Không áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu sung vào ngân sách nhà nước đối với số tiền 12.280.000 đồng

​​​​​​​Qua nghiên cứu bài viết “Xử lý số tiền bị chiếm đoạt nhưng chủ sở hữu, bị hại không yêu cầu trả lại tài sản” của tác giả Nguyễn Thị Kim Phượng, đăng ngày 05/4 và các ý kiến trao đổi, tôi cho rằng trong vụ án này, không áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu sung vào ngân sách nhà nước đối với số tiền 12.280.000 đồng.

Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng như sau:

Thứ nhất, vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội. Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có là những vật, tiền mà người phạm tội có được thông qua việc thực hiện hành vi phạm tội. Ví dụ: vật, tiền do tham ô tài sản, nhận hối lộ mà có, do tiêu thụ tài sản của người phạm tội… hoặc do người phạm tội mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có là trường hợp sau khi có được vật, tiền người phạm tội đã thông qua một bước nữa là dùng chính vật, tiền có được để thực hiện một giao dịch khác. Ví dụ: Dùng tiền nhận hối lộ để mua nhà, mua xe hay đổi vật mình thực hiện hành vi phạm tội có được lấy những vật khác…

Khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội là khoản lợi phát sinh từ việc phạm tội mà có, sau khi thực hiện hành vi phạm tội người phạm tội đã dùng vật, tiền mà mình có được để phát sinh lợi nhuận như cho vay lấy lãi, gửi tiết kiệm… 

Qua nghiên cứu một số bản án xét xử thời gian gần đây có liên quan đến việc áp dụng biện pháp tư pháp, tác giả nhận thấy việc tịch thu hay không tịch thu số tiền trên của Hội đồng xét xử khi ra bản án vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, dựa trên nhận thức chủ quan chứ chưa có một chuẩn mực pháp lý cụ thể. Điển hình một số Bản án sau đây:

- Bản án số 158/2018/HSST ngày 29/6/2018 của TAND Quận T, thành phố H có nội dung: Nguyễn Văn Th thực hiện 03 vụ trộm cắp tài sản với nhiều tài sản khác nhau, các tài sản trộm cắp được Th đã mang bán cho anh Nguyễn Thanh V được 1.200.000 đồng, bán cho anh Nguyễn Hữu H được 1.200.000 đồng, một số tài sản thu hồi được và một số không thu hồi được. Tại phiên tòa chỉ có bị hại Phương Sanh D yêu cầu bồi thường, các bị hại khác không yêu cầu bồi thường, anh Nguyễn Hữu H và anh Nguyễn Thanh V cũng không yêu cầu bồi hoàn lại số tiền mua tài sản trên nên Tòa án chỉ buộc Th bồi thường cho anh Phương Sanh D, còn lại không xem xét giải quyết, cũng không áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu số tiền mà Th đã có được khi bán tài sản.

- Bản án số 95/2018/HSST ngày 16/7/2018 của TAND thành phố U tỉnh Q có nội dung: Lê Thanh L và Phạm Văn C thực hiện hành vi trộm cắp tài sản là cây mai cảnh đem bán được số tiền 1.200.000 đồng cho anh B và anh D, tại phiên Tòa anh B và anh D không yêu cầu các bị cáo hoàn trả lại số tiền nêu trên, đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng điểm a, b khoản 1 Điều 47 BLHS, khoản 2 Điều 106 BLTTHS truy thu sung quỹ nhà nước số tiền 1.200.000đ mà bị cáo bán 02 cây mai cảnh là khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội và được Tòa án chấp nhận.

- Bản án số 72/2018/HS-ST ngày 28/8/2018 của TAND huyện K, tỉnh H có nội dung: Nguyễn Phương P thực hiện nhiều hành vi trộm cắp tài sản tại Bệnh viện đa khoa huyện K, tỉnh H, tài sản có được P bán lấy tiền tiêu xài trong đó có 01 chiếc điện Nokia 2  P cầm cố cho chị Hoàng Thị K với giá 500.000 đồng, trong vụ án các bị hại không yêu cầu bị cáo phải trả giá trị các tài sản không thu hồi được và tự nguyện cho bị cáo, chị K không yêu cầu không yêu cầu bị cáo hoàn lại số tiền 500.000 đồng nói trên. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng điểm b khoản 1 Điều 47 BLHS truy thu của bị cáo số tiền 500.000 đồng thu lợi bất chính sung vào ngân sách nhà nước và được Tòa án chấp nhận.

Từ một số nhận định và áp dụng pháp luật trong việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước trong các ví dụ nêu trên đã cho thấy, về tính chất cũng như tình tiết vụ án là giống nhau nhưng việc áp dụng khoản 1 Điều 47 BLHS để tịch thu sung quỹ nhà nước với nhận định đó là số tiền thu lợi bất chính của các Tòa án là khác nhau, cũng như nhầm lẫn giữa khái niệm vật, tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có hay khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội. Như vậy, có người phạm tội thì bị tịch thu có người lại không bị tịch thu.

Hiện nay, dựa trên hướng dẫn tại Điều 3 Công văn 233/TANDTC-PC năm 2019 về trao đổi nghiệp vụ như sau:

Về việc xử lý tài sản bị chiếm đoạt trong trường hợp tại phiên tòa dù đã được Hội đồng xét xử giải thích quyền được đòi lại tài sản bị chiếm đoạt, yêu cầu bồi thường nhưng bị hại có ý kiến không yêu cầu bị cáo trả lại tài sản đó và cũng không yêu cầu bị cáo phải bồi thường

Theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 47 của Bộ luật Hình sự về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm thì:

“1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:

a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;

b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;

c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành.

2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.”

Theo quy định trên thì vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép thì không thuộc trường hợp tịch thu sung vào ngân sách nhà nước mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 194 của BLDS thì: “Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản”.

Như vậy, trong trường hợp tại phiên tòa dù đã được Hội đồng xét xử giải thích quyền được đòi lại tài sản bị chiếm đoạt, yêu cầu bồi thường nhưng bị hại có ý kiến không yêu cầu bị cáo phải trả lại tài sản đó và cũng không yêu cầu bị cáo phải bồi thường thì Tòa án không tuyên tịch thu tài sản đó mà ghi nhận ý kiến của bị hại trong bản án.

Từ các phân tích trên, đối với vụ án này, tôi cho rằng việc người bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không yêu cầu người phạm tội trả lại thì không cần đặt vấn đề giải quyết vì đây là nghĩa vụ dân sự do các bên đã tự thỏa thuận, Tòa án có thể ghi nhận ý kiến của bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong bản án và cân nhắc áp dụng thêm hình phạt bổ sung là hình phạt tiền tùy vào điều kiện thi hành án của bị cáo chứ không áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu sung vào ngân sách nhà nước đối với số tiền 12.280.000 đồng.

 

PHẠM MINH ĐÔ (Tòa án Quân sự Quân khu 7)

Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk xét xử vụ án Trộm cắp tài sản- Ảnh: Xuân Cường