Khó khăn khi xác định mức lãi suất chậm thanh toán trong hợp đồng xây dựng

Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả đề cập đến Hợp đồng xây dựng được giao kết giữa các pháp nhân nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận, và đặt ra vấn đề mức lãi suất nào sẽ được áp dụng cho hành vi chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong Hợp đồng?

 

Chế tài về trách nhiệm chịu lãi chậm thanh toán do vi phạm nghĩa vụ thanh toán là một cơ chế tạo “động lực” để bên có nghĩa vụ thanh toán thực hiện đúng Hợp đồng. Đặc thù của Hợp đồng xây dựng là nghĩa vụ thanh toán của bên giao thầu thường được chia thành nhiều đợt căn cứ theo tiến độ xây dựng. Nghị định 37/2015/NĐ-CP, Điều 357 BLDS 2015 và Điều 306 Luật Thương mại 2005 đều quy định về nghĩa vụ trả lãi đối với hành vi chậm thanh toán giá trị thi công nhưng thông thường các bên vẫn thoả thuận tại Hợp đồng. Cùng lúc, Hợp đồng xây dựng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng, Luật Thương mại 2005 và Bộ luật Dân sự 2015, vậy áp dụng luật nào để tính lãi suất cho hành vi chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong Hợp đồng xây dựng?

1. Hợp đồng xây dựng thì lãi suất chậm thanh toán sẽ áp dụng BLDS hay áp dụng Luật Thương mại?

Điều 138 của Luật Xây dựng định nghĩa Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

i.Nếu cho rằng lãi suất chậm thanh toán của Hợp đồng xây dựng phải áp dụng quy định của BLDS 2015

Điều 357 BLDS 2015 quy định lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của BLDS (không vượt quá 20%/năm); nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của BLDS 2015 (lãi suất 10%/năm).

Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS 2015 tại thời điểm trả nợ (10%/năm).

ii. Nếu cho rằng lãi suất chậm thanh toán của Hợp đồng xây dựng phải áp dụng quy định của Luật Thương mại 2005 (LTM)

Điều 306 LTM quy định: Bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường được hướng dẫn tại Điều 11 của Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP, Tòa án căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 (ba) ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,...) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán (thời điểm xét xử sơ thẩm) để quyết định mức lãi suất chậm trả.

Ngoài ra, Điều 43 Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Xây dựng áp dụng cho những dự án đặc thù (Dự án đầu tư xây dựng của doanh nghiệp nhà nước; Dự án đầu tư xây dựng có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án..) quy định theo hướng bên giao thầu phải chịu nghĩa vụ chậm thanh toán theo lãi suất quá hạn do ngân hàng thương mại nơi bên nhận thầu mở tài khoản thanh toán công bố tương ứng với các thời kỳ chậm thanh toán. Lãi chậm thanh toán được tính từ ngày đầu tiên chậm thanh toán cho đến khi bên giao thầu đã thanh toán đầy đủ cho bên nhận thầu.

Có quan điểm cho rằng nếu xem xét đồng thời cả nguyên tắc luật ban hành sau và nguyên tắc luật chung - luật riêng thì về cơ bản, các nguyên tắc sau về trình tự áp dụng pháp luật sẽ được áp dụng:

(i) Trong trường hợp LTM và các luật chuyên ngành không quy định về vấn đề pháp lý có liên quan hoặc có quy định khác với BLDS mà các quy định này trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự: BLDS được ưu tiên áp dụng so với LTM và các luật chuyên ngành;

(ii) Trong trường hợp LTM và các luật chuyên ngành có quy định khác BLDS về vấn đề pháp lý có liên quan và các quy định này không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự: LTM và các luật chuyên ngành được ưu tiên áp dụng so với BLDS;

(iii) Trong trường hợp các luật chuyên ngành có quy định khác LTM về vấn đề pháp lý có liên quan và các quy định này không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự: luật chuyên ngành được ưu tiên áp dụng so với LTM; và

(iv) Trong trường hợp các luật chuyên ngành không quy định về vấn đề pháp lý có liên quan nhưng LTM có quy định về vấn đề đó và quy định của LTM không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự: LTM được ưu tiên áp dụng so với BLDS (ngay cả khi BLDS cũng có quy định điều chỉnh vấn đề đó)[1].

Nhóm tác giả cũng đồng tình với quan điểm này căn cứ trên quy định về nguyên tắc áp dụng quy phạm pháp luật của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy định của BLDS, LTM. Đồng thời, khi LTM đã có quy định, quy định này không trái với các nguyên tắc cơ bản của BLDS nhưng BLDS được áp dụng thay vì quy định của LTM thì sự tồn tại của LTM đã không thể thực hiện vẹn tròn nhiệm vụ vốn có của nó.

Như vậy, nếu theo quan điểm trên, quy định mức lãi suất chậm thanh toán thuộc trường hợp (ii), Điều 306 LTM sẽ được ưu tiên áp dụng (Trừ trường hợp Hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 37/2015/NĐ-CP).

Xét về khía cạnh thực tiễn xét xử, vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều giữa cơ quan tiến hành tố tụng là viện kiểm sát và Toà án cấp sơ thẩm[2].

Tình huống: Tranh chấp hợp đồng xây dựng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần VNWC (gọi tắt Công ty VNWC) với bị đơn là Công ty cổ phần LLM (gọi tắt LLM). Viện kiểm sát cho rằng phải áp dụng quy định lãi suất chậm thanh toán của Luật Xây dựng với nhận định Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng Luật Xây dựng khi giải quyết vụ án là không đúng (Toà án cấp sơ thẩm áp dụng khoản 2 Điều 468 BLDS 2015), do vậy đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 điều 308 BLTTDS giữ nguyên nội dung của bản án sơ thẩm, sửa về áp dụng pháp luật. Toà án cấp phúc thẩm nhận định Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ khoản 2 Điều 468 BLDS 2015 buộc bị đơn phải thanh toán số tiền lãi suất chậm thanh toán từ ngày 01/02/2012 đến ngày 19/9/2019 với mức lãi suất 10% là 1.618.260.710 đồng thấp hơn so với mức lãi suất do Nghị định 48/2010/NĐ-CP quy định, nên có căn cứ để chấp nhận. Do vậy căn cứ khoản 1 Điều 308 BLTTDS không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên nội dung của bản án sơ thẩm, sửa về việc áp dụng điều luật. Như vậy, Toà án cấp phúc thẩm đồng quan điểm với Viện kiểm sát, mức lãi suất được áp dụng theo quy định của Nghị định 48/2010/NĐ-CP.

Đồng thời, việc áp dụng pháp luật cũng không thống nhất trong nội bộ ngành Toà án. Tình huống tranh chấp giữa nguyên đơn là Công ty TNHH một thành viên M, địa chỉ trụ sở: xã H, huyện T, Tp Hà Nội với bị đơn là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển vật liệu I, địa chỉ trụ sở: KCN Nhơn T, xã Phước T, huyện N, tỉnh Đồng Nai. Trong khi Toà án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 306 LTM thì cấp phúc thẩm lại cho rằng cần phải áp dụng BLDS (Điều 357 và Điều 468) để giải quyết, nên sửa án sơ thẩm về áp dụng điều luật. Cụ thể, bản án phúc thẩm nhận định: “Về lãi suất: Cấp sơ thẩm có tham chiếu tối thiểu 03 ngân hàng và việc nguyên đơn yêu cầu tính lãi suất phát sinh do chậm thanh toán là phù hợp với quy định pháp luật và có lợi cho bị đơn. Về áp dụng pháp luật: Cấp sơ thẩm áp dụng Điều 306 LTM tính lãi suất là chưa phù hợp, mà phải áp dụng BLDS để giải quyết nên sửa án sơ thẩm về áp dụng điều luật.

Ngoài ra, Viện kiểm sát trong vụ án này cho rằng phải áp dụng quy định của LTM với nhận định cho rằng về tính lãi suất cấp sơ thẩm có tham chiếu tối thiểu 03 ngân hàng nên phần kháng cáo này của bị đơn là không có cơ sở xem xét[3].

