Vướng mắc về thẩm quyền của Tòa án trong trường hợp người được hoãn chấp hành án thay đổi nơi cư trú
Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến khó khăn, vướng mắc về thẩm quyền của Tòa án trong trường hợp người được hoãn chấp hành án phạt tù thay đổi nơi cư trú ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện trong cùng đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc thay đổi nơi cư trú ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Vướng mắc về thẩm quyền
Luật THAHS năm 2019 được ban hành là một bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Quá trình triển khai thi hành Luật đã giúp nâng cao nhận thức về pháp luật cho người chấp hành án, giúp họ hiểu rõ hơn về tính nghiêm minh của pháp luật và chính sách nhân đạo, tính nhân văn của Đảng, Nhà nước về thi hành án hình sự, trong đó chế định về hoãn chấp hành hình phạt tù phản ánh chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước ta đối với người bị kết án khi có những điều kiện nhất định, cho phép họ chuyển việc chấp hành án sang một thời điểm khác muộn hơn và đặc biệt, chế định này chỉ dành cho một số đối tượng nhất định, đáp ứng những điều kiện nhất định.
Bên cạnh những thành tựu đạt được thì quá trình triển khai Luật THAHS cụ thể về hoãn chấp hành án vẫn còn một số vướng mắc mà trong hơn 4 năm triển khai vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể.
Việc thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc của người được hoãn chấp hành án được quy định tại khoản 3 Điều 25, Điều 68 của Luật THAHS; được hướng dẫn bởi Thông tư số 64/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ Công an quy định về giải quyết trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ thay đổi nơi cư trú và Thông tư liên tịch số 01/2023/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 18/01/2023 quy định việc phối hợp trong thực hiện một số quy định của Luật Thi hành án hình sự về thi hành án hình sự tại cộng đồng.
Tuy nhiên tại Luật THAHS cũng như các Thông tư nêu trên chưa có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo dõi, quản lý người được hoãn chấp hành án của Tòa án khi người đó thay đổi nơi cư trú. Việc này dẫn đến sự lúng túng, áp dụng không thống nhất giữa các Tòa án khi người được hoãn chấp hành án hết thời hạn chấp hành án có nguyện vọng tiếp tục xin được hoãn chấp hành án thì người được hoãn chấp hành án phải nộp hồ sơ xin hoãn chấp hành án tại Tòa án đã ra quyết định thi hành án hay Tòa án nơi mới chuyển đến có trụ sở hoặc trong thời gian được hoãn chấp hành án mà người được hoãn chấp hành án phạt tù lại thực hiện hành vi phạm tội mới, bỏ trốn hoặc vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì Tòa án nào có thẩm quyền xem xét đề nghị của Cơ quan thi hành án hình sự để ra quyết định hủy quyết định hoãn chấp hành án cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Cách hiểu chưa thống nhất
Trong bối cảnh chưa có quy định cụ thể giải quyết vấn đề trên thì đang tồn tại 02 quan điểm giải quyết khác nhau:
Quan điểm thứ nhất: Khi nhận được thông báo về việc người được hoãn chấp hành án thay đổi nơi cư trú thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định hoãn chấp hành án làm công văn trao đổi hoặc quyết định ủy thác về việc quản lý, theo dõi người được hoãn chấp hành án và gửi kèm hồ sơ thi hành án cho Chánh án Tòa án nơi người được hoãn chấp hành án chuyển đến để tiện theo dõi, quản lý cũng như xác minh điều kiện hoãn thi hành án nếu như hết thời hạn hoãn chấp hành án, người được hoãn chấp hành án tiếp tục có đơn xin hoãn chấp hành án.
Như vậy thẩm quyền xem xét đơn xin hoãn, giải quyết khi người được hoãn chấp hành án vi phạm nghĩa vụ nói riêng và thẩm quyền theo dõi, quản lý người được hoãn chấp hành án nói chung được chuyển hoàn toàn cho Tòa án nơi người được hoãn chấp hành án chuyển đến. Thực tiễn áp dụng quan điểm này có nhiều khó khăn, Tòa án nơi người được hoãn chấp hành án chuyển đến thường từ chối việc nhận hồ sơ và nhận ủy thác do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể.
Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả: Khi người bị kết án phạt tù được hoãn chấp hành án thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc thì Tòa án nơi đã ra quyết định hoãn chấp hành án vẫn tiếp tục theo dõi, quản lý người được hoãn chấp hành án. Chậm nhất 07 ngày trước khi hết thời hạn hoãn chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án đã quyết định hoãn chấp hành án phạt tù phải thông báo bằng văn bản về việc hết thời hạn hoãn và gửi ngay cho cá nhân, cơ quan quy định tại khoản 3 Điều 24 của Luật THAHS.
Khi người được hoãn chấp hành án có nguyện vọng tiếp tục xin hoãn chấp hành án thì nộp đơn tại Tòa án đã ra quyết định thi hành án. Tòa án đã ra quyết định thi hành án có thể trực tiếp đến địa phương nơi ở mới của người xin hoãn chấp hành án để tiến hành xác minh điều kiện hoãn chấp hành án hoặc có thể ủy thác cho Tòa án nơi người được hoãn chấp hành án chuyển đến để xác minh điều kiện hoãn chấp hành án. Sau đó Chánh án sẽ xem xét, giải quyết đơn xin hoãn theo quy định của Luật THAHS và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Tương tự, đối với trường hợp người đang được hoãn chấp hành án vi phạm pháp luật thì Cơ quan THAHS phải đề nghị Chánh án TAND đã ra quyết định hoãn chấp hành án xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời trong bối cảnh chưa có quy định cụ thể để giải quyết vướng mắc nêu trên.
Để bảo đảm công tác thi hành án hình sự được thống nhất, theo đúng quy định của pháp luật, tác giả kiến nghị TANDTC sớm có văn bản hướng dẫn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo dõi, quản lý của TAND trong trường hợp người được hoãn chấp hành án phạt tù thay đổi nơi cư trú.
Trên đây là quan điểm của tác giả về thẩm quyền của Tòa án trong trường hợp người được hoãn chấp hành án thay đổi nơi cư trú, mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc.
Tòa án nhân dân huyện Bình Giang, Hải Dương xét xử vụ án Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy- Ảnh: Xuân Hiếu
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Bàn về quy định buộc xin lỗi, cải chính công khai khi bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín trên mạng xã hội
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Bất thường ở huyện nghèo Krông Búk –Đắk Lắk: Thanh niên mới 20 tuổi đã đứng tên nhà đất trị giá nhiều tỷ đồng
-
Huyện Ia Pa – Gia Lai: Chính quyền có “bật đèn xanh” để doanh nghiệp xúc đất rẫy đổ vào dự án?
Bình luận