Khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại: Những hạn chế cần khắc phục
Khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại là một trong những quy định của pháp luật tố tụng hình sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại. Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và áp dụng pháp luật.
Những điểm mới
Trong thực tế, có những trường hợp việc khởi tố vụ án hình sự để truy cứu trách nhiệm người thực hiện hành vi phạm tội có thể gây thêm những tổn thất khác cho bị hại so với việc không khởi tố vụ án hình sự như: Gây thêm những tổn thất về tinh thần, làm lộ bí mật đời tư của bị hại, phá vỡ sự tha thứ, hòa giải và thỏa thuận bồi thường giữa các bên… Chính vì vậy, pháp luật tố tụng hình sự quy định đối với một số trường hợp tội phạm xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người hoặc xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, không phải là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không phải là rất lớn hoặc đặc biệt lớn, không có tình tiết định khung tăng nặng thì việc khởi tố vụ án chỉ có thể được thực hiện khi có yêu cầu khởi tố của bị hại hoặc người đại diện của họ.
Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định có 10 tội phạm thuộc trường hợp chỉ được khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại, gồm khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự. Chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố là bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại.
So với BLTTHS năm 2003, quy định về khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại trong BLTTHS năm 2015 có nhiều điểm mới như: BLTTHS năm 2015 mở rộng phạm vi chủ thể có tư cách bị hại, đồng nghĩa với phạm vi chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự cũng được mở rộng. Đồng thời bổ sung quy định “Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức” (khoản 3 Điều 155 BLTTHS năm 2015). Quy định của BLTTHS năm 2015 là hợp lý vì cả bị hại và người đại diện của họ đều là chủ thể của quyền rút yêu cầu khởi tố, việc quy định cả hai chủ thể trên đều không được yêu cầu khởi tố lại là phù hợp về kỹ thuật lập pháp.
Mặc dù quy định của pháp luật đã có nhiều thay đổi chặt chẽ hơn, nhưng trong thực tiễn thi hành quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và áp dụng pháp luật do luật chưa có quy định hoặc quy định chưa rõ ràng nhưng chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn, giải thích kịp thời, thống nhất.
Chưa quy định về nội dung, hình thức yêu cầu khởi tố vụ án hình sự
Nội dung yêu cầu khởi tố là yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội, xử lý sự việc có dấu hiệu tội phạm. Nếu chỉ yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc chỉ yêu cầu cải chính, xin lỗi thì không phải là yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Vì vậy, nếu đơn yêu cầu không thể hiện rõ yêu cầu khởi tố vụ án hoặc chỉ yêu cầu chung chung là xử lý sự việc theo pháp luật thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải hướng dẫn người yêu cầu để họ xác định lại chính xác nội dung yêu cầu và làm đơn cho phù hợp, tránh trường hợp nội dung yêu cầu của người khởi tố không rõ ràng, dẫn đến việc giải quyết vụ án có vướng mắc.
Nội dung yêu cầu khởi tố cũng có thể chứa đựng thông tin về tội phạm nên yêu cầu khởi tố có thể đồng thời là tố giác tội phạm, là một trong những căn cứ xác định dấu hiệu tội phạm. Tuy nhiên, yêu cầu khởi tố là điều kiện chứ không phải là căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Căn cứ duy nhất khởi tố vụ án hình sự là dấu hiệu tội phạm. Nếu chỉ có yêu cầu khởi tố mà không có dấu hiệu tội phạm thì không được khởi tố vụ án hình sự và ngược lại, khi xác định có dấu hiệu tội phạm thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại nhưng không có yêu cầu khởi tố của bị hại thì cũng không được khởi tố vụ án hình sự.
Pháp luật tố tụng hình sự cũng chưa có quy định về hình thức yêu cầu khởi tố mặc dù đây là một trong những tài liệu quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất mà thiếu nó hoặc không có nó thì không thể xử lý vụ án được. Thực tiễn áp dụng hiện nay cơ quan có thẩm quyền chỉ căn cứ vào Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 07/9/2005 về quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2003 để thực hiện. Mục 7.2 Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT quy định: “Yêu cầu khởi tố của người bị hại hoặc của người đại diện thể hiện bằng đơn yêu cầu có chữ ký hoặc điểm chỉ của họ; nếu người bị hại hoặc người đại diện đến trực tiếp trình bày thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải lập biên bản ghi rõ nội dung yêu cầu khởi tố và yêu cầu họ ký hoặc điểm chỉ vào biên bản. Biên bản do Viện kiểm sát lập phải được chuyển ngay cho CQĐT để xem xét việc khởi tố vụ án hình sự và đưa vào hồ sơ vụ án”.
Đơn tố cáo, tố giác tội phạm có phải là yêu cầu khởi tố?
Hiện có quan điểm cho rằng đơn tố cáo hoặc đơn tố giác tội phạm được xem là đơn yêu cầu khởi tố, vì tuy tiêu đề là đơn tố cáo, tố giác tội phạm nhưng trong nội dung chứa đựng yêu cầu xử lý người phạm tội. Trong khi quan điểm khác lại cho rằng đơn tố cáo, tố giác tội phạm là cơ sở ban đầu để cơ quan có thẩm quyền xác minh, sau khi tiến hành xác minh nếu có dấu hiệu tội phạm thì bị hại phải làm tiếp đơn yêu cầu khởi tố vụ án. Trong trường hợp nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng khác nhau trong việc xác định đơn tố cáo có phải là yêu cầu khởi tố hay không việc giải quyết vụ án gặp khó khăn, phức tạp, hậu quả sẽ dẫn đến tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc hủy án.
Khó khăn trong áp dụng quy định về thay đổi quyết định khởi tố
Về quy định chỉ thay đổi quyết định khởi tố vụ án trong trường hợp thay đổi tội danh, không thay đổi quyết định khởi tố vụ án nếu qua điều tra xác định được hành vi của bị can phạm vào tội nặng hơn hoặc nhẹ hơn trong cùng một tội danh đã khởi tố như đã phân tích ở trên làm phát sinh nhiều tình huống phức tạp như: Quá trình xác minh, giải quyết tin báo, tố giác xác định vụ án thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại; bị hại có yêu cầu, vụ án được khởi tố, sau đó quá trình điều tra xác định vụ án không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại… việc quy định không thay đổi quyết định khởi tố vụ án trong trường hợp này sẽ gây khó khăn khi bị hại rút yêu cầu khởi tố.
Ngược lại đối với trường hợp quá trình xác minh, giải quyết tin báo, tố giác xác xác định vụ án không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại, nên mặc dù bị hại có đơn không yêu cầu khởi tố, không đề nghị xử lý hình sự nhưng lúc này thẩm quyền khởi tố thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Sau khi quyết định khởi tố vụ án, quá trình điều tra xác định vụ án thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại, như vậy vụ án phải được đình chỉ; tuy nhiên việc không quy định phải thay đổi quyết định khởi tố vụ án sẽ thiếu căn cứ đình chỉ vụ án.
Những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn áp dụng các quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại phần lớn là do nhận thức của những người tiến hành tố tụng hoặc bị hại và người đại diện của họ. Có những người tiến hành tố tụng nghiên cứu không kỹ quy định về khởi tố theo yêu cầu của bị hại dẫn đến việc giải quyết các vụ án chưa chính xác như trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, người tiến hành tố tụng chưa giải thích cho bị hại hiểu quyền và nghĩa vụ của mình trong việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại, chưa hướng dẫn, yêu cầu bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày ý kiến nêu rõ quan điểm có yêu cầu khởi tố vụ án hay không, chưa đánh giá, xem xét hết mọi khía cạnh việc yêu cầu khởi tố hay rút yêu cầu khởi tố có phải là ý chí của bị hại hay không, có sự đe dọa, cưỡng ép mua chuộc nhằm trốn tránh pháp luật hay không…
Thực tế, đã có trường hợp bị hại có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự đối với 01 bị can trong vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại có nhiều bị can, cơ quan có thẩm quyền xác định rút yêu cầu khởi tố đối với bị can đó và thực hiện thủ tục đình chỉ điều tra bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can đó, trong khi vẫn tiếp tục tiến hành các thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự các bị can khác. Cách xác định như trên là không chính xác bởi theo lý luận khoa học hình sự và quy định của BLTTHS năm 2015, bị hại có quyền yêu cầu khởi tố vụ án trong những trường hợp nhất định, sau đó vụ án sẽ được giải quyết theo thủ tục chung mà không phụ thuộc yêu cầu của bị hại. Bị hại và người đại diện không có quyền yêu cầu khởi tố bị can trong vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại, thầm quyền khởi tố bị can, đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng khi có căn cứ theo quy định.
Về phía bị hại, đa số các tội thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại là các tội xâm hại sức khỏe, danh dự, nhân phẩm nên nếu bị hại không chủ động trình báo thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng rất khó phát hiện. Vì vậy có trường hợp bị hại không trình báo do sự mất danh dự, nhân phẩm hoặc bị trả thù hoặc trường hợp bị hại dựa vào quyền được yêu cầu khởi tố để uy hiếp người phạm tội…Bên cạnh đó, việc chưa có đủ kiến thức pháp lý dẫn đến việc bị hại nêu quan điểm chưa rõ ràng trong việc yêu cầu khởi tố hay không yêu cầu khởi tố, rút yêu cầu khởi tố hay chỉ là xin giảm nhẹ trách nhiệm cho người phạm tội…gây khó khăn cho các hoạt động giải quyết vụ án.
Ngoài ra, nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự Việt Nam là nguyên tắc công tố, quy định mang tính chất tư tố chưa thật sự được đề cao. Mặc dù BLTTHS năm 2015 đã có những bổ sung thêm những quy định về khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại, tuy nhiên cũng chỉ được ghi nhận ở mức độ và trong phạm vi nhất định. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, các nhà làm luật cần phải cập nhật những vấn đề thực tiễn để bổ sung, thay đổi vào BLTTHS những nội dung, quy định về khởi tố theo yêu cầu của bị hại nhằm tháo gỡ những vướng mắc trên; từ đó nhận thức, đánh giá đúng những giá trị của quy định về khởi tố theo yêu cầu của bị hại nhằm giảm bớt thời gian, chi phí tố tụng, tránh làm cho bị hại phải gánh chịu thêm những thiệt hại về tinh thần, uy tín, danh dự do việc khởi tố vụ án gây ra mà vẫn đạt được mục đích cuối cùng của pháp luật hình sự là giáo dục người phạm tội./.
Theo kiemsat.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận