: Trường hợp có kháng cáo, kháng nghị mà tại giai đoạn xét xử phúc thẩm người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155 và Điều 359 của Bộ luật Tố tụng hình sự hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án”.

Như vậy, khi người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì đình chỉ vụ án. Đình chỉ vụ án là một quyết định chấm dứt mọi hoạt động tố tụng đối với vụ án. Vụ án đã có quyết định đình chỉ thì không được phục hồi điều tra, truy tố hoặc xét xử (Trường hợp quyết định đình chỉ vụ án bị phát hiện là trái pháp luật thì sẽ bị huỷ theo quy định của BLTTHS).

Cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định hủy biện pháp ngăn chặn ngay, vấn đề này có nhiều quan điểm không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, về thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam.

Quan điểm thứ nhất: Khi người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì Thẩm phán đình chỉ vụ án và trong quyết định đình chỉ Thẩm phán giải quyết hậu quả của việc đình chỉ vụ án: việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, trả lại đồ vật, tài liệu đã tạm giữ (nếu có) và những vấn đề khác có liên quan…

Quan điểm thứ hai, cũng là quan điểm của tác giả, khi người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì Thẩm phán chỉ được quyền đình chỉ vụ án. Việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn (tạm giam) do Chánh án hoặc Phó Chánh án quyết định bằng một quyết định độc lập dựa vào các căn cứ pháp lý sau:

– Thứ nhất, Tại điểm a khoản 2 Điều 45 BLTTHS năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm phán: “Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này và những nhiệm vụ, quyền hạn: a) Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trừ biện pháp tạm giam”…

– Thứ hai, tại khoản 1 Điều 278 BLTTHS năm 2015 quy định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế: “1. Sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trừ việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quyết định.”

Trên đây, là quan điểm của tôi về “Hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khi đình chỉ vụ án” rất mong nhận được ý kiến trao đổi ý kiến của các độc giả.

NGUYỄN HỮU GIÁP ( Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk)