Vụ kiện hy hữu về một thửa đất có quy hoạch đường cắt đôi
Một thửa đất bị quy hoạch đường cắt ngang nên ông V.H.M chỉ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) phần diện tích không nằm trong quy hoạch. Sau khi chuyển nhượng vài năm thì Nhà nước bỏ quy hoạch, ông M. kiện đòi lại phần đất ở giữa...
Ngày 27/8/2022, Tòa án nhân dân TP. Phú Quốc, Kiên Giang mở phiên xét xử vụ án dân sự sơ thẩm về việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn ông V.H.M và bị đơn gồm ông T.H.L và bà N.T.K.L.
Theo nội dung vụ án, ông M khai, năm 2004 ông có nhận chuyển nhượng 1881m2 đất (tọa lạc tại đường Cách mạng Tháng 8, khu phố 10, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc – nay là P.Dương Đông, TP. Phú Quốc) của một người khác. Năm 2012, ông M được cấp 02 giấy chứng nhận quyền sử đất ở đoạn đầu và đoạn cuối thửa đất đã mua. Đoạn giữa thửa đất (diện tích hơn 275m2) thuộc quy hoạch giao thông nên ông M không được cấp giấy chứng nhận.
Nhận định "không ai mua phần đầu và phần cuối mà để lại phần giữa" là có căn cứ bởi nếu phần đất tranh chấp (viền đỏ) ông M rào chắn và sử dụng thì không có đường vào phần đất phía sau
Tháng 12/2014, ông M chuyển nhượng cho ông T.H.L hai thửa đất được cấp giấy CNQSDĐ. Đối với phần đất ở giữa ông M cho rằng ông không chuyển nhượng cho ông T.H.L và ông đã làm hàng rào ranh giới nhưng trong quá trình sử dụng ông T.H.L và bà N.T.K.L đã bao chiếm toàn bộ phần đất này của ông.
Theo bản án của TAND TP. Phú Quốc, ông M cho rằng đất của ông thì ông rào lại còn “ông L đi đường nào là việc của ông L”.
Lời khai của ông T.H.L thể hiện ông mua hết tổng diện tích đất của ông M. Tuy nhiên, vì phần đất ở giữa bị quy hoạch đường nên chỉ thỏa thuận miệng chứ không thể công chứng như hai phần đầu và cuối. Ông T.H.L khai rằng “do bạn bè tin tưởng với nhau nên khi mua đất hai bên không lập thành văn bản mà chỉ thỏa thuận bằng miệng”.
Ông T.H.L cung cấp bức ảnh và cho biết: "Bức ảnh chứng minh việc ông sử dụng toàn bộ thửa đất chứ không phải chỉ đoạn đầu và đoạn cuối còn đoạn giữa "được rào lại" như ông M trình bày. Quá trình ông L sang ủi mặt bằng cả thửa đất ngay khi nhận chuyển nhượng và cho người thuê để cất nhà cho nhân viên ở, ông M không có bất cứ động thái ngăn chặn nào. Điều đó chứng minh ý chí của ông M là bán trọn thửa đất và cũng chứng minh việc thỏa thuận miệng bán trọn thửa là có cơ sở".
Đến năm 2016, ông L đã chuyển nhượng lại toàn bộ 3 thửa đất này lại cho bà N.T.K.L và ông M không tranh chấp. Bên cạnh đó, ông T.H.L cũng hứa sẽ hỗ trợ bà N.T.K.L hợp thức hóa phần diện tích ở giữa.
Trưởng ban khu phố 10 ông N.Đ.T biết rõ nguồn gốc đất và quá trình chuyển nhượng từ ông M qua ông T.H.L và từ ông L sang bà N.T.K.L. Người công tác ở khu phố 10 từ năm 2005 đến hiện tại khai với Tòa án rằng “ông M được cấp 2 giấy CNQSDĐ là do miếng đất nằm giữa là đất nằm trong quy hoạch làm đường, nhưng khi sử dụng là sử dụng toàn bộ không thể tách rời. Khi ông M sử dụng là sử dụng toàn bộ, đến ông L, rồi bà N.T.K.L cũng sử dụng toàn bộ như vậy. Quá trình chuyển nhượng các bên thỏa thuận thế nào thì ông không biết”.
Một người dân ngay bên cạnh cũng nhận chuyển nhượng đất tương tự như ông T.H.L khẳng định: Phần đất ở giữa nằm trong quy hoạch nên khi chuyển nhượng thì chủ cũ giao cho người này quản lý và sử dụng luôn. Người này cho biết từ khi ông M giao đất cho ông L quản lý và sử dụng thì không thấy ông M sinh sống hoặc tới lui thửa đất.
Một người dân khác khẳng định với Tòa án: “Việc ông M được cấp giấy CNQSDĐ thế nào thì ông không biết, nhưng khi chuyển nhượng cho ông L là chuyển nhượng toàn bộ thửa đất chứ không ai nhận chuyển nhượng miếng đất phía trước và phía sau mà không mua miếng ở giữa”.
Mặt khác, khi được cấp giấy CNQSDĐ năm 2012, ông M không được cấp phần đất ở giữa, cơ quan chức năng không trả lời bằng văn bản về lý do không được cấp nhưng ông M cũng không có khiếu nại gì về việc không được cấp giấy đối với phần đất này.
Từ những căn cứ trên, HĐXX nhận định rằng ông M đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông T.H.L là toàn bộ diện tích đất (bao gồm cả phần đất ngoài giấy chứng nhận). Từ đó, khẳng định yêu cầu khởi kiện của ông M là không có cơ sở nên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông M. Tạm giao phần đất ngoài sổ cho bà N.T.K.L quản lý và sử dụng.
Căn cứ theo quy định về việc bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình, Luật sư Đặng Khoa Nam (Công ty luật TNHH MTV Artemis) cho rằng kể cả Tòa án có nhận định rằng ông V.H.M không chuyển nhượng phần đất nằm ngoài sổ cho ông T.H.L thì bà N.T.K.L vẫn được giao quản lý và sử dụng phần đất ngoài sổ này. Bởi phần đất này là sử dụng không thể tách rời.
Đây là vụ tranh chấp có lẽ mang đặc thù Phú Quốc, hiện có hàng trăm trường hợp tương tự nhưng không xảy ra tranh chấp, nên quá trình giải quyết vụ án này được người dân địa phương chăm chú theo dõi. Kết quả xét xử sơ thẩm của Tòa án được nhiều người được dân đồng tình, ủng hộ...
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi, bình luận của quý độc giả!
Ông L san ủi trên phần giữa thửa đất - Ảnh: TL
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
1 Bình luận
Diễm Nguyễn thị
08:27 22/12.2024Trả lời