Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự - Bất cập và kiến nghị
Trong phạm vi bài viết, tác giả đề cập đến những quy định tiến bộ của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) phát hiện những bất cập và kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
1. Quy định tiến bộ của Luật
Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự có ý nghĩa rất quan trọng, bảo đảm phát hiện, ngăn chặn, kịp thời xử lý tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý và chế độ xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, khiếu nại, tố cáo còn giúp bảo đảm cho hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện đúng đắn, kịp thời phát hiện và khắc phục các vi phạm pháp luật của cơ quan, người tiến hành tố tụng và là nguồn thông tin quan trọng đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, người tiến hành tố tụng.
Một là, về khái niệm khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự đã được khái quát hơn bằng các quy định trong Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT, ngày 05/9/ 2018 của VKSNDTC-TANDTC - Bộ Công an – Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính – Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của BLTTHS về khiếu nại, tố cáo (TTLT số 02), cụ thể:
- Khoản 1 Điều 3 TTLT số 02 quy định: "Khiếu nại trong tố tụng hình sự" là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân (sau đây gọi chung là người khiếu nại), theo thủ tục quy định tại Chương XXXIII của BLTTHS, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi tố tụng, quyết định giải quyết khiếu nại khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
- Khoản 3 Điều 3 TTLT số 02 quy định: "Tố cáo trong tố tụng hình sự" là việc cá nhân theo thủ tục quy định tại Chương XXXIII BLTTHS, báo cho cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà họ cho rằng hành vi đó gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Hai là, về chủ thể có quyền khiếu nại: So với BLTTHS năm 2003, BLTTHS đã mở rộng chủ thể được quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng với cá nhân. Tại Điều 469 BLTTHS chỉ quy định là cá nhân, không nói rõ cá nhân cụ thể gồm những ai, tuy nhiên theo quy định các Điều 57, 58, 67, 70, 83, 84 BLTTHS, thì cá nhân có quyền khiếu nại được mở rộng thêm như: Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt; người chứng kiến; người phiên dịch, người dịch thuật; người bào chữa; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Cá nhân là chủ thể của quyền khiếu nại ở đây được hiểu là người có quốc tịch Việt Nam, người có quốc tịch nước ngoài, người có năng lực hành vi tố tụng hoặc người không có hoặc hạn chế năng lực hành vi tố tụng thực hiện quyền khiếu nại thông qua người đại diện hợp pháp của mình.
Cơ quan, tổ chức là chủ thể của quyền khiếu nại có thể là bất kỳ cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp hoặc tổ chức nghề nghiệp.
Như vậy, người có quyền khiếu nại trong tố tụng hình sự là bất cứ cơ quan, tổ chức, các nhân chịu sự tác động trực tiếp của các quyết định, hành vi tố tụng và phải thoả mãn các điều kiện: Họ phải chịu sự tác động trực tiếp của quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng và theo nhận thức chủ quan của người khiếu nại thì quyền, lợi ích hợp pháp của họ bị quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xâm phạm trái pháp luật hoặc vì động cơ khác.
Ba là, quyền "Được thông báo về nội dung khiếu nại". Đây là một quyền mới của người bị khiếu nại được đưa vào trong quy định của BLTTHS. Ngoài các quy định về bảo vệ quyền của người khiếu nại, thì pháp luật cũng phải bảo vệ quyền của người bị khiếu nại, đảm bảo cho họ phải được biết bản thân bị khiếu nại về vấn đề, nội dung gì, để trước hết họ tự nhìn nhận, xem xét lại hành vi, quyết định của mình. Nếu qua việc tự xem xét đó người bị khiếu nại nhận thấy hành vi, quyết định của mình là trái pháp luật thì kịp thời có biện pháp khắc phục bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người khiếu nại mà không cần phải thông qua trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại gây mất thời gian, phiền hà cho người dân. Đồng thời nếu qua việc tự xem xét lại hành vi, quyết định của mình không thấy có vi phạm, trái pháp luật thì người bị khiếu nại cũng có thể có các biện pháp như đưa ra tài liệu, có giải trình,… cung cấp cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại biết, góp phần rút ngắn thời gian xác minh giải quyết khiếu nại.