Như chúng ta đã biết, một trong những nguyên tắc cơ bản của BLDS 2015 là nguyên tắc bình đẳng. Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản. Việc áp dụng pháp luật nội dung không thống nhất có thể sẽ dẫn đến việc vi phạm nguyên tắc này.

2. Khó khăn từ thực tiễn áp dụng luật trong việc xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình của các ngân hàng thương mại

Khi các bên thoả thuận mức lãi suất chậm thanh toán là lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả thì trong trường hợp có tranh chấp, bên nhận thầu yêu cầu bên giao thầu thực hiện nghĩa vụ hoặc khởi kiện ra cơ quan tài phán thì số tiền lãi chậm thanh toán phải được tính toán trong nội dung yêu cầu/nội dung khởi kiện. Đồng nghĩa với việc người khởi kiện phải xác định được mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 (ba) ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,…) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán (thời điểm xét xử sơ thẩm) để đưa ra yêu cầu về mức lãi suất chậm trả. Hoặc người khởi kiện đưa ra mức lãi suất tạm tính và sửa đổi, bổ sung yêu cầu về lãi chậm thanh toán trong quá trình Toà án giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết vụ án, khi chính Toà án tiến hành thu thập chứng cứ cũng gặp khó khăn trong việc đề nghị tổ chức tín dụng cung cấp thông tin thì liệu rằng người khởi kiện có dễ dàng xác định được thông tin chính xác ngày từ giai đoạn soạn thảo đơn khởi kiện để đưa ra yêu cầu?

Cụ thể, tại Công văn số 580/CV-ĐLA, ngày 02/6/2022 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Đắk Lắk gửi TAND Tp Buôn Ma Thuột xác định: “Mức lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc quá hạn theo quy định của Vietcombank là 150% lãi suất cho vay trong hạn”. Tuy nhiên, phía Ngân hàng không cung cấp lãi suất trong hạn là bao nhiêu phần trăm, dẫn đến khó khăn trong việc xét xử[4].

Việc xác định mức lãi suất quá hạn tại các Hợp đồng tín dụng thường được thoả thuận với mức bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn đang áp dụng tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

Tuy nhiên, việc xác định được lãi suất cho vay trong hạn đang được áp dụng tại thời điểm chuyển nợ quá hạn lại không phải là vấn đề dễ dàng. Chẳng hạn, các hợp đồng tín dụng được ký kết vào nhiều thời điểm khác nhau như sau:

Hợp đồng tín dụng 1[5] ký ngày 16/4/2018, thời hạn vay 60 tháng kể từ ngày giải ngân 16/4/2018 đến 17/4/2023, các bên thoả thuận lãi suất cho vay: 11.5%/năm, điều chỉnh lãi suất 06 tháng/lần. Ngày điều chỉnh lãi suất đầu tiên: 01/11/2018, ngày điều chỉnh lãi suất tiếp theo: 1/5/2019.

Hợp đồng tín dụng 2 ký ngày 26/11/2018, thời hạn vay 60 tháng kể từ ngày giải ngân 29/11/2018 đến ngày 29/11/2023, các bên thoả thuận Lãi suất cho vay: 12.64%/năm, lãi suất cho vay các kỳ tiếp theo được điều chỉnh định kỳ cộng biên độ lãi suất 3.5%/năm, điều chỉnh lãi suất 24 tháng/lần(ngày điều chỉnh lãi suất đầu tiên: 01/1/2021.

Hợp đồng tín dụng 3 ký ngày 30/6/2020 thời hạn vay 48 tháng, kể từ ngày giải ngân 30/6/2020 đến ngày 30/6/2024, các bên thoả thuận Lãi suất cho vay:10,64%/năm, lãi suất cho vay các kỳ tiếp theo được điều chỉnh định kỳ cộng biên độ lãi suất 1.5% điều chỉnh lãi suất 01 tháng/lần (ngày điều chỉnh lãi suất đầu tiên: 1/8/2020).

Như vậy, lãi suất cho vay trong hạn phụ thuộc vào các biến số là lãi suất cho vay ban đầu; biên độ lãi suất thoả thuận tại hợp đồng tín dụng, thời điểm điều chỉnh lãi suất, tần suất điều chỉnh (01 tháng/lần; 06 tháng/lần; 24 tháng/lần). Nên có thể tại cùng một thời điểm, lãi suất cho vay trong hạn đối với mỗi khách hàng sau điều chỉnh lãi suất là khác nhau. Vậy thì lãi suất cho vay trong hạn sẽ là lãi suất nào để cung cấp cho Toà án hoặc để cho các bên trong hợp đồng có thể tham chiếu? Câu hỏi này có thể ngay cả bản thân tổ chức tín dụng cũng khó có thể trả lời bởi tại thời điểm Toà án yêu cầu, cùng lúc có nhiều hợp đồng được điều chỉnh lãi suất với mức lãi suất cho vay trong hạn khác nhau.

3. Đề xuất, khuyến nghị

Mặc dù về nguyên tắc áp dụng pháp luật, như quan điểm nhóm tác giả đã phân tích bên trên, luật chuyên ngành là LTM sẽ được ưu tiên áp dụng so với BLDS 2015 (trừ các Hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 37/2015/NĐ-CP) nhưng trước vấn đề còn tồn tại nhiều quan điểm trong thực tiễn xét xử thì nhóm tác giả cho rằng cần thiết có văn bản hướng dẫn để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

Đồng thời, thiết nghĩ nên sớm có văn bản hướng dẫn cách thức tính mức lãi suất quá hạn trung bình của các ngân hàng thương mại, có thể theo hướng là mức trung bình của một số lượng hợp đồng tín dụng tại thời điểm toà án yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin gồm số hợp đồng tín dụng đang áp dụng mức lãi quá hạn cao nhất, số hợp đồng tín dụng đang áp mức lãi quá hạn thấp nhất… để xác định mức lãi suất quá hạn trung bình cộng để cung cấp khi Toà án có yêu cầu.

Ngoài ra, về góc độ thực tiễn khi thoả thuận hợp đồng, trước khi có các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, để đảm bảo điều khoản lãi suất chậm thanh toán có thể “kích hoạt” dễ dàng, Toà án cũng không quá khó khăn trong quá trình thu thập chứng cứ dẫn đến thời hạn giải quyết vụ án kéo dài thì các bên có thể cân nhắc đến khía cạnh sau: Điều 306 LTM quy định các bên được quyền thoả thuận mức lãi suất chậm thanh toán.Vì vậy, các bên có thể cân nhắc đến việc thoả thuận mức lãi suất chậm thanh toán phù hợp dựa trên việc tham chiếu quy định về lãi suất chậm thanh toán của BLDS 2015 (thoả thuận mức lãi suất cụ thể không vượt quá 20%/năm). Việc tồn tại thoả thuận có khả năng áp dụng ngay, không gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, cung cấp chứng cứ/thông tin về lãi cho vay trong hạn để tính được mức lãi suất quá hạn có ý nghĩa quan trọng khi bên không có thiện chí thanh toán tìm cớ trì hoãn nghĩa vụ thanh toán khi biết việc tìm kiếm các thông tin này là điều khó khăn cho bên yêu cầu thanh toán.

 

* ThS.Văn phòng Luật sư Lê Lam, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

** LS. Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam

Thi công công trình xây dựng - Ảnh: MH

 

[1] Trương Nhật Quang, Lê Trần Quỳnh Thi, “nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật về Hợp đồng”, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, bài đăng ngày 29/10/2020, http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210616, truy cập 28/7/2023

[2] Xem bản án số 54/2020/KDTM-PT ngày 22/5/2020 của Toà án nhân dân TP. Hà Nội

[3] Xem bản án số 04/2022/KDTM-PT ngày 6/4/2022 của Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai

[5] Toàn bộ thông tin về HĐ tín dụng số 1, 2, 3 được nhóm tác giả mã hoá từ thông tin của hồ sơ tranh chấp hợp đồng vay thực tế của doanh nghiệp X với ngân hàng Y

DƯƠNG THỊ CHIẾN* – NGUYỄN THỊ HOÀN**