Bốn là, thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại trong hoạt động tố tụng hình sự được quy định chi tiết và cụ thể từ Điều 474 đến Điều 477 của BLTTHS và được phân ra theo từng nhóm, gồm: Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam; Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng và Thủ trưởng cơ quan điều tra, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Phó Viện trưởng và Viện trưởng Viện kiểm sát; Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên, Phó Chánh án và Chánh án Tòa án. So với quy định của BLTTHS năm 2003 thì quy định của BLTTHS bổ sung thêm:
- BLTTHS đã bổ sung quy định nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần nhất thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại lần hai, hết thời hạn này thì người khiếu nại không còn quyền khiếu nại nếu không vì các lý do bất khả kháng. Với quy định thời hạn khiếu nại lần 2 nhằm tránh tình trạng người khiếu nại khi không đồng ý kết quả giải quyết lần nhất, có thể một thời gian rất lâu sau mới khiếu nại lên cấp trên, gây khó khăn cho việc giải quyết cũng như khắc phục hậu quả;
- BLTTHS đã bổ sung thêm một số nội dung như: Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam; Thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Phó VKSND: Khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, Phó Viện trưởng có những nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của viện kiểm sát. Ngoại trừ việc giải quyết khiếu nại hành vi, quyết định của chính mình; Quy định về thẩm quyền giải quyết đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Thẩm quyền giải quyết khiếu nại của VKSNDCC. Đồng thời quy định về thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại chi tiết, cụ thể hơn để đảm bảo việc giải quyết khiếu nại đúng quy định, đúng thời hạn, bảo đảm quyền con người được tốt hơn.
Năm là, đối tượng bị tố cáo được quy định tại Điều 478 BLTTHS là "cá nhân”, so với quy định tại Điều 334 BLTTHS năm 2003 là "công dân". Công dân là chỉ những người có quốc tịch Việt Nam, còn cá nhân là bất kỳ ai đang cư trú ở Việt Nam gồm cả người không có quốc tích, người có quốc tịch nước ngoài. Như vậy, về đối tượng bị tố cáo trong BLTTHS được mở rộng hơn, được tố cáo cả với những hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của những cá nhân không phải là công dân Việt Nam.
Sáu là, về thời hiệu tố cáo. Khác với việc khiếu nại có quy định thời hiệu khiếu nại là 15 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật. Còn tố cáo là việc cá nhân báo cho cơ quan, người có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào, do vậy để khuyến khích việc tố cáo các hành vi vi phạm ở bất kỳ thời điểm nào thì BLTTHS không quy định thời hiệu tố cáo như thời hiệu khiếu nại. Việc không quy định thời hiệu tố cáo nhằm bảo đảm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, bảo đảm hoạt động tố tụng được minh bạch, đúng quy định của pháp luật.
Bảy là, về thẩm quyền và thời hạn giải quyết tố cáo, BLTTHS bổ sung thẩm quyền giải quyết tố cáo của Phó Viện trưởng VKSND. Về thời hạn giải quyết tố cáo trong BLTTHS năm 2015 đã được quy định cụ thể, chi tiết hơn so với BLTTHS năm 2003.
Thẩm quyền và thời hạn giải quyết tố cáo trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 481 BLTTHS. So với quy định của BLTTHS năm 2003 thì thời hạn giải quyết tố cáo theo BLTTHS đã được rút ngắn. Việc rút ngắn thời hạn giải quyết tố cáo buộc cơ quan, người có thẩm quyền phải tích cực, nhanh chóng giải quyết đơn tố cáo nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Những bất cập và kiến nghị sửa đổi
Trên cơ sở nghiên cứu về lý luận và thực tiễn hoạt động tố tụng, tác giả nhận thấy còn tồn tại những bất cập nhất định, cần quy định cụ thể hơn.
Một là, Điều 475 BLTTHS quy định khi xảy ra trường hợp người có đơn khiếu nại trong tố tụng hình sự thì thời hạn để cơ quan có thẩm quyền giải quyết là 7 ngày. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 7 TTLT số 02, kể từ ngày nhận được khiếu nại cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải thụ lý và thực hiện các thủ tục: Ban hành văn bản yêu cầu người khiếu nại trình bày và cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ để làm rõ nội dung khiếu nại; yêu cầu người bị khiếu nại giải trình bằng văn bản; kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định tố tụng, hành vi tố tụng, quyết định giải quyết khiếu nại bị khiếu nại; tiến hành xác minh nội dung khiếu nại và cuối cùng là ra quyết định giải quyết khiếu nại. Trong những trường hợp cần tiến hành xác minh nếu thời hạn xác minh nội dung khiếu nại đã hết, nhưng nội dung xác minh chưa thực hiện xong thì người giải quyết khiếu nại xem xét gia hạn thời hạn xác minh, thời hạn gia hạn xác minh không vượt quá thời hạn giải quyết khiếu nại. Có thể thấy quy định thời hạn giải quyết như trên là rất ngắn so với yêu cầu tiến hành kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại để làm cơ sở giải quyết. Do vậy, sẽ tạo áp lực về thời hạn cho cơ quan và người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, với yêu cầu phải tiến hành nhiều bước, trình tự thủ tục xác minh nhưng thời hạn giải quyết khiếu nại ngắn sẽ dẫn đến hai trường hợp là vi phạm về thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định hoặc việc kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại sơ sài, chưa xem xét đầy đủ được các nội dung, tình tiết có liên quan, không giải quyết triệt để vấn đề bị khiếu nại.
Hai là, TLLT số 02 quy định: "Trong những trường hợp cần tiến hành xác minh nếu thời hạn xác minh nội dung khiếu nại đã hết, nhưng nội dung xác minh chưa thực hiện xong thì người giải quyết khiếu nại xem xét gia hạn thời hạn xác minh, thời hạn gia hạn xác minh không vượt quá thời hạn giải quyết khiếu nại", đã gây ra các cách hiểu khác nhau. Có quan điểm cho rằng: Thời hạn gia hạn việc xác minh có bao nhiêu đi nữa thì cũng chỉ nằm trong thời hạn 7 ngày để giải quyết khiếu nại. Trong khi đó, Luật không quy định rõ thời hạn gia hạn xác minh cụ thể. Từ đó có thể thấy quy định này là thừa. Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng: Thời hạn gia hạn xác minh tối đa được 7 ngày, như vậy đối với vụ việc phức tạp, thời hạn giải quyết khiếu nại tối đa là 14 ngày. Với các cách hiểu chưa thống nhất như trên đã dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất.
Ba là, TLLT số 02 quy định: "Trong những trường hợp cần tiến hành xác minh…", vậy trường hợp nào là cần xác minh, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Với quy định như vậy sẽ dẫn đến sự chậm trễ trong giải quyết khiếu nại.
Bốn là, quy định về thời hạn tại Điều 475 BLTTHS và Quy định tại Điều 7 TTLT số 02 có sự mâu thuẫn về thời hạn giải quyết khiếu nại. Theo quy định của tại Điều 475 Bộ luật TTHS thì thời hạn giải quyết khiếu nại chỉ là 07 ngày kể cả ngày nghỉ và không quy định việc gia hạn, tuy nhiên tại điểm đ khoản 1 Điều 7 TTLT số 02 có quy định về việc người có thẩm quyền xem xét được gia hạn thời hạn xác minh. Có thể thấy nếu thực hiện theo Điều 7 TTLT số 02 sẽ không đúng theo quy định tại Điều 475 BLTTHS.
Từ những bất cập trên, tác giả kiến nghị một số nội dung sau:
Thứ nhất, cần quy định cụ thể hơn về lượng đối với thời hạn xác minh và thời hạn gia hạn xác minh trong giải quyết khiếu nại để thống nhất cách hiểu và giải quyết khiếu nại được thống nhất, nhanh chóng, kịp thời.
Thứ hai, thời gian tới Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tố cao cần có hướng dẫn cụ thể hơn những trường hợp được quyền gia hạn thời hạn xác minh, bảo đảm việc giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền đúng quy định pháp luật.
Thứ ba, cần đề xuất bổ sung quy định thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo cụ thể hơn trong BLTTHS, để có căn cứ vững chắc, giải quyết các vụ việc trong hoạt động tố tụng hình sự.
Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt giữ đối tượng trong vụ án ma túy - Ảnh: Minh Ánh
Bài liên quan
-
Tạp chí Toà án Nhân dân chuyển đơn tố cáo của công dân liên quan đến Chủ tịch UBND xã Quang Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình
-
Xem xét đối tượng khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định giải quyết tố cáo
-
Ly hôn với mục đích chia đôi nợ cho chồng, một người ở Hậu Giang bị nhiều chủ nợ tố cáo lừa đảo
-
Đình chỉ vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